Cách ăn gạo lứt chữa bệnh

Tin vào những công dụng “tuyệt vời”: giảm cân, giảm đường huyết... thậm chí chữa được cả ung thư được lan truyền trên mạng, nhiều người chọn chế độ ăn chay trường chỉ gồm gạo lứt, muối vừng. Khỏi bệnh đâu không thấy, nhưng đã có trường hợp nguy kịch vì chế độ ăn này.

Ăn đến 41/49 ngày thì nguy kịch

Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 61 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội vào viện cấp cứu trong tình trạng ngừng tuần hoàn, rối loạn natri, kali. Không chỉ vậy, bệnh nhân còn có biến chứng suy thận cấp, tiêu cơ vân. Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn, bồi phụ điện giải.

Không nên lạm dụng chế độ chỉ ăn gạo lứt, muối vừng...

PGS. TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho biết, đây là một trong rất nhiều trường hợp tự chữa bệnh theo hướng dẫn trên mạng gây hậu quả nặng nề.

Sau 15 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được xuất viện. Nhưng rất tiếc, chỉ một ngày xuất viện, bệnh nhân lại phải quay lại viện cấp cứu vì bị đau tim dữ dội. Lần này bà được chẩn đoán bị hẹp động mạch vành, chỉ định đặt stent.

“Bản thân bệnh nhân bị bệnh mạch vành, nên chế độ ăn chay sẽ làm giảm điện giải trong máu, kích thích gây ngừng tim. Bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân tim mạch giảm tối đa tinh bột chế biến sẵn, thay vào đó ăn các loại hạt chế biến thô như gạo lứt. Song cần đảm bảo chế độ ăn phải cân đối, ăn nhiều cá, rau củ qua, hạn chế mỡ động vật, phủ tạng động vật chứ không khuyên ăn chay”, PGS Hùng cho biết.

Trước đó, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng tiếp nhận cấp cứu nữ bệnh nhân, 57 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội nhập viện sau khi ăn chay theo độ được hướng dẫn trên mạng trong 45 ngày. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp đang điều trị. Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, đau ngực trái, sau giảm ý thức, được nhân viên cấp cứu 115 đưa vào viện.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị rối loạn nhịp tim - phân biệt cơn thiếu máu não thoáng qua. Vừa được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực chống độc được 5 phút thì bệnh nhân bỗng nhiên xuất hiện giảm ý thức, ngừng tuần hoàn. Sau 40 phút cấp cứu, bệnh nhân tỉnh, có tim trở lại, trên điện tim sau cấp cứu có hình ảnh tổn thương.

Sau đó, trong quá trình điều trị cấp cứu, bệnh nhân tiếp tục có thêm 5 lần ngừng tuần hoàn với tình trạng rất nặng hạ kaili, suy thận cấp không cải thiện nên được lọc máu liên tục, nhiễm khuẩn nặng, viêm phổi thở máy, tiêu cơ vân, suy tim… Rất may sau đó bệnh nhân đã có thể xuất viện.

Ăn chay trường có thực sự tốt?

Chia sẻ về tình trạng nhiều người chọn chế độ ăn chay như hiện nay,  BS. Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đây là một chế độ ăn gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (rau, củ, quả, các loại hạt...), hoàn toàn không sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc động vật như các loại thịt (thịt lợn, thịt bò... và các loại thịt gia cầm), cá và hải sản.

Theo BS Tiến không phải ngẫu nhiên mà nhiều người chọn ăn chay, bởi vì ăn chay có nhiều chất xơ giúp chống táo bón, giảm cholesterol, giảm thèm ăn, tránh được béo phì, chất xơ làm giảm triglyceride và mỡ xấu LDL… “Song nếu ăn chay trường diễn thường bị thiếu một số chất khoáng như sắt, kẽm, can xi, vitamin B12... dễ có nguy cơ thiếu máu”, BS Tiến nói.

Vì vậy, BS Tiến khuyên người trưởng thành nên ăn chay ít nhất một tuần một lần để thanh lọc cơ thể, tránh bệnh tật, giúp tâm hồn thư thái, tinh thần nhẹ nhõm. Người lớn tuổi cần một số chất dinh dưỡng từ thức ăn nguồn động vật để duy trì sức khỏe, do họ thường khó hấp thụ dưỡng chất, vì thế ăn chay trường không phải là liệu pháp an toàn cho sức khỏe.

