Các khả năng có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu: Cơ hội và thách thức

21/05/2020 - 09:22 AM

Cỡ chữ

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là hiệp định EVFTA được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn ngày 12/2/2020, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức để tham gia ngày càng sâu, rộng và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.


EVFTA mở ra cơ hội vàng nâng cấp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu


Ngày 12/2/2020, Hiệp định thương mại tự do EVFTA đã được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn và dự kiến có hiệu lực vào nửa cuối năm 2020. Theo các chuyên gia kinh tế, giữa lúc đại dịch COVID-19 đang lan rộng và diễn biến phức tạp, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu mà nền kinh tế Việt Nam là một trong chuỗi mắt xích này, thì việc EVFTA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội vàng, thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị này.


EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Thị trường EU bao gồm 27 quốc gia với hơn 500 triệu dân, thu nhập người dân cao nhất thế giới, gần 40.000 USD. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU 41,7 tỷ USD, ngang bằng với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung cao, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh hay đối đầu trực tiếp. Vì vậy, sẽ tạo ra những ngành hàng Việt Nam có lợi thế và là cơ hội vàng cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 dự báo sẽ có những ảnh hưởng khó lường đến nền kinh tế toàn cầu.

Các khả năng có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu


Ảnh minh họa, nguồn Internet


Là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường... Những lợi ích của EVFTA đem lại là rất lớn. Các quy định của Hiệp định EVFTA cho thấy, ngay khi châu Âu dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, sẽ giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này; Việt Nam xóa bỏ 48,5%, tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất; giảm giá hàng hóa, dịch vụ; khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa Việt Nam với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ), tạo điều kiện cho cả người dân Việt Nam và Châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa và dịch vụchất lượng cao và giá rẻ. Việc giảm thuế sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm dệt may, thủy hải sản, rau quả, đồ gỗ, hàng điện tử, điện thoại và các sản phẩm đặc trưng vùng nhiệt đới…; Đồng thời thúc đẩy xu hướng di chuyển các nhà máy sản xuất từ nơi khác sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về thuế quan theo một số hiệp định FTA, bao gồm EVFTA. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất, có thêm nhiều đơn hàng sang châu Âu, kéo các ngành khác như tài chính - ngân hàng, du lịch, vận chuyển hàng không… phát triển theo. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chính là nền tảng giúp các doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tránh tình trạng phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu nhất định.

Ngoài ra, EU là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ tư của Việt Nam. Xuất khẩu của EU sang Việt Nam chủ yếu bao gồm máy móc, hóa chất và thiết bị vận tải, đều là những mặt hàng cần thiết cho sự chuyển đổi mô hình phát triển và hiện đại hóa của nền kinh tế Việt Nam. EVFTA được thực thi giúp Việt Nam có cơ hội đón dòng vốn đầu tư và công nghệ hiện đại từ châu Âu, góp phần nâng cấp các khâu “made in Viet Nam” hay “made by Viet Nam” trong các chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam đang nỗ lực tham gia. Với sự tham gia của các đối tác châu Âu, giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của những công đoạn sản xuất tại Việt Nam cũng sẽ tăng lên…

Nỗ lực vươn tới những chuẩn mực quốc tế về quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp, về lao động, môi trường… cũng sẽ tạo ra nguồn năng lượng mới cho chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tác động kép của dịch COVID-19 và EVFTA chắc chắn sẽ tạo động lực và sức ép nhằm thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ; nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, EVFTA cũng có tác động tích cực tới lao động; trong đó những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất... EVFTA còn có thể tạo sức ép cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh, do đó kỳ vọng tạo ra những tác động tích cực trong trung và dài hạn như: Mở rộng cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, cân bằng cán cân thương mại; thu hút đầu tư; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và giảm lệ thuộc vào một số thị trường như hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA là bệ phóng đưa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể giúp xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng thêm 15 tỷ Euro. Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể: 33,06% năm 2025 và 36,7% năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25% (trong giai đoạn 2019 -2023); từ 4,57 - 5,30% (giai đoạn 2024-2028) và từ 7,07 - 7,72% (giai đoạn 2029 - 2033).

Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt là khi nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước đối tác được ký kết, đã đem lại nhiều cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt có bước chuyển mình và thử sức trong môi trường mới, nâng cấp mình trong vòng liên kết của chuỗi giá trị toàn cầu.

Thách thức chồng thách thức

EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam nâng cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn đáng kể đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi Việt Nam thông thương với một trong những thị trường lớn và có năng lực cạnh tranh cao như EU, một số ngành kinh tế sẽ gặp khó khi phải cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng. Ngoài ra, EU là thị trường có yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, đòi hỏi về cả quy trình sản xuất hàng hóa và nguồn gốc, xuất xứ… cũng là những thách thức cho các doanh nghiệp Việt khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo VCCI, hiện nay, nguyên liệu sản xuất hàng hóa của Việt Nam phần lớn là từ Trung Quốc và ASEAN chứ không phải là từ Việt Nam và EU. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, hàng rào về kỹ thuật và quy định về vệ sinh dịch tễ của EU cũng rất cao mà không phải doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng có thể đáp ứng được. Cùng với đó, các biện pháp phòng vệ thương mại của EU rất nặng nề, vượt qua được cũng không hề đơn giản. Đây là những rào cản khiến các doanh nghiệp Việt gặp khó khi tham gia vào chuỗi cung ứng cho EU nói riêng và toàn cầu nói chung.

Bên cạnh những khó khăn từ các quy định chặt chẽ của EVFTA, “cơn bão” dịch COVID-19 đang đe dọa gây đứt gãy các chuỗi cung ứng, khiến các doanh nghiệp Việt gặp khó khăn lại càng thêm khó khăn. Do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, một phần rất quan trọng của các nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện đều xuất phát từ Trung Quốc, gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi nước này tạm dừng các nhà máy sản xuất và đóng cửa biên giới do dịch bệnh. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn khiến nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguy cơ buộc phải dừng sản xuất và phá sản khi bị đứt nguồn cung nguyên liệu.

Những ngành bị ảnh hưởng bất lợi khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn chủ yếu là các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Dệt may, da giày, điện tử… Theo Bộ Công Thương, nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó, ngành điện tử của Việt Nam là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất, bởi do đặc thù của ngành này là phân bổ theo chuỗi sản xuất toàn cầu và định vị chủ yếu từ Trung Quốc. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đến cuối quý I/2020.

Ngành sản xuất lắp ráp ô tô năm 2019 nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 7 tỷ USD, Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD. Dự kiến, đến cuối quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh kiện phục vụ sản xuất.

Ngành dệt may mặc dù xuất khẩu nhiều sản phẩm sang các thị trường lớn như EU, Mỹ, song phần lớn nguyên, vật liệu dệt may lại được nhập khẩu từ Trung Quốc. Sự thiếu hụt nguồn cung, nhất là các nguyên phụ liệu đang là một trong những vấn đề trọng yếu khi các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.

Trước những đòi hỏi trong bối cảnh mới, việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu được xem là động lực để các ngành sản xuất ở Việt Nam tái cấu trúc toàn bộ hệ thống và mạng lưới hoạt động của mình. Dù thách thức là khó tránh khỏi, nhưng những cơ hội đem lại cũng sẽ không ít. Vì vậy, để đứng vững và duy trì mắt xích đã có trong chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi sự vận động tích cực hơn nữa từ phía doanh nghiệp và toàn nền kinh tế, nhằm hướng tới đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng và hiệu quả. Đây chính là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể nâng cấp và tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.

TS. Nguyễn Văn Giao
Trường Đại học Thương mại



Về trang trước Gửi email In trang