Bài học rút ra từ văn bản Trái Đất - cái nôi của sự sống

Hãy luôn nhớ cảm ơnvote 5*
nếu câu trả lời hữu ích nhé!

Bài học rút ra từ văn bản Trái Đất - cái nôi của sự sống
Đặt câu hỏi

* Trước khi đọc

Câu 1 (trang 78 sgk Ngữ văn 6 tập 2)

- Bài hát “Trái Đất này là của chúng mình” – Trương Quang Lục. 

- Ấn tượng, cảm xúc: Yêu quý, thương mến, … 

- Để hiểu biết và yêu quý hơn hành tinh xanh này, chúng ta cần phải tìm đến những nguồn thông tin khác hay loại tài liệu khác như: báo, tạp chí, sách khoa học, …

Câu 2 (trang 78 sgk ngữ văn 6 tập 2)

- Sự sống muôn màu: sự sống trên Trái Đất đa dạng, phong phú với nhiều loài thực vật, động vật và cả con người. 

Ví dụ: Thế giới hữu sinh thật muôn màu muôn vẻ. 

+ Có loài chỉ có thể quan sát được bằng kính hiển vi như vi sinh vật. Có loài mang kích thước khổng lồ: cây bao báp, cá voi xanh, khủng long,… Có vô số loài thực vật, động vật sinh sôi nảy nở,…Tất cả tồn tại, phát triển theo những quy luật sinh học lạ lùng, bí ẩn. 

+ Con người – đỉnh cao tiến hóa của vật chất sống trên Trái Đất. Sự xuất hiện của loài người dường như có quan hệ với khởi nguồn của một đại dương ở Đông Phi. Từ khi xuất hiện trên Trái Đất, loài người đã không ngừng đấu tranh để tồn tại và phát triển. Với năng lực trí tuệ ngày càng hoàn thiện, con người đã vươn lên làm chủ thiên nhiên, đạt được những thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực hoạt động.

Trái Đất là một hành tinh xanh tràn đầy sự sống và là cái nôi diệu kỳ của sự sống. 

I. Tìm hiểu chung

- Tác giả: Hồ Thanh Trang.

- Tác phẩm: Báo điện tử Đất Việt - Diễn đàn của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, 9/2020.


* Gợi ý trả lời câu hỏi trong bài đọc: 

1. Theo dõi: Phần sa-pô với những dòng chữ in đậm.   

- Phần sa-pô: chính là phần nội dung mở đầu nằm ở phía trên cùng của bài viết. Đoạn sa-pô có thể được viết bởi 1 hoặc nhiều câu văn hoàn chỉnh khác nhau. Những câu văn này có thể ngắn, có thể dài nhưng nó phải mang tính khái quát để người đọc hiểu được nội dung phần thông tin mà người viết cung cấp phía dưới.

­- Trong văn bản “Trái Đất – cái nôi của sự sống”, phần sa-pô đưa ra dưới dạng hàng loạt các câu hỏi: “Vì sao Trái Đất thường được gọi là hành tinh xanh? Trên hành tinh ấy, sự sống đã nảy nở tốt đẹp như thế nào? Con người có thể làm gì để bảo vệ Trái Đất?” 

2. Theo dõi: Văn bản được triển khai với nhiều đề mục in đậm    

- Các đề mục in đậm: 

+ Trái Đất trong hệ Mặt Trời 

+ “Vị thần hộ mệnh” của sự sống trên Trái Đất

+ Trái Đất – nơi cư ngụ của muôn loài

+ Con người trên Trái Đất 

+ Tình Trạng Trái Đất hiện ra sao? 

3. Theo dõi: Những miêu tả về sự hiện diện của nước trên Trái Đất.   

- Nước chính là “vị thần hộ mệnh” của sự sống trên Trái Đất. 

- Nhờ có nước, đặc biệt là dạng lỏng, Trái Đất trở thành nơi duy nhất trong hệ Mặt Trời có sự sống….

- Hành tinh của chúng ta quả là giàu nước: 

+ Nước bao phủ gần ¾ ….vô cùng phức tạp. 

4. Theo dõi: Sự sống trên Trái Đất phong phú như thế nào?   

- Có loài chỉ có thể quan sát được bằng kính hiển vi như vi sinh vật. Có loài mang kích thước khổng lồ: cây bao báp, cá voi xanh, khủng long,… 

- Có vô số loài thực vật, động vật sinh sôi nảy nở,…

- Tất cả tồn tại, phát triển theo những quy luật sinh học lạ lùng, bí ẩn. 

