Căn cứ trả hồ sơ điều tra bổ sung

Để đảm bảo việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cùng bản kết luận điều tra do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển đến, nếu cần thiết phải điều tra bổ sung để giải quyết đúng đắn vụ án, Viện kiểm sát phải quyết định trả hồ sơ vụ án để yêu cầu cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành điều tra bổ sung. Khi đó, Viện Kiểm sát phải dùng đến Quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung (133/HS).

Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.6568

* Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

– Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09 tháng 01 năm 2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố.

1. Quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung (133/HS) là gì?

Việc cho Viện kiểm sát có quyền trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung góp phần bảo đảm việc thực hiện nguyên tắc bảo đảm pháp chế trong tố tụng hình sự, đảm bảo việc thực hiện nguyên tắc xác định sự thật vụ án đồng thời góp phần hạn chế oan sai, bỏ lọt tội phạm; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Quyền được “trả hồ sơ để điều tra bổ sung” được xem như là một công cụ hiệu quả để Viện Kiểm sát thực hiện nhiệm vụ được giao trong tố tụng hình sự. Đây là khoảng thời gian để Viện Kiểm sát loại bỏ vi phạm trong quá trình điều tra cũng như củng cố, xác định chứng cứ để quyết định xử lý đối với tội phạm, đảm bảo cho việc điều tra vụ án cũng như truy tố được khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.

Tại Khoản 1 Điều 245 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về các trường hợp cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung như sau:

“1. Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;

b) Có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác;

c) Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can;

d) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.”

Các quy định này được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Khi có các dấu hiệu thỏa mãn những quy định trên thì Viện Kiểm sát sẽ ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng. Để đảm bảo cho vụ án được giải quyết nhanh chóng, tránh tình trạng điều tra bổ sung quá nhiều lần, kéo dài thời gian giải quyết vụ án, thì Bộ luật tố tụng hình sự quy định Viện Kiểm sát chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Do đó, để tránh tình trạng đã sử dụng hết số lần được phép trả hồ sơ mà vẫn chưa giải quyết hết những vấn đề cần bổ sung, kiểm sát viên phải nghiên cứ tất cả các tài liệu trong hồ sơ nhằm phát hiện tất cả các vấn đề cần phải bổ sung để chi trả hồ sơ một lần là đã giải quyết đầy đủ các vấn đề cần bổ sung hoặc làm rõ thêm. Việc trả hồ sơ lần thứ hai chỉ đặt ra trong trường hợp thật cần thiết.

Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể về việc giải quyết yêu cầu bổ sung của Tòa án tại Điều 246. Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho cơ quan điều tra thì Viện Kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ. Trường hợp Viện Kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung thì Viện Kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện đầy đủ yêu cầu nêu trong quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm sát. Sau khi kết thúc điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra phải có bản kết luận điều tra bổ sung. Trong bản kết luận này ghi rõ kết quả điều tra bổ sung, quan điểm giải quyết vụ án. Trong trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó thì Cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra mới thay thế.

Vậy Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung chính là văn bản do Viện Kiểm sát ban hành khi có các dấu hiệu cần tiến hành trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Văn bản này thể hiện yêu cầu của Viện Kiểm sát đối với cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra về việc điều tra bổ sung đối với vụ án hình sự.

2. Quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung (133/HS) được dùng để làm gì?

Quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung (133/HS)  được dùng để thể hiện yêu cầu của Viện kiểm sát về việc điều tra bổ sung vụ án hình sự. Đồng thời đây cũng là căn cứ để cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra tiến hành hoạt động điều tra bổ sung vụ án hình sự theo yêu cầu của Viện Kiểm sát.

Quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung phải ghi rõ vấn đề cần điều tra bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 245 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, xem đâu là căn cứ để Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung và các nội dung mà một quyết định phải có như Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành quyết định;  căn cứ ban hành quyết định; nội dung của quyết định; và họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành quyết định và đóng dấu.

3. Mẫu Quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung (133/HS):

Quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung (133/HS) được quy định trong Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09 tháng 01 năm 2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố. Mẫu Quyết định như sau:

Mẫu số 133/HS

Theo QĐ số 15 ngày 09

tháng 01 năm 2018

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_________________

VIỆN KIỂM SÁT[1] …

[2]…………….

___________

Số:…../QĐ-VKS…-…[3]

………, ngày……… tháng……… năm 20……

QUYẾT ĐỊNH

TRẢ HỒ SƠ VỤ ÁN ĐỂ ĐIỀU TRA BỔ SUNG

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT……..

Căn cứ các điều 41, 174, 240 và 245[4] Bộ luật Tố tụng hình sự;

Căn cứ Kết luận điều tra số…… ngày…… tháng…… năm……. của[…….;

Căn cứ Quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung số…… ngày…… tháng…… năm….. của Tòa án[6]…….(nếu có);

Xét thấy[7]……,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Trả hồ sơ vụ án…… về tội…… quy định tại khoản…… Điều…… Bộ luật Hình sự cho[8]……… để điều tra bổ sung những vấn đề sau:

……………

Điều 2. Thời hạn điều tra bổ sung không quá ……., kể từ ngày8…….. nhận hồ sơ vụ án và Quyết định này.

Điều 3. Yêu cầu8…………. thực hiện Quyết định này theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự./.

Nơi nhận:

– Cơ quan điều tra có thẩm quyền;

-………..;

– Lưu: HSVA, HSKS, VP.

VIỆN TRƯỞNG[9]

(Ký tên, đóng dấu)

[1] Ghi tên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao

[2] Ghi tên Viện kiểm sát ban hành. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thì bỏ mục này

[3] Viết tắt tên Viện kiểm sát ban hành – đơn vị phụ trách (nếu có)

[4] Trường hợp Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung thì căn cứ Điều 246 BLTTHS, trường hợp quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với bị can là pháp nhân thương mại thì bổ sung căn cứ Điều 431 BLTTHS

[5] Ghi tên cơ quan ra Kết luận điều tra vụ án

[6] Ghi tên Tòa án ra quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung

[7] Nêu rõ lý do trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 245 hoặc khoản 1 Điều 246 BLTTHS.

[8] Ghi tên Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết vụ án.

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
Trả hồ sơ để điều tra bổ sung là quy định nói lên sự thận trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự khi trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.

– Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung
– Tòa án trả hồ sơ cho Viên kiểm sát

Viện kiểm sát là cơ quan thực hiện việc kiểm sát hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra và ra các quyết định phù hợp với kết quả kiểm sát việc khởi tố, kết luận điều tra của cơ quan điều tra; truy tố người pham tội ra trước Tòa và thực hiện quyền công tố tại phiên tòa. Chính vì chức năng kiểm sát đó nên Viện Kiểm Sát (VKS) có vai trò quan trọng, đặc biệt là trong quá trình xem xét hồ sơ vụ án, hoàn thiện hồ sơ để tiến hành chức năng công tố trước Tòa.

Tòa án là cơ quan thực hiện việc xét xử, xét xử là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Vì Tòa án sẽ quyết định người bị truy tố phạm tội và phải chịu hình phaṭ theo quy định của pháp luật hoặc tuyên bố người bị truy tố không phạm tội. Trong thực tế, không phải vụ án nào Cơ quan điều tra khởi tố, điều tra thì Viện kiểm sát đều ra quyết định truy tố và Tòa án đều đưa ra xét xử được phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì nhiều lý do khác nhau như thiếu chứng cứ quan trọng, có căn cứ khỏi tố bị can về một tội phạm khác hoặc có người đồng phạm khác hay vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng…

1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
– Bộ luật tố tụng hình sự 2003.

2. Tư vấn:

Điều tra bổ sung được hiểu là hoạt dộng điều tra thêm về vụ án hình sự của cơ quan điều tra theo yêu cầu của VKS hay Tòa án (TA) nhằm phát hiện, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án được đúng đắn, khách quan.

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung là chế định pháp lý được quy định tại Điều 245 và Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án hình sự. Đây là quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện khi có căn cứ pháp luật nhằm đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

– Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại Điều 245 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:

Điều 245. Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung

1. Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;

b) Có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác;

c) Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can;

d) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

2. Quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung phải ghi rõ vấn đề cần điều tra bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

3. Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện đầy đủ yêu cầu nêu trong quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm sát; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Kết thúc điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra phải có bản kết luận điều tra bổ sung. Bản kết luận điều tra bổ sung phải ghi rõ kết quả điều tra bổ sung, quan điểm giải quyết vụ án. Nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó thì Cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra mới thay thế.

Việc chuyển hồ sơ vụ án kèm theo kết luận điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát; việc giao, nhận, gửi thông báo kết quả điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định tại Điều 232 và Điều 238 của Bộ luật này.“

Quy định này đã được mở rộng và chi tiết rất nhiều so với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003, đấy cũng là tinh thần chung của Bộ luật mới. Về các trường hợp để trả hồ sơ để điều tra bổ sung, có thể thấy có bốn trường hợp đó là:

Thứ nhất, trường hợp mà còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề như có hành vi phạm tội xảy ra hay không? Ai là người thực hiện hành vi phạm tội? Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ? Tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra… mà VKS không thể tự mình bổ sung được thì sẽ phải trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Quy định này rõ ràng hơn rất nhiều so với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 chỉ nói đơn thuần là “chứng cứ quan trọng của vụ án”.

Thứ hai, trường hợp có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác. Trong trường hợp này, khi có căn cứ cho rằng bị can phạm thêm một tội hay nhiều tội khác, VKS không được tiến hành truy tố luôn về tội mới này mà phải tiến hành trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiến hành xác định tội phạm, thu thập đầy đủ chứng cứ gửi lại cho VKS thì mới có thể tiến hành truy tố về cả tội đã phạm và cả tội mới.

Thứ ba, trường hợp có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can. Khi phát hiện bị can có đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án thì VKS có thể tiến hành tách từng vụ án ra để truy tố nhưng nếu không tách được thì VKS buộc phải trả hồ sơ lại cho cơ quan điều tra để bổ sung đồng phạm hoặc người phạm tội khác có liên quan trực tiếp tới vụ án vào hồ sơ.

Thứ tư, trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được giải thích là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. Về cụ thể những trường hợp này bao gồm những gì thì sau khi có văn bản hướng dẫn sẽ quy định rõ và chi tiết.

Ngoài ra tại khoản 3 Điều 245 thì sau khi VKS trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung thì cơ quan điều tra phải thực hiện đầy đủ những yêu cầu theo như trong quyết định trả hồ sơ của VKS và nếu vì lý do bất khả kháng hoặc vid lý do khách quan mà không thể tiến hành điều tra được thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản gửi cho VKS, có thể cơ quan điều tra này sẽ ủy quyền điều tra cho cơ quan điều tra khác để thực hiện thay nhiệm vụ này.

– Đối với các trường hợp Tòa án trả hồ sơ cho VKS thì được quy định tại Điều 280 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

Điều 280. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;

b) Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm;

c) Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;

d) Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ.

Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải ghi rõ những vấn đề cần điều tra bổ sung và gửi cho Viện kiểm sát kèm theo hồ sơ vụ án trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới việc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới phải thay đổi quyết định truy tố thì Viện kiểm sát ban hành bản cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng trước đó.

Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.”

Và Điều 246 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về việc giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án:

Điều 246. Giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án

Trường hợp Tòa án quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát phải xem xét căn cứ của việc yêu cầu điều tra bổ sung và giải quyết như sau:

  1. Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ; trường hợp Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ đến Tòa án. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết;

  1. Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không có căn cứ thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do, giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án.”

Những trường hợp mà Tòa án ra quyết định trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung có tính chất tương tự so với việc VKS trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Tuy nhiên vệ hệ quả của vệc trả hồ sơ lại có các trường hợp sau:

Thứ nhất, nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn đến việc đình chỉ vụ án thì VKS ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra quyết định, căn cứ ra quyết định đình chỉ quy định tại Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Thứ hai, nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới phải thay đổi quyết định truy tố thì Viện kiểm sát ban hành bản cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng trước đó. Trường hợp VKS không thể bổ sung được thì vẫn giữ nguyên quyết định truy tố trước đó và Tòa án tiến hành xét xử.

Thứ ba, nếu xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho cơ quan điều tra thì VKS có thể tự mình tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ bị thiếu. Nếu không tự mình điều tra được thì VKS chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra. Điều này khác với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 vì bộ luật này không quy định rõ trình tự trả hồ sơ vụ án của Tòa án cho VKS và VKS có thể tiếp tục trả hồ sơ cho cơ quan điều tra.

Thứ tư, nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do, giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án.

Về thời hạn để điều tra bổ sung thì đối với vụ án do VKS yêu cầu, thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng, còn nếu do Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra không quá 1 tháng, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 174 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

“2. Trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng. Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.

Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung.”

» Luật sư bào chữa