Cảm giác bất lực là gì

Bất lực là một trong những loại cảm xúc đáng sợ và kinh khủng nhất mà một người có thể trải qua. Cảm giác bất lực có khả năng bào mòn và làm kiệt quệ tinh thần lẫn thể chất của một người đến mức báo động.

Con người ta có lúc vui, lúc buồn. Không có ai có thể vui vẻ 24/7 suốt đời, còn khi một người rơi vào trạng thái buồn chán, tuyệt vọng quá liên tục và thường xuyên, thì có khả năng người đó đang mắc phải một chứng rối loạn tâm lý nào đấy. Tương tự như vậy, cảm giác bất lực, nếu như chỉ là tạm thời, thì khoảng thời gian đấy sẽ được coi như một trong những lúc trầm của cuộc sống. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học nhận thấy rằng, những bệnh nhân trầm cảm là những người bị mắc kẹt trong trạng thái bất lực. Ngược lại, những người rơi vào trạng thái bất lực quá lâu, nếu không kịp thời tìm ra giải pháp thì có khả năng sẽ mắc phải chứng trầm cảm.

Điều nan giải là, lúc con người ta cảm thấy bất lực, thì mọi giải pháp logic đều không có nghĩa lý gì; bởi não bộ của họ thật sự cho rằng tình huống mà họ đang mắc phải là không có lối thoát. Người ngoài có thể rất dễ dàng nhìn ra một cách giải quyết khả quan, nhưng cảm giác bất lực là hệ quả của một chuỗi những sự kiện và cố gắng không có kết quả, đến mức người trong cuộc như bị tê liệt.

Cảm giác bất lực là gì

Tưởng tượng tình huống này giống như một người bị rơi vào một cái giếng. Lúc đầu họ sẽ thử kêu cứu, thử trèo lên, thử mọi cách mà họ có thể nghĩ ra. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà mỗi lần thất bại, vị trí của họ lại bị lún sâu thêm một ít. Ít đến mức bản thân họ cũng không nhận thấy cho đến lúc họ nhìn lên thì ánh sáng từ miệng giếng cũng đã không còn thấy được nữa. Đến lúc này, một người ngoài cuộc có thể thấy được phương án đơn giản như là họ thả dây thừng xuống để người kia níu lấy và trèo lên. Người ngoài cuộc là những người đứng trên thành giếng, có đầy đủ ánh sáng, họ có thể nhìn thấy miệng giếng, và cả sợi dây thừng. Tuy nhiên, ở dưới đáy giếng lúc này, người ta không thấy nổi miệng giếng, cũng chả thấy được sợi dây thừng mà níu lấy nữa.

Cảm giác bất lực là như thế, nó cô lập não bộ và giác quan khỏi những giải pháp khả dĩ. Nhận thấy tầm quan trọng và những hệ quả khôn lường của loại cảm giác tiêu cực này, các nhà tâm lý học đã thử nghiệm lên các loại động vật khác về sự bất lực, và họ gọi hiệu ứng được tạo ra là "learned helplessness". Mình chưa tìm ra được bản dịch chuẩn cho từ này nên mình tạm dịch là sự bất lực có điều kiện. Cơ chế của thí nghiệm này mình sẽ giải thích ở dưới bức ảnh thứ 2 để tránh bài quá dài.

Cảm giác bất lực là gì

Một ví dụ thực tiễn của cảm giác bất lực này đó chính là những người ở trong tình huống bị bạo hành gia đình. Người ngoài thì nói rất dễ, và phán xét lại càng dễ hơn, bảo chỉ cần bỏ đi là được. Nhưng liệu họ có biết rằng nạn nhân trong cuộc đã từng thử cố gắng bỏ đi nhưng kết quả lại càng tồi tệ hơn? Và nhất là khi cứ mỗi lần chia sẻ câu chuyện của mình thì kiểu gì cũng sẽ có vài ba người phán xét bảo nạn nhân "nhu nhược" và "ngu ngốc". Rất dễ để buông lời phán xét người khác, nhưng hệ qủa mà mỗi lời phán xét đấy mang lại thì rất khôn lường. Đối với một người đang ở trạng thái bế tắc, thì những lời phán xét ác độc sẽ có tác dụng như là một cú đẩy họ xuống bờ vực thẳm vậy.

Với những người đã, và đang trải qua những cảm xúc tiêu cực như thế này, mình mong là các bạn biết các bạn không đơn độc. Với những người ngoài cuộc, xin hãy có cái nhìn rộng lượng hơn với những con người đang trong trạng thái bế tắc.

-----------------------------------

Nguồn: Talks on Psychology

(*) Tâm lý học tuổi trẻ do YBOX.VN sáng lập với mục tiêu chia sẻ và góp phần nâng cao kiến thức tâm lý cho những người trẻ, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Trở thành Cộng tác viên hoặc thực tập sinh để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức chuyên sâu về tâm lý cho cộng đồng tại đây https://bom.to/AxK6nj

(**) Follow Facebook Tâm lý học tuổi trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.