Các phương pháp cứu người bị nạn trong đám cháy

Tìm kiếm người bị nạn (tìm kiếm) đề cập đến tất cả các hoạt động của lực lượng cứu nạn, cứu hộ, được tiến hành khi có một sự cố, tai nạn xảy ra nhằm tìm xem còn nạn nhân nào bị kẹt hoặc nạn nhân không có khả năng tự mình thoát ra khỏi nơi nguy hiểm được do các chướng ngại vật gây nguy hiểm đến tính mạng và sự an toàn của bản thân. Từ đó, chỉ huy sẽ căn cứ vào tình hình của người bị nạn, căn cứ vào các thông tin của trinh sát thu thập được, căn cứ vào thông tin tại hiện trường để xác định phương pháp và biện pháp cứu người thích hợp nhất đối với tình huống khẩn cấp đó. Ưu tiên hàng đầu là phải tìm kiếm cứu người một cách an toàn, chính xác và nhanh chóng. Trên thực tế, có rất nhiều những tình huống đòi hỏi các nỗ lực tìm kiếm nên không có một phương pháp tìm kiếm cố định, cụ thể nào. Hầu hết các nỗ lực tìm kiếm dựa trên khả năng đánh giá của mỗi chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường sự cố, tai nạn. Tuy nhiên, tính chất của công tác tìm kiếm rất đa dạng tùy thuộc vào mức độ khẩn cấp của việc tìm kiếm nạn nhân trong các hiện trường sự cố.

Các phương pháp cứu người bị nạn trong đám cháy

Phát hiện sớm là một yếu tố quan trọng nhất trong công tác cứu sống nạn nhân. Cho dù lực lượng cứu nạn, cứu hộ có đến hiện trường đám cháy, sự cố tai nạn nhanh, có chuyên môn giỏi và trang thiết bị hiện đại nhưng nếu không kịp thời phát hiện ra người bị nạn trong hiện trường sự cố, tai nạn thì khả năng người bị nạn bị nguy hiểm tới tính mạng vẫn có thể xảy ra. Để nhanh chóng xác định được người bị nạn, khi lực lượng cứu nạn, cứu hộ đến hiện trường, căn cứ vào tình hình thực tế tại hiện trường chỉ huy phải quyết định vị trí, khu vực sẽ được ưu tiên hàng đầu để tìm kiếm dựa trên các thông tin đã thu thập được qua hai phương pháp xác định bằng mắt thường và thu thập từ những người đầu tiên phát hiện được hoặc những người biết sự việc có mặt tại hiện trường.

Nhiệm vụ tìm kiếm và các tình huống sự cố, tai nạn thường gặp trong công tác cứu nạn, cứu hộ của lượng Cảnh sát PCCC&CNCH

Nhiệm vụ tìm kiếm

Tìm kiếm là hoạt động thu thập thông tin để làm rõ tình hình, đặc điểm sự cố, tai nạn như: vị trí số lượng, tình trạng của người bị nạn; loại hình, quy mô sự cố, tai nạn, những yếu tố nguy hiểm phát sinh từ hiện trường … Nhiệm vụ cơ bản của tìm kiếm trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ bao gồm:

– Xác định vị trí, tình trạng của người bị nạn, thiệt hại về người, tài sản; đường vào, ra nơi xảy ra sự cố, tai nạn và biện pháp cứu nạn, cứu hộ.

– Xác định các mối nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người bị nạn cũng như lực lượng cứu nạn, cứu hộ để đưa ra các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

– Đánh giá đặc điểm tình hình hiện trường xảy ra sự cố, tình trạng của người, phương tiện bị nạn và khả năng liên lạc, tiếp cận với họ.

– Xác định vị trí thích hợp để bố trí các phương tiện, thiết bị phục vụ cứu nạn, cứu hộ.

– Làm rõ những khả năng tác động tiếp theo (tác động lần hai hoặc các tác động phụ) của các yếu tố nguy hiểm khác ở nơi xảy ra tai nạn đến người, vật bị nạn và lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ.

