Các chính sách kinh tế cơ bản của nhà nước

1. Giám sát tài chính đặc biệt khi DNNN có dấu hiệu mất an toàn tài chính

Có hiệu lực từ 1/12/2015, Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước quy định doanh nghiệp Nhà nước có thể sẽ bị giám sát tài chính đặc biệt khi có dấu hiệu mất an toàn tài chính:

1- Đối với doanh nghiệp đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2- Đối với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh trong năm báo cáo từ 30% vốn đầu tư của chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu; có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của cơ quan đại diện chủ sở hữu (nếu có); có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.

2. DNNN không được góp vốn vào bất động sản, ngân hàng

Theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/12/2015, doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3.Quản lý lãnh đạo tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ 5/12/2015.

Nghị định này quy định về thẩm quyền quyết định, thẩm định; kiêm nhiệm; đánh giá, bồi dưỡng kiến thức; quy hoạch; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển; khen thưởng, kỷ luật; thôi việc, nghỉ hưu và quản lý hồ sơ đối với người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

4.Quản lý người đại diện tại DN Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ

Có hiệu lực từ 10/12/2015, Nghị định 106/2015/NĐ-CP ngày 23/10/2015 về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định; kiêm nhiệm, số lượng; đánh giá; cử, cử lại, miễn nhiệm; khen thưởng, kỷ luật; đề cử để bầu, miễn nhiệm, bổ nhiệm; thôi việc, nghỉ hưu và quản lý hồ sơ đối với người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Các chính sách kinh tế cơ bản của nhà nước
Nhiều quy định mới về doanh nghiệp Nhà nước sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2015

5. Điều kiện xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh

Nghị định 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có hiệu lực từ 1/12/2015 quy định doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phải bảo đảm 3 điều kiện: 1- Là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; 2- Có ngành, lĩnh vực hoạt động hoặc địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; 3- Được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ổn định, thường xuyên bằng nguồn lực của Nhà nước hoặc nguồn lực của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu đầu tư, thành lập doanh nghiệp.

6. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp xã hội

Theo Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 8/12/2015, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.

7. Cưỡng chế chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì nhà chung cư

Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, trong đó quy định trường hợp quá thời hạn quy định mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này cho chủ đầu tư, Ban quản trị và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản.