Cách bắt giun kim ở hậu môn

Cách bắt giun kim bằng mật ong theo dân gian là cha mẹ có thể lấy bông tẩm một chút mật ong, đặt vào vùng hậu môn của bé vào ban đêm, chờ một lúc rồi lấy ra nhằm bắt giun kim.

Bố mẹ hãy tìm hiểu bài viết để hiểu rõ hơn nhé!

  • Tìm hiểu về giun kim
  • Bệnh giun kim nguy hiểm như thế nào?
  • Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm giun kim
  • Cách bắt giun kim bằng mật ong theo phương pháp dân gian
  • Những bài thuốc dân gian trị giun kim với mật ong
  • Trị giun kim bằng các phương pháp dân gian có thật sự hiệu quả?
  • Phòng chống nhiễm giun sán cho trẻ

Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từbác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp Tim mạch Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.

Cách bắt giun kim ở hậu môn

Tìm hiểu về giun kim

Giun kim là một loại ký sinh trùng nhỏ, có màu trắng sữa, đầu hơi phình và vỏ có khía. Giun kim cái dài khoảng 9-12 mm, có đuôi dài và nhọn. Chúng thường đẻ trứng vào ban đêm ở nếp nhăn của hậu môn và tiết ra chất gây ngứa nên người mắc bệnh giun kim thường cảm thấy ngứa dữ dội ở hậu môn vào ban đêm.

Cách bắt giun kim ở hậu môn

Giun kim là ký sinh trùng làm trẻ bị ngứa hậu môn vào ban đêm (Nguồn ảnh: vinmec)

Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp Tim mạch Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Bệnh giun kim là một bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi và thường gặp nhất là ở trẻ em. Bệnh gây nên do nhiễm kí sinh trùng giun kim (tên khoa học là Enterobius vermicularis).

Bệnh giun kim thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, ít gặp ở người lớn. Những trẻ có thói quen mút tay hay không rửa tay trước khi ăn uống thì khả năng bị lây nhiễm giun kim là rất cao.

Bạn có thể chưa biết:

Bệnh giun kim nguy hiểm như thế nào?

Theo bác sĩ Nam, bệnh giun kim lây truyền chính qua đường hậu môn-miệng: dùng tay gãi hậu môn có chứa trứng giun kim, sau đó cầm thức ăn hoặc mút tay ở trẻ. Triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh giun kim bao gồm:

  • Ngứa hậu môn, nhất là vào ban đêm.
  • Đi đại tiện thấy ấu trùng giun kim trong phân.
  • Nhiều trường hợp mắc bệnh kéo dài có thể gây thiếu máu mạn tính dẫn đến triệu chứng hoa mắt, chóng mặt.

Giun kim ở trẻ có nguy hiểm không? Dù không phải là một chứng bệnh quá nguy hiểm nhưng bệnh giun kim có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh, cụ thể:

  • Ngứa dữ dội ở vùng hậu môn và bộ phận sinh dục, nhất là về đêm giun thường bò ra hoạt động khiến trẻ bứt rứt, khó chịu đến mất ngủ
  • Trẻ dùng tay gãi vào chỗ ngứa gây mất vệ sinh, khiến hậu môn đỏ tấy
  • Tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng âm ỉ
  • Khiến trẻ kém ăn, suy dinh dưỡng, người gầy xanh xao do bị giun chiếm đoạt gần hết chất dinh dưỡng trong cơ thể
  • Bé gái dễ bị viêm âm đạo, rối loạn kinh nguyệt
  • Bé trai dễ mắc phải chứng di tinh
  • Để lâu dễ bị lòi dom (sa trực tràng)
  • Trường hợp giun chui vào thực quản, phổi, hốc mũi hoặc bàng quang gây viêm nhiễm rất nguy hiểm. Giun chui vào ruột thừa sẽ gây viêm ruột thừa cấp tính
Cách bắt giun kim ở hậu môn

Vào ban đêm, giun kim chui ra hậu môn làm tổ làm trẻ quấy khóc (Nguồn ảnh: vinmec)

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm giun kim

Ngứa quanh hậu môn là triệu chứng dễ nhận thấy nhất ở người bị nhiễm giun kim. Hiện tượng này xảy ra dữ dội nhất là vào ban đêm, khiến trẻ ngủ không yên giấc, trẻ sơ sinh thì quấy khóc dữ dội. Ngoài ra, ba mẹ quan sát trong phân của trẻ còn có thể thấy ấu trùng giun kim.

Để kiểm tra, ba mẹ hãy sử dụng đèn pin soi vào hậu môn của trẻ vào ban đêm. Khi trẻ bị nhiễm giun kim, ba mẹ có thể thấy ở rìa hậu môn có giun kim cái. Hoặc ba mẹ có thể ấn nhẹ một miếng băng keo trong suốt vào hậu môn của trẻ. Nếu có trứng giun thì chúng sẽ dính vào băng keo. Nếu không tìm thấy giun kim hoặc trứng giun kim thì có thể triệu chứng ngứa hậu môn là do một bệnh lý khác.

Cách bắt giun kim bằng mật ong theo phương pháp dân gian

Bé bị giun kim phải làm sao? Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp Tim mạch Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Theo dân gian, cha mẹ có thể lấy bông tẩm một chút mật ong, đặt vào vùng hậu môn của bé vào ban đêm, chờ một lúc rồi lấy ra nhằm bắt giun kim. Thực tế, chưa có nhiều bằng chứng khoa học khẳng định hiệu quả của liệu pháp dân gian này, và nếu có, cũng chỉ mang ý nghĩa kiểm chứng là trong người bé có giun hay không mà thôi.

Cách bắt giun kim ở hậu môn

Có thể dùng mật ong để bắt giun kim cho trẻ (Nguồn ảnh: unsplash)

Để điều trị dứt điểm bệnh giun kim, nếu tập thể bị nhiễm bệnh cần điều trị đồng loạt để tránh tình trạng tái nhiễm. Cần lưu ý một vài loại thuốc diệt kí sinh trùng có chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi vì vậy khi điều trị thuốc cần nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và kê đơn phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.

Những bài thuốc dân gian trị giun kim với mật ong

Ngoài cách bắt giun kim ở trẻ em bằng mật ong, mẹ cũng có thể sử dụng mật ong để làm các bài thuốc dân gian trị giun cho bé.

Trị giun kim với mật ong và hạt đu đủ

Cho bé uống nước sắc từ hạt đu đủ pha với mật ong có thể giúp loại bỏ sạch hoàn toàn giun trong dạ dày. Trong hạt đu đủ có chứa hợp chất alkaloid anthelmintic được gọi là carpaine giúp tiêu diệt ký sinh trùng đường ruột.

Đây là bài thuốc tự nhiên nên ít tốn kém, ít gây hại lại vô cùng hiệu quả. Cách làm rất đơn giản, mẹ chỉ cần lấy hạt đu đủ chín đem phơi khô ngoài nắng rồi xay nhuyễn thành bột, sau đó pha thêm 2 3 thìa cafe mật ong rừng nguyên chất, cho bé uống mỗi buổi sáng sẽ giúp tiêu diệt giun.

Bạn có thể chưa biết:

Hỗn hợp cà rốt, mật ong và muối

Cà rốt là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là trong cà rốt có chứa lưu huỳnh nên có tác dụng trị giun kim vô cùng hiệu quả. Cho trẻ uống nước ép cà rốt pha với muối, mật ong vào mỗi buổi sáng sẽ giúp đường ruột của bé sạch hơn.

Cách làm:

  • Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ, bỏ chút nước rồi xay nhuyễn
  • Lọc lấy nước
  • Thêm chút muối, mật ong khuấy đều là dùng được.

Trị giun kim bằng các phương pháp dân gian có thật sự hiệu quả?

Những bài thuốc dân gian giúp trị giun bằng mật ong trên chỉ là thông tin truyền miệng, hoàn toàn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy các cách bắt giun bằng mật ong hay trị giun bằng cách cho bé uống các bài thuốc này có thực sự hiệu quả hay không. Vì vậy, khi phát hiện trẻ bị giun kim hoặc nghi ngờ trẻ bị giun kim, mẹ tốt nhất nên đưa con đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của bé.

Thông thường thì trẻ trên 2 tuổi mới được tẩy giun nhưng với trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn do nhiễm giun thì mẹ có thể tẩy giun sớm cho bé, 1 tuổi là có thể tẩy được. Tuy nhiên mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết đâu là loại thuốc phù hợp với độ tuổi của bé.

Cách bắt giun kim ở hậu môn

Có thể tẩy giun cho trẻ bằng thuốc tân dược, tuy nhiên cần tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng (Nguồn ảnh: vinmec)

Bên cạnh những biện pháp dân gian hay Đông y thì trên thị trường có rất nhiều loại thuốc Tây khác nhau có thể tẩy giun kim hiệu quả, có thể diệt nhiều loại giun khác nhau ra khỏi cơ thể mà không gây tác dụng phụ nào. Một số loại thuốc tẩy giun mà bạn có thể mua về sử dụng cho trẻ như: Albendazol, Mebendazol, Pyrantel.

Các bậc phụ huynh không cần lo lắng nhiều về việc sổ giun cho bé, chỉ cần tìm hiểu kỹ thông tin cũng như phương pháp điều trị cụ thể, tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết cách sử dụng hiệu quả và an toàn nhất thì việc bắt giun kim ở trẻ sẽ trở lên đơn giản hơn. Điều đặc biệt là bố mẹ đừng quên tẩy giun định kỳ cho trẻ để trẻ được phát triển khỏe mạnh.

Phòng chống nhiễm giun sán

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Đăng Mịch Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long cho biết, Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình nên tự bảo vệ bản thân và con cái trước nguy cơ nhiễm giun sán bằng các biện pháp sau:

  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, nhất là nền nhà, giường chiếu và quần áo trẻ em
  • Đảm bảo vệ sinh trong chế biến và tiêu thụ thực phẩm, ăn chín uống sôi, vệ sinh vật dụng chế biến sạch sẽ
  • Cắt ngắn móng tay, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh
  • Cho trẻ mặc đồ lót, không để vùng hậu môn tiếp xúc với vật dụng bên ngoài.

Hy vọng bài viết vừa rồi có thể giúp mẹ hiểu thêm về bệnh nhiễm giun kim cũng như biết cách xử trí khi nghi ngờ bé bị nhiễm giun. Đừng quên tham khảo thêm nhiều bài viết bổ ích khác của theAsianparent để không bỡ ngỡ trong việc nuôi dạy con mẹ nhé.

Nguồn tham khảo: Bệnh giun kim: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng chống Vinmec

Xem thêm:

  • Tẩy giun cho trẻ dưới 2 tuổi, nên hay không nên?
  • Mẹ kinh hoàng khi thấy bác sĩ gắp ra giun sán dài hơn 1 cm trong mắt con
  • Dấu hiệu bé bị đau bụng giun và cách chữa đau bụng giun cho trẻ

Vào ngayFanpage của theAsianparent Vietnamđể cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!