Blockchain trong bất động sản như thế nào

“Chẻ nhỏ” tài sản để bánMột trong những hình thức ứng dụng blockchain dễ thấy nhất tại Việt Nam thời gian qua là khi các công ty công nghệ nhận ủy thác của chủ sở hữu tiến hành “chẻ nhỏ” bất động sản ra sau đó kết nối các nhà đầu tư có nhu cầu mua chung.

Ví dụ, một bất động sản 3 tỷ đồng có thể được chia thành 1.000 phần (được gọi là các token), mỗi phần 3 triệu đồng. Khách hàng có thể mua một hoặc hoặc nhiều phần và khi đó họ có thể sở hữu một phần của bất động sản tiền tỷ mà không cần có khoản tích lũy quá lớn.

Khi đã “chốt” mua, khách hàng sẽ được cấp một tài khoản để quản lý, theo dõi khoản đầu tư của mình. Sổ đỏ sẽ được công ty sở hữu công nghệ (app) lưu giữ 24/24 tại văn phòng, các nhà đầu tư có thể xem bất kỳ lúc nào và có thể bán lại “cổ phần” cho nhau khi muốn chốt lời.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch HĐQT công ty Mooka, một đơn vị tiên phong trong việc đưa bất động sản vào mua bán trên nền tảng công nghệ, cho hay với blockchain, các nhà đầu tư nhỏ cũng có thể sở hữu bất động sản tiền tỷ.

“Các bất động sản trên blockchain sẽ được thẩm định kỹ về giá bán và pháp lý. Khách mua sẽ chia sẻ cơ hội đầu tư bằng hình thức mua chung căn hộ hoặc nền đất. Nếu muốn chuyển nhượng tài sản mua chung phải được sự đồng ý của đa số nhà đầu tư, nắm trên 51% số phần”, ông Phong nói.

Blockchain trong bất động sản như thế nào

Blockchain có thể trở thành chiếc lò xo tạo sức bật, thay đổi cục diện thị trường bất động sản Việt Nam trong tương lai.

Có thể thấy, về mặt tích cực, ứng dụng nền tảng blockchain giải quyết nhiều vấn đề của thị trường bất động sản hiện tại như minh bạch thông tin, giảm thiểu gian lận, ngăn tung tin giả gây sốt đất ảo… vì mọi thứ đã được cập nhật trên app.

Báo cáo của FPT Digital chỉ ra khi một bất động sản được mã hóa và giao dịch trên các sàn trực tuyến giống như cổ phiếu sẽ tạo nên sự chủ động trong giao dịch. Bản chất, việc có thêm nền tảng mới cũng đã giúp tăng thêm sự đa dạng của thị trường.

“Nhờ có blockchain, việc di chuyển xuyên quốc gia để mua và đầu tư bất động sản chưa bao giờ dễ dàng hơn. Nhà đầu tư có thể mua một bất động sản ở New York hay Tokyo mà không cần bước chân ra ngoài”, FPT Digital nêu.

Cơ hội đi cùng rủi ro

Không chỉ giải quyết các vấn đề về minh bạch hóa thông tin, xóa bỏ khoảng cách về địa lý giữa các quốc gia, theo chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ blockchain vào bất động sản còn có thể trở thành một hình thức mời gọi vốn kiểu mới.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết từ năm 2018, HoREA đã đưa ra gợi ý Việt Nam có thể học hỏi mô hình mã hóa tài sản bằng công nghệ blockchain để gọi vốn. Trong bối cảnh thị trường đang “khát vốn” đây là hình thức đầy triển vọng để thay thế các phương pháp truyền thống đã dần lỗi thời.

Ưu điểm của hình thức này là các chủ đầu tư thay vì phải lo lắng chạy theo thời hạn trả tiền vay ngân hàng, thì sẽ dễ dàng huy động được nguồn vốn lớn của xã hội thông qua các nhà đầu tư F0 cả lớn và nhỏ để hoàn tất việc xây dựng dự án.

Có một thực tế là lĩnh vực bất động sản toàn cầu có giá trị hàng trăm nghìn tỷ USD, nhưng xưa nay nằm trong tầm chi phối của giới nhà giàu hay các tập đoàn lớn. Nếu xu thế blockchain được hoàn thiện, mở rộng có thể mở ra cơ hội tiếp cận cho cả những nhà đầu tư có ít tiềm lực hơn qua hình thức mua chung.

Chưa kể, khi tài sản được chia nhỏ, tiếp cận với đa dạng nguồn khách hàng, sẽ giúp các chủ đầu tư dễ dàng hơn trong việc bán sản phẩm. Lợi thế này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp đang ở mức rất cao.

“Việc mã hóa (tokenise) bất động sản có thể đem đến cho các nhà đầu tư cá nhân cơ hội đầu tư vào các bất động sản triệu USD mà trước đây họ khó có thể sở hữu. Đây là lý do khiến nhiều chuyên gia dự báo blockchain có thể trở thành nhân tố thay đổi hoàn toàn cuộc chơi bất động sản trong tương lai”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhận định.

Những ưu điểm của blockchain bất động sản là rất rõ ràng nhưng bài toán đặt ra là làm sao hoàn thiện các cơ sở pháp lý, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Hình thức sở hữu chung một tài sản đang được pháp luật thừa nhận, tuy nhiên với một loại hình mới như mã hóa bất động sản, rất khó để bịt hết những “kẽ hở”.

Ông Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Văn phòng Luật sư Phong&Partners, cho biết bất lợi của việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua hệ thống blockchain hiện tại là sẽ không có hợp đồng được công chứng, đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản riêng cho từng người. Vì vậy, việc mua bán, chuyển nhượng này hiện không dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành.

Có thể thấy, cùng với việc ứng dụng công nghệ cao, chìa khóa của mô hình blockchain (chia nhỏ bất động sản) là pháp lý hoàn chỉnh. Do đó, yêu cầu quan trọng là các tài sản chào bán phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý, công khai minh bạch.

Theo chuyên gia, thời gian tới, rất cần thêm sự hoàn thiện cơ sở pháp lý cho mô hình này để khuyến khích cách làm chuyên nghiệp, chấn chỉnh các đơn vị làm chưa tốt và bảo vệ quyền lợi của người mua. Bên cạnh đó, bản thân các nhà đầu tư bất động sản cũng nên tính toán, tìm hiểu kỹ, tỉnh táo lựa chọn, tham vấn các chuyên gia để chọn những đơn vị uy tín trước khi “xuống tiền”.