Chính sách công được hiểu như thế nào

Chính sách công là những chính sách được ban hành bởi Nhà nước tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội và kinh tế. Thông qua chính sách công sẽ đảm bảo cho đất nước phát triển bền vững và ổn định xã hội. Vậy chính sách công là gì? Nội dung của chính sách công là như thế nào? Hãy cùng Luận Văn 2S tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Khái niệm về chính sách công là gì?

Chính sách công (Tiếng Anh: Public policy) được định nghĩa là kết quả ý chí chính trị của Nhà nước thể hiện qua một tập hợp các quyết định liên quan đến nhau, gồm các định hướng mục tiêu và cách thức giải quyết các vấn đề tồn tại trong xã hội nhằm đạt được các mục tiêu phát triển đất nước. 

Hay nói cách khác, chính sách công chỉ đơn giản là tập hợp những hành động ứng xử có chủ đích của nhà nước trước các vấn đề xã hội phát sinh trong đời sống xã hội nhằm mục đích thúc đẩy xã hội phát triển theo định hướng nhất định.

Chính sách công được hiểu như thế nào

Khái niệm chính sách công là gì?

Đặc trưng cơ bản của chính sách công là gì?

Chính sách công mang những đặc trưng cơ bản sau:

  • Chính sách công bắt nguồn từ các quyết định mà Nhà nước ban hành và nội dung được thể hiện trong các văn bản quyết định của Nhà nước. Ví dụ như: chính sách cơ bản về văn hóa- giáo dục, chính sách tài chính công,…
  • Chính sách công là một tập hợp các quyết định được ban hành qua một giai đoạn dài và kéo dài sang giai đoạn thực thi chính sách đó. Chính sách công không được thể hiện trong một quyết định riêng lẻ mà có xu hướng, được xác định bằng một chuỗi các quyết định gắn liền với nhau. Ví dụ như chính sách về an toàn giao thông sẽ kèm theo các quy định cụ thể để thi hành về chính sách đất đai, các thông tư hướng dẫn,…
  • Chính sách công nhằm mục đích giải quyết các vấn đề công và tác động đến một hoặc nhiều nhóm dân số trong xã hội của một đất nước. Cụ thể, chính sách về an toàn giao thông hướng đến mục tiêu giải quyết vấn đề an toàn giao thông và tác động đến tất cả những người tham gia giao thông.
  • Chính sách công gồm hai bộ phận là mục tiêu và biện pháp chính sách. Như ví dụ về an toàn giao thông ở trên, mục tiêu của chính sách này là nhằm giảm bớt tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và bị thương và giảm thiệt hại về tài sản. Các biện pháp giải quyết là ban hành các quy tắc khi tham gia giao thông, thông tin tuyên truyền để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông,…
  • Chính sách công hướng đến mục tiêu tạo ra những thay đổi để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước. Ví dụ như chính sách an toàn giao thông hướng đến thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản, hướng đến mục tiêu về tuổi thọ bình quân, tăng trưởng kinh tế và cải thiện sức khỏe và tinh thần của người dân,…
  • Chính sách công luôn thay đổi theo thời gian vì những quyết định sau có thể có điều chỉnh so với quyết định trước hoặc có những thay đổi trong định hướng trong chính sách ban đầu, hoặc do kinh nghiệm về thực thi chính sách công được phản hồi trong quá trình ra quyết định,….ví dụ, chính sách an toàn giao thông luôn được sửa đổi và hoàn thiện để phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước như việc sửa đổi các quy định theo hướng đảm bảo người điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn hơn, các chế tài xử phạt nghiêm minh hơn,…
  • Chính sách công được xem là đầu ra của quá trình quản lý nhà nước, là sản phẩm trí tuệ của đội ngũ cán bộ và công chức nhà nước.

Chính sách công được hiểu như thế nào

Các đặc trưng cơ bản của chính sách công là gì?

Vai trò của chính sách công ở Việt Nam gì?

Chính sách công định hướng cho các chủ thể trong xã hội

Một trong những vai trò quan trọng của chính sách công là định hướng cho các hoạt động của các thực thể kinh tế - xã hội. Mục tiêu chính sách thể hiện thái độ ứng xử của Nhà nước trước một vấn đề công, nên nó thể hiện rõ xu hướng tác động của Nhà nước lên các thực thể xã hội để chúng vận động phù hợp với những giá trị tương lai mà Nhà nước theo đuổi. Các giá trị đó phản ánh ý chí của Nhà nước nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đời sống xã hội. Nếu các thực thể xã hội tiến hành các hoạt động phù hợp với mục tiêu chính sách thì cũng có nghĩa là đạt được mục tiêu phát triển chung và sẽ nhận được những trợ giúp từ phía Nhà nước. Hơn nữa, bản thân các giải pháp chính sách cũng có vai trò định hướng cho các thực thể kinh tế - xã hội trong việc đề ra biện pháp.

Tạo động lực cho các chủ thể trong xã hội

Thái độ ứng xử của chủ thể biểu lộ rõ những xu thế tác động đến các đối tượng để chúng vận động theo định hướng. Tác động này tạo động lực mạnh mẽ đến các chủ thể trong quá trình hoạt động. Chẳng hạn, Nhà nước dùng chính sách khuyến khích đầu tư trang thiết bị kỹ thuật trong các đơn vị kinh tế vừa tạo việc làm, vừa tăng thu nhập cho lao động.

Vai trò khuyến khích và hỗ trợ: Để đạt được mục tiêu chính sách, Nhà nước ban hành nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp mang tính khuyến khích và hỗ trợ tài chính như miễn thuế, hỗ trợ lãi suất, cho vay vốn lãi suất thấp hoặc không lãi suất, về trợ giá, trợ cấp… và các biện pháp kỹ thuật như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ kỹ thuật để tạo thuận lợi cho các thực thể kinh tế - xã hội tham gia. Các biện pháp này không mang tính bắt buộc, nó tạo ra cơ chế khuyến khích sự tham gia tự nguyện của các thực thể kinh tế - xã hội, nghĩa là khuyến khích các thực thể kinh tế - xã hội tiến hành những hoạt động mà Nhà nước mong muốn. Ví dụ, chính sách khuyến khích đầu tư trong nước, chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Nhà nước ban hành nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà máy để tiến hành hoạt động kinh doanh như miễn, giảm tiền thuê đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ giải phóng mặt bằng,… Hoặc trong chính sách tam nông, Nhà nước ban hành các giải pháp khuyến nông như hỗ trợ về giống, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, thu mua lương thực với giá bảo đảm cho nông dân có một mức lợi nhuận nhất định, cho vay vốn lãi suất thấp…

Phân bổ nguồn lực cho quá trình phát triển

Để sử dụng có hiệu quả tài nguyên theo hướng ổn định, bền vững, Nhà nước dùng chính sách để khuyến khích và điều tiết các quá trình khai thác sử dụng tài nguyên theo định hướng để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững.

Chính sách công được hiểu như thế nào

Vai trò của chính sách công ở Việt Nam gì?

Tạo lập môi trường thích hợp cho các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế - xã hội

Thống nhất thái độ ứng xử của chủ thể với các vấn đề kinh tế - xã hội chính là đã tạo ra một môi trường hướng đạo, giúp cho các thực thể xác định được mục tiêu vận động của mình. Còn sự phong phú về các giải pháp thực hiện sẽ làm cho các thực thể chủ động tìm cách ứng phó hiệu quả nhất với môi trường để tồn tại. Điều này sẽ mang lại động lực mạnh cho các thực thể có chỗ đứng trong môi trường cạnh tranh.

Làm cơ sở phối hợp hoạt động của các chủ thể trong xã hội

Nhà nước đề ra mục tiêu chính sách để thống nhất mọi thành phần xã hội đều hướng tới mục tiêu chung trên cơ sở thực hiện tốt những mục tiêu bộ phận của mình. Do nắm chắc được mục tiêu chung các bộ phận sẽ tự biết được vai trò, vị trí, thời gian và mức độ hoàn thành các mục tiêu cụ thể của mình để tự giác phối hợp thực hiện mục tiêu chung.

Vai trò tạo lập

Thông qua các chính sách công, Nhà nước đưa ra những điều kiện cần thiết nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các thực thể kinh tế - xã hội tiến hành các hoạt động. Ví dụ, chính sách phát triển thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường khoa học – công nghệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường dịch vụ. Để kinh tế - xã hội đất nước phát triển một cách bình thường, ổn định, Nhà nước ban hành nhiều chính sách để đảm bảo các cân đối vĩ mô chính yếu như: cân đối giữa cung cầu, xuất nhập khẩu,…

Vai trò điều tiết

Nhà nước cũng sử dụng các chính sách để điều tiết thu nhập giữa các cá nhân và doanh nghiệp trong xã hội, điều tiết các thị trường lao động, vốn… như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định giá cả một số hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá trên thị trường, chính sách tiền lương, chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá,…

Nhà nước dùng các chính sách để bảo bảo sự phát triển đồng đều giữa các vùng, miền thông qua việc phân bổ và tái phân bổ các nguồn lực của xã hội.

Vai trò hiệu chỉnh những thất bại của thị trường

Trong kinh tế thị trường, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, quy luật giá cả và các quy luật thị trường khác khuyến khích các thực thể kinh tế - xã hội đầu tư vốn, trí tuệ vào các hoạt động kinh doanh, nghiên cứu và phát triển, không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hạ giá thành hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho xã hội. Nhờ đó các cá nhân, tổ chức trong xã hội được hưởng lợi như hàng hóa và dịch vụ nhiều về số lượng, phong phú về chủng loại, chất lượng ngày càng tăng lên với giá ngày càng rẻ. Ở góc độ toàn xã hội, kinh tế thị trường góp phần vào việc phân bổ có hiệu quả các nguồn lực của xã hội và gia tăng phúc lợi xã hội, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, bản thân kinh tế thị trường cũng có nhiều khiếm khuyết mà các nhà kinh tế học gọi là thất bại của thị trường như độc quyền tự nhiên, cung cấp không đầy đủ hàng hóa công cộng, ngoại ứng, không đối xứng thông tin, sử dụng quá mức các tài nguyên sở hữu chung, bất ổn kinh tế vĩ mô, gia tăng bất bình đẳng… những vấn đề đó ảnh hưởng không tốt lên xã hội và các thành viên của xã hội. Vì vậy, nhà nước phải ban hành các chính sách để hiệu chỉnh những thất bại của thị trường như chính sách tạo môi trường cạnh tranh và chống độc quyền; cung ứng dịch vụ công thông qua thành lập các doanh nghiệp nhà nước và tổ chức dịch vụ công; điều tiết những tác động tích cực và tiêu cực của ngoại ứng; bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên sở hữu chung; loại bỏ sự bất đối xứng thông tin giữa những người sản xuất và người tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ; duy trì sự ổn định của nền kinh tế; bảo đảm sự công bằng xã hội.

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu sâu hơn chính sách công là gì thông qua khái niệm và vai trò của chính sách công với sự phát triển đồng bộ của đất nước. Hy vọng những kiến thức mà chúng tôi chia sẻ đã mang lại cho bạn nguồn tham khảo hữu ích.