Bẫy chồn đèn bằng mồi gì

Thói quen đi bẫy chồn để vừa cải thiện bữa ăn gia đình, vừa kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn của một số người dân đang đẩy loại động vật hoang dã này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Đã đến lúc các ngành chức năng cần có biện pháp ngăn chặn trước khi loại động vật này biến mất.

KỸ NGHỆ BẪY... CHỒN

Bẫy chồn đèn bằng mồi gì

“Chiến lợi phẩm” của một người bẫy chồn

Từ khoảng nửa tháng 8 đến tháng Chạp (âm lịch), khi trời đổ mưa dầm và trở lạnh thì người dân các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An bắt đầu đi rừng bẫy chồn. Sở dĩ họ chọn thời điểm này bởi hết thu sang đông trời mưa nhiều, các loại trái trên rừng như: trâm, gấm… chín rộ. Trời mưa dầm, các đồng ruộng ven bờ rừng cũng ngập nước, ếch, nhái, cua xuất hiện nhiều. Khi đó, chồn từ những cánh rừng về đây ăn trái cây và các loại động vật, côn trùng nên là thời cơ tốt để đặt bẫy. Ông Nguyễn Văn Th ở thôn Xuân Trung (xã An Xuân, huyện Tuy An), người có nhiều năm bẫy chồn cho biết: “Trời nắng, đồng ruộng và suối khô cạn, chồn ở tận trên rừng cao. Còn mùa mưa, nhiều thức ăn nên chồn “xuống núi” và mập. Với lại lúc này công việc nhà nông rảnh rỗi, tranh thủ đi bẫy chồn vừa tạo nguồn thức ăn, vừa kiếm thêm thu nhập và đây cũng là thú vui của người dân sống ở vùng cao”.

Nói về cách bẫy chồn, ông Nguyễn Văn Th tự hào: “Tôi đi bẫy chồn từ trước giải phóng. Lúc đó chủ yếu gài bằng bẫy sập đá hoặc bẫy cạm. Mỗi tối đặt vài ba cái bẫy, sáng hôm sau ra kiểm tra ít nhất cũng được một con”. Theo lời kể của các người lớn tuổi ở thôn Xuân Trung, thời điểm sau giải phóng khoảng 15 năm, nơi đây núi rừng còn hoang sơ nên các loài động vật như nai, nhím, chồn… nhiều vô kể. Buổi tối chỉ cần ra khỏi nhà vài trăm mét, soi đèn pin đã thấy chồn ở trên cây mít, bụi tre, thậm chí chúng còn vào tận mái nhà. Ngày đó, người ta thường dùng mít chín để đặt mồi bẫy chồn. Chồn bẫy được là loại chồn mướp, nặng vài ba kilôgam. Thịt chồn mướp thơm và rất ngon.

Chồn mướp lông có sọc dài như vỏ trái mướp. Con đực có túi xạ hương ở bộ phận sinh dục thơm mùi mướp. Chồn sống hoang dã tại các cánh rừng.

Khoảng từ năm 1995 trở lại đây, giá trị chồn ngày càng tăng cao. Có thông tin cho rằng, người ta mua chồn mướp để bán sang Trung Quốc lấy xạ hương làm dược liệu; có người bảo mua chồn để thả về khu rừng bảo tồn… Người bẫy chồn chẳng biết đường nào, chỉ biết có tiền là ra sức kiếm chồn mà bắt. Những năm 90 của thế kỷ trước, 1 kg chồn mướp sống có giá từ 120.000 – 150.000 đồng. Giá cao như vậy nên người ta đổ xô đi bẫy chồn. Ngoài các cách bẫy truyền thống, đồng tiền đã thôi thúc người ta nghĩ ra nhiều cách tinh vi và hiện đại để làm sao bắt được con chồn còn nguyên vẹn. Đó là cách nhử lồng, bẫy sập chồn. Sau này, con chồn khôn hơn, họ dùng dây cáp đánh bẫy từng đường trong rừng hoặc bắt sống bằng cách giăng lưới bao vây dưới gốc cây. Ông Lê Văn H ở thôn Xuân Trung, cho biết: “Năm 1996, chúng tôi lập thành nhóm từ 3 - 4 người, tổ chức chuyến đi săn tận vùng Sơn Định, Sơn Long (huyện Sơn Hòa) để bẫy chồn. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 3 – 4 ngày, mỗi chuyến bẫy được ít nhất 5 – 7 con, bình quân mỗi con nặng khoảng 2,5 kg”. 

Hiện nay, chồn mướp có giá từ 500.000 – 550.000 đồng/kg và được các đầu nậu đến tận từng nhà mua, vì thế càng ngày rừng càng vơi dần và chồn cũng trở nên hiếm đi nên những người đi bẫy rất khó khăn mới bắt được chồn. Ở hai thôn Xuân Trung và Xuân Thành (huyện Tuy An) có nhiều nhóm người chuyên đi bẫy chồn. Ông Nguyễn Thanh Ng - một thợ bẫy chồn cự phách tiết lộ: “Mỗi ngày chúng tôi đánh hàng trăm bẫy thành đường, từ đồng này sang đồng kia. Nếu bẫy gần thì về nhà ngủ, còn đi xa phải làm trại ở lại trong rừng. Bây giờ chồn dính bẫy nhiều nhưng chủ yếu các loại chồn hôi, còn chồn mướp rất hiếm”. Ông Ng cho biết thêm, bây giờ chồn ít, lại cực kỳ khôn cho nên mình phải biết cách nhử chúng. Chồn tập trung nhiều thường ở vườn chuối, đồng ruộng hoặc khu có nhiều trái cây rừng chín.

Theo ông Ng đi bẫy chồn, chúng tôi biết được cách bẫy khá đơn giản. Dụng cụ để bẫy chồn là sợi dây cáp kẽm mền dịu. Đầu dưới dây thắt phiết cài một vòng to trải dưới đất, bên trong đặt mồi mít, chuối hay trứng vịt lộn. Đầu kia móc vào đầu cây cần, ở giữa sợi dây cài một que đặt cấn vào miếng mồi. Khi chồn đến ăn mồi, chiếc que bung ra, cây cần sẽ bật lên riết vòng dây đã đặt sẵn vào chân hoặc bụng con chồn. Do có độ co giãn nên dây không riết chặt vào bụng, chồn không chết. Sáng sớm hôm sau, chủ nhân đi thăm bẫy và “đưa” chúng về.

Bẫy chồn đèn bằng mồi gì

Một chú chồn đang bị nhốt chờ đầu nậu mang đi      - Ảnh: Đ.T.TRỰC

CẦN CÓ BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN

Chồn có nhiều loại, trong đó chồn mướp có giá cao nhất. Theo lời của cánh thợ săn thì ngày nay tìm được một con chồn mướp không phải chuyện dễ. Anh Ng bộc bạch: “Suốt một năm rồi, tôi bẫy được có ba con mướp nhưng không con nào lớn. Các loại chồn khác sáng nào cũng có”.

Theo cách gọi của người dân địa phương, chồn khác là các loại: chồn ngận, chồn dơi, chồn gò… Đặc tính chung của loại này là nhiều, nhỏ con, thịt khô không thơm ngon lại có mùi hôi. Do đánh bẫy nhiều nên sáng nào thợ săn cũng được một vài con. Nếu số lượng ít, họ làm thịt bỏ tủ lạnh, đợi 2 - 3 ngày gom lại số lượng nhiều bán một lần. Hiện mỗi kilôgam chồn thịt (đã cắt bỏ nội tạng) được các đầu nậu mua với giá 80.000 đồng, không giới hạn số lượng. Một ngày, các thợ săn bán được vài kilôgam chồn thịt coi như đủ ngày công. Thịt chồn được các đầu nậu đem bán lại các nhà hàng, quán ăn ở TP Tuy Hòa với giá cao hơn gấp 3 - 4 lần so với giá mua vào. Thịt chồn được chế biến thành nhiều món hấp dẫn để chiều lòng thực khách.

Hiện nay các đường dây mua bán chồn mướp, chồn thịt vẫn ngang nhiên hoạt động tại các khu vực nông thôn. Không trách được người dân săn bắt chồn vì miếng cơm manh áo, song các ngành chức năng cũng cần có biện pháp ngăn chặn. Bởi dù là loại chồn gì, quý hay không quý chúng cũng là một loại động vật hoang dã, cần được bảo tồn đúng mức.

ĐÀO TẤN TRỰC