Cách sử dụng bút tiêm insulin Lantus

Cách sử dụng bút tiêm insulin Lantus

Thuốc Lantus (insulin glargine) là gì? Cách dùng bút tiêm như thế nào? Hãy cùng YouMed phân tích bài viết dưới đây để hiểu thật kĩ về cách dùng cũng như những lưu ý về bút tiêm Lantus (insulin glargine) nhé!

Thành phần hoạt chất: insulin glargine.

1. Thuốc Lantus (insulin glargine) là thuốc gì?

Đái tháo đường là bệnh mà cơ thể không sản xuất đủ insulin để kiểm soát nồng độ đường trong máu.

Lantus là thuốc điều trị có chứa insulin glargine với các đặc tính:

  • Là một insulin biến đổi, rất giống với insulin của con người
  • Có tác dụng hạ huyết áp lâu dài và ổn định.

2. Chỉ định dùng thuốc Lantus (insulin glargine)

Cách sử dụng bút tiêm insulin Lantus

Thuốc Lantus được dùng để làm giảm lượng đường cao trong máu ở người lớn, thiếu niên và trẻ em ≥ 6 tuổi bị mắc bệnh đái tháo đường khi cần điều trị bằng insulin. 

Thuốc không được sử dụng khi người bệnh bị dị ứng với insulin hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào khác của thuốc.

3. Hướng dẫn dùng thuốc Lantus 

3.1. Thời điểm dùng 

Mỗi ngày bệnh nhân cần tiêm một mũi Lantus vào một giờ nhất định. Ở trẻ em, nghiên cứu cho thấy nên tiêm thuốc vào buổi tối.

3.2. Cách dùng 

Thuốc Lantus được tiêm dưới da, không được tiêm Lantus vào tĩnh mạch vì tác dụng của thuốc sẽ bị thay đổi và có thể gây hạ đường huyết.

Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết nên tiêm Lantus ở vùng da nào. Mỗi lần tiêm nên thay đổi vị trí tiêm trên vùng da đã chọn.

3.3. Dùng bút tiêm

Lantus có thể chỉnh liều dùng từ 1 đến 80 đơn vị. Cách dùng bút tiêm cụ thể theo từng bước như sau

Bước 1 | Kiểm tra insulin+ Đầu tiên cần kiểm tra lại nhãn xem có đúng loại thuốc mình đang cần dùng hay không.

+ Tháo nắp bút và kiểm tra hình thức cảm quan của insulin. Lantus là dung dịch trong suốt.

Bước 2 | Gắn kim+ Tháo niêm bảo vệ của kim tiêm mới.

+ Để kim thẳng hàng với thân bút và giữ thẳng khi gắn vào (vặn hoặc ấn vào tùy theo từng loại kim).

Bước 3 | Kiểm tra an toàn+ Bảo đảm bút tiêm và kim tiêm hoạt động bình thường.+ Loại bỏ bọt khí. Chọn liều 2 đơn vị bằng cách vặn vòng chọn liều.+ Cầm bút tiêm và đầu kim tiêm hướng lên trên. Gõ nhẹ buồng chứa để đẩy bọt khí lên đầu kim. 

+ Bấm đầu bút để xem insulin có trào ra ở đầu kim hay không.

Bước 4 | Chọn liều+ Kiểm tra cửa sổ chỉ liều cho thấy số 0 sau khi đã thực hiện bước 3.

+ Chọn liều cần dùng bằng cách vặn nút chỉnh liều.

Bước 5 | Tiêm thuốc+ Tìm những vùng trên da để có thể tiêm (vùng bụng xung quanh rốn+ Tiêm thuốc vào vùng da. Ấn nút tiêm hết chiều sâu. Chữ số trên cửa sổ chỉ liều sẽ trở về số 0 khi tiêm. 

+ Vẫn ấn giữ nút tiêm. Đếm chậm rãi đến 10 trước khi rút kim khỏi da.

Bước 6 | Tháo và hủy kim tiêm+ Sau khi tiêm luôn luôn phải tháo kim ra và cất giữ bút tiêm không có gắn kim.

+ Kim tiêm chỉ dùng 1 lần sau đó xử lí theo đúng hướng dẫn của chuyên viên y tế.

3.4. Liều dùng

Bác sĩ sẽ đánh giá theo tình trạng đường huyết trong cơ thể người bệnh để có thể chỉ định liều insulin cần dùng.

Do đó, cần tuân thủ một cách chính xác những hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị cũng như có thể ổn định sức khỏe.

4. Tác dụng phụ của thuốc Lantus (insulin glargine)

Cách sử dụng bút tiêm insulin Lantus

  • Hạ đường huyết (mức đường huyết thấp): có thể rất nghiêm trọng, gây mất tri giác. Nghiêm trọng hơn có thể gây hư tổn não và có thể đe dọa tính mạng. 
  • Xuất hiện các phản ứng lan rộng trên da (nổi mẫn và ngứa toàn thân), da và niêm mạc phù nề nặng (phù mạch), khó thở, tụt huyết áp kèm tim đập nhanh và vã mồ hôi (triệu chứng của dị ứng insulin nặng)
  • Loạn dưỡng mỡ tức là khi thường xuyên tiêm thuốc ở cùng một vị trí trên da, mô mỡ dưới da ở vùng này có thể bị teo hoặc dày lên (còn gọi là loạn dưỡng mỡ). 
  • Phản ứng da và dị ứng bao gồm các triệu chứng đỏ, đau nhức chỗ tiêm, ngứa, nổi dát, sưng hoặc viêm). Phản ứng cũng có thể lan rộng chung quanh chỗ tiêm. Phần lớn có thể tự khỏi trong vòng vài ngày đến vài tuần.
  • Vấn đề về mắt như có thể tạm thời gây rối loạn thị giác. Nếu bệnh nhân có bệnh võng mạc tăng sinh thì các cơn hạ đường huyết nặng có thể gây mất thị lực tạm thời.

5. Tương tác thuốc với Lantus 

  • Làm hạ đường huyết: thuốc trị đái tháo đường khác, ACEI, disopyramid, fluoxetin, fibrat, IMAO, pentoxifyllin, propoxyphen, salicylat, sulfonamid. 
  • Làm tăng đường huyết: diazoxid, thuốc lợi tiểu, corticoid, danazol, dẫn chất phenothiazin, somatropin, glucagon, isoniazid, estrogen và progestogen, epinephrine, salbutamol, terbutalin, hormone tuyến giáp, olanzapin, clozapin, ức chế protease. 
  • Có thể tăng hoặc giảm đường huyết: chẹn bêta, clonidin, muối lithium, pentamidin, rượu.

Lưu ý thuốc chẹn bêta, clonidin, guanethidin và reserpin có thể làm lu mờ hoặc ức chế hoàn toàn các triệu chứng hạ đường huyết.

6. Lưu ý khi dùng thuốc Lantus (insulin glargine)

  • Cần tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn về liều dùng, chế độ ăn, và hoạt động thể lực, kỹ thuật tiêm và thường xuyên làm xét nghiệm để kiểm tra đường huyết của cơ thể.
  • Đối với trẻ em <6 tuổi và bệnh nhân có chức năng gan và thận không tốt thì vẫn còn ít kinh nghiệm trong việc điều trị.
  • Chuẩn bị đầy đủ thuốc, thông tin và các biện pháp xử trí tình trạng dùng thuốc khi đi nước ngoài.
  • Khi bị ốm hoặc chấn thương nặng, đường huyết có thể tăng cao (tăng đường huyết).
  • Ngược lại nếu ăn uống không đầy đủ, đường huyết có thể giảm quá thấp.
  • Trong khi dùng thuốc, có thể xảy ra các đợt hạ đường huyết gây chóng mặt nên cần lưu ý ở những đối tượng lái xe và vận hành máy móc.

Đối với bệnh nhân bị đái tháo đường týp 1 (đái tháo đường lệ thuộc insulin), đừng ngưng dùng insulin và hãy ăn đủ carbohydrat.

7. Đối với phụ nữ có thai và cho con bú 

Cách sử dụng bút tiêm insulin Lantus

  • Phải thông tin cho bác sĩ biết nếu dự định mang thai hoặc đang có thai.
  • Có thể cần thay đổi lượng insulin trong khi mang thai và sau khi sinh con.
  • Với phụ nữ đang cho con bú, hãy hỏi ý kiến bác sĩ vì có thể cần phải điều chỉnh liều lượng insulin và chế độ ăn để không gây ảnh hưởng đến trẻ.

Đặc biệt, việc kiểm soát cẩn thận bệnh đái tháo đường và đề phòng hạ đường huyết là điều quan trọng đối với sức khỏe của em bé.

8. Xử trí khi dùng quá liều thuốc Lantus 

Việc tiêm quá nhiều Lantus có thể gây hạ đường huyết. Để đề phòng hạ đường huyết, bạn cần ăn đầy đủ thức ăn và theo dõi đường huyết đều đặn. 

9. Xử trí khi quên một liều thuốc Lantus 

  • Nếu đã lỡ bỏ quên một liều hoặc dùng một liều nhưng lại không đủ hàm lượng thì lượng đường trong máu có thể trở nên quá cao, tức khi đó bạn sẽ bị tăng đường huyết.
  • Hãy kiểm tra đường huyết thường xuyên để có thể dễ dàng theo dõi sức khỏe.
  • Nên nhớ không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã quên vì sẽ gây tăng nguy cơ hạ đường huyết, thậm chí có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng.

10. Cách bảo quản thuốc

Bút tiêm chưa sử dụng

  • Bảo quản trong tủ lạnh (2oC-8oC). Không được để đông lạnh.
  • Không để thuốc gần ngăn đá hoặc vỉ đá trong tủ lạnh.
  • Giữ nguyên lọ/bút tiêm trong hộp để tránh ánh sáng.

Bút tiêm đang sử dụng

  • Lọ thuốc khi đã mở, đã sử dụng hoặc bút tiêm nạp sẵn đang sử dụng hoặc được mang theo để dự trữ có thể bảo quản tối đa 4 tuần ở nhiệt độ ≤30oC, tránh ánh sáng trực tiếp.
  • Không nên bảo quản trong tủ lạnh.
  • Đừng dùng bút tiêm sau khoảng thời gian nói trên.

Bút tiêm Lantus có chứa insulin glargine được dùng để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, vì đây là insulin nên tác dụng phụ lớn nhất mà người bệnh thường dễ gặp nhất chính là hạ đường huyết. Ở tình trạng nhẹ có thể xử lí được nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn có thể gây đe dọa tính mạng. Do đó, hãy luôn thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu và nếu có gì bất thường hãy gọi ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời!

Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên

Nguồn tham khảo / Source

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người