Cách sử dụng khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản nước ta thế nào để có hiệu quả

Cách sử dụng khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản nước ta thế nào để có hiệu quả
Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và nâng cao trách nhiệm trong quản lý, sử dụng, khai thác khoáng sản của doanh nghiệp

Để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản, Đảng, Nhà nước đã sớm xây dựng cũng như từng bước đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy về quản lý tài nguyên. Theo đó, về mục tiêu tổng quát, đến năm 2020, Việt Nam có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững.

Vậy các nguồn tài nguyên sẽ được quản lý và sử dụng như thế nào cho hiệu quả? Tài nguyên chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ tiềm năng, các giá trị; chưa được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững, một số loại bị khai thác quá mức nên suy thoái, cạn kiệt… cũng là một trong những vấn đề cấp thiết cần được sớm xử lý.

Để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, Đảng, Nhà nước đã sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy về quản lý tài nguyên.

Trước mục tiêu này, Chính phủ đã sớm đầu tư cho điều tra cơ bản các nguồn tài nguyên, địa chất khoáng sản. Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên đang tồn tại nhiều hạn chế.

Công tác quản lý tài nguyên chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức về khai thác, sử dụng tài nguyên bất hợp lý, nhất là về mối quan hệ giữa lợi ích trước mắt và lâu dài; chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên còn bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ và chưa sát thực tế; tài nguyên chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ tiềm năng, giá trị, một số loại bị khai thác quá mức đến cạn kiệt...

Để thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2050 Việt Nam trở thành quốc gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh cho rằng, cần phải đánh giá dài hạn hơn việc tiếp cận, sử dụng, hướng tới giải pháp dự trữ lâu dài. Hiện, Việt Nam đã dự trữ hơn 10 loại khoáng sản khác nhau cho các giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế, một số loại về mặt chiến lược lâu dài có giá cao cũng không bán. Đồng thời, chúng ta cần hoàn thiện thể chế, tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động và sản lượng khai thác thực tế để bảo đảm tránh thất thoát, phát triển theo hướng bền vững ngay cả khi đóng cửa mỏ.

Theo định nghĩa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc, di sản địa chất là tài nguyên không tái tạo, một khi mất đi là khó có thể phục hồi. Do đó, chuyển các mỏ sau khi đóng cửa sang phát triển du lịch được coi là hướng đi bảo vệ, sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hợp lý và hiệu quả nhất.

Mục tiêu nâng tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục tăng, hình thành một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu như: lọc, hóa dầu, sắt thép, đồng, chì – kẽm, phân bón, hóa chất, chế biến kim loại quý hiếm. Việc quản lý thu thuế tài nguyên thực hiện từ năm 1991 đến nay và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), nhất là dầu khí.

Cách sử dụng khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản nước ta thế nào để có hiệu quả
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh

Số thu về thuế tài nguyên chủ yếu từ dầu thô và khí thiên nhiên khai thác từ các hợp đồng dầu khí, chiếm từ 82% đến 83% trên tổng số thu về thuế tài nguyên. Số thuế tài nguyên khai thác nội địa chiếm tỷ trọng khoảng 16-17% tổng thu NSNN, góp phần tăng cường quản lý tài nguyên, khuyến khích bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản được các bộ ngành liên quan phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ, thường xuyên và liên tục…

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, trong hai thập kỷ qua, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam đã được khai thác ở quy mô lớn và đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Tính đến đầu năm 2016, cả nước có khoảng 450 mỏ khai thác khoáng sản do Nhà nước quản lý, khai thác nhưng mang về chưa đến 3,5% GDP.

Cần có chiến lược sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh cho biết, đến thời điểm hiện nay, hệ thống chính sách và quy định pháp luật về khoáng sản cũng đã trải qua nhiều giai đoạn. Chúng ta có Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản năm 1989, Luật Khoáng sản năm 1996 sau đó sửa đổi, bổ sung vào năm 2005. Đến năm 2010, chúng ta có Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Ngoài ra chúng ta có 8 nghị định, trong đó có 2 nghị định được thay thế. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký Nghị định số 23 ngày 24/2/2020 về quản lý cát, sỏi lòng sông. Đây là nghị định duy nhất quản lý riêng một loại khoáng sản. Ngoài ra Bộ TN&MT, các bộ, ngành liên quan đã xây dựng và ban hành khoảng 50 thông tư, thông tư liên tịch.

Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực năm 2011, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản được hoàn thiện. Đây là một bước hành lang pháp lý và cơ sở quan trọng để chúng ta quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản và đưa ngành công nghiệp khai khoáng nước ta phát triển theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, ông Lại Hồng Thanh cũng thừa nhận, vẫn còn những bất cập trong công tác quản lý; việc khai thác khoáng sản ở nhiều nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là cát, sỏi lòng sông, than, hay khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng… Chính vì vậy, trong thời gian tới, nhiệm vụ đầu tiên là các bộ, ngành phải đánh giá tiềm năng của nguồn tài nguyên khoáng sản để đề xuất chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý cụ thể.

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cũng cho rằng, việc sử dụng như thế nào cho tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội, khai thác bền vững sinh thái, cảnh quan, tài nguyên sinh vật... hiện nay đang là vấn đề cốt lõi.

Đặc biệt, cơ quan chức năng cần xác định các loại khoáng sản có giá trị về mặt chiến lược, lâu dài để dự trữ cho đất nước. Đối với những mỏ đang khai thác, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và nâng cao trách nhiệm trong quản lý, sử dụng, khai thác khoáng sản của doanh nghiệp; có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong và sau quá trình khai thác, không để lại hậu quả làm ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân trong khu vực...

