Chỉ đến macs mới đưa phương pháp luận

Việc khám phá bản chất và cấu trúc của sự tồn tại thế giới xung quanh ta là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong lịch sử nhận thức của nhân loại. Hầu hết các trường phái triết học, dưới góc độ khác nhau đều hướng đến giải quyết vấn đề này. Vì thế trong Triết học phạm trù vật chất xuất hiện.

Vật chất với tư cách là phạm trù triết học đã có lịch sử khoảng 2500 năm. Ngay từ lúc mới ra đời, xoay quanh phạm trù vật chất đã diễn ra cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Đồng thời, giống như mọi phạm trù khác, phạm trù vật chất có quá trình phát sinh và phát triển gắn liền với hoạt động thực tiễn của con người, sự hiểu biết của con người về giới tự nhiên.

Trong lịch sử tư tưởng triết học đã có nhiều nhà tư tưởng đưa ra quan điểm của mình về phạm trù vật chất, song vẫn còn mắc phải những hạn chế nhất định, chưa giải quyết triệt để phạm trù vật chất. Trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” (viết năm 1908, xuất bản lần đầu năm 1909) V.I.Lênin đã đưa ra một định nghĩa chính xác, khoa học và sâu sắc nhất về phạm trù vật chất: “vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan, được đem lại cho con ngư­ời trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác”.

Định nghĩa trên được ra đời trên cơ sở những điều kiện khách quan và chủ quan sau đây:

1. Ở thời kỳ cổ đại các nhà triết học duy vật đi tìm một nguyên thể vật chất đầu tiên, coi đó là cơ sở của thế giới, của mọi sự tồn tại và họ thường đồng nhất vật chất nói chung với một dạng cụ thể của nó. Đến thời kỳ cận đại (thế kỷ XVII - XVIII) các nhà triết học duy vật một mặt tiếp tục thừa nhận quan điểm đồng nhất vật chất với nguyên tử - là dạng vật chất nhỏ bé nhất, không thể phân chia được nữa. Mặt khác, rơi vào quan điểm siêu hình đồng nhất vật chất với một thuộc tính nào đó của nó như khối lượng, năng lượng… Những quan niệm về vật chất nêu trên mặc dù còn có những hạn chế như: mang tính chất thô sơ, chất phác, cơ giới, siêu hình. Song đã khẳng định sự tồn tại của thế giới vật chất, đây là cơ sở để bác bỏ quan điểm của chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo cho rằng ý thức tinh thần là cái có trước quyết định vật chất.

2. Trong giai đoạn của C.Mác và Ph.Ăngghen, các ông chưa đưa ra định nghĩa vật chất, nhưng cũng đã đưa ra quan điểm như: về sự đối lập giữa vật chất và ý thức, về bản chất và tính thống nhất vật chất của thế giới, về vận động, về không gian, thời gian... Chính những quan điểm đó đã đặt cơ sở làm nền móng để sau này V.I.Lênin kế thừa và phát triển nâng nội dung phạm trù vật chất thành một định nghĩa hoàn chỉnh.

3. Cuộc cách mạng trong khoa học tự nhiên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỉ XX nổ ra với nhiều phát kiến mang tính chất vạch thời đại đặc biệt là những phát minh như: Rơnghen phát hiện ra tia X, Béccơren phát hiện ra hiện tượng phóng xạ, Tômxơn phát hiện ra điện tử, Kaufman đã phát hiện ra rằng trong quá trình vận động, khối lượng của điện tử thay đổi khi vận tốc của nó thay đổi và thuyết tương đối của Anhxtanh… Những phát minh khoa học quan trọng này đã có ảnh hưởng thay đổi to lớn đến nhiều phương diện sau:

Một là, các phát minh khoa học đã đưa lại những biến đổi sâu sắc và một bước tiến của loài người trong việc nhận thức giới tự nhiên, đã chứng minh rằng: nguyên tử không phải là phần tử nhỏ bé nhất, do vậy không thể quy vật chất về nguyên tử. Vật chất với các thuộc tính của nó không phải là bất biến, tất cả không ngừng được sinh ra và không ngừng được chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác.

Hai là, những phát minh khoa học đó đồng thời cũng đối lập gay gắt với những quan niệm máy móc, siêu hình đang thống trị trong khoa học thời kỳ bấy giờ như: đồng nhất vật chất với khối lượng, năng lượng, trọng lượng...

 Ba là, với những thành tựu trên đã gây ra một cuộc khủng hoảng về thế giới quan trong các nhà triết học và khoa học tự nhiên. Khiến những nhà khoa học “giỏi khoa học nhưng kém cỏi về triết học” đã trượt từ chủ nghĩa duy vật máy móc, siêu hình sang chủ nghĩa tương đối hoài nghi và cuối cùng rơi vào quan điểm của chủ nghĩa duy tâm cho rằng “vật chất tiêu tan”.

Bốn là, lợi dụng cơ hội này các nhà triết học duy tâm đã biện hộ, công kích và giải thích xuyên tạc để phủ định chủ nghĩa duy vật. Họ cho rằng: nếu nguyên tử bị phá vỡ tức là “vật chất tiêu tan” và chủ nghĩa duy vật sụp đổ.

Trư­ớc tình hình đó: V.I.Lênin đã chỉ ra rằng sự khủng hoảng thế giới quan chỉ có tính chất tạm thời, không phải vật chất tiêu tan mà là do nhận thức của con người có giới hạn nên chưa lý giải hết sự vận động và biến đổi của thế giới khách quan. Đồng thời, để phê phán quan điểm của chủ nghĩa duy tâm và khắc phục những hạn chế của chủ nghĩa duy vật trước Mác về vật chất, Lênin đã định nghĩa vật chất với tư cách là một phạm trù Triết học.

4. V.I.Lênin đưa ra một phương pháp mới của lôgíc biện chứng để định nghĩa vật chất chứ không sử dụng phương pháp thông thường, bởi ông chỉ ra rằng, phạm trù vật chất với tư cách là phạm trù triết học - một phạm trù khái quát nhất, không có một phạm trù nào rộng hơn phạm trù vật chất. Cách duy nhất về mặt phương pháp luận, chỉ có thể định nghĩa vật chất bằng cách đặt phạm trù ấy đối lập với ý thức, xem vật chất là thực tại khách quan tồn tại độc lập với ý thức của con người, ý thức chỉ là sự phản ánh thế giới khách quan mà thôi. Từ đó, giải thích vấn đề cơ bản của triết học trên lập trường thế giới quan duy vật và phương pháp biện chứng.

Định nghĩa vật chất của V.I.Lênin đã kế thừa, bảo vệ, phát triển quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về vật chất; khắc phục được tính trực quan, siêu hình, máy móc trong quan niệm về vật chất của các thời kỳ trước; giải quyết được sự khủng hoảng về mặt nhận thức luận trong khoa học tự nhiên ở đầu thế kỷ XX tạo nền tảng vững chắc cho chủ nghĩa duy vật phát triển.

Định nghĩa này chính là cơ sở khoa học và là vũ khí tư tưởng để đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa hoài nghi và thuyết không thể biết đã phủ nhận khả năng nhận thức của con người về thế giới.

Định nghĩa về vật chất của Lênin đã trang bị thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho các nhà khoa học trong nghiên cứu thế giới vật chất; động viên, cổ vũ họ tin ở khả năng nhận thức của con người, tiếp tục đi sâu khám phá những thuộc tính mới của vật chất.

Đến nay, nhân loại đã tìm ra hơn 300 hạt cơ bản (hạt vi mô) kể cả phản hạt trong cấu trúc của nguyên tử, mà trước đó Lênin đã nhận định: nguyên tử là vô cùng, vô tận, tự nhiên là vô tận. Khoa học hiện đại đã chứng minh tính chính xác, đúng đắn về phạm trù vật chất mà Lênin đưa ra.

Tóm lại, định nghĩa vật chất đã ra đời hơn một thế kỷ, nhưng đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, chưa có nhà khoa học, nhà triết học nào đưa ra được một định nghĩa hoàn chỉnh, sâu sắc, toàn vẹn và chính xác hơn định nghĩa vật chất của Lênin./.

CN. Nguyễn Thị Thanh Hoa
Giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh