Chính sách mới về tiền lương cho giáo viên

(GD&TĐ) - Giáo dục và đào tạo luôn là mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trong đó thể hiện bằng sự đầu tư của ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo không ngừng tăng lên. Từ năm 1998 đến năm 2010, trong điều kiện tài chính còn hạn hẹp, Nhà nước vẫn quyết định tăng dần đầu tư cho giáo dục và đào tạo từ mức hơn 13% lên 20% tổng chi NSNN (1998:13,7%; 2000:15%; 2006 18,6%; 2007, 2008, 2009 và 2010 là 20%).

Với tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục như trên, nước ta thuộc nhóm nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất của thế giới. Tuy nhiên, do quy mô ngân sách của nước ta còn bé, nên tổng mức ngân sách giáo dục còn nhỏ, mức chi bình quân cho một học sinh, sinh viên còn rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục, để thực hiện mục tiêu ai cũng được học hành với chất lượng ngày càng tốt hơn, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp hỗ trợ học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo thuộc các đối tượng chính sách, vùng miền núi dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và con em các hộ gia đình nghèo đi học, như: Chế độ miễn giảm học phí (đã có 53% số học sinh, sinh viên được miễn giảm học phí), chế độ cấp học bổng chính sách; chế độ chính sách tín dụng sinh viên (đến nay đã có khoảng 1,6 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập với số tiền 18.000 tỷ đồng). Trong những năm qua, các chế độ đãi ngộ, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp vùng miền đối với nhà giáo luôn được bổ sung và thực hiện đầy đủ nhằm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà giáo yên tâm, gắn bó với nghề và dành tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục.  

Chính sách mới về tiền lương cho giáo viên
Thi kéo co của học sinh Tp. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

Từ năm 2006, Bộ GD&ĐT đã xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất tăng hệ số ưu đãi cho giáo viên bình quân từ 1,35 lên 1,7 lần. Đây là mức đề xuất hệ số ưu đãi trong tương quan với hệ số ưu đãi của lực lượng vũ trang (bộ đội, công an là 1,8). Tuy nhiên, Chính phủ đã bàn bạc và chưa chấp thuận với lý do còn phải tính đến ngành y tế, văn hoá và các ngành khác, mặt khác đội ngũ giáo viên ngành giáo dục đã và đang được hưởng hệ số đứng lớp theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường công lập như sau:

Nhà giáo dạy cao đẳng, đại học là 25%; nhà giáo dạy trung học cơ sở, trung học phổ thông ở đồng bằng, thành phố là 30%; nhà giáo dạy mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở miền núi, hải đảo vùng sâu vùng xa là 35%; nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng) là 40%; nhà giáo dạy môn Mác – Lênin là 45% và giáo viên dạy mầm non, tiểu học ở miền núi, vùng sâu, vùng sâu, vùng xa hải đảo là 50%. Bình quân hệ số phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy là 35%.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:

Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường năng khiếu thể dục thể thao; trường năng khiếu nghệ thuật; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường dự bị đại học học; mức phụ cấp 70% áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Để từng bước nâng cao tiền lương, thu nhập cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (trong đó có nhà giáo), trong giai đoạn từ 2006-2012, Chính phủ đã có lộ trình tăng mức lương tối thiểu. Từ năm 2006 đến tháng 5/2010, mức lương tối thiểu chung tăng từ 350.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng. Với mức lương tối thiểu tăng lên như trên, thì thu nhập của giáo viên hàng tháng đã tăng gấp 2,08 lần. Lạm phát từ sau năm 2006 đến năm 2009 là 44,6%. Như vậy, thu nhập thực tế của giáo viên đã tăng 1,44 lần (2,085/1,446).

Chính sách mới về tiền lương cho giáo viên
Một lớp học ở vùng cao Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị

Ví dụ, nếu một giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường năm 2010, thì sẽ có mức lương là 2,306 triệu đồng/tháng (mức lương tối thiểu nhân với hệ số lương cơ bản nhân với hệ số phụ cấp ưu đãi bình quân chung toàn ngành: 730.000 đồng x 2,34 x 1,35). Nếu ở thời điểm năm 2006 thì giáo viên này có mức lương là 1,105 triệu đồng/tháng (350.000 đồng x 2,34 x 1,35).

Xin nêu một ví dụ khác, ở một tỉnh miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn, một công chức có trình độ cao đẳng thì được hưởng mức lương hệ số 2,1 và phụ cấp khu vực là 0,7 thì chỉ được 1.820.000 đ/tháng, nhưng cũng một giáo viên bậc học cao đẳng cũng làm việc tại khu vực đó thì ngoài hệ số 2,1; phụ cấp khu vực 0,7 còn thêm phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thu hút, cộng lại mức lương cũng gần 3 triệu đồng. Qua đó thấy được mức sống của giáo viên vào năm 2010 được cải thiện đáng kể so với năm 2006 và cao hơn so với công chức, viên chức của các ngành khác. Tuy nhiên, với nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng lên như hiện nay, thì còn chưa đáp ứng được đòi hỏi tăng thu nhập thực tế cho giáo viên, đời sống của một bộ phận nhà giáo vẫn còn không ít khó khăn.

Làm thế nào để giáo viên sống được bằng đồng lương là mối trăn trở không của riêng ngành Giáo dục, mà là mối quan tâm chung của các ban ngành Trung ương, các địa phương và toàn xã hội. Trên nhiều diễn đàn Quốc hội, vấn đề lương nhà giáo luôn được đề cập. Mong muốn thì nhiều, nhưng thực hiện còn phải có lộ trình và phụ thuộc vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nước ta còn nghèo, ngân sách nhà nước còn eo hẹp. Để nâng lương cho hơn một triệu nhà giáo (chiếm khoảng 80% đội ngũ công chức khối hành chính sự nghiệp) thì phải chi một lượng ngân sách khá lớn. Mặt khác, việc nâng lương cho giáo viên phải xét trong mối tương quan với công chức, viên chức các ngành khác.

Tại kì họp thứ V, Quốc hội khóa XII, ngày 19/6/2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 về định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Khoản 5 Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 nêu rõ: "Thực hiện chính sách ưu tiên về lương và phụ cấp cho đội ngũ nhà giáo; tiếp tục chính sách khuyến khích nhà giáo dạy học ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giáo dục hoà nhập; thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo lưu phụ cấp đứng lớp trong thời hạn 3 năm cho nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục".

Vấn đề phụ cấp thâm niên của nhà giáo tiếp tục được khẳng định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (có hiệu lực từ ngày 01/7/2010).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan soạn thảo các văn bản trình Chính phủ trong năm 2010 để thực hiện Nghị quyết số 35/2009/QH12 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó có việc thực hiện phụ cấp thâm niên cho giáo viên.

Tóm lại, 5 năm qua tiền lương của giáo viên đã được tăng lên liên tục là do Nhà nước đã tăng lương cơ bản cho giáo viên, đồng thời thực hiện chế độ phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thu hút và sắp thực hiện phụ cấp thâm niên. Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách lương giáo viên như trên và sẽ có những cơ chế khuyến khích đội ngũ nhà giáo nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng giảng dạy để nâng cao thu nhập, đời sống của giáo viên sẽ tốt hơn.

Nguyễn Văn Ngữ

                                                                     (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính Bộ Giáo dục và Đào tạo)


Page 2

(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT đã phê duyệt kế hoạch triển khai chương trình bồi dưỡng năm 2010 cho 15.800 hiệu trưởng trường phổ thông và 1.200 CBQL giáo dục theo hình thức liên kết Việt Nam - Singapore.

Nội dung chương trình gồm 7 chuyên đề (học trong 10 ngày bao gồm cả đi thực tế trong thời gian tập huấn) và 01 tuần tham quan tập huấn trong nước hoặc nước ngoài. Bao gồm: Đổi mới lãnh đạo và quản lý trường phổ thông; lãnh đạo và quản lý sự thay đổi trường phổ thông; văn hóa nhà trường; lập kế hoạch chiến lược trường phổ thong; lãnh đạo phát triển đội ngũ; huy động nguồn lực phát triển trường phổ thong; phát triển giáo dục toàn diện học sinh phổ thông; nghiên cứu thực tế bao gồm các chương trình tham quan, học tập thực tiễn lãnh đạo và quản lý giáo dục trong nước và nước ngoài.Kết thúc lớp bồi dưỡng, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ khi hội đủ 02 điều kiện: Đảm bảo tham dự không dưới 80% thời lượng học tập trên lớp; Có bài báo cáo thu hoạch cuối khoá. Nội dung bài báo cáo thu hoạch phải bao gồm (nhưng không hạn chế) 03 phần: những nhận thức sâu sắc nhất về khóa bồi dưỡng; liên hệ thực tế quản lý của bản thân; đề xuất chương trình đổi mới quản lý nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục tại trường nơi mình đang công tác trong thời gian tới. Tất cả các lớp tập huấn phải kết thúc trước 05/11/2010.

Trong năm 2010, Học viện QLGD cũng sẽ phối hợp với Quỹ Temasek và Học viện GD Singapore triển khai đào tạo đội ngũ cán bộ tư vấn/ giám sát cấp tỉnh (với số lượng 120 người, mỗi Sở từ 01 - 02 người). Dự kiến sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 6/2010.

Chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng năm 2010 nằm trong "Đề án xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông theo hình thức liên kết Việt Nam – Singapore trong giai đoạn 2008 – 2010". Đề án này có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Học viện Giáo dục và Quỹ Temasek (Singapore) trong việc đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn, xây dựng chương trình bồi dưỡng, tư vấn và tham gia giảng dạy một số chuyên đề trong quá trình triển khai bồi dưỡng cho hiệu trưởng trường phổ thông của Việt Nam. Theo Kế hoạch triển khai đề án, trong năm 2009 sẽ bồi dưỡng cho khoảng 14.000 hiệu trưởng phổ thông, số còn lại sẽ được tổ chức bồi dưỡng trong năm 2010.

Hiếu Nguyễn


Page 3

TTO - Sáng nay 11-4, Bộ GD-ĐT ban hành tài liệu hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2010, trong đó có nhiều điểm hướng dẫn cụ thể đối với thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi năm nay.

Chính sách mới về tiền lương cho giáo viên

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 25-4, các trường phổ thông bắt đầu thu phiếu đăng ký dự thi, hồ sơ đăng ký dự thi và nhập dữ liệu của thí sinh  theo lớp (đối với học sinh học lớp 12 năm nay) vào máy tính.

Không đăng ký ở trường khác

Ngày 7-5 là hạn chót để thí sinh đăng lý dự thi. Chậm nhất vào 10-5 các trường phổ thông phải hoàn tất công việc kiểm tra, rà soát, chỉnh sửa sai sót để bàn giao danh sách thí sinh cho sở GD-ĐT.

Thí sinh phải đăng ký dự thi tại nơi học lớp 12, không được đăng ký thi ở cơ sở giáo dục khác. Học sinh học lớp 12 năm học 2009- 2010 không được đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên.

Để thuận lợi cho thí sinh tự do trong việc hoàn tất điều kiện đăng lý dự thi, Bộ GD-ĐT hướng dẫn: Những thí sinh tự do bị xếp loại kém học lực lớp 12 phải đăng ký dự kỳ kiểm tra cuối năm tại trường THPT- nơi học lớp 12, hoặc đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 để đủ điều kiện về học lực theo quy định.

Những thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi năm trước do nghỉ quá 45 buổi học nếu vẫn đủ điều kiện về học lực thì không cần xác nhận kiểm tra học lực. Thí sinh tự do không đủ điểu kiện dự thi năm trước do bị xếp loại yếu hạnh kiểm ở lớp 12 phải có xác nhận của chính quyền cấp xã (phường) về phẩm chất đạo đức và việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định về an ninh, trật tự của địa phương nơi cư trú.