5. Theo dõi: Vì sao có thể khẳng định con người là đỉnh cao kì diệu của sự sống trên Trái Đất? 

- Con người là đỉnh cao kì diệu của sự sống vì: 

+ Con người là động vật bậc cao, có não và hệ thần kinh phát triển nhất, có ý thức, có tình cảm, có ngôn ngữ, biết tổ chức cuộc sống theo hướng tích cực…. 

6. Suy luận: Ý sau cùng của bài có lạc đề không?    

- Ý sau cùng này không lạc đề. Nó chứa đựng 2 nội dung: 

+ Xác định lí do làm vật lên lời tự vấn nhức nhối. 

+ Phát biểu nhận thức của bản thân về vấn đề.   

II. Đọc hiểu văn bản

1. Trái Đất - một hành tinh 

a) Trái Đất trong hệ Mặt Trời

- Là một hành tinh trong hệ Mặt Trời. 

- Vừa tự quay quanh trục của nó (một vòng hết 23.934 giờ), vừa quay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo hình e-lip (vận tốc ~ 30km/s, hết 365.25 ngày).

b) Nước và sự sống trên Trái Đất

- Nhờ có nước, Trái Đất là nơi duy nhất có sự sống.

- Nước bao phủ gần 3/4 bề mặt Trái Đất. 

- Nếu không có nước, Trái Đất chỉ là hành tinh khô chết, trơ trụi. 

- Nhờ nước, sự sống trên Trái Đất phát triển dưới nhiều dạng phong phú.

2. Sự sống trên Trái Đất

a) Trái Đất - nơi cư ngụ của muôn loài

- Kích thước của sinh vật tồn tại trên Trái Đất vô cùng đa dạng.

- Động vật được con người khai thác hằng ngày để phục vụ cho cuộc sống của mình.

- Tất cả mọi dạng sự sống đều tồn tại, phát triển theo những quy luật sinh học lạ lùng, bí ẩn.

b) Con người trên Trái Đất

- Con người là đỉnh cao kì diệu của sự sống,

- Con người cải tạo tự nhiên khiến nó "người" hơn, thân thiện hơn.

- Đáng buồn thay, con người đã khai thác thiên nhiên bừa bãi, gây ảnh hưởng xấu đến sự sống trên Trái Đất.

c) Tình trạng Trái Đất

- Hiện tại, Trái Đất đang bị tổn thương bởi nhiều hành động vô ý thức, bất chấp của con người.

- Hậu quả: Hoang mạc xâm lấn, động vật tuyệt chủng, rác thải ngập tràn, khí hậu nóng dần, nước biển dâng nhấm chìm nhiều thành phố, cánh đồng, tầng ô-dôn thủng, ô nhiễm, đe dọa sự sống muốn loài.

- Câu hỏi nhức nhối: Trái Đất có thể chịu đựng đến bao giờ? Con người đứng trước thách thức lớn.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Trái Đất với "vị thần hộ mệnh" nước là hành tinh mang sự sống của muôn loài. Tuy nhiên con người đang dần phá hoại Trái Đất, khiến nó bị tổn hại nhiều. Điều này là nguy cơ lớn đối với muôn loài và chính con người.

2. Nghệ thuật

Văn bản đa phương tiện luận điểm rõ ràng, số liệu xác thực, hình ảnh hấp dẫn...

* Câu hỏi cuối bài

1. Liệt kê theo hình thức gạch đầu dòng những thông tin chủ yếu mà văn bản đưa đến cho người đọc.

- Trái Đất là một trong tám hành tinh của hệ Mặt Trời.

- Nước chiếm 2/3 bề mặt Trái đất. Nhờ có nước sự sống trên Trái đất phát triển dưới nhiều dạng phong phú, từ vi sinh vật mang cấu tạo đơn giản đến động vật bậc cao có hệ thần kinh vô cùng phức tạp.

- Trái Đất là nơi cư ngụ của muôn loài. Tất cả mọi dạng tồn tại của sự sống đều tồn tại, phát triển theo những quy luật sinh học bí ẩn. 

- Con người là đỉnh cao kỳ diệu của sự sống trên trái đất. Con người là động vật bậc cao có tình cảm, ngôn ngữ, biết tổ chức cuộc sống theo hướng tích cực. Tuy nhiên, cũng chính con người đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến Trái đất bằng hành động khai thác thiên nhiên một cách bừa bãi.

- Tình trạng của Trái Đất đang từng ngày từng giờ bị tổn thương. Câu hỏi Trái đất có thể chịu đựng được đến bao giờ là câu hỏi nhân loại không thể làm ngơ. 

