Cách làm tương ớt Lào Cai

Cách làm tương ớt Lào Cai


Người tạo nên thương hiệu tương ớt Mường Khương
(baolaocai.vn 20/11/2012 11:37)
Mấy chục năm làm công trình xây dựng rồi quay ngoắt sang làm nông nghiệp, Nguyễn Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX Kinh doanh tổng hợp Mường Khương bị nhiều người cho là "gàn" khi bỏ một lĩnh vực "hái ra tiền" để đi làm nông dân.

Từ lâu, ớt Mường Khương đã nổi tiếng bởi hương vị riêng, nhưng phải tới những năm gần đây, khi sản phẩm tương ớt dần có chỗ đứng trên thị trường thì ớt Mường Khương mới thực sự trở thành đặc sản hàng hóa đem lại thu nhập cao cho người trồng ớt. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Dũng tiếp chúng tôi ngay tại chân công trình thi công vườn ươm ớt giống, anh hy vọng với sự đầu tư này sẽ giúp HTX chủ động được nguồn giống, đảm bảo chắc chắn nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm mà mình đã mất bao năm gây dựng.

Gặp anh, chúng tôi mới thấy ở con người này, kinh doanh không phải là tất cả, việc anh lựa chọn dấn thân vào kinh doanh và làm thương hiệu cho quả ớt Mường Khương còn là một sự đam mê đặc biệt. Khuôn mặt sạm đen và đôi mắt lúc nào cũng ánh lên vẻ như đang có rất nhiều suy nghĩ, dự định trong đầu, Nguyễn Văn Dũng mở đầu bằng câu chuyện của những ngày đầu khi anh mới đặt chân lên Lào Cai. Đầu những năm 90, thời điểm tỉnh Lào Cai đang bước vào công cuộc tái thiết đầy sôi động, chàng trai trẻ người Hải Dương đã bén duyên trên mảnh đất biên giới này với vai trò một nhà thầu xây dựng. Công việc kinh doanh của anh khá thuận lợi bởi mảnh đất sôi động này đã tạo cho người thanh niên trẻ nhiều cơ hội tạo dựng sự nghiệp.

Năm 2004, Nguyễn Văn Dũng quyết định chuyển hoạt động kinh doanh của mình lên mảnh đất núi đá Mường Khương, từ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, rồi mở rộng thêm kinh doanh dịch vụ môi trường. Nhưng bước ngoặt lớn nhất đối với Nguyễn Văn Dũng là khi anh quyết định đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp. Anh cho biết: Đây không phải là lần đầu tiên tôi quyết định bỏ một công việc đang làm tương đối thuận lợi để rẽ sang hướng khác, nhưng tôi đã nghĩ có lẽ đây sẽ là lần chuyển hướng cuối cùng. Chưa đặt chân lên Mường Khương, Nguyễn Văn Dũng đã nghe nói nhiều về loại ớt ngon nổi tiếng ở mảnh đất này và được xem nông dân chế biến thủ công ra sản phẩm tương ớt, được thưởng thức hương vị cay nồng, những ý tưởng về xây dựng thương hiệu cho một trong những sản phẩm đặc sản của vùng núi đá này đã nảy ra trong đầu anh.

Có nhiều yếu tố để làm nên đặc sản tương ớt Mường Khương, như khí hậu, nguồn nước, ủ bằng loại rượu ngô đặc biệt Để giữ được trọn vẹn hương vị đúng như loại tương ớt cổ truyền hàng ngàn đời nay của người vùng cao Mường Khương, Nguyễn Văn Dũng đã bỏ nhiều công sức để tìm hiểu, học hỏi cách làm của đồng bào nơi đây. Những mẻ sản phẩm đầu tiên ra đời được chế biến hoàn toàn bằng thủ công được anh đúc rút từ kinh nghiệm làm tương ớt cổ truyền của người Mường Khương. Với anh, đó thực sự là một sự kiện trọng đại, giúp anh có thêm niềm tin khi quyết tâm lựa chọn trở thành "nông dân" ở mảnh đất Mường Khương này. Cùng với việc nghiên cứu dây chuyền chế biến tương ớt, Nguyễn Văn Dũng nghĩ ngay tới việc phải đăng ký thương hiệu và từng bước tạo chỗ đứng trên thị trường. Đầu năm 2006, Cục Bản quyền và Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp chủ quyền thương hiệu cho sản phẩm tương ớt Mường Khương của HTX Kinh doanh tổng hợp Mường Khương. Đây cũng chính là một trong số những sản phẩm nông sản đầu tiên trong cả nước đăng ký xây dựng thương hiệu.

