Cách tính rủi ro trong chứng khoán

Cổ phiếu là kênh sinh lời tốt với lợi suất trung bình hàng năm (CAGR) lên đến 14%. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng trong việc phân bổ tài sản đầu tư do cổ phiếu có biến động rất lớn trong ngắn hạn. Rủi ro của cổ phiếu trong ngắn hạn được tác động bởi các yếu tố như: thị trường, hàng hóa, mô hình kinh doanh, thanh khoản

1. Cổ phiếu là gì?

Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành để huy động vốn từ cộng đồng. Khi nhà đầu tư mua cổ phiếu, họ sẽ sở hữu một phần công ty và hưởng lợi chênh lệch giá bằng cách thu cổ tức hoặc mua bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Về lâu dài, cổ phiếu là kênh đầu tư có lợi suất trung bình cao nhất

Thời gian

Kênh Đầu tư

3 năm (2018 2020)

5 năm (2016 2020)

10 năm (2011 2020)

Vàng

15.00%

11.00%

4.54%

Vn-Index

4.00%

14.00%

8.56%

Vn-30

3.00%

13.00%

7.26%

Trái phiếu An toàn

6 8%

Trái phiếu Rủi ro

8 13%

Tùy thuộc vào mức độ rủi ro của trái phiếu

Gửi tiết kiệm

6 8 %

Bất động sản

12% trở lên

Bitcoin

27.00%

132.00%

N/A

Nhìn chung, cổ phiếu là một kênh sinh lời tốt cho những nhà đầu tư nắm bắt được thông tin về thị trường trong ngắn hạn, Tuy nhiên cần để ý kỹ sự biến động rất lớn của kênh đầu tư này, với tỷ suất lợi nhuận hàng năm dao động từ hơn 50% (2017) đến -10% (2018).

Trong dài hạn, nhà đầu tư cũng có thể đầu tư vào cổ phiếu vì xu hướng thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục tăng và tỷ suất sinh lợi trung bình hàng năm tăng lên 14%/năm (2016 2020). (Bảng 1). Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên lựa chọn các công ty có hoạt động kinh doanh cũng như tình hình tài chính ổn định và cân nhắc dành một phần vốn đầu tư của mình cho các kênh khác có lợi suất tương đương không kém như vàng hoặc trái phiếu.

2. Các rủi ro khi đầu tư cổ phiếu

Đầu tư cổ phiếu là hình thức đầu tư có nhiều rủi ro. Có thể hiểu khái quát rằng, rủi ro trong đầu tư cổ phiếu là khả năng giá trị khoản đầu tư giảm, khiến nhà đầu tư bị thua lỗ.

Khi tham gia vào đầu tư cổ phiếu, nhìn chung sẽ có các loại rủi ro ảnh hưởng đến giá cổ phiếu như: Rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động doanh nghiệp hay những rủi ro từ chính bản thân nhà đầu tư,

2.1. Rủi ro thị thường

Rủi ro thị trường là các sự kiện chính trị bất ngờ, suy thoái kinh tế thế giới, biến động lãi suất, tỷ giá, rủi ro hàng hóa, lạm phát, đều đại diện cho các nguồn rủi ro thị trường, hay nói cách khác là những rủi ro bên ngoài tác động đến tình hình doanh nghiệp

  • Rủi ro hàng hóa: Nhà đầu tư khi tham gia đầu tư chứng khoán tức là đầu tư vào các công ty cổ phần phát hành chứng khoán, hay nói một cách cụ thể hơn chính là đầu tư vào hàng hóa và sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đó.

Giá hàng hóa sẽ tác động trực tiếp tới giá cổ phiếu, đặc biệt là một số loại hàng hóa liên quan đến chính sách nhà nước như: xăng, dầu, giá điện, gas,

Ví dụ: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân đi lại ít, trong Q2,3/2020 cho thấy mức giá cổ phiếu của ngành dầu khí biến động liên tục do việc giá dầu ở mức thấp (giảm 22%) sẽ có tác động trực tiếp đến ngành, làm giảm đơn giá bán cũng như các nhu cầu dịch vụ dầu khí.

  • Rủi ro thanh khoản: Tính thanh khoản là khả năng chuyển đổi ra tiền mặt của cổ phiếu và ngược lại. Nếu tính thanh khoản kém, khó tìm được người mua hoặc phải bán giá thấp hơn, tức là cổ phiếu đó có khả năng hồi phục kém.

Cụ thể, cổ phiếu AIC của ngành bảo hiểm hàng không được đánh giá là một trong những mã cổ phiếu có mức thanh khoản kém trên sàn UPCOM. Biên độ giao động của cổ phiếu AIC luôn có xu hướng giảm dần, qua từng giai đoạn, giá của cổ phiếu này chỉ giao dịch được ở mức thấp và có thể xảy ra trường hợp không có người mua.

Một ví dụ nữa về rủi ro thanh khoản có thể kể đến là công ty cổ phần FPT (FPT) được giao dịch trên sàn VN30 có tính thanh khoản cao nhưng mức giá được đánh giá là cao hơn so với mức giá trung bình trên thị trường, từ đó dẫn đến các giao dịch ít người mua.

  • Rủi ro lãi suất: Giá cổ phiếu luôn biến động tỷ lệ nghịch với lãi suất thị trường, lãi suất thị trường tăng sẽ làm cho giá trị thị trường của chứng khoán bị sụt giảm và ngược lại

Ví dụ, khi ngân sách thâm hụt thì Chính phủ sẽ phát hành thêm trái phiếu với lãi suất cao đế bù đắp, làm tăng mức cung chứng khoán trên thị trường. Từ đó xảy ra 2 hệ quả:

  • Khi lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng, thị trường chứng khoán sẽ trở nên kém sôi động hơn, các giao dịch mua/bán diễn ra với mức độ thấp
  • Khi lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm, thị trường chứng khoán sẽ trở nên sôi động, tính thanh khoản của các mã cổ phiếu đạt mức tăng trưởng cao

Tuy nhiên, nhìn chung khi phát hành trái phiếu, Chính phủ thường sẽ có xu hướng tăng lãi suất để gọi vốn, thu hút nhà đầu tư. Do đó, rủi ro lãi suất trong trường hợp này đã tác động đến thị trường cổ phiếu.

  • Rủi ro lạm phát:Lạm phát sẽ khiến giá trị của đồng tiền thay đổi. Lạm phát tăng cao báo hiệu nền kinh tế tăng trưởng không bền vững, gây dao động tới lợi nhuận của nhà đầu tư trong tương lai.

2.2. Rủi ro ngành

Rủi ro ngành là rủi ro đặc trưng của từng ngành gây ra những tác động xấu đến thị trường cổ phiếu.

Rủi ro ngành còn được xem là rủi ro chịu nhiều ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài tác động đến ngành, từ đó gây ảnh hưởng đến chỉ số VN-INDEX.

Cụ thể, theo báo cáo chiến lược tài chính từ Mirae Asset Securities đến tháng 4/2021 do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã tác động mạnh tới VN-INDEX của một số nhóm ngành, cụ thể nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm đồ uống như Vinamilk VNM (-5%), SAB (-7%), SBT (-11%), GTN (-18%), BHN (-6%); nhóm ngành vận tải như HVN (-11%), VJC (-4%), CII (-21%), LGC (-6%); GAS (-7%) và POW (-7%) trong ngành tiện ích; PLX (-9%) và PVD (- 15%) trong ngành năng lượng; BVH (-4%) trong ngành bảo hiểm đã kìm hãm đà tăng của thị trường.

Nếu nhà đầu tư không có cái nhìn tổng quát và phân tích kỹ những ngành nào đang có nguy cơ đổ vỡ do nhiều yếu tố bên ngoài cũng như bên trong tác động thì khả năng thua lỗ là rất lớn.

2.3. Rủi ro doanh nghiệp

Rủi ro doanh nghiệp là những rủi ro xuất phát từ chính hoạt động nội tại của doanh nghiệp đó như tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh hay các vấn đề nhân lực,. Các nhà đầu tư có thể tham khảo đọc hiểu báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Đặc biệt, xếp hạng hoạt động của doanh nghiệp biến động sẽ ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu của riêng doanh nghiệp đó, giúp nhà đầu tư nhận thức được khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm, cũng như những rủi ro có liên quan để có định hướng đầu tư.

Ví dụ về rủi ro xếp hạng: Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk (VNM) xếp hạng 3 theo đánh giá của VNR500/2018. Tuy nhiên, sau 2 năm Vinamilk đã tụt xuống còn hạng 7 khiến giá trị của doanh nghiệp giảm, cổ phiếu xuống giá ( 2018 2020 )

  • Rủi ro lỗi thời: Rủi ro lỗi thời xảy ra ở nhiều ngành sản xuất khi các sản phẩm đã rơi vào tình trạng lỗi thời, không có giá trị đổi mới, không tăng trưởng lợi nhuận của nhiều năm khiến doanh nghiệp trở nên hoạt động trì trệ, giá cổ phiếu giảm sút.

Ví dụ: Saigon Coop là một trong những siêu thị bán lẻ lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây Saigon Coop phát triển khá chậm so với những đối thủ như Vincom(VRE), Aeon Mall, đang tăng trưởng mạnh mẽ. Saigon Coop là một ví dụ cho rủi ro lỗi thời.

  • Rủi ro truyền thông: Rủi ro truyền thông xảy ra khi doanh nghiệp phát hành chứng khoán phải đối mặt với sự kiện xấu, truyền thông xấu hay những scandal từ nhiều phía hoặc truyền thông sai sự thật gây ảnh hưởng xấu tới thương hiệu cũng như khiến giá cổ phiếu của công ty giảm nhanh.

Ví dụ: FLC là tập đoàn bất động sản lớn trong nước. Tuy nhiên, trong Q3,4/2020 FLC liên tục gặp những rủi ro truyền thông xấu do các sự việc liên quan đến mua bán, quản lý căn hộ bất động sản. Do đó, giá cổ phiếu của tập đoàn FLC ( FLC ) liên tục biến động với mức tăng trưởng kém trong giai đoạn này.

Đây được đánh giá là rủi ro có sức ảnh hưởng lớn nhất đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp mà NĐT cần tìm hiểu kỹ khi tham gia.

Nhìn chung, vì là những rủi ro đặc trưng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của riêng công ty nên không phải tất cả nhà đầu tư chứng khoán đều cùng nhau chịu rủi ro doanh nghiệp. Nhà đầu tư cần xem xét và phân tích kỹ các hoạt động của doanh nghiệp từ đó đưa ra các chiến lược đầu tư thông minh.

2.4. Rủi ro từ nhà đầu tư

  • Rủi ro chuyên môn: là loại rủi ro đề cập để việc nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường đầu tư cổ phiếu với kiến thức chưa được trang bị kỹ càng, đặc biệt là kỹ năng quản lý tài chính cá nhân còn hạn hẹp.

Ví dụ rủi ro này là nhà đầu tư chưa biết sắp xếp khả năng tài chính của mình, đầu tư hết nguồn quỹ của bản thân vào cổ phiếu nhằm sinh lời cao, nhưng không dự trữ cho những nguồn chi phí xảy ra bất ngờ như bị bệnh, ốm, cần trả nợ,

  • Rủi ro cảm tính: là rủi ro mà nhà đầu tư thường xuyên đầu tư cổ phiếu theo cảm xúc của mình do biến động nhẹ thị trường cổ phiếu mà không suy xét kỹ doanh nghiệp.

Ví dụ: thị trường cổ phiếu luôn có nhiều biến động không lường trước, nhà đầu tư thường dễ mắc phải việc sử dụng các hình thức vay vốn để mua cổ phiếu như Call Margin, Ký quỹ,.. khi thấy giá cổ phiếu tăng/giảm đột ngột trong thời gian ngắn.

3. Giảm rủi ro khi đầu tư cổ phiếu

Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Đa dạng hóa danh mục đầu tư là một chiến lược phân bổ tài sản đầu tư vào nhiều nhóm ngành như vàng, bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, Nhà đầu tư có thể tham khảo công cụ phân bổ tài sản nhằm xác định được khẩu vị rủi ro của bản thân và đưa ra được chiến lược như đầu tư mạo hiểm, an toàn hay cân bằng.

Ví dụ như một nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm kênh đầu tư sinh lời cao với tài sản:

  • Mức thu nhập 10.000.000 VND/ tháng
  • Nguồn chi tiêu thiết yếu cho nhà cửa, điện nước, xăng, dầu, ăn uống,..: 5.000.000 VND/ tháng mong muốn tìm kiếm kênh đầu tư sinh lời cao.
  • Không có người phụ thuộc

Bằng chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư, nhà đầu tư có thể phân bổ tài sản của mình để đầu tư mạo hiểm vào nhiều nhóm ngành.

Ngược lại, nếu với mức thu nhập và chi tiêu như trên nhưng có người phụ thuộc, các nhà đầu tư có thể chọn chiến lược đầu tư an toàn.

Thường xuyên cập nhật thị trường

Thị trường tài chính và các công ty luôn thay đổi hàng ngày, hàng tuần, chính vì vậy việc tìm hiểu kỹ các khoản đầu tư thôi là chưa đủ mà thay vào đó, nhà đầu tư cần theo dõi những biến động về hoạt động kinh doanh nội tại công ty, những chính sách mới của chính phủ, những biến động của thị trường nói chung và ngành nói riêng,

Nhà đầu tư có thể tham khảo một số kênh cập nhật thị trường hàng ngày:

  • Thế giới: The New York Times, Wall Street Journal, Bloomberg,
  • Việt Nam: Cafef, CafeBiz, vneconomy, VTV24 Money,

Bổ sung kiến thức đầu tư

Bổ sung kiến thức đầu được hiểu là nhà đầu tư trang bị thêm cho mình những kiến thức về thị trường hay những kiến thức liên quan đến hoạt động doanh nghiệp:

  • Kiến thức thị trường: Chính sách tài khóa, lạm phát, vốn hóa thị trường, bán khống,
  • Kiến thức doanh nghiệp: Ngành, mô hình kinh doanh, sản phẩm, báo cáo tài chính,.

Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần trang bị cho mình kỹ năng quản lý tài chính cá nhân hay phân bổ tài sản đầu tư (Có thể tham khảo công cụ hỗ trợ phân bổ tài sản) nhằm tối đa hóa khả năng sử dụng nguồn tiền của mình vừa dành cho đầu tư sinh lời cao, vừa có những khoản tiết kiệm cho các trường hợp khẩn cấp.

Lựa chọn công ty chứng khoán chuyên nghiệp

Thị trường cổ phiếu luôn có những thay đổi bất ngờ không đoán trước. Nhằm mục đích giảm thiểu được những quyết định sai lầm trong việc đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư có thể chọn cho mình lời khuyên từ những công ty chứng khoán chuyên nghiệp thay vì tự bản thân quyết định

Một số công ty chứng khoán chuyên nghiệp như: SSI, HSC, VCBS, với hỗ trợ mở tài khoản cả trong nước và nước ngoài sẽ là điều mà các nhà đầu tư cần quan tâm.

Đầu tư qua quỹ nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm

Quỹ mở là quỹ được góp vốn bởi nhiều nhà đầu tư có cùng mục tiêu đầu tư đang là xu hướng đầu tư an toàn của các nhà đầu tư mới.

Năm 2020, một số quỹ mở có lợi suất đầu tư tăng trưởng vượt bậc, dao động ở khoảng 12%-25%, cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm (5-8%/ 1 năm). Do đó, trong khi lãi suất tiết kiệm có chiều giảm xuống, quỹ mở đang là kênh đầu tư hấp dẫn, với việc ủy thác cho chuyên gia của quỹ thay mình đầu tư.

4. Kết luận

Nhìn chung, đầu tư cổ phiếu là hình thức đầu tư mạo hiểm với nhiều loại rủi ro tác động trực tiếp đến toàn thị trường nói chung, đến các ngành và doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, trong số các kênh đầu tư hiện nay, đầu tư cổ phiếu là kênh đầu tư có tỷ lệ sinh lợi cao và hấp dẫn nhất.

Nhằm giảm thiểu rủi ro và thua lỗ trong đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư phải tích lũy cho mình nhiều kiến thức cũng như chiến lược đầu tư thông minh như đã nêu trên.

Video liên quan

Chủ đề