Trùn chỉ từ lâu là một loại thức ăn rẻ cho cá cảnh. Cư dân nuôi cá cảnh chọn trùn chỉ còn vì ăn loại này con cưng của họ tăng trưởng nhanh hơn nhiều loại thức ăn khác. Tuy nhiên, gần đây, nhiều người bàng hoàng vì cá liên tục ngủm sau khi xơi trùn chỉ cào lên từ lòng sông, rạch tại TPHCM.

Cho cá an trùn chỉ đúng cách
Bắt trùn chỉ ở đáy sông Sài Gòn
Hai ý kiến trái ngược
Hàng chục năm nuôi cá cảnh, từng viết hàng trăm bài trên diễn đàn cá cảnh chia sẻ niềm say mê và kỹ thuật nuôi cá nhưng giờ đây anh Vũ Minh Chương, ở quận Tân Phú, phải giải nghệ. Trước khi nghỉ nuôi cá, anh đã chỉ mặt một thứ chất độc khiến hàng loạt cá của anh chết, đó là trùn chỉ. Anh kể: Vừa làm chết đàn cá cảnh màu đỏ gồm 200 con, trùn chỉ lại khiến một đàn cá khác của anh phải toi mạng. Không chỉ có anh Chương mà nhiều đồng nghiệp của anh trong câu lạc bộ cá cảnh betta (vẫn được gọi thông dụng với những cái tên như cá đá, cá chọi, cá xiêm, cá phướn, cá lia thia...) cũng là nạn nhân của trùn chỉ. Anh Chí Dũng, một người sống bằng nghề kinh doanh cá cảnh gần vòng xoay Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, chia sẻ: Trước đây, cho cá cảnh ăn trùn chỉ chẳng sao, bây giờ gắp trùn vô hồ mà tay run cầm cập.
Theo một số người nuôi cá cảnh, do biết trùn chỉ sống dưới đáy sông, rạch bị ô nhiễm nên trước khi cho cá ăn, người nuôi đã dùng rất nhiều phương pháp tẩy rửa như xả nước, nhỏ metylen, benzol, sục khí cho trùn chỉ sạch bong nhưng khi bỏ vào hồ cho cá ăn vài lần thì cá lờ đờ, đuôi cụp lại, xuất huyết da, chán ăn rồi chết. Từ đó, một bộ phận cư dân nuôi cá cảnh kết luận: Có lẽ môi trường của chúng ta ngày càng ô nhiễm nên theo đó, trùn chỉ cũng mang theo trong mình vô số bệnh tật. Chỉ có thể rửa bùn, rửa chất ô nhiễm bám trên thân trùn chỉ chứ không thể rửa mầm bệnh ẩn chứa trong chính nó.
Tuy nhiên, một số người cũng chuyên nuôi cá cảnh lại cho rằng đổ thừa cá cảnh chết do ăn trùn chỉ là không thuyết phục. Anh Lê Anh Tuấn, cử nhân công nghệ sinh học, một người chuyên nuôi cá cảnh, cho rằng nguyên nhân cá chết hàng loạt là do kỹ thuật nuôi không tốt, nhiệt độ môi trường nước biến thiên, hệ miễn dịch của cá suy yếu.
Báo động từ đáy sông
Mặc dù còn nhiều ý khiến khác nhau về việc trùn chỉ có thể làm cá cảnh chết sau vài lần ăn nhưng hầu hết người nuôi cá