Cách sử dụng khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản nước ta thế nào để có hiệu quả
PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện nghiêm chỉ thị số 03/CT-TTg nêu trên và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đã ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Quy chế phối hợp trong quản lý khoáng sản (nhất là cát, sỏi lòng sông) ở vùng giáp ranh địa giới hành chính; quy định rõ trách nhiệm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông trên địa bàn quản lý mà không xử lý kịp thời hoặc diễn ra kéo dài hoặc tái diễn nhiều lần; xây dựng quy chế phối hợp quản lý cát, sỏi ở khu vực giáp ranh giữa hai hay nhiều tỉnh, thành phố. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông, lập bến bãi mua bán cát, sỏi trái phép; vận chuyển, sử dụng cát sỏi không có nguồn gốc hợp pháp. Xử lý nghiêm người đứng đầu, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép hoặc dung túng bao che cho đối tượng khai thác trái phép; lập bến bãi mua bán cát, sỏi trái phép. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thả phao, cắm mốc khu vực khai thác, thông báo niêm yết công khai thông tin về diện tích, công suất, số lượng tàu hoạt động... để các lực lượng chức năng và nhân dân giám sát. Với sự chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực triển khai thực hiện của các Bộ ngành, địa phương như đã nêu trên, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi lòng sông đã được nâng cao, số lượng các vụ khai thác cát, sỏi trái phép đã giảm cả về số lượng và quy mô.

Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã lập và phê duyệt quy hoạch khoáng sản trong đó có cát, sỏi lòng sông; ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành, phê duyệt kế hoạch hoặc phương án bảo vệ khoáng sản, quy định trách nhiệm Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong quản lý khoáng sản trên địa bàn. Riêng đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông ngoài việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, nhiều tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành; ban hành quy chế phối hợp quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh, các lưu vực sông,… thực hiện đồng thời nhiều biện pháp như quản lý chặt chẽ bến bãi, lập đường dây nóng, nghiêm cấm việc mua bán cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp.

Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép thời gian qua do các nguyên nhân: (1) Luật khoáng sản 2010 có hiệu lực đã được hơn 08 năm, nhưng đến nay có nhiều chính sách, quy định pháp luật liên quan (đầu tư, môi trường, đất đai, tài nguyên nước ....) đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới nên có nhiều nội dung không còn phù hợp; (2) Công nghệ khai thác cát, sỏi lòng sông đơn giản, phương tiện khai thác cát, sỏi gọn nhẹ và linh hoạt; hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra bất kể ngày - đêm, kể cả những ngày lễ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng; (3) Nhiều địa phương chưa kiên quyết xử lý người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi buông lỏng quản lý để hoạt động khai thác trái phép kéo dài mà không xử lý; (4) Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ở khu vực có chung địa giới hành chính của hai huyện hoặc hai tỉnh trở lên; xử lý chưa kiên quyết, thiếu đồng bộ và kịp thời đối với hoạt động khai thác trái phép; (5) Thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản chưa đi sâu nội dung kỹ thuật chuyên ngành; lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, thiếu về số lượng, hạn chế về kinh phí, phương tiện.

Để tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi lòng sông, trong thời gian tới, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chính sau đây: (1) Đẩy mạnh và thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đảm bảo quyền và lợi ích của Nhà nước có khoáng sản theo yêu cầu của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1 tháng 1 năm 2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; (2) Hoàn thành công tác đánh giá tác động chính sách, quy định của Luật khoáng sản và đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật khoáng sản năm 2010; (3) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản nhất là đối với công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường; (4) Tiếp tục thực hiện nghiêm Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; (5) Hoàn thành việc xây dựng quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh hai hay nhiều tỉnh nhất là khoáng sản cát, sỏi lòng sông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, xử lý cơ quan hoặc người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm tại địa bàn quản lý; tăng cường và thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý khai thác cát, sỏi; tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, tố cáo các hành vi tiêu cực trong quản lý, hoạt động khoáng sản nói chung, khoáng sản cát, sỏi nói riêng.

Sau 5 năm thực hiện, nhiều văn bản pháp luật chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đã góp phần hoàn thiện cơ bản hệ thống pháp luật về khoáng sản.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch công suất khai thác đối với từng mỏ, từng khu vực khoáng sản phải có tính dự báo cao về thị trường, có công suất tối đa, tối thiểu gắn với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chỉ thị nêu rõ, chỉ bổ sung vào Quy hoạch đối với những dự án chế biến khoáng sản được gắn với nguồn nguyên liệu khoáng sản, có công nghệ chế biến tiên tiến, thu hồi tối đa khoáng sản, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, rà soát, ban hành quy định về chỉ tiêu chất lượng xuất khẩu gắn với quy trình tuyển, chế biến phù hợp theo từng giai đoạn đối với một số loại khoáng sản có quy mô lớn, nhu cầu trong nước không cao; năng lực, công nghệ chế biến trong nước còn hạn chế, ảnh hưởng xấu đến môi trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế và dự trữ như titan sa khoáng, đất hiếm; xuất khẩu quặng tinh đối với các mỏ khoáng sản quy mô nhỏ, chất lượng thấp, phân bố ở vùng sâu, khu vực biên giới, vận chuyển về các trung tâm chế biến tập trung khó khăn, giá thành cao, gây hư hại đường giao thông.

Đề xuất chính sách cho phép xuất – nhập khẩu một số loại khoáng sản, đáp ứng nhu cầu trong nước; không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách xuất, nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép khoáng sản qua biên giới.

Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai thác vượt phạm vi khu vực được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường.

* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”