Cải cách thuế ở Việt Nam

Kết quả bước đầu cải cách hệ thống thuế

Những thành tựu chủ yếu

Có thể nói từ năm 1990 đến nay, khi điều hành cải cách hệ thống thuế, tình hình trong nước và thế giới có nhiều yếu tố không thuận lợi. Nhằm bảo đảm được những mục tiêu lớn đặt ra trong quá trình cải cách, toàn ngành thuế đã nỗ lực xây dựng một hệ thống chính sách, một cơ chế quản lý phù hợp yêu cầu thời kỳ mới.

Ðến nay, đã xây dựng một hệ thống chính sách thuế bao quát được hầu hết các nguồn thu, áp dụng thống nhất đối với mọi thành phần kinh tế, từng bước thích ứng yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Hệ thống chính sách thuế mới gồm chín sắc thuế cơ bản và một số loại thu dưới hình thức phí và lệ phí đã trở thành công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Kết quả cải cách đã mang lại những thành tựu kinh tế đáng tự hào, sau mười năm đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng hơn gấp đôi (2,07 lần). Cơ cấu kinh tế đã có sự thay đổi, tỷ trọng nông nghiệp giảm; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nhanh. Tổng kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng qua các năm, bảo đảm nguồn ngoại tệ phục vụ nhập khẩu thiết bị, vật tư, nguyên nhiên vật liệu cho phát triển sản xuất và đời sống.

Tổng thu thuế và phí luôn hoàn thành vượt mức dự toán thu hằng năm được Quốc hội thông qua, đạt tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2000 tăng 13,7 lần so với năm 1990. Số thu về thuế và phí trong tổng thu NSNN năm 1990 chỉ chiếm 76,78%, đến năm 2003 đã chiếm 92,9%. Tỷ lệ động viên qua thuế và phí/GDP đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, đến năm 2003 đạt 21,8% GDP. Hệ thống chính sách thuế mới cũng đã xóa bỏ sự chênh lệch về nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong cơ chế thị trường.

Về quản lý thuế, công cuộc cải cách cũng đã mang lại kết quả quan trọng, hình thành một hệ thống tổ chức quản lý thuế thống nhất trong cả nước, dưới sự lãnh đạo song trùng giữa ngành dọc và cấp ủy, chính quyền địa phương. Công tác quản lý thuế từng bước chuyển đổi từ chế độ chuyên quản khép kín sang chế độ tự tính, tự khai và nộp thuế theo thông báo của cơ quan thuế. Từ đó đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm của người nộp thuế trước pháp luật; cơ quan thuế tăng cường chức năng tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, đôn đốc thu nộp và kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm thuế. Từng bước thực hiện chuyên môn hóa quản lý thuế theo chức năng, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ thuế. Công tác quản lý đã chuyển biến tích cực theo hướng rõ ràng, công khai, dân chủ và minh bạch hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, hệ thống chính sách thuế hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Ðó là hệ thống chính sách chưa bao quát hết đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế; còn nhiều mức thuế suất; một số chính sách thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt còn nặng về bảo vệ sản xuất trong nước; chưa thật sự bảo đảm bình đẳng, công bằng xã hội về nghĩa vụ thuế...

Trong công tác quản lý thuế cũng còn những tồn tại, đó là môi trường quản lý thuế chưa tạo điều kiện cho công tác quản lý thu. Năng lực, trình độ quản lý thuế còn có những điểm chưa đáp ứng so với yêu cầu quản lý hiện đại, khoa học. Ðối với người nộp thuế, tình trạng trốn lậu thuế, gian lận thuế, nợ đọng thuế tồn tại ở nhiều khoản thu, sắc thuế, ở các địa phương trong cả nước, làm thất thu NSNN. Một số đối tượng kinh doanh còn cố ý tìm mọi thủ đoạn để gian lận thuế. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức, chưa coi công tác thuế là nhiệm vụ của địa phương mình, thiếu sự phối hợp đồng bộ với cơ quan thuế để giải quyết các trường hợp vi phạm nhằm thu đúng, thu đủ thuế vào NSNN.

Ðáp ứng yêu cầu hội nhập

Xu thế hội nhập, liên kết phát triển kinh tế trong khu vực và toàn cầu hóa đã tạo ra cơ hội cho đất nước phát triển nhanh hơn, tranh thủ thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện xóa đói, giảm nghèo... Bên cạnh những cơ hội cũng xuất hiện những thách thức lớn do sức ép của sự cạnh tranh về hàng hóa và dịch vụ.

Về lĩnh vực thuế, các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đã ký sẽ được thực hiện ở mức cao hơn. Ðối với các hiệp định CEPT, AFTA đến năm 2006 sẽ hoàn tất việc cắt giảm thuế nhập khẩu, hơn 80% dòng thuế sẽ ở mức thuế suất 0%. Ðối với Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thì 224 dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm bình quân 30%... Dự kiến, thuế nhập khẩu giảm do hội nhập đến năm 2010 sẽ lên tới 49,7 nghìn tỷ đồng. Ði đôi với giảm thuế nhập khẩu phải xóa bỏ các quy định về thuế trái với các cam kết quốc tế, đồng thời chính sách thuế phải sửa đổi để bao quát đầy đủ và phù hợp sự phát triển của các hình thức đầu tư.

Từ yêu cầu khách quan, toàn ngành thuế đang phấn đấu thực hiện mục tiêu chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010, tập trung xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, có cơ cấu phù hợp nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; từng bước hiện đại hóa công tác quản lý thuế, bảo đảm chính sách động viên thu nhập quốc dân của Ðảng và Nhà nước; tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. Chính sách thuế, phí trở thành công cụ quản lý, điều tiết vĩ mô của Nhà nước, vừa động viên được các nguồn lực, đồng thời thúc đẩy phát triển nhanh sức sản xuất, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ... bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững. Từ đó thực hiện thắng lợi mục tiêu huy động đầy đủ nguồn thu vào NSNN, bảo đảm nhu cầu chi thường xuyên, dành một phần tích lũy phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH. Phấn đấu thực hiện tỷ lệ động viên thuế và phí vào NSNN bình quân hằng năm 20 - 21% GDP.

Ðáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế, chính sách thuế phải phù hợp tiến trình hội nhập, thực hiện bảo hộ hợp lý, có chọn lọc, có thời hạn và có điều kiện, qua đó tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển và bảo đảm lợi ích quốc gia, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng. Ðẩy mạnh cải cách hệ thống thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, công khai. Nhanh chóng hiện đại hóa và nâng cao năng lực bộ máy quản lý thuế, khắc phục hiện tượng tiêu cực, yếu kém, từng bước kiện toàn bộ máy trong sạch, vững mạnh.

PHAN HÙNG