– Xác định những dấu vết, vật chứng liên quan đến sự cố, tai nạn để phục vụ việc xác định nguyên nhân sự cố, tai nạn.

Các tình huống sự cố, tai nạn thường gặp trong công tác cứu nạn, cứu hộ của lượng Cảnh sát PCCC&CNCH

Hoạt động tìm kiếm được thực hiện ngay từ lúc lực lượng và phương tiện CNCH đến hiện trường xảy ra tai nạn. Người chỉ huy hoạt động CNCH phải nghiên cứu kỹ đặc điểm, diễn biến tình hình của từng loại tai nạn và những đặc điểm khác có liên quan về địa hình, địa chất và môi trường khí hậu… ở hiện trường để lựa chọn các phương pháp và biện pháp tìm kiếm cho phù hợp. Theo Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ đối với các sự cố, tai nạn dưới đây:

Sự cố, tai nạn cháy;

Sự cố, tai nạn nổ;

Sự cố, tai nạn sập, đổ nhà, công trình, thiết bị, máy móc, cây cối;

Sự cố, tai nạn sạt lở đất, đá;

Sự cố, tai nạn có người bị mắc kẹt trong nhà; công trình; trên cao; dưới sâu; trong thiết bị; trong hang, hầm; công trình ngầm;

Sự cố, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa khi có yêu cầu;

Tai nạn đuối nước tại sông, suối, thác nước, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, bãi tắm;

Sự cố, tai nạn tại khu du lịch, khu vui chơi giải trí;

Sự cố, tai nạn khác theo quy định của pháp luật.

Các phương pháp tìm kiếm

Để tìm kiếm người bị nạn trong các sự cố, tai nạn nêu trên, hiện nay về lý luận và thực tiễn có các phương pháp tìm kiếm cơ bản sau: phương pháp quan sát hiện trường; phương pháp hỏi nhân chứng; phương pháp nghe tín hiệu âm thanh; phương pháp sử dụng thiết bị tìm kiếm; phương pháp đào bới; phương pháp truy tìm theo dấu vết để lại trên hiện trường; phương pháp dùng lưới quét hay que thăm dò tìm người đuối nước; phương pháp sử dụng chó nghiệp vụ.

Phương pháp nhìn, quan sát hiện trường

Đây là phương pháp dùng mắt để quan sát và nhìn kỹ lưỡng toàn bộ diện tích hiện trường xảy ra sự cố để xác định số lượng, vị trí người hoặc vật bị nạn. Để mở rộng tầm nhìn và vùng quan sát cần đứng ở các vị trí trên cao như tầng cao hay mái của tòa nhà, có thể trèo lên cây cao. Ngoài nhìn bằng mắt thường, để tăng khả năng nhìn xa cần dùng ống nhòm, máy quan trắc và khi cần thiết ngồi trên máy bay cứu nạn, cứu hộ quan sát từ trên không…trong trường hợp tìm kiếm vào ban ngày thời tiết nắng. Trường hợp phải tìm kiếm vào ban đêm hay trời nhiều mây mù hoặc trong môi trường nhiều khói, tầm nhìn xa của mắt giảm, cần sử dụng các dụng cụ phương tiện chiếu sáng hỗ trợ như: đèn pha, đèn pin, đèn chiếu sáng hay ngọn lửa.

Đối với hiện trường xảy ra tai nạn có diện tích rộng, thì thành lập các nhóm tìm kiếm, mỗi nhóm gồm 03 người có phân công nhóm trưởng thường là Tổ trưởng. Rồi chia diện tích đó ra thành các đường băng tìm kiếm, chiều rộng của mỗi đường băng khoảng trên dưới 20m phụ thuộc vào các yếu tố như: điều kiện di chuyển, tầm nhìn và các chướng ngại vật có trên hiện trường…Các chiến sĩ tham gia tìm kiếm triển khai đội hình hàng ngang và dịch chuyển theo đường zích zắc trên đường băng để quan sát với vận tốc di chuyển phù hợp với khả năng quan sát của các thành viên nhưng không được chậm quá (từ 1-2 km/giờ). Nếu chậm hơn thì khả năng cứu giúp những người còn khả năng sống sót do bị thương sẽ giảm đi.

Khi tìm kiếm ở những ngôi nhà hay công trình xây dựng bị sụp đổ hoàn toàn hay hư hỏng một phần. Việc nhìn, quan sát để tìm kiếm người bị nạn phải bắt đầu từ phía bên ngoài ngôi nhà rồi tiếp cận dần vào bên trong qua cầu thang, ban công, cửa sổ đến các căn phòng hoặc căn hộ thuộc tầng, rồi đến các tầng liền kề, không được bỏ sót.

Khi phát hiện thấy người bị nạn, phải tiến hành ngay những biện pháp sơ cấp cứu ban đầu rồi tìm mọi cách đưa họ ra nơi an toàn theo các đội hình cứu nạn, cứu hộ đã được huấn luyện.

Phương pháp phỏng vấn (hỏi nhân chứng)

Thay vì đặt những câu hỏi chung chung như có ai không thể tự thoát ra ngoài được không? thì nên hỏi về số người đã di chuyển hoặc đặt câu hỏi dựa trên sáu tiêu chí: ai, cái gì, ở đâu, khi nào, như thế nào và tại sao thay cho các câu hỏi cụ thể như: đó là người lớn hay trẻ em, đàn nam giới hay phụ nữ… để tìm ra số người còn mắc kẹt lại và có khả năng ở trong tình trạng như thế nào?

Được tiến hành bằng cách hỏi những người được tận mắt chứng kiến vụ sự cố, tai nạn xảy ra, do người có trách nhiệm thực hiện. Quá trình hỏi cần làm rõ những thông tin sau:

– Số lượng và vị trí mọi người thường có mặt trước khi xảy ra sự cố, tai nạn.

– Đường đi ngắn nhất và thuận lợi, an toàn nhất đến nơi xảy ra sự cố, tai nạn.

– Tình trạng người bị nạn và những yêu cầu giúp đỡ đối với họ.

– Đặc điểm tình hình nơi xảy ra sự cố, tai nạn và khả năng lặp lại, cũng như những tác động tiếp theo các yếu tố nguy hiểm đối với họ như còn tiếp tục sạt lở đất đá nữa không ở khu vực đã xảy ra…

– Điều kiện ăn ở, sinh hoạt nơi xảy ra sự cố, tai nạn.

Kết quả hỏi phải ghi vào sổ theo dõi để làm bằng chứng khi thực hiện. Căn cứ vào kết quả hỏi các nhân chứng, chỉ huy cứu nạn, cứu hộ lựa chọn và quyết định áp dụng phương pháp tìm kiếm cho phù hợp.

Phương pháp nghe tín hiệu âm thanh

Đây là phương pháp tìm kiếm người bị nạn bằng cách nghe âm thanh phát ra từ người bị nạn.

Các loại tín hiệu âm thanh bao gồm: tiếng nói, tiếng kêu cứu, tiếng khóc, tiếng rên, hơi thở, tiếng gõ…từ người bị nạn phát ra.

Để nghe rõ các tín hiệu âm thanh trên hiện trường xảy ra tai nạn, người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ ra lệnh thống nhất ngừng mọi hoạt động để giữ im lặng tuyệt đối từ 1 đến 2 phút để tập trung chú ý lắng nghe nhằm phát hiện nơi, hướng phát ra âm thanh của người bị nạn. Trường hợp tín hiệu âm thanh to và lặp đi lặp lại nhiều lần thì thuận lợi cho việc xác định vị trí người bị nạn. Trường hợp tín hiệu âm thanh nhỏ, yếu thì cần hết sức tập trung chú ý lắng nghe nhiều lần để có thể xác định chính xác.

