Câu chuyện về tôn trọng sự khác biệt

Đây là điều mà tôi ước mình biết sớm hơn so với bây giờ. Khi nhìn lại, có lẽ môi trường sống và giáo dục đã ảnh hưởng quá nhiều lên tư tưởng của một người trẻ như tôi. Tôi đã từng không biết sự khác biệt là gì, và luôn so sánh mọi thứ. Điều này thật sự, thật sự rất mệt mỏi, và nó khiến cảm xúc của tôi lên xuống như người bị bệnh huyết áp vậy.

Câu chuyện về tôn trọng sự khác biệt

Khác biệt bao gồm những gì?

Rất nhiều thứ – bình thường thì chúng ta hay nói về màu da, sắc tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo. Nhưng đó là trường hợp chúng ta sống trong một môi trường đa văn hóa, tôi thấy nếu muốn có ví dụ gần gũi hơn, ta có thể nhìn đến môi trường sống xung quanh mình như: gia đình, công sở, trường học, hàng xóm và v.v.

Với tầm nhìn như vậy, ta hãy nhìn đến các khía cạnh như tính cách, sở thích, sở trường sở đoản, yêu ghét, cách suy nghĩ, cách sống và cách ứng xử của nhau.

Vì sao tôn trọng sự khác biệt lại quan trọng?

Đây chính là điều khiến tôi muốn biết đến việc này sớm hơn. Theo kinh nghiệm của mình, việc tôn trọng sự khác nhau của mỗi người giúp tôi:

  1. Có cái nhìn khách quan hơn về cuộc sống và yêu sự ‘dị biệt’
  2. Không so xét quá nhiều khả năng của mình với khả năng của người khác
  3. Cảm thấy con người thật đa dạng và luôn muốn hiểu, cũng như mở lòng làm bạn với tất cả mọi người – ở mọi tầng lớp xã hội
  4. Luôn tìm kiếm sự tử tế dù rằng sự khốn nạn, đôi khi, làm lu mờ hết nhân tính của con người
  5. Tin vào bản thân hơn và lạc quan hơn

Tôi thấy điểm thứ 2 là thú vị nhất đấy. Vì từ nhỏ, tôi đã luôn sống trong môi trường giáo dục ‘thành tích’, rằng điểm cao sẽ giỏi giang, còn điểm thấp thì hư hỏng. Không riêng tư như các nước Châu Âu và Châu Mỹ, phiếu điểm của tôi luôn được gửi về cùng với điểm của tất cả các bạn trong lớp. Và đoán xem, việc hơn thua 0.1 điểm mà đứa đứng đầu, đứa đứng thứ 20 nghe thật ‘khắc nghiệt’ phải không?

Những lần tự dày vò vì mình chẳng bằng ABC khiến tôi lao vào cố học hơn nữa. Tôi không phủ nhận rằng việc so sánh mình với người khác tạo ra 1 động lực khủng khiếp để con người tiến lên phía trước, nhưng cảm giác đến sau đấy mới là thứ khiến tôi lo lắng.

Khi hơn ai đó, tôi cảm thấy bản thân mình thường ‘ngủ quên trên chiến thắng’ và hơi xem thường đối phương. Còn khi ‘thua cuộc’, y như rằng tôi sẽ cảm thấy thất vọng tràn trề – buồn đến nỗi không diễn tả được luôn ấy. Rồi tôi dễ rơi vào trạng thái tự ti và rồi, khép kín, tự dày vò mình.

Sau này khi lên đại học, rồi sau đó đi làm, tôi mới nhận định được rằng, chúng ta không ai có thể nhìn thấy được tương lai của mình diễn ra như thế nào, và việc nói trước, bao giờ cũng không tránh được việc bước hụt chân.

Anh A khi xưa học tệ nhưng nay ra làm lại là ông chủ của bao nhiêu shop cà phê. Hay cô B vốn thông minh ưu tú, nhưng nay lại vẫn ôm bằng ‘thac sĩ thất nghiệp’. Hay em C vốn thích làm công tác xã hội, nhưng phải học khối kinh tế để chiều lòng ba mẹ. Hoặc chị D sau khi đã chôn chân trong công việc mình không thích gần 10-15 năm, nay chị mới dám thực hiện ‘cú nhảy vọt’ sang tự kinh doanh để thỏa niềm đam mê của mình.

Đây là chưa kể đến tính cách – một phạm trù vốn luôn có 2 đường song hành. Anh thích ăn cay, tôi thích ăn mặn. Em thích búp bê tôi thích siêu nhân. Chị thích màu xanh tôi thích màu hồng. Anh yêu tôi nhưng tôi yêu ẻm và hằng hà xa số những ví dụ khác.

Đây chính là những sự khác biệt trong cuộc sống mà chúng ta NÊN TÔN TRỌNG nó, thay vì đả kích (nhất là sau khi chưa tìm hiểu kỹ về ngọn nguồn của tảng băng trôi).

Câu chuyện về tôn trọng sự khác biệt
Tảng băng trôi của việc Biết & Hiểu

Vậy chúng ta thể hiện sự tôn trọng với người khác bằng cách nào? 

Theo kinh nghiệm, tôi chia nhỏ các bước thế này:

  1. Quan tâm & lắng nghe: để biết họ đang gặp vấn đề gì
  2. Đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của người khác: để HIỂU tại sao họ lại chọn hướng đi và hành động như vậy
  3. Chia sẻ sự đồng cảm
  4. Tìm hiểu thêm về những động lực hay lý do sâu xa: đây là những thứ họ có thể KHÔNG MUỐN NÓI hoặc KHÔNG NGHĨ ĐẾN, nhưng nếu bạn ‘đào’ được những điều thầm kín ấy, bạn sẽ hiểu rõ người đối diện nhiều hơn. (ví dụ: A bảo rằng mua Iphone X do Iphone cũ đã hư, nhưng lý do thực tế mà A không chia sẻ và cũng là động lực to lớn nhất, chính là do A muốn chứng tỏ mình là người sành điệu).

Hãy thử phương pháp 5 Why – hỏi những câu hỏi tại sao để tìm hiểu vấn đề thật kỹ trước khi phán xét ai bạn nhé.

Tôi biết con người ít ai thích sự khác biệt – nhất là khi nó đi ngược với những triết lý sống hoặc giá trị sống của nhau. Nhưng thật tốt nếu ai cũng góp ý chân thành và cố gắng tìm hiểu về động lực đằng sau sự khác biệt của người khác. Giờ đây tôi nhận thấy mình không còn đánh giá hay phán xét vội về ai đó nữa. Cho dù họ có biểu hiện của một dạng người nào đó, tôi cũng muốn hiểu sâu hơn về động lực hay những câu chuyện đứng sau hành vi của họ.

Hơn hết, tôn trọng sự khác biệt giúp tôi tự tin vào bản thân mình. Biết rằng sự thành công của người khác, không bao giờ là thước đo sự thành công của mình. Rằng mỗi người được sinh ra với một sứ mệnh nào đó và nhiệm vụ của đời ta là tìm ra và thực thi sứ mệnh ấy.

Tôi đọc ở đâu đó rằng con người chúng ta sống với nhau, cốt là hiểu và tập chấp nhận những điểm xấu và tốt của nhau. 

Một trong những điều mình học được những năm gần đây, không biết là do già hơn một chút hay là do môi trường sống xung quanh: đó là tôn trọng sự khác biệt.

Mình chia việc tôn trọng sự khác biệt ra 3 mức độ:

  1. Ai cũng phải suy nghĩ giống mình, đứa nào làm khác là đứa đó ngu.
  2. Đứa nào suy nghĩ khác mình thì… kệ mẹ nó.
  3. Đây là mức ở cảnh giới đặt được mình vào góc nhìn của người khác, vì sao họ lại làm như vậy, suy nghĩ như vậy → từ đó hiểu, thông cảm và xa hơn nữa là học hỏi được gì đó từ họ.

Mình nghĩ mình vẫn đang ở mức 2, chưa lên được mức 3 (đang ráng). Giờ đứa nào phản biện thì mình block chứ không cãi nhau và bắt nó phải suy nghĩ theo ý mình (thời còn ở mức 1).

Những ngày gần đây có câu chuyện về anh chàng người Anh bị tử nạn trên đỉnh Fansipan. Có một số người vô chửi bạn ngu, bạn thiếu kinh nghiệm đi rừng, bạn liều lĩnh, rằng đi rừng đi núi thì phải thế này thế kia, phải chuẩn bị đồ này đồ kia,…

Đó là chúng ta đang áp đặt suy nghĩ của mình, hiểu biết của mình, cách làm của mình lên cho người khác.

Môn này gọi là Free Solo. Trong công ty mình ngồi gần một bạn Product Owner, bạn cũng là một người chơi free solo. Qua những buổi nói chuyện mình hiểu được ở góc nhìn của những người này, chỉ có free solo mới thỏa mãn được đam mê leo núi của họ. Mọi động tác đều phải hoàn hảo, chỉ một sơ sẩy nhỏ là sẽ trả giá bằng chính mạng sống của mình, và chỉ khi đẩy mình tới tận cùng thử thách như vậy họ mới thấy thỏa mãn. Môn chơi đó đòi hỏi người chơi phải có nhiều kinh nghiệm, hành trang phải gọn nhẹ (gần như không có gì ngoài túi bột). Lên nhanh và xuống nhanh.

Bạn nào rảnh coi clip này để biết môn mà bạn người Anh ấy đang chơi:

Ở góc nhìn của chúng ta thì làm như vậy dại dột, nhiều khi mạng sống của người leo núi chỉ hoàn toàn dựa vào vài đầu ngón tay bám ở một mỏm đá chơi vơi hàng trăm mét trên không. Nhưng đó là lăng kính của chúng ta.

Ở lăng kính của Aiden thì biết đâu đó là một bức tranh khác. Họ đam mê với điều họ làm, họ đã sống được hết mình với đam mê của mình, họ biết rủi ro của đam mê, cái giá phải trả và họ chấp nhận điều đó. Chúng ta không hiểu được họ thì cũng không nên chửi họ làm gì. Cái nào khen được thì chúng ta khen, cái nào không mở lòng ra khen được thì thôi, kệ người ta.

Khi trẻ bắt đầu nhận thức thế giới, trẻ sẽ hỏi cha mẹ “10 vạn câu hỏi vì sao”.Trong đó, những câu hỏi như: “Tại sao da bạn trắng mà da con lại đen?”, “Tại sao người đó chỉ có một tay?”, “Tại sao tóc con xoăn mà bạn ở lớp thì không?”… là những thắc mắc của hầu hết các trẻ.

Lúc này, cha mẹ không chỉ cần giải thích cho trẻ nghe về sự khác biệt mà cần định hướng, dạy trẻ tôn trọng sự khác biệt của người khác và tự tin vào sự khác biệt của chính mình.

Bởi sự khác biệt tồn tại như một điều tất yếu của đời sống, nếu trẻ không học được cách chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, dễ dẫn đến trẻ nhìn nhận thế giới thiếu khách quan thậm chí kỳ thị.

Những cuốn sách tranh Ehon, picture books dưới đây với câu chuyện gần gũi, hình ảnh minh họa sinh động là phương pháp hiệu quả giúp các cha mẹ dạy trẻ về sự khác biệt và cách tôn trọng sự khác biệt.

Cái gì quan trọng nhất

Vào một ngày nọ, các loài vật trong khu rừng Thảo Nguyên Đỏ bỗng nổ ra một cuộc tranh luận giữa các loài vật để đưa ra kết luận “cái gì quan trọng nhất”.

Mỗi loài đều có ý kiến riêng. Theo chú Thỏ, đôi tai dài là quan trọng nhất vì nó giúp nghe thấy mọi tiếng động dù nhỏ nhất. Nhím thì cho rằng, những chiếc gai mới quan trọng nhất vì có gái mới được bảo vệ an toàn. Nhưng với Hươu cao cổ, chiếc cổ dài giúp với tới những chiếc lá non trên ngọn cây nên đó mới là cái quan trọng nhất.

Câu chuyện về tôn trọng sự khác biệt

"Cái Gì Quan Trọng Nhất"  là tác phẩm đạt giải thưởng danh dự "Vì sự chung sống hoà bình" do UNESCO trao tặng năm 2001.

Rồi Chim thì nghĩ đôi cánh là quan trọng nhất, Chú vịt cho rằng đôi chân có màng mới đúng. Với Voi thì chiếc vòi dài và quyến rũ của mình là quan trọng nhất. Hải Ly chọn đáp án là bộ răng to.

Cuộc bàn luận này có lẽ sẽ không có hồi kết nếu bác Cú thông thái vẫn luôn theo dõi các ý kiến không đưa ra kết luận, “Mỗi loài trong chúng ta đều có thứ gì đó quan trọng cho riêng mình!”. Lúc này, tất cả các loài đều đồng ý.

Và đó cũng chính là thông điệp mà cuốn sách nhỏ muốn gửi gắm đến trẻ, đến các cha mẹ về sự khác biệt giữa các loài, giữa người với người. Sự khác biệt là rất quan trọng, nó giúp mỗi người có đặc trưng riêng và hạnh phúc riêng.

"Cái Gì Quan Trọng Nhất" của Antonella Abbatiello là tác phẩm đạt giải thưởng danh dự "Vì sự chung sống hoà bình" do UNESCO trao tặng năm 2001.

Trường mẫu giáo của chú voi Grumpa

Cuốn truyện Ehon của hai tác giả Nishiuchi Minami và Horiuchi Seiichi kể về chú voi Grumpa. Chú vì quá bẩn thỉu nên mọi người bắt đi làm việc.

Ở bất cứ công việc nào chú cũng làm ra những thứ quá khổ. Chiếc bánh bích quy quá to nên đắt chẳng có ai mua, chiếc đĩa cũng to không có đủ sữa để đổ vào. Grumpa làm giày cũng lớn quá, rồi chiếc đàn Piano, chiếc xe ô tô cũng không ai sử dụng được.

Câu chuyện về tôn trọng sự khác biệt

Hình ảnh cuốn sách “Trường mẫu giáo của chú voi Grumpa” 

Trong lúc đang buồn bã, chán nản, Grumpa gặp rất nhiều em nhỏ. Grumpa chia bánh cho các em rồi đánh đàn cho chúng nghe.

Sự thích thú của các em bé khiến Grumpa quyết định mở trường mẫu giáo, nơi chú có thể tìm thấy niềm vui và tạo ra niềm vui với những thứ mình đã làm.

Câu chuyện trong “Trường mẫu giáo của chú voi Grumpa” muốn nhắn nhủ tới các bé rằng, mỗi người đều có tài năng riêng, chúng ta không nên chê cười những thứ quá khổ mà chú voi Grumpa làm. Bởi cuối cùng thông qua những thứ đó, chú đã tìm được công việc mình yêu thích và mang lại nhiều niềm vui cho người khác.

Bàn tay kỳ diệu của Sachi

“Bàn tay kì diệu của Sachi là một câu chuyện cảm động kể về cô bé Sachi. Sachi ngây thơ, đáng yêu và luôn ngập tràn yêu thương, Nhưng thật không may, từ khi sinh ra Sachi đã bị khuyết tật ở bàn tay phải. Bàn tay phải của em không có ngón.

Khi cả tổ “Hoa cánh bướm” của Sachi ở trường mẫu giáo chơi trò chơi, Sachi muốn được một lần đóng vai làm mẹ thay vì làm em bé hay em gái nhỏ như mọi khi. Nhưng các bạn cùng tổ đều cho rằng Sachi không thể làm mẹ được, bạn Maria của Sachi nói “Mẹ mà không có tay thì lạ lắm!”.