Chung quan điểm này, BS. Phạm Duy Tùng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cảnh báo mỗi người sẽ có một chế độ dinh dưỡng khác nhau, đặc biệt là những trường hợp có bệnh lý nền sẵn vì thế người dân không nên ăn chay theo chế độ trên mạng. Điều này có thể dẫn đến thiếu vi chất gây suy dinh dưỡng, rối loạn điện giải, và gây biến chứng nặng nề. “Trước khi ăn chay, bệnh nhân cần được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn chế độ ăn hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể”, BS. Tùng chia sẻ.

Đáng ngại hơn, nhiều người bệnh ung thư còn chọn chế độ ăn chay với gạo lứt, muối vừng và tin với chế độ ăn như vậy hạn chế sự phát triển của khối u, thậm chí khỏi bệnh. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Bởi theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, gạo lứt thực chất là loại gạo chỉ xát vỏ trấu ngoài, còn nguyên lớp vỏ cám bên trong nên vẫn giữ được chất xơ và các dưỡng chất quan trọng khác như các loại vitamin, canxi, sắt, kẽm và đạm.

Đặc biệt khi phương pháp ăn gạo lứt, muối vừng trị bệnh được coi là công trình nghiên cứu của một giáo sư người Nhật được tổ chức Y tế thế giới công nhận thì phong trào ăn loại thực phẩm này nhanh chóng lan ra nhiều nước. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có công trình khoa học nào trên thế giới khẳng định gạo lứt có khả năng phòng chống ung thư.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, gạo lứt cũng chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần chất dinh dưỡng, vẫn rất cần ăn bổ sung với các nhóm thực phẩm khác như các nhóm thức ăn giàu protit, lipit, rau củ quả khác để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

“Ngay cả với những người khỏe mạnh bình thường, chứ chưa nói tới bệnh nhân ung thư, lạm dụng gạo lứt hàng ngày mà không có thêm dinh dưỡng khác lâu ngày có thể gây nguy hại, làm cho cơ thể suy nhược trầm trọng vì thiếu những chất mà trong gạo lứt không có”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh.

Nguồn: //nongnghiep.vn

Page 2

Theo Bệnh viện Bạch Mai, cứ mỗi 8 giây trôi qua lại có 1 người chết do đái tháo đường. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, có rất nhiều sai lầm xuất phát từ việc bản thân bệnh nhân không hiểu biết rõ về căn bệnh của mình.

Hiện trên toàn thế giới, có gần 430 triệu người đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Đáng nói là cứ 2 người bị đái tháo đường thì 1 người không biết mình bị bệnh. Điều trị đái tháo đường rất tốn kém cho bản thân người bệnh và gia đình, có thể chiếm tới 1/2 thu nhập của gia đình. 

Với bệnh nhân đái tháo đường, có rất nhiều sai lầm xuất phát từ việc bản thân bệnh nhân không hiểu biết rõ về căn bệnh của mình, hoặc không được tư vấn những kiến thức đầy đủ về chế độ ăn uống, luyện tập và thuốc điều trị.

Dưới đây là những sai lầm người bệnh đái tháo đường rất hay gặp được Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ:

Kiêng hoàn toàn tinh bột và đường

Rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường nghĩ rằng chỉ cần kiêng tất cả các loại đường, tinh bột sẽ mang lại những hiệu quả nhất định trong kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng bởi một bữa ăn của người đái tháo đường cần phải có đầy đủ và cân đối các thành phần tinh bột, protein, lipid…

Chỉ cần theo dõi đường máu vào buổi sáng

Rất nhiều người bệnh cho rằng bản thân theo dõi đường máu rất tốt, tuần nào cũng thử đường máu vào buổi sáng khi đói nhưng không hiểu sao vẫn bị biến chứng? Đây là một sai lầm vì theo dõi đường máu sau ăn là việc làm rất quan trọng bởi đường máu sau ăn quá cao cũng gây ra rất nhiều biến chứng cho người bệnh. Do đó, người bệnh bắt buộc phải theo dõi cả đường máu lúc đói và sau ăn, và không phải chỉ 1 lần/tuần mà cần phải theo dõi nhiều lần trong một ngày cho đến khi đường máu ổn định rồi thì sẽ giảm dần số lần thử đường máu. Mục tiêu đường huyết sau ăn 1-2 giờ là dưới 10mmol/L.

Bệnh nhân đái tháo đường type 2 đa phần là người lớn tuổi, bên cạnh đái tháo đường họ có các bệnh lý khác như tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ máu… Thế nhưng người bệnh mới chỉ kiểm soát đường máu mà quên đi mất 2 yếu tố tăng huyết áp và rối loạn lipid máu cũng là yếu tố nguy cơ tác động qua lại, ảnh hưởng đến các biến chứng của người bệnh. Nếu bạn có tăng huyết áp có nghĩa có nguy cơ đột quỵ gấp 4 lần, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch gấp 3 lần. Cứ mỗi 3 phút có một người chết vì tăng huyết áp. Do đó cần kiểm soát tất cả các yếu tố bệnh tật, tuy nhiên chỉ 18% bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2 kiểm soát được cả 3 thông số: glucose máu, mỡ máu và huyết áp.

Dùng mãi một đơn thuốc

Con người sẽ dần dần bị lão hoá, già yếu hơn. Bệnh đái tháo đường type 2 cũng vậy, khả năng tiết insulin sẽ giảm dần theo năm tháng và là bệnh mạn tính tiến triển. Nhiều bệnh nhân có chỉ định tiêm insulin nhưng thực tế rất ít đồng ý tiêm. Lý do chủ yếu là do bệnh nhân không hiểu lợi ích của điều trị insulin sớm và cho rằng như vậy bệnh sẽ nặng hơn, trong khi thực tế điều trị insulin là diễn biến tự nhiên, không phải là bệnh nặng hơn.

Ngoài ra, rất nhiều người bệnh đái tháo đường đã và đang điều trị bằng đơn thuốc của người quen hoặc do người thân mách bảo. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi bệnh nhân sẽ có một mục tiêu điều trị riêng, sự đáp ứng với thuốc cũng trên nền bệnh lý và những bệnh phối hợp khác như: suy gan, suy thận, suy vành... Do đó không thể sử dụng đơn thuốc của người này cho người kia. Tình trạng sử dụng chung đơn thuốc như vậy đôi khi đã để lại cho người bệnh những tác dụng không mong muốn như: tăng hoặc giảm đường huyết quá mức, thậm chí suy gan, suy thận…

Hết thuốc nhưng không mua dùng tiếp mà chờ đến ngày khám lại

Đây là sai lầm rất nguy hiểm. Bệnh nhân đái tháo đường type 2 thiếu insulin sẽ làm đường huyết tăng cao, gây mệt mỏi, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 thiếu insulin 6 giờ có thể phải đi cấp cứu vì nhiễm toan ceto. Bệnh nhân đái tháo đường nếu không dùng thuốc có thể dẫn đến sai lệch kết quả đường huyết, khó điều chỉnh liều thuốc.

Bỏ thuốc Tây và uống thuốc Đông y

Rất nhiều bệnh nhân tự uống thuốc nam, đắp thuốc lá, hoặc đang uống thuốc Tây y lại bỏ điều trị nghe theo mách bảo dẫn đến bệnh nặng nề hơn với các biến chứng võng mạc, biến chứng lở loét bàn chân, thậm chí cắt cụt chân.

Không cấp cứu hạ đường huyết

Hạ đường huyết là đường huyết ở mức dưới 4 mmol/L, tình trạng này sẽ nguy hiểm hơn tăng đường huyết. Hạ đường huyết trên 6 giờ có thể dẫn đến chết não. Các hậu quả của hạ đường huyết phải kể đến hôn mê, tăng chi phí nằm viện, sa sút trí tuệ, mất tri giác, co giật, giảm chất lượng cuộc sống….

Để điều trị cấp cứu hạ đường huyết nếu bệnh nhân còn tỉnh nên cho uống nước đường, nước ngọt, ăn cơm… Trường hợp bệnh nhân hôn mê cần đưa vào trạm xá truyền glucose gấp hoặc đưa ngay vào bệnh viện gần nhất, không nhất thiết đưa lên tuyến trên.

Khi bị ốm cũng bỏ luôn thuốc đái tháo đường

Có không ít người bệnh nghĩ rằng bị ốm, ăn kém thì đường huyết sẽ hạ nên cần giảm hoặc ngừng uống thuốc đái tháo đường. Tuy nhiên thực tế khi bị ốm thì các hormone trong cơ thể sẽ tăng lên, làm đường huyết tăng cao. Vì vậy người bệnh cần đo đường huyết mỗi 3-4 giờ, đôi khi mỗi 1-2 giờ, ghi lại kết quả thử đường huyết.