Phương pháp sử dụng thiết bị tìm kiếm

Trong quá trình tìm kiếm để nhanh chóng phát hiện được vị trí của người bị nạn, lực lượng cứu nạn, cứu hộ có thể sử dụng các phương tiện, thiết bị hỗ trợ tìm kiếm người bị nạn.

Khi cứu nạn, cứu hộ trong điều kiện có nhiều khói: có thể sử dụng camera nhiệt để tìm kiếm người bị nạn.

Khi cứu nạn, cứu hộ trong hiện trường sập đổ nhà và công trình: có thể sử dụng camera đầu dò, hay sử dụng thiết bị tìm kiếm âm thanh.

Khi cứu nạn, cứu hộ dưới nước: có thể sử dụng thiết bị tìm kiếm dưới nước loại camera hay loại sóng siêu âm.

Phương pháp đào bới

Là phương pháp dùng các phương tiện thủ công hay cơ giới đào bới hiện trường để tìm kiếm người bị nạn khi điều kiện nơi xảy ra sự cố, tai nạn cho phép thực hiện. Thường được áp dụng đối với tình huống Sự cố, tai nạn có người bị mắc kẹt trong nhà; công trình; trên cao; dưới sâu; trong thiết bị; trong hang, hầm; công trình ngầm; Sự cố, tai nạn sập, đổ nhà, công trình…

Phương pháp này thực hiện bằng cách chia diện tích đống đổ nát ra thành các ô vuông có diện tích được xác định theo khả năng của một nhóm người khi làm việc thủ công hoặc khả năng hoạt động của máy móc chuyên dụng.

Việc tìm kiếm bắt đầu từ ô vuông có nhiều nghi vấn rồi từ đó mở rộng ra các ô vuông xung quanh cho đến hết toàn bộ diện tích đống đổ nát. Chỉ dừng lại khi đã xác định không còn người bị nạn do người chỉ huy tìm kiếm quyết định.

Khi áp dụng phương pháp này cần đặc biệt chú ý đến các biện pháp an toàn cho người bi nạn và lực lượng, phương tiện tham gia. Phải hết sức nhẹ nhàng và thận trọng khi đào bới, không để xảy ra sự tác động của dụng cụ, máy móc đến người bị nạn.

Phương pháp tìm kiếm theo dấu vết

Trong nhiều trường hợp, người bị nạn có thể để lại các loại dấu vết khác nhau trên mặt đất, trên cát, bùn , bụi, trên lớp cây cỏ ở hiện trường xảy ra sự cố.

Dựa theo dấu vết có thể xác định hướng, chiều dịch chuyển, tình trạng của người và phương tiện bị nạn.

Tìm kiếm theo dấu vết được tiến hành bằng cách thành lập các nhóm trên cơ sở Tổ, mỗi Tổ gồm 03 người dàn thành đội hình hàng ngang đi bộ lần theo dấu vết để lại trên bề mặt hiện trường. Khi áp dụng phương pháp này chiến sĩ tìm kiếm có thể được trang bị thêm các dụng cụ quan sát hoặc sử dụng chó nghiệp vụ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Phương pháp dùng thợ lặn, lưới quét hoặc que thăm dò tìm người và phương tiện đuối nước.

Trường hợp bị nạn ở vùng nước nông không ngập đầu người thì người chỉ huy CNCH tổ chức đội hình gồm 3-4 chiến sĩ dàn đội hình hàng ngang, giữa các chiến sĩ liên kết với nhau bằng một đoạn dây dài khoảng 2m tịnh tiến theo một hướng nhất định, dây quét bên trên mặt lớp bùn. Nếu dây bị vướng thì dừng lại kiểm tra xem đó là vật gì, nếu là người bị nạn thì nhanh chóng chuyển lên bờ để tìm cách cấp cứu theo hướng dẫn.

Que thăm dò có thể dùng để tìm người, vật bị nạn ở vùng nước sâu quá đầu người, dưới lớp bùn nhão hay trong các đống loại vật liệu tơi xốp mà que thăm dò xuyên qua được như đống thóc, ngũ cốc, tham cám… Các que thăm, được làm từ những thanh thép hoặc tre, gỗ cứng có chiều dài khoảng 3-4m. Đầu que thăm có cấu tạo hình mũ có các tua để không gây nguy hiểm cho người bị nạn khi bị chọc vào và tiện cho việc thu lượm mẫu vật có liên quan đến người bị nạn ở dưới nước mà không cần lặn xuống hoặc đào bới lớp bùn nhão như mảnh vải quần áo, tóc của người bị nạn, vật liệu trang trí đối với phương tiện … khi chúng bị quấn vào đầu que thăm.

Đội hình tìm kiếm bố trí theo hàng ngang bề mặt của hiện trường, khoảng cách giữa các que thăm là một cánh tay. Que thăm được ấn xuống từ từ cho đến cho đến hết chiều dài của que. Khi que chạm vào người hoặc vật ở dưới sâu, ta tỳ nhẹ đầu que vào rồi xoay nhẹ que sang phải hoặc trái một góc là 1800 rồi từ từ rút que lên. Căn cứ vào dấu vết thu được ở đầu que ta có thể xác định người hay vật ở bên dưới, đánh dấu vị trí hoặc tọa độ nơi xảy ra, rồi báo cáo chỉ huy để tổ chức các hoạt động cứu nạn, cứu hộ.

Cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) lặn xuống dưới nước nơi xảy ra sự cố để tìm kiếm người nạn. CBCS lặn cứu nạn, cứu hộ phải được huấn luyện hết sức bài bản và trang bị các phương tiện chuyên dùng mới làm tốt được nhiệm vụ.

Ngoài ra, trong một số trường hợp tai nạn xảy ra ở dưới nước, có thể dùng các phương tiện đánh bắt cá như: chài hoặc lưới có móc lưỡi câu để quét bề mặt đáy vùng xảy ra tai nạn. Bằng cách chia diện tích hiện trường tìm kiếm ra những đường băng có chiều ngang bằng chiều dài của lưới, thả lưới xuống sát mặt đất rồi cầm hai đầu lưới kéo theo chiều dài của đường băng hoặc quăng chài. Khi lưới hoặc chài vướng phải vật cản ở bên dưới ta từ từ kéo lên mặt nước để xác định người hoặc vật cần tìm. Trường hợp vật cản nặng không thể kéo lên được thì cho thợ lặn lặn xuống để xác định. Quy trình tìm kiếm được thực hiện bắt đầu từ đường băng thuộc khu vực có nhiều nghi vấn trước rồi sau đó mở rộng ra các đường băng tìm kiếm liền kề. Chỉ kết thúc quá trình tìm kiếm khi có quyết định của người chỉ huy.

Phương pháp dùng chó nghiệp vụ

Đây là phương pháp dùng chó nghiệp vụ để tìm kiếm người bị nạn dựa trên cơ quan khứu giác có độ nhậy cao của chó đối với mùi vị của người bị nạn thoát lên bề mặt đống đổ nát do tai nạn tạo nên.

Phương pháp này thường được tiến hành từ đầu quá trình tìm kiếm, sẽ giúp cho việc tìm kiếm được nhanh chóng và chính xác.

Đội hình tìm sử dụng chó nghiệp vụ được bố trí đi ngược chiều gió theo tuyến hành lang con thoi hay theo hình xoáy trôn ốc. Tùy thuộc vào diện tích bề mặt hiện trường mà có thể dùng chó tìm kiếm độc lập hay theo nhóm.

Trong quá trình tổ chức tìm kiếm cần chú ý đảm bảo các điều kiện an toàn cho chó trước những yếu tố nguy hiểm ở nơi xảy ra sự cố, tai nạn. Tránh để chó làm việc quá sức, cứ sau khi làm việc khoảng 40 phút thì cho chó nghỉ 15 phút. Đặc biệt, không để chó làm việc trong môi trường khí độc hại và môi trường khói vừa nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của chó, lại vừa không hiệu quả./.

          Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH