Bài tập tâm lí tìm hiểu tập thể học sinh năm 2024

Giáo dục Tiểu học là bậc học nền tảng góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển tình cảm, đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ và thể chất của trẻ em. Đây cũng là giai đoạn cơ sở cho sự phát triển toàn diện nhân cách một con người.

Đối với các em học sinh tiểu học, cuộc sống học đường rất mới mẻ,việc làm quen với môi trường mới, giáo viên mới và các bạn mới thường hấp dẫn, chứa đựng nhiều điều lí thú nhưng cũng tạo ra không ít khó khăn đối với học sinh tiểu học. Việc hiểu rõ yêu cầu của hoạt động học tập, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay, cũng như hiểu rõ về đặc điểm tâm lí của học sinh, khả năng đáp ứng những yêu cầu đó, khó khăn các em có thể gặp phải trong cuộc sống học đường … có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện sớm, hỗ trợ để học sinh đạt được sự phát triển cân bằng và ổn định, thực hiện tốt các dạng hoạt động khác nhau.

Là một giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn nhận thức được vai trò của mình trong việc giúp các em vượt qua những khó khăn về tâm lý. Vậy làm thế nào để nhà trường, các bậc phụ huynh hiểu con em mình và tạo điều kiện để con em mình vượt qua những khó khăn ấy. Chính vì vậy, tôi đã dành thời gian nghiên cứu và xin mạnh dạn đưa ra Giải pháp hỗ trợ học sinh tiểu học khắc phục những khó khăn về tâm lý.

1. Thực trang những khó khăn về tâm lý của hs tiểu học

Học sinh tiểu học đang ở độ tuổi phát triển tâm lý và thể chất. Cảm nhận mọi thứ xung quanh một cách rất nhạy cảm. Do vậy các em có thể gặp phải một số khó khăn đặc trưng trong cuộc sống học đường. Vậy những khó khăn đó là gì? tôi xin phép chia sẻ với các đồng chí 3 khó khăn chính của HS tiểu học đó là :

Thứ nhất Khó khăn trong hoạt động học tập

1.1.Khó khăn trong hoạt động học tập

Hoạt động học tập là một trong những dạng hoạt động đặc thù của con người, để có thể lĩnh hội được kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo, phát triển trí tuệ nhân cách chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt với HS tiểu học.

Những biểu hiện khó khăn phổ biến trong học tập mà học sinh thường gặp như sau:

- Trong lớp, khó tập trung chú ý ( làm việc riêng, hoặc trêu chọc các bạn) và không hiểu bài;

- Không thích học đi học, sợ học, lảng tránh các hoạt động liên quan đến học tập ở trên lớp. (Nhất là HS lớp 1- chưa thích ứng được với môi trường học tập mới)

- Chưa có sự tiến bộ trong một khoảng thời gian nhất định; Việc rèn luyện, thực hiện một số kĩ năng cơ bản (đọc, viết, tính toán…) còn chậm hoặc chưa đạt yêu cầu;

- Chưa hình thành được động cơ học tập phù hợp (động cơ bên ngoài chiếm ưu thế, như học vì được khen, thưởng quà…) hoặc động cơ chưa bền vững.

1.2. Khó khăn trong quan hệ giao tiếp

  1. Trong giao tiếp với người lớn (cha mẹ và giáo viên)

Dù đã đi học mầm non, nhưng nội dung và cách thức giao tiếp của giáo viên tiểu học có điểm khác biệt với GV mầm non.(ở mầm non chơi nhiều hơn học ). Trong mối quan hệ với cha mẹ, dù vẫn được yêu thương, chăm sóc nhưng cha mẹ khắt khe hơn, yêu cầu cao hơn. Một số biểu hiện thường thấy của khó khăn này như sau:

- Khó thiết lập mối quan hệ với giáo viên (chủ yếu thụ động tiếp nhận tác động từ giáo viên, còn chưa chủ động trong mối quan hệ này);

- Không dám hoặc không muốn thể hiện, bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình với cha mẹ và giáo viên;

- Chống đối, không tuân theo các yêu cầu của cha mẹ hoặc giáo viên;

- Có lời nói hoặc hành động thiếu tôn trọng giáo viên, cán bộ, nhân viên trong nhà trường (thiếu lễ phép, nói hỗn, trêu chọc thái quá...);

- E sợ, ngại ngùng, rụt rè, nhút nhát khi bày tỏ ý kiến, nguyện vọng với giáo viên hoặc các lực lượng giáo dục khác trong nhà trường.

  1. Trong giao tiếp với bạn bè

Hai trường hợp khó khăn cơ bản trong quan hệ bạn bè của học sinh tiểu học, gồm học sinh bị bắt nạt và học sinh thích (hoặc bị gán ghép) là thích nhau.

Học sinh bị bắt nạt

Bắt nạt học đường có nhiều hình thức khác nhau:

- Bắt nạt thể chất (đánh đập bằng tay, chân hoặc các phương tiện vũ lực khác);

- Bắt nạt tinh thần (nói xấu, dọa nạt, chê bai nhược điểm cơ thể…);

- Bắt nạt kinh tế (bắt cống nộp vật chất; ngang nhiên lấy hoặc sử dụng đồ mà không được sự đồng ý của bạn);

- Bắt nạt qua mạng (nói xấu, tự ý chụp và đăng ảnh khi nạn nhân không được biết và không cho phép, chế/ghép ảnh với mục đích chế nhạo, dọa nạt…) – HS lớp 5.

Học sinh thích (hoặc bị gán ghép là thích) bạn khác giới

Trong quan hệ bạn bè của học sinh tiểu học, có mối quan hệ giữa các bạn khác giới. Nhìn chung, ở độ tuổi này chưa xuất hiện những rung cảm mang màu sắc giới tính như học sinh ở các giai đoạn lứa tuổi sau, nhưng có 2 trường hợp có thể xuất hiện trong mối quan hệ này:

- Học sinh nam thích học sinh nữ và (hoặc) ngược lại.

- Hai em không thích nhau, cũng không có tình cảm gì đặc biệt nhưng do các bạn trong lớp tự gán ghép cho.

1.3 Khó khăn trong phát triển bản thân

Ở giai đoạn tuổi tiểu học, học sinh đã hình thành và phát triển tự ý thức ở mức độ nhất định nhưng còn chưa hoàn toàn tự lập, tự giác trong sinh hoạt cá nhân; khả năng tự nhận thức, điều chỉnh mình trong các mối quan hệ cũng chưa tốt. Các biểu hiện những học sinh gặp khó khăn này như sau:

- Chưa hình thành được thói quen và nề nếp học tập cần thiết (còn đi học muộn; quên hoặc mất, sách, vở, đồ dùng học tập);

- Kĩ năng tự phục vụ chưa tốt (chưa biết tự chuẩn bị quần áo, sách vở trước khi đến trường; giữ vệ sinh cá nhân chưa tốt; chưa tự bảo quản đồ dùng,…);

- Trong sinh hoạt tập thể, còn ỷ lại, dựa dẫm vào giáo viên và các bạn; hoặc chưa biết cách tham gia một cách phù hợp;

- Chưa biết cách đánh giá được điểm mạnh và hạn chế của bản thân; còn rụt rè, e ngại hoặc thể hiện mình thái quá trong giao tiếp với giáo viên và các bạn.

Việc có thể nắm bắt được đặc điểm tâm lý của học sinh giai đoạn tiểu học là một trong những điều cần thiết mà bất kì một giáo viên hay phụ huynh nào cũng nên quan tâm và chú trọng. Cũng bởi, đây là thời điểm mà các con có những sự nhạy cảm nhất định trong suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Để giúp trẻ phát triển một cách toàn diện nhất, Sau đây tôi xin chia sẻ với quý thầy cô Giải pháp hỗ trợ học sinh tiểu học khắc phục những khó khăn về tâm lý.

2. Giải pháp hỗ trợ học sinh tiểu học khắc phục những khó khăn về tâm lý.

  1. Đối với những học sinh gặp khó khăn trong hoạt động học tập

- Theo dõi sát sao tình hình học tập của học sinh; Đánh giá kịp thời khó khăn mà học sinh gặp phải (khó khăn ở môn gì, kiến thức nào, ở mức độ nào, nguyên nhân gây ra khó khăn…);

- Dạy học tới từng đối tượng học sinh;

- Động viên, khích lệ hoặc khen thưởng kịp thời khi học sinh có tiến bộ;

- Liên hệ với gia đình, trao đổi để cha mẹ nắm được tình hình học tập của con tại trường, lớp; đề nghị cha mẹ cùng phối hợp với giáo viên giúp học sinh từng bước tiến bộ trong học tập;

- Huy động học sinh khác trong lớp cùng giúp đỡ học sinh gặp khó khăn; Lập các nhóm học tập, “đôi bạn cùng tiến” để những bạn học tốt hơn hướng dẫn cho các bạn còn lại, cùng nhau thi đua học tập;

- Tìm ra thế mạnh của học sinh ở những môn học mà em yêu thích hoặc đạt kết quả cao hơn; bồi đắp thêm tính tự tin trong học tập cho em.

- Tổ chức hoạt động trải nghiệm về kĩ năng học tập hiệu quả (cách đọc sách, ghi nhớ, tư duy…) để học sinh lĩnh hội kiến thức.

  1. Đối với những học sinh gặp khó khăn trong quan hệ giao tiếp

* Trong giao tiếp với người lớn (cha mẹ và giáo viên)

- Chủ động làm thay đổi cảm nhận xa lạ ở học sinh; quan tâm, trò chuyện một cách chân thành, cởi mở, trìu mến;

- Nhận diện đặc điểm tâm lí riêng của mỗi học sinh để có cách thiết lập và duy trì quan hệ giao tiếp một cách phù hợp;

- Khích lệ, động viên học sinh bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân; lắng nghe và tôn trọng những cảm xúc đó;

- Nếu học sinh có hành vi giao tiếp chưa đúng mực thì giáo viên xử lí tình huống phù hợp với nguyên tắc giao tiếp sư phạm (không đánh, mắng; mà nên giải thích, hướng dẫn để thiết lập suy nghĩ và hành vi đúng; cho học sinh cơ hội khắc phục, sửa chữa việc làm sai…); không chấp nhặt, “để bụng” những lời nói, hành vi chưa đúng của học sinh mà thành ra có định kiến với các em.

* Trong giao tiếp với bạn bè

- Với học sinh:

+ Gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với học sinh;

+ Lắng nghe để hiểu suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn của học sinh;

+ Trấn an, động viên, cùng phân tích để học sinh nhận thấy điểm mạnh, tự điều chỉnh nhận thức và hành vi ứng xử của của mình, tăng thêm cảm nhận tự tin về bản thân.

- Với cha mẹ học sinh : liên hệ, chia sẻ thông tin, phối hợp với nhà trường và giáo viên để cùng tư vấn, hỗ trợ học sinh;

- Với tập thể lớp:

+ Tổ chức nhiều hoạt động tập thể phong phú, hấp dẫn để tất cả học sinh trong lớp tham gia cùng nhau;

+ Tổ chức các chuyên đề giáo dục kĩ năng sống liên quan đến các chủ đề về tình bạn; kĩ năng giao tiếp trong quan hệ bạn bè; kĩ năng kiểm soát cảm xúc…

  1. Đối với những học sinh khó khăn trong phát triển bản thân

- Quan tâm, trò chuyện với học sinh và cha mẹ học sinh để đưa ra những biện pháp, hình thức giáo dục phù hợp với từng học sinh;

- Rèn những kĩ năng và thói quen tốt cho học sinh (đọc sách, tự bảo quản đồ dùng học tập);

- Tổ chức các phong trào thi đua (Nói không với điện thoại, làm việc nhà giúp mẹ) và có những hình thức khen thưởng phù hợp. Qua đó, học sinh hiểu được điểm mạnh, hạn chế của mình;

3. Kiến nghị, đề xuất:

Những phân tích trên cho thấy, học sinh tiểu học có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống học đường do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Là người giáo viên, chúng ta cần phải bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân và linh hoạt, sáng tạo đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Nhìn chung, đối với HS tiểu học nói chung và HS gặp khó khăn về tâm lý nói riêng, ngoài cương vị là GV, là cha là mẹ, chúng ta hãy là bạn của các con để lắng nghe các con tâm sự, chia sẻ, giãi bày những tâm tư , nguyện vọng của chúng thì mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ.

Bên cạnh đó giáo viên, cha mẹ và các lực lượng giáo dục nên tăng cường sự phối hợp, tạo điều kiện, động viên học sinh học tập, xây dựng bầu không khí tâm lí thoải mái, giúp nâng cao năng lực thích ứng cho học sinh trong giai đoạn học tiểu học.

Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các đồng chí để giải pháp của tôi được hoàn thiện hơn. Xin cảm ơn.

Chủ đề