Câu chuyện về tôn trọng sự khác biệt

Cuốn sách "Bàn tay kỳ diệu của Sachi" mang ý nghĩa nhân văn, cảm động.

Những lời nói vô tình của các bạn đã làm tổn thương Sachi và khiến em rất buồn. Sachi lo lắng nếu không có ngón tay, em sẽ không được làm mẹ.

Một hôm Sachi hỏi bố về nỗi lo lắng đó. Và thật bất ngờ, bố nói với Sachi: “Không những làm được, mà Sachi có thể trở thành một người mẹ tuyệt vời nữa. Một người mẹ không chịu thua bất cứ ai!”. Bố còn nói, bàn tay em là một bàn tay kì diệu, có sức mạnh truyền sang bố khi hai bố con nắm tay nhau cùng đi.

Từ đó Sachi tự tin trở lại trường học, em được bạn Arika tặng một viên kẹo socola hình trái tim và cô giáo mời Sachi đóng vai Chức Nữ trong vở kịch cho lễ Thất tịch.

“Bàn tay kỳ diệu của Sachi” là câu chuyện đầy tính nhân văn dành cho trẻ em. Sự khác biệt của đôi bàn tay của Sachi là thông điệp nhẹ nhàng dành cho các bé và các cha mẹ về tình yêu thương, sự thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt của người khác.

Cuốn sách này được viết bởi các cha mẹ trong Hội cha mẹ có con khuyết tật bẩm sinh ở Nhật Bản. Cuốn sách này mất 5 năm để hoàn thiện và ra đời vào năm 1985. Đến năm 2010, “Bàn tay kỳ diệu của Sachi” đạt mức 650 nghìn bản được bán, nằm trong danh sách các cuốn sách “longtime seller” ở Nhật Bản.

Bút sáp màu đen

Cuốn Ehon nhỏ này kể về những cây bút sáp màu mà nhân vật chính là cây bút Sáp Màu Đen. Mỗi bút sáp có một màu khác biệt và vẽ nên những thứ riêng, rất đẹp.

Tuy nhiên, vì là màu đen nên Sáp Màu Đen nên bị các bạn sáp màu cho rằng, “một bức tranh đẹp mà thêm màu đen vào nữa thì xấu lắm”.

Nếu Sáp Màu Vàng có thể vẽ ra những chú bướm xinh xắn, Sáp Màu Hồng vẽ ra được những bông hoa thì bút Sáp Màu Xanh Lá Cây sẽ vẽ lá cho hoa tulip, Sáp Xanh Nõn Chuối sẽ vẽ lá cho hoa cúc. Còn Sáp Màu Nâu vẽ đất, Sáp Màu Xanh Dương vẽ nước, vẽ trời. Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động với hoa lá rỡ.

Câu chuyện về tôn trọng sự khác biệt

Bộ sách "Bút sáp màu đen".

Nhưng riêng chỉ có Sáp Màu Đen, khi muốn được vẽ thì các bạn sáp màu khác nói “chúng tớ không cần màu đen đâu” và không cho Sáp Màu Đen chơi cùng.

Tuy nhiên, khi Sáp Màu Đen tô đen toàn bộ bức tranh bị các bạn Sáp Màu khác vì mải vẽ mà làm hỏng, cùng với những đường nết của Bút Chì Kim đã tạo nên một bức tranh pháo hoa rực rỡ. Lúc này, các bạn Sáp Màu nhận ra rằng “Màu đen cũng tuyệt thật nhỉ?”.

Với hình ảnh gần gũi với trẻ là những cây bút sáp màu, cuốn sách nhỏ của tác giả Miwa Nakaya sẽ hấp dẫn trẻ vào hành trình thú vị tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của Sáp Màu Đen. Đồng thời, cuốn sách cũng dạy trẻ cách tôn trọng sự khác biệt của những người bạn, dạy trẻ về sự sẻ chia, tinh thần đoàn kết.