Theo thống kê trên thế giới mỗi giờ, có thêm hơn 1.000 người mắc đái tháo đường mới; Cứ mỗi 8 giây, có 1 người chết do đái tháo đường; Cứ mỗi 5 phút có 1 người bệnh đái tháo đường bị nhồi máu cơ tim; Cứ mỗi 30 giấy có 1 người bệnh đái tháo đường bị cắt chân; 90% các trường hợp đái tháo đường type 2 là có thể phòng ngừa được.Người bệnh phải luôn nhớ rằng kiểm soát đường máu phải song song với việc kiểm soát mỡ máu, tình trạng tăng huyết áp, tim mạch là vô cùng quan trọng và chúng ta phải thường xuyên luyện tập, tuân thủ chế độ ăn cũng như kiểm tra đường máu định kỳ để giúp chúng ta biết được rằng chúng ta đang ở mức độ nào để có thể kiểm soát đường máu tốt và các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.
                                                                                                                                                                                                                                                            Nguồn: //www.phapluatplus.vn

Page 3

Details Thường thức Created: 26 November 2019 Hits: 5345

Trong suốt nhiều năm làm lâm sàng của mình, GS.TS. Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chưa ghi nhận trường hợp nào chữa khỏi bệnh ung thư chỉ bằng chế độ thực dưỡng.

GS.TS. Mai Trọng Khoa không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh một số người bệnh sau khi nhận được thông báo kết quả của bệnh viện thì bỏ mọi phác đồ điều trị do bác sĩ tư vấn, bỏ bệnh viện để về ăn theo chế độ “bỏ đói tế bào ung thư”, rồi tu luyện theo 1 pháp môn nào đó. Kết quả, khi trở lại bệnh viện, người bệnh đó rơi vào tình trạng suy kiệt nặng, nhiều bệnh nhân lúc phát hiện mới ở giai đoạn rất sớm có nhiều cơ hội điều trị thì giờ đã vào giai đoạn 3, giai đoạn 4, thậm chí giai đoạn cuối trên một thân thể suy kiệt. Thay vì áp dụng phác đồ điều trị, thì các bác sĩ lại phải chống suy kiệt bằng việc truyền đạm, đường, các chất dinh dưỡng ….để nâng cao thể trạng. Và không ít trong số những người bệnh đó đã đi về thế giới bên kia do suy kiệt trước khi bị chết vì ung thư. GS. Khoa nhấn mạnh: “Mọi việc cần dựa trên thực chứng và được kiểm chứng rõ ràng. Trong Y học hiện đại, dinh dưỡng lâm sàng được coi là một phương pháp điều trị phối hợp cùng với thuốc và các phương pháp điều trị khác. Còn quan điểm “bỏ đói tế bào ung thư” để dẫn đến người bệnh bị suy kiệt là nhận thức không đúng. Chúng ta cần hiểu rõ bản chất của vấn đề: Đó là cần có một cơ thể khỏe mạnh, thì mới tạo ra hệ thống miễn dịch tốt, khỏe mạnh thì mới có các tế bào miễn dịch khỏe mạnh đủ khả năng phát hiện, ức chế,  tiêu diệt các tác nhân gây bệnh - trong đó có tế bào ung thư. Bản thân tế bào ung thư cũng cần dinh dưỡng và chúng sẽ lấy dinh dưỡng từ chính người bệnh. Nếu người mắc ung thư không được cung cấp đủ năng lượng, người bệnh sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được với các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị…. Vì vậy, người bệnh và gia đình người bệnh không nên cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian để rồi đánh mất cơ hội điều trị chính thống ngay từ giai đoạn vàng”.

GS. Khoa cho biết thêm, bên cạnh các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, điều trị nội tiết, điều trị đích, gần đây có thêm một phương pháp mới là điều trị miễn dịch. Nếu trước kia chúng ta tác động và tiêu diệt trực tiếp các tế bào ác tính bằng phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, điều trị đích… thì bây giờ, bằng phương pháp điều trị miễn dịch tức là giúp các tế bào miễn dịch (tế bào T…) của hệ thống miễn dịch nhận diện và tiêu diệt tế bào khối u. Đây là phương pháp điều trị gián tiếp. Để có một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh thì cần một cơ thể đủ khỏe. Muốn vậy người bệnh cần một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học đủ chất… Do đó, bên cạnh việc dùng thuốc và các phương pháp  điều trị đặc hiệu thì dinh dưỡng là một phần không thể thiếu trong liệu trình điều trị bệnh nói chung và đặc biệt đối với người bệnh  ung thư. “Cần phải coi ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, khoa học là một phần không thể thiếu trong việc phòng và chống ung thư”, GS Khoa nhấn mạnh.

Đỗ Hằng

Video liên quan

Chủ đề