2. Các bức tranh đã hỗ trợ gì cho em trong việc nắm bắt thông tin của văn bản

Bức tranh 1: Cuộc sống thiên nhiên hoang dã, xanh ngắt, trong lành của các loài động vật.

Bức tranh 2: Con người tấp nập xây tháp Ba-ben. Cuộc sống có sự can thiệp, phát triển bằng cách xây dựng của con người.

3. Phần 2 (“Vị thần hộ mệnh” của sự sống trên Trái Đắt) tập trung thông tin về vấn đề gì? Việc nói về vấn đề đó liên quan như thế nào đối với hướng triển khai những nội dung khác ở các phần kế tiếp?

Phần 2 (“Vị thần hộ mệnh” của sự sống trên Trái Đắt) tập trung thông tin về vấn đề:

- Trái Đất là cái nôi của sự sống, nước bao phủ trên 2/3 bề mặt Trái đất: Nước trong các lòng đại dương, nước đông cứng thành những khối băng ở hai địa cực, nước tuôn chảy ở các sông ngòi khắp các hệ thống sông trên các lục địa.

- Nếu không có nước thì Trái Đất chỉ là một hành tinh khô chết. Nhờ có nước, sự sống trên khắp hành tinh vô cùng phong phú.

Việc nói về vấn đề đó liên quan đối với hướng triển khai những nội dung khác ở các phần kế tiếp. Phần 3, phần 4 tác giả nêu vấn đề chính vì cuộc sống phát triển và vô cùng phong phú nhờ tài nguyên nước, nên các loài động vật cũng phát triển phong phú theo, nhất là động vật bậc cao - con người. Con người sẽ khai thác Trái đất để phục vụ những mục đích khác nhau. Trong đó có cả mục đích tích cực và tiều cực.

4. Văn bản đã nói được đầy đủ về sự kì diệu của sự sống trên Trái Đất chưa? Em có thể bổ sung điều gì xung quanh vấn đề này?

Văn bản đã nói bao quát về Trái đất nhưng có thể chưa được đầy đủ về sự kì diệu của sự sống trên Trái Đất. Em có thể bổ sung về vấn đề: Sự tương tác của Trái đất với các hành tinh khác.

5. Bằng hiểu biết của mình, em hãy thêm bằng chứng để khẳng định con người là đỉnh cao sự kỳ diệu của sự sống trên Trái Đất.

Loài người  là loài duy nhất còn tồn tại của phân tông Hominina, thuộc lớp Động vật có vú. Con người là một loài sinh vật có bộ não tiến hóa rất cao cho phép thực hiện các tư duy trừu tượng, ngôn ngữ và xem xét nội tâm. Điều trên kết hợp với một cơ thể đứng thẳng cho phép giải phóng hai chi trước khỏi việc di chuyển và được dùng vào việc cầm nắm, cho phép con người dùng nhiều công cụ hơn tất cả những loài khác.

Cũng như những loài linh trưởng khác, con người là một sinh vật xã hội, sống bầy đàn, có sự phân thứ bậc nhất định xác định từ cọ xát và truyền thống. Hơn thế nữa, con người cũng rất thành thạo việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, để biểu lộ những ý kiến riêng của mình và trao đổi thông tin. Con người tạo ra những xã hội phức tạp trong đó có những nhóm hỗ trợ nhau và đối nghịch nhau ở từng mức độ, có thể từ những cá nhân trong gia đình cho đến những quốc gia rộng lớn. Giao tiếp xã hội giữa con người và con người đã góp phần tạo nên những truyền thống, nghi thức, quy tắc đạo đức, giá trị, chuẩn mực xã hội, và cả luật pháp. Tất cả cùng nhau tạo nên những nền tảng của xã hội loài người. Con người cũng rất chú ý đến cái đẹp và thẩm mỹ, cùng với nhu cầu muốn bày tỏ mình, đã tạo nên những sự đổi mới về văn hóa như nghệ thuật, văn chương và âm nhạc.

Con người cũng được chú ý ở bản năng muốn tìm hiểu mọi thứ và điều khiển tự nhiên xung quanh, tìm hiểu những lời giải thích hợp lý cho những hiện tượng thiên nhiên qua khoa học, tôn giáo, tâm lý và thần thoại. Bản năng tò mò đó đã giúp con người tạo ra những công cụ và học được những kĩ năng mới. Trong giới tự nhiên, con người là loài duy nhất có thể tạo ra lửa, nấu thức ăn, tự may quần áo, và sử dụng các công nghệ kỹ thuật trong đời sống.

6. Làm rõ lý do xuất hiện câu hỏi Trái Đất có thể chịu đựng được đến bao giờ? trong đoạn cuối của văn bản. Câu hỏi đó gợi lên trong em những suy nghĩ gì?

Lý do xuất hiện câu hỏi Trái Đất có thể chịu đựng được đến bao giờ trong đoạn cuối của văn bản là vì con người đã tác động vào Trái Đất, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá nhiều, một cách bừa bãi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tồn tại và phát triển sự sống trên Trái Đất. Câu hỏi dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho con người về việc bảo vệ, giữ gìn hành tinh xanh. 

7. Từ việc đọc hiểu văn bản Trái Đất - cái nôi của sự sống, em rút ra được kinh nghiệm gì về cách đọc một văn bản thông tin?

Từ việc đọc hiểu văn bản Trái Đắt - cái nôi của sự sống, em rút ra được kinh nghiệm về cách đọc một văn bản thông tin: Đọc văn bản thông tin cần nhấn mạnh những phần có đề mục, cách ngắt quãng rõ ràng để phân biệt được rõ từng phần của văn bản. 

* Viết kết nối với đọc 

Hãy viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) về chủ đề Để hành tinh xanh mãi xanh...

     Soi ngược vào những bức tranh phong cảnh đẹp đẽ của đất nước trong thơ ca, chúng ta mới thấy mảnh đất chúng ta đang sinh sống hiện nay bị ảnh hưởng nhiều bởi những hậu quả của ô nhiễm môi trường: mùa thu se se lạnh của Hà Nội bị thay thế bởi cái nóng oi bức mà dai dẳng của mùa hạ, mực nước biển dâng cao gây lũ lụt làm thiệt hại cả về người và của, một số sinh vật tuyệt chủng vì mất nơi sinh sống, không ít người tử vong vì ô nhiễm nguồn nước và không khí,… Thật đáng buồn khi người đầu độc nhân loại và các sinh vật khác trên hành tinh lại được coi là bộ phận sở hữu những phát minh vĩ đại làm thay đổi nền văn minh trên Trái đất. Vì vậy, để hành tinh xanh mãi xanh, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người, mọi công dân trên hành tinh xanh này. Chúng ta phải cùng nhau chung tay thì mới có thể tạo ra tác động đủ lớn giúp đẩy lùi và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chính bản thân và các sinh vật khác.


Page 2

      Một câu chuyện có thể được nhiều người chứng kiến, đánh giá và kể lại theo những cách khác nhau. Hãy hình dung xem những chuyện cổ tích mà em đã học có thể được kể lại như thế nào. Đóng vai một nhân vật trong câu chuyện là một trong những cách làm cho chuyện kể trở nên khác lạ, thú vị và tạo ra hiệu quả bất ngờ. Em có muốn trải nghiệm những điều khác lạ, thú vị và bất ngờ như vậy không? 

Yêu cầu đối với bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích 

- Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất. Người kể chuyện đóng vai một nhân vật trong truyện. 

- Khi kể có tưởng tượng, sáng tạo thêm nhưng không thoát li truyện gốc; tránh làm thay đổi, biến dạng các yếu tố cơ bản của cốt truyện ở chuyện gốc.

- Cần có sự sắp xếp hợp lý các chi tiết và bảo đảm có sự kết nối giữa các phần. Nên nhấn mạnh khai thác nhiều hơn các chi tiết tưởng tượng, hư cấu, kì ảo.

- Có thể bổ sung các yếu tố miêu tả, biểu cảm để tả người, tả vật hay thể hiện cảm xúc của nhân vật. 



Phân tích bài viết tham khảo: Đóng vai nhân vật kể lại một phần truyện Thạch Sanh. 

- Kể lại câu chuyện theo ngôi kể thứ nhất (xưng "ta", nhập vai Thạch Sanh sau khi lên ngôi vua).

- Các chi tiết được sắp xếp theo trình tự thời gian, tập trung vào các chi tiết kì ảo.

- Kể theo diễn biến chính của truyện gốc, có sáng tạo thêm (lời kể, một số chi tiết,...).

- Tập trung khai thác thác những suy nghĩ, hành động cụ thể của nhân vật được đóng vai.

Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a) Chọn ngôi kể và đại từ tương ứng

Khi đóng vai nhân vật, kể lại câu chuyện, ngôi kể sẽ là ngôi thứ nhất. Tuy nhiên, em có thể chọn những từ khác nhau để chỉ ngôi thứ nhất: ta, tôi, mình, tớ,... phù hợp với địa vị, giới tính,... của nhân vật em đóng vai cũng như bối cảnh kể.

b) Chọn lời kể phù hợp

- Khi kể lại chuyện trong vai một nhân vật cụ thể, em cần xác định được giới tính, tuổi tác, địa vị,... của nhân vật đã lựa chọn lời kể phù hợp (cách xưng hô, dùng từ ngữ,...).

- Tính chất lời kể vui, buồn, thân mật, nghiêm trang,... cũng cần phù hợp với nội dung câu chuyện được kể, bối cảnh kể.

c) Ghi những nội dung chính của câu chuyện

- Cần ghi nhớ và tôn trọng những chi tiết đã biết về nhân vật cũng như cốt truyện gốc.

- Dự kiến những yếu tố, chi tiết sẽ được sáng tạo thêm.

- Có thể tóm tắt các sự kiện, tình tiết theo thứ tự trước sau để dễ dàng ghi nhớ và kể lại.

d) Lập dàn ý

Sau khi đã chuẩn bị theo các bước như trên, hãy lập một dàn ý cho bài viết theo gợi ý dưới đây:

- Mở bài: Đóng vai nhân vật để tự giới thiệu sơ lược về mình và câu chuyện định kể.

- Thân bài: Kể lại diễn biến của câu chuyện.

+ Xuất thân của các nhân vật.

+ Hoàn cảnh diễn ra câu chuyện.

+ Diễn biến chính:

  • Sự việc 1.
  • Sự việc 2.
  • Sự việc 3.
  • ...

- Kết bài: Kết thúc câu chuyện và nêu bài học được rút ra từ câu chuyện.

2. Viết bài

Khi viết bài, cần lưu ý:

- Nhất quán về ngôi kể: Trong bài này, em sẽ vào vai người kể chuyện ngôi thứ nhất để lể lại câu chuyện.

- Kể lại câu chuyện: Dựa vào truyện gốc (nhân vật, sự kiện, ngôn ngữ,...) nhưng hãy cố gắng sáng tạo ở những chỗ cho phép (chi tiết hóa, cụ thể hóa những chỗ truyện gốc còn chung chung; gia tăng yếu tố kì ảo, tưởng tượng; tăng cường bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc, đánh giá của người kể chuyện gia tăng việc miêu tả, bình luận, liên tưởng,...).

3. Chỉnh sửa bài viết

Xem lại và chỉnh sửa bài viết theo một số gợi ý sau đây:

Yêu cầu

Gợi ý chỉnh sửa

Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất. Người kể chuyện đóng vai một nhân vật trong truyện.

Rà soát để bảo đảm sự chính xác và thống nhất về người kể chuyện, ngôi kể, từ ngữ, xưng hô. Nếu chưa chính xác và thống nhất, cần chỉnh sửa.

Có sự tưởng tượng, sáng tạo thêm nhưng không thoát li truyện gốc; tránh làm thay đổi, biến dạng các yếu tố cơ bản của cốt truyện ở truyện gốc.

Đánh dấu các diễn biến chính, các chi tiết được lấy từ truyện gốc; kiểm tra tính chính xác của chúng. Nếu chưa chính xác thì cần sửa lại cho đúng với truyện gốc.

Kiểm tra tính hợp lí, nhất quán giữa các chi tiết được sáng tạo thêm với truyện gốc (quan hệ nhân quả, trật tự thời gian,...). Nếu chưa phù hợp, cần sửa lại.

Cần có sự sắp xếp hợp lí các chi tiết và bảo đảm có sự kết nối giữa các phần.

Rà soát trình tự lô-gic và sự kết nối giữa các chi tiết, các đoạn, các phần. Chỉnh sửa nếu chưa hợp lí.

Cần bổ sung các yếu tố miêu tả, biểu cảm để tả người, tả vật hay thể hiện cảm xúc của nhân vật.

Kiểm tra các yếu tố miêu tả, biểu cảm. Nếu chưa có hoặc chưa đủ thì cần bổ sung.

Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt.

Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu,...). Chỉnh sửa nếu phát hiện có lỗi.

Gợi ý:

         Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân. Vì chăm chỉ làm lụng nên bố mẹ tội cũng có bát ăn bát để, hi vọng sau này cho anh em tôi làm vốn sinh nhai. Nhưng rồi cha mẹ tôi mất đột ngột. Anh trai tôi đã không làm như lời cha mẹ dặn trước lúc lâm chung là chia đều tài sản cho hai anh em mà chiếm hết gia tài, chỉ để lại cho tôi một túp lều nhỏ và cây khế còi cọc ở góc vườn.

           Tôi chấp nhận mà không hề kêu ca, than phiền gì. Hằng ngày, tôi phải mò cua bắt ốc, cày thuê, cuốc mướn để sống. Cây khế trở thành tài sản quý giá nhất và là người bạn thân thiết của tôi. Tôi chăm sóc nó chu đáo, tận tình như người bạn. Vì vậy mà cây khế lớn rất nhanh và chẳng bao lâu đã ra hoa kết quả. Đến mùa khế chín, những chùm khế chín vàng óng, thơm lừng báo hiệu một mùa khế bội thu. Không thể nào nói hết được niềm hạnh phúc của mọi người trong gia đình tôi. Tôi đã đan những chiếc sọt để ngày mai đem khế ra chợ đổi lấy gạo. Sáng hôm đó, khi vừa thức dậy, tôi đã nhìn thấy trên cây khế có một con chim to với bộ lông sặc sỡ đang ăn những quả khế chín. Lòng tôi đau như cắt. Tôi chạy đến dưới gốc cây và nói: “Chim ơi! Ngươi ăn khế của ta thì gia đình ta biết lấy gì để sống?”. Chim bỗng ngừng ăn và cất tiếng trả lời: “Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang mang đi và đựng”. Nói rồi chim bay đi. Tôi không tin lắm vào chuyện lạ lùng đó nhưng vẫn bảo vợ may cho mình một chiếc túi ba gang. Sáng hôm sau, chim đến từ sớm và đưa tôi ra một hòn đảo nhỏ giữa biển. Tôi không thể tin vào những gì hiện ra trước mắt. Cả hòn đảo toàn vàng bạc châu báu chất đống. Cả hòn đảo ánh lên màu vàng làm tôi bị lóa mắt. Không hề có một bóng người. Tôi cảm thấy lo sợ, cứ đứng yên một chỗ. Nhưng rồi chim vỗ cánh và giục giã: “Anh hãy lấy vàng bạc, châu báu vào túi, rồi tôi đưa về.”. Lúc đó tôi mới dám nhặt vàng cho vào đầy túi ba gang rồi lên lưng chim để trở về đất liền.

Từ đó, gia đình tôi không còn phải ăn đói mặc rách nữa. Tôi dựng một căn nhà khang trang ngay trong khu vườn, nhưng vẫn giữ lại túp lều và cây khế.

Tôi dùng số của cải đó chia cho những người dân nghèo khổ trong làng. Cũng không hiểu sao từ bữa đó, chim không còn đến ăn khế nữa. Cây khế bây giờ đã to lớn, toả bóng mát xuống cả một góc vườn. Mùa khế nào tôi cũng chờ chim thần đến để bày tỏ lòng biết ơn.

Tiếng lành đồn xa, câu chuyện lan đến tai người anh trai tôi. Một sáng, anh đến nhà tôi rất sớm. Đây là lần đầu tiên anh tới thăm tôi kể từ ngày bố mẹ mất. Anh đòi tôi đổi toàn bộ gia sản của anh lấy túp lều và cây khế. Tôi rất buồn khi phải chia tay với căn nhà và cây khế. Nhưng trước lời cầu khẩn của anh, tôi đành bằng lòng. Cả gia đình anh chuyển về túp lều cũ của tôi. Ngày nào anh cũng ra dưới gốc khế chờ chim thần đến. Mùa khế chín, chim cũng trở về ăn khế. Vừa thấy chim, anh tôi đã khóc lóc, kêu gào thảm thiết và đòi chim phải trả vàng. Chim cũng hứa sáng mai sẽ đưa anh tôi ra đảo vàng và dặn may túi ba gang. Tối hôm đó, anh tôi thức cả đêm để may túi mười gang ngày mai đi lấy vàng. Sáng hôm sau, vừa ra tới đảo vàng, anh tôi đã hoa mắt bởi vàng bạc châu báu của hòn đảo. Anh tôi vội nhét vàng vào đầy túi mười gang, vào túi quần, túi áo và mồm cũng ngậm vàng nữa. Trên đường trở về nhà, chim nặng quá, kêu anh tôi vứt bớt vàng xuống biển cho đỡ nặng. Vốn tính tham lam, anh không những không vứt bớt xuống mà còn bắt chim bay nhanh hơn. Nặng quá, chim càng lúc càng mệt. Đôi cánh trở nên quá sức, yếu dần. Cuối cùng, không còn gắng được nữa, chim chao đảo rồi hất luôn người anh xuống biển cùng với số vàng.

   Tôi trở lại sống ở nhà cũ, cùng túp lều và cây khế. Nhưng chim thần không bao giờ còn quay trở lại nữa… Anh trai tôi đã không thể quay trở về chỉ vì lòng tham vô đáy. Một nỗi buồn man mác dâng lên trong lòng tôi.

Bài làm thăm khảo:

      Tôi là Thái tử, con Ngọc Hoàng. Biết dưới trần gian có 2 vợ chồng già tốt bụng mà chưa có con, Ngọc Hoàng liền cho tôi xuống đầu thai để làm con của ông bà cụ. Mẹ tôi dưới trần gian mang thai tôi mấy năm mà chưa sinh. Sau đó, cha tôi lâm bệnh chết. Không lâu sau, mẹ mới sinh ra tôi, một bé trai kháu khỉnh. Mẹ đặt tên cho tôi là Thạch Sanh.

      Khi tôi lớn khôn thì mẹ tôi cũng mất. Tôi sống lủi thủi trong túp lều cũ dựng dưới gốc đa. Cả gia tài của tôi chỉ là chiếc búa cha tôi để lại. Khi còn sống, cha tôi dùng chiếc búa ấy để chặt củi bán kiếm sống qua ngày. Khi tôi biết dùng búa thì Ngọc Hoàng sai thiên thần xuống dạy cho tôi đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông.

Một hôm, có người hàng rượu tên là Lý Thông đi qua chỗ tôi. Thấy tôi gánh về một gánh củi lớn. Lý Thông lân la gợi chuyện và nói kết nghĩa anh em với tôi. Mồ côi cha mẹ nên khi Lý Thông nói muốn kết nghĩa anh em với tôi, tôi vui vẻ nhận lời. Lý Thông là anh còn tôi là em. Tôi từ giã gốc đa, đến sống chung với mẹ con Lý Thông. Đi kiếm củi về, tôi thấy mâm cơm có rất nhiều thức ăn ngon. Chưa hiểu nhà có việc gì thì anh Lý Thông nói với tôi: “Đêm nay, đến phiên anh canh miếu thờ, ngặt vì dở cất mẻ rượu, em chịu khó thay anh, đến sáng thì về”. Tôi vui lòng nhận lời ngay. Nửa đêm, tôi đang lim dim mắt thì một con chằn tinh hiện ra. Nó nhe răng, giơ vuốt định vồ lấy tôi. Tôi nhanh tay vớ lấy búa đánh lại. Chằn tinh hóa phép, thoắt biến, thoắt hiện. Tôi không nao núng, dùng nhiều võ thuật đánh con quái vật. Cuối cùng, tôi giết được chằn tinh. Chằn tinh hiện nguyên hình là một con trăn khổng lồ. Nó chết để lại bên mình bộ cung tên bằng vàng. Tôi chặt đầu quái vật và nhặt bộ cung tên bằng vàng rồi xách đầu quái vật về nhà. Tôi gọi cửa mãi anh Lý Thông mới ra mở cửa. Không hiểu sao mẹ con anh Lý Thông cứ van lạy tôi rối rít. Khi vào nhà, tôi kể đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, anh Lý Thông nói với tôi: “Con trăn ấy là của vua nuôi đã lâu. Nay em giết nó, tất không khỏi bị tội chết. Thôi, bây giờ nhân trời chưa sáng em hãy trốn đi ngay đi. Có chuyện gì để anh ở nhà lo liệu”. Tôi tin ngay và trở về túp lều dưới gốc đa ngày nào. Tôi lại sống bằng nghề kiếm củi.

Một hôm, tôi đang ngồi dưới gốc đa thì trông thấy một con đại bàng quắp một người con gái. Tôi liền lấy cung tên vàng ra bắn con đại bàng. Mũi tên trúng vào cánh làm nó bị thương. Nhưng nó vẫn cố bay về hang trong núi. Theo vết máu, tôi tìm được chỗ ở của con đại bàng. Nghe có lễ hội đông vui, tôi liền tìm đến xem. Nào ngờ, ở đó, tôi gặp anh Lý Thông. Anh ấy đã kể cho tôi nghe việc tìm công chúa. Tôi thật thà kể cho anh nghe về việc tôi bắn đại bàng và biết được chỗ ở của nó. Anh Lý Thông liền nhờ tôi dẫn đến chỗ đại bàng. Tôi xin được xuống hang cứu công chúa. Quân sĩ lấy dây buộc ngang lưng tôi rồi dòng xuống hang. Xuống tới đáy hang, tôi thấy đại bàng hiện nguyên hình là một con yêu tinh ở trên núi. Tuy bị thương nặng nhưng con quái vật vẫn rất hung dữ. Nó giơ vuốt và lao vào tôi. Tôi dùng cung tên vàng bắn mù hai mắt nó. Tôi chặt đứt vuốt sắc, bổ vỡ đầu con quái vật. Tôi lấy dây buộc ngang người công chúa và ra hiệu cho quân sĩ của Lý Thông kéo lên. Tôi chờ quân sĩ thả dây xuống kéo tôi lên, nào ngờ cửa hang đã bị lấp lại. Lúc đó, tôi mới biết là Lý Thông hại tôi. Tôi cố tìm lối lên. Đi đến cuối hang, tôi thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú bị nhốt trong cũi sắt. Tôi dùng cung tên vàng bắn tan cũi sắt và cứu chàng ra. Chàng trai cho biết mình là thái tử con vua Thủy Tề. Thái tử thoát nạn, cám ơn tôi và mời tôi xuống thủy phủ chơi. Vua Thủy Tề vui mừng được gặp lại con. Biết tôi là người cứu con trai mình, vua Thủy Tề cảm ơn tôi và biếu tôi rất nhiều vàng bạc châu báu. Tôi không lấy vàng bạc châu báu mà chỉ xin một cây đàn, rồi tôi trở về gốc đa. Một hôm, tôi bị quân lính của nhà vua tới và bắt giam tôi vào ngục. Lúc đó, tôi mới biết của cải của nhà vua bị mất trộm và được giấu ở gốc đa nơi tôi ở. Tôi bị bắt vì nhà vua cho là chính tôi đã ăn trộm. Lúc đó tôi mới nghĩ là chính chằn tinh và đại bàng bị giết đã báo thù tôi.

Trong ngục tối, tôi đem đàn vua Thủy Tề cho ra gảy. Không ngờ tiếng đàn của tôi vẳng đến hoàng cung. Nàng công chúa được tôi cứu đòi vua cha cho được gặp người đánh đàn. Nhà vua cho đưa tôi đến. Trước mặt mọi người, tôi kể hết đầu đuôi câu chuyện của mình, từ chuyện kết bạn với Lý Thông, đến chuyện chém chằn tinh, giết đại bàng, cứu công chúa và cuối cùng bị bắt oan vào ngục thất. Cho đến lúc này tôi mới biết chằn tinh không phải vua nuôi mà Lý Thông đã nham hiểm lừa tôi đi chết thay cho hắn. Và lúc này, tôi cũng mới biết, nàng công chúa đã bị câm sau khi được tôi cứu khỏi hang. Nàng chỉ vui cười trở lại khi nghe tiếng đàn của tôi.

Nhà vua cho bắt mẹ con Lý Thông giam lại và giao cho tôi xét xử. Tôi tha cho mẹ con họ nhưng trời chẳng tha. Về đến nửa đường mẹ con Lý Thông bị sét đánh chết, rồi bị hóa kiếp thành bọ hung.

Nhà vua gả công chúa cho tôi. Lễ cưới tưng bừng nhất kinh kì. Hoàng tử các nước chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn lấy làm tức giận, họ hội binh lính của mười tám nước sang đánh. Tôi xin nhà vua đừng động binh. Tôi lấy cây đàn thần ra gảy. Tiếng đàn phân tích điều hơn lẽ thiệt, cái đúng, cái sai. Quân mười tám nước bủn rủn chân tay không còn nghĩ gì đến chuyện đánh nhau nữa. Cuối cùng, các hoàng tử phải cởi giáp xin hàng. Tôi sai dọn một bữa cơm thết đãi những kẻ thua trận. Tôi chỉ cho dọn ra một niêu cơm tí xíu. Cả mấy vạn tướng lính thấy niêu cơm như vậy liền bĩu môi cười. Tôi liền hứa sẽ trọng thưởng cho người ăn hết niêu cơm. Quân mười tám nước ăn mãi, ăn mãi mà niêu cơm không hết. Cơm trong niêu hết thì lại đầy. Tất cả cúi đầu lạy tạ vợ chồng tôi rồi kéo quân về nước.

   Vì không có con trai nối ngôi, nhà vua đã nhường ngôi cho tôi. Từ đó, tôi làm một ông vua tốt và dân chúng có cuộc sống no ấm, yên bình.