Sản phẩm tương ớt ra đời sau, giữa lúc trên thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh mặt hàng này đang tranh giành thị phần quyết liệt. Ngay trên thị trường Lào Cai cũng có rất nhiều mặt hàng tương ớt của các doanh nghiệp trong Nam, ngoài Bắc, nhưng Nguyễn Văn Dũng vẫn hết sức tự tin, bởi ớt Mường Khương đã có tiếng từ lâu. Sau nhiều năm có mặt trên thị trường, tương ớt Mường Khương đã dần chinh phục khách hàng, riêng tại thị trường Lào Cai, có thể nói khó có sản phẩm tương ớt nào cạnh tranh được với tương ớt Mường Khương. HTX Kinh doanh tổng hợp Mường Khương không đáp ứng nổi những hợp đồng lớn, nhỏ cung cấp tương ớt cho khách hàng khắp các tỉnh, thành phố. Năm 2011, anh đã đầu tư dây chuyền sản xuất tương ớt trên 2 tỷ đồng, anh Dũng cho biết: Để đảm bảo sản phẩm chất lượng có tính cạnh tranh trên thị trường thì buộc phải đầu tư dây chuyền hiện đại. Chủ nhiệm Dũng đưa chúng tôi xem một mẫu sản phẩm mới nhất và khoe: Các anh để ý xem tương ớt không chỉ giữ được hương vị cổ truyền mà màu tươi đỏ của quả ớt cũng được giữ nguyên trên sản phẩm. Công nghệ hiện đại này cũng giúp khắc phục một số hạn chế của sản phẩm tương ớt cổ truyền vẫn được người dân tự làm đó là bị váng mốc khi để lâu hoặc có ga trong quá trình bảo quản

Làm nông nghiệp giúp đầu óc nhẹ nhõm hơn so với không khí ngột ngạt cạnh tranh khi làm xây dựng. Những dịp gần gũi chia sẻ với nông dân giúp anh càng hiểu rằng những đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Mường Khương còn nghèo lắm và chẳng phải nói đâu xa đến cái liên kết "4 nhà" kia thì tự trong quá trình kinh doanh của mình, anh cũng hướng đến một điều là làm sao để tạo thêm cơ hội cho bà con người dân tộc thiểu số tăng thêm thu nhập.

Chúng tôi như bị cuốn vào câu chuyện làm nông nghiệp mà Nguyễn Văn Dũng vẫn say sưa kể. Tạo dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay có thể coi là thành công, nhưng anh dường như vẫn còn nhiều lo lắng, khó khăn nhất hiện nay là chưa hình thành được vùng nguyên liệu ớt ổn định. Đây cũng chính là trăn trở mà anh đang đi tìm lời giải./.


Theo như lời Anh Nguyễn Văn Dũng nói thì tương ớt mường khương rất đặc biệt

Ngoài việc lựa chọn ớt cực kỳ cẩn thận và tỉ mỉ thì việc lựa chọn các phụ gia khác cũng góp phần tạo lên một sản phẩm tương ớt Mường Khương hiện nay

Các phụ gia khác gồm có tỏi củ, hạt rau thì là, hạt rau mùi, thảo quả, quế, rượu, muối, nước, hạt dổi

Các nguyên liệu này được hòa trộn theo tỷ lệ Chế biến 30 kg ớt quả tươi cần 100 gam hạt rau thì là, 100 gam hạt rau mùi, 50 gam hạt dổi, 3 kg tỏi đã nhặt sạch, 500 ml rượu ngô, 3 kg muối ăn, 50 gam quế, 50 gam thảo quả và 5 lít nước sôi để nguội.
Ớt quả được rửa sạch, để ráo nước rồi đưa vào xay, xay nhỏ quả ớt, có thể xay lẫn với tỏi để nguyên liệu được trộn đều. Các nguyên liệu như: hạt rau mùi, hạt rau thì là, hạt dổi, hạt thảo quả phải được rang chín, tạo mùi thơm đặc trưng. Sau đó, xay nhỏ riêng từng nguyên liệu này, rồi mới trộn đều vào thùng tương ớt đã xay nhuyễn cùng với rượu và nước đã pha với muối. Như vậy, bà con đã được một thùng tương ớt được chế biến theo cách làm của người dân bản địa của huyện Mường Khương.

Cách làm tương ớt Lào Cai

Một bí quyết làm cho tương ớt sau khi chế biến giữ được lâu mà vẫn thơm ngon đó là phải dùng nước đun sôi để nguội pha muối, rồi hòa vào hỗn hợp ớt đã xay nhuyễn. Tương ớt đã pha trộn phải được đựng trong thùng gỗ hoặc thùng nhựa và có nắp đậy kín

Theo cách làm của người dân địa phương, thời gian ủ tương ớt khoảng 2 tháng thì ớt mới đủ ngấu, tạo hương vị thơm ngon và bảo quản được lâu dài. Tương ớt có vị cay đậm đà, hương thơm và có vị chua. Để tránh tương ớt bị lên men, cần chú ý hàng ngày phải đảo thùng ớt một đến hai lần. Nên chọn những chai đóng tương ớt loại nhỏ vừa phải, là loại chai nhựa, có dung tích từ 300 đến 500 ml. Chai, lọ để đóng tương ớt cần rửa sạch, để khô. Tương ớt đóng vào chai cần có nắp đậy kín. Việc chế biến tương ớt quan trọng nhất là giữ cho những dụng cụ đựng sản phẩm, chế biến sản phẩm phải luôn sạch và tuyệt đối không được dính mỡ. Nếu mỡ dính vào dụng cụ đựng sẽ làm cho tương ớt bị thối và hỏng


Xem thêm

Tương ớt Mường Khương, ngon mà cay!
(VOV4) - Tương ớt Mường Khương được nhiều người biết tiếng, bởi sản phẩm này độc đáo, hấp dẫn thực khách ngay từ lần đầu thưởng thức. Tương ớt Mường Khương nay đã lên Sàn giao dịch Rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội (123 Hồ Tùng Mậu, Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội).

Lào Cai: Hiệu quả đem lại từ cây ớt Mường Khương
Năm 2015 toàn huyện Mường Khương trồng khoảng 170ha ớt, năng suất ước khoảng 4,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt 765 tấn.