Những thí sinh tự do của giáo dục THPT được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên năm nay, nhưng không được bảo lưu điểm thi như thí sinh tự do của hệ giáo dục thường xuyên.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thì các cơ sở tiếp nhận hồ sơ và thí sinh tự do cần phải nắm đầy đủ thông tin trên tránh trường hợp đáng tiếc như ở các kỳ thi trước, có những thí sinh tự do nhầm tưởng được bảo lưu điểm đã tự ý bỏ bớt một số môn thi trong số 6 môn thi quy định, ảnh hưởng đến kết quả thi.

Những điều cần ghi nhớ

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh cần ghi nhớ: Chỉ mang vào phòng thi giấy nháp, bút mực, bút chỉ, compa, thước kẻ, máy tính (không chứa thẻ nhớ, không có chức năng soạn thảo văn bản), atlat Địa lý VN (trong môn thi Địa lý), thí sinh không mang vào phòng thi những vật  dụng khác.

Những thí sinh mang điện thoại di động, máy có chức năng ghi âm vào phòng thi, dù trong tình trạng tắt hay mở đều sẽ bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là đình chỉ thi. Bài thi tự luận chỉ được viết bằng một loại mực (không phải mực đỏ), ngoài phần điền các dữ liệu của thí sinh theo quy định và phần bài thi, thí sinh không được để lại dấu vết khác trên bài thi.

Riêng đối với các môn thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT quy định: Đề thi nhận từ giám thị phải để dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm, không được đọc, trước khi có sự cho phép của giám thi. Thí sinh phải kiểm tra đề thi để đảm bảo đủ số trang, số lượng câu trắc nghiệm, nội dung rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét, các trang đều ghi cùng một mã đề thi.

Nếu phát hiện có sự bất thường ở đề thi, thí sinh phải thông báo ngay cho giám thị. Thí sinh cần nhớ ghi tên, số báo danh của mình vào vị trí tương ứng trong đề thi, ghi mã đề thi theo quy định.

Trên phiếu trả lời trắc nghiệm thí sinh chỉ được viết một thứ mực (không phải mực đỏ) vào 10 mục cần ghi và tô chì đen vào ô trả lời, không được tô bất kì ô nào trên phiếu bằng bút mực, bút bi. Ngoài ra, thí sinh không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Bài thi không chấp hành đúng quy định trên sẽ bị coi là phạm quy, không được chấm điểm.

Thí sinh lưu ý phải giữ phiếu trả lời trắc nghiệm phẳng, không được gập, làm nhàu, bẩn. Thí sinh làm xong bài phải ngồi yên tại chỗ, không được nộp bài khi chưa hết giờ làm bài. Khi có hiệu lệnh thu bài, thí sinh nộp bài theo hướng dẫn của giám thị và phải ký tên vào hai phiếu thu bài thi. Thí sinh chỉ rời chỗ khi giám thị đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của các phòng thi.

Phúc khảo: cần làm gì?

Những thí sinh có điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình của môn học đó ở lớp 12 từ 1,0 điểm trở nên, nếu có nguyện vọng đều có quyền xin phúc khảo bài thi. Thí sinh muốn phúc khảo bài thi sẽ phải nộp đơn xin phúc khảo trong thời hạn 7 ngày, kể từ khi niêm yết công khai kết quả thi.

Thí sinh có thể xin phúc khảo bài thi của một môn hoặc của tất cả sáu môn thi. Sở GD-ĐT sở tại sẽ có trách nhiệm chuyển các bài thi trắc nghiệm  xin phúc khảo đến hội đồi chấm phúc khảo của tỉnh mình và chuyển các bài thi tự luận xin phúc khảo đến hội đồng chấm phúc khảo của tỉnh đã chấm bài tự luận

VĨNH HÀ