Bài văn cảm xúc về ngày đầu nhận công tác

Mình khá may mắn, sinh ra trong gia đình khá giả, được học tại một trường đại học quốc tế. Ngay cả so với bạn bè cùng lứa, cùng trường, mình cũng có phần gặp may. Vào học kỳ cuối cùng, trong khi bạn bè ngược xuôi tìm chỗ thực tập, mình đã xin được việc làm toàn thời gian, nhân viên chính thức của một công ty nước ngoài. Nhưng may mắn chỉ đến đó. Tồn tại được ở chỗ làm hay không không phụ thuộc vào may mắn.

Tuần đầu tiên đi làm khá yên ổn. Mình chưa được giao việc gì nhiều, chủ yếu đọc tài liệu training. Dù là công ty quốc tế, chi nhánh khắp nơi trên thế giới nhưng mỗi chi nhánh có số lượng nhân viên rất hạn chế. Văn phòng hồi đó chỉ có một sale manager, một operation manager và bốn nhân viên chăm sóc khách hàng. Mình là một trong bốn nhân viên, dưới sự quản lý của operation manager. Training trực tiếp cho mình ban đầu là một chị supervisor.

Cả nhóm nhân viên xem ra có vẻ nhỏ, nhưng phục vụ cả trăm khách hàng là công ty. Nội những khách hàng thường xuyên làm việc hằng ngày đã hơn 50. Mình làm việc với chị supervisor ở reception của một tầng lầu. Manager và các nhân viên khác ở tầng lầu còn lại. Hai tuần sau khi bắt đầu làm việc, chị sếp gọi mình lên họp riêng. Chị bắt đầu buổi họp bằng nhận xét: “Sau hai tuần em làm việc ở đây, chị chưa nhận được feedback nào tốt về em cả”. Đó là một cú shock đầu đời. Lần đầu tiên đi làm, sau hai tuần cố gắng làm quen với tất cả mọi thứ, cố gắng được việc nhất có thể, tất cả những gì mình nhận được là “chưa thấy gì tốt về em cả”. Chị giải thích: “Trong ngành dịch vụ này, khi em làm việc tốt sẽ không ai nhớ. Nhưng chỉ cần em làm sai một lần thôi, họ sẽ quên hết tất cả những gì em làm đúng và nhớ mãi, nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của em.” Chị sếp sau đó còn nói nhiều lắm, nhưng mắt mình đã nhòe đi. Mình không biết, đó chỉ là sự bắt đầu của ba tháng cảm tưởng như địa ngục.

Nếu không vì cái luận án tốt nghiệp, có lẽ mình đã bỏ chỗ làm đó sau một tháng đầu tiên. Sau đó, chị sếp chuyển mình lên ngồi cạnh để trực tiếp training. Chị hướng dẫn rất nhiều thứ, ngoài những kiến thức dành cho công việc còn nhiều kỹ năng làm việc mà ở trường mình chưa bao giờ được dạy. Có điều sự ức chế sau cú shock đầu tiên ngày càng lớn. Cộng với cách làm việc của chị: mọi thứ chỉ được chỉ một lần, phải tự ghi chép lại, chị không chỉ lần hai, khiến mình càng ngày càng sợ. Chỉ cần hỏi cái đã được chỉ là sẽ bị la. Mọi việc càng ngày càng tệ hơn. Mình đếm từng ngày trong tuần để cho qua những ngày phải đi làm. Mình càng ngày càng thu hẹp mình ở chỗ làm, không bao giờ cười giỡn với ai, lúc nào cũng căng thẳng, lúc nào cũng sợ mình làm sai cái gì đó.

Lần đầu tiên mình bật khóc thật sự là một lần mình hỏi chị về những con số trong một hóa đơn gửi cho khách. Lúc đó chị cao giọng: “Chị đã chỉ em một lần rồi mà, tại sao em không ghi chú lại, em tự nhớ lại đi, chị không chỉ lần nữa đâu”. Sau đó mình ôm cái hóa đơn một lúc, cố gắng nhớ lại nhưng thực sự không thể nào nhớ nổi. Mình chợt nghĩ tại sao mình lại phải khổ sở thể này; ghi chú những con số này đâu đơn giản, ngay cả khi có ghi lại đọc lại cũng chưa chắc đã hiểu, nếu chỉ hướng dẫn lại cho mình một lần nữa thì có mất gì đâu cơ chứ. Thế là mình lẳng lặng khóc. Khóc không phải vì không hiểu nổi mấy con số, mà vì trong suốt cuộc đời đi học, dù điểm cao hay thấp, mình chưa bao giờ bất lực đến thế.

Chị sếp phát hiện ra, và có lẽ nhận ra mình hơi quá tay, chị chỉ lại cho mình một lần nữa và có một cuộc nói chuyện riêng với mình. Chị xin lỗi và giải thích tại sao chị lại khó tính đến thế: “Bởi vì ở môi trường công việc lúc nào cũng ngập đầu này, không ai có thời gian để quay lại chỉ cho em lần hai.” Dĩ nhiên, mình không học được bài học đó ngay lập tức. Sự việc đó dù được sửa chữa, nhưng kết hợp với một thời gian dài bị áp lực, đã cứa sâu vết thương trong lòng mình.

Mọi việc không tốt đẹp hơn sau đó. Đỉnh điểm là vào một ngày đẹp trời nhưng không suôn sẻ. Ngày hôm đó rất bận, nhiều khách hàng yêu cầu nhiều dịch vụ cùng lúc. Chị sếp cử mình đi ngân hàng. Mình không biết tại sao chị lại muốn mình đi ngày hôm đó trong khi bình thường là một chị nhân viên kiêm kế toán. Ngày hôm đó từ đầu đã không tốt đẹp. Một khách hàng cần dịch bài gấp. Mình quá bận nên đành gửi công ty dịch thuật dù biết công ty đó luôn trễ hẹn. Đến ngân hàng, do tâm lý đang không tốt, mình điền sai chứng từ phải điền lại nhiều lần. Thế là mình về trễ. Về tới công ty, mình nghe mọi người nói chị sếp bực vì mình đi quá lâu. Mình cũng chẳng biết làm gì vì bản thân cũng đang bực. Mình tranh thủ ăn cơm trưa để quay lại làm việc sớm. Đang giữa bữa, chị sếp đạp cửa phòng mình đang ngồi ăn, tuôn một tràng:

– Bài dịch cho khách em đã xong chưa? Bao giờ mới xong? Khách yêu cầu 1h lấy.

– Em gửi cho công ty dịch thuật rồi. Ăn cơm xong em sẽ gọi cho họ.

– Em có biết công ty đó không bao giờ đúng hẹn không? Nếu họ dịch không xong thì em định làm sao đây?

Sau đó còn nhiều câu đôi co giữa mình và chị sếp. Cả hai đều trong cơm áp lực. Sau nửa ngày trời căng thẳng, mình như không còn gì để mất. Nhưng mình vẫn cố gắng đứng lên bảo vệ bản thân. Kết thúc là mình bỏ cả bữa cơm trưa còn lại, lao đầu vào làm việc, vừa làm vừa khóc. Ngày hôm đó cuối cùng rồi cũng qua. Không có khách hàng nào phàn nàn. Nhưng nỗi sợ của mình đối với chị sếp thì kéo dài mãi cho tới những năm sau đó khi không còn làm việc chung với nhau nữa. Cho đến giờ mình vẫn không muốn đối diện với chị.

Sau sự việc đó, có lẽ chị sếp cũng bó tay. Mình được chuyển về làm việc ở tầng dưới, không phải ngồi cạnh chị sếp nữa. Từ lúc đó mọi thứ trở nên tốt hơn. Mình bắt đầu cáng đáng lượng công việc ngang với mọi người. Cuối tháng, mình cũng nhập và gửi hóa đơn cho gần cả trăm khách hàng mà không bị sai cái nào. Một lần, chị làm chung tầng lầu nghỉ bệnh. Chị sếp không cho ai xuống phụ. Ngày hôm đó, một mình mình giải quyết công việc cho tất cả khách hàng của nguyên tầng lầu đó. Từ đó, chị sếp bắt đầu tin tưởng. Mình được chỉ những việc mới không phải ai cũng được chỉ.

Ba tháng đầu tiên của mình trôi qua như địa ngục. Khi mọi chuyện thực sự tốt đẹp hơn, chị sếp của mình nghỉ việc. Mình tiếp tục làm thêm sáu tháng trước khi quyết định tìm một công việc mới. Trong chín tháng, mình là nhân viên trẻ nhất từng làm việc tại đó, người duy nhất được nhận khi thâm chí chưa tốt nghiệp. Mình học được rất nhiều, chứng tỏ được bản thân không phải chỉ với đồng nghiệp mà còn với chính mình.

Một vài năm sau mình vẫn xem trọng và thầm cảm ơn những bài học mà chị sếp dạy cho ngày đó. Thậm chí mình còn sử dụng những bài học đó làm lời khuyên cho các bạn sinh viên mình làm việc chung: ” khi em làm việc tốt sẽ không ai nhớ. Nhưng chỉ cần em làm sai một lần thôi, họ sẽ quên hết tất cả những gì em làm đúng và nhớ mãi, nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của em.” “Không ai có thời gian để chỉ em lần hai.”

Phải đến bảy năm sau, khi bắt đầu tìm hiểu và tập huấn về Giao Tiếp Phi Bạo Lực (Nonviolent Communication), mình mới nhận ra mọi thứ không nhất thiết phải như thế. Làm khó dễ nhau không khiến công việc tốt hay hoàn hảo hơn, và môi trường làm việc của mình ngày đó là môi trường không lành mạnh khi mà mọi người đối xử với nhau bằng cách “nhắc đi nhắc lại lỗi lầm” và “tất cả mọi thứ chỉ được chỉ một lần”. Khi ngồi cạnh chị sếp, tâm lý căng thẳng, mình hầu như chẳng làm được gì cả. Chỉ khi tách ra, mình mới bắt đầu trở lại là chính mình. Công việc đó khiến mình rất tốt trong việc điều phối sắp xếp công việc, bù lại nó phá hủy mối quan hệ giữa mình và chị sếp, tổn thương lòng tự trọng của mình đến nhiều năm sau đó.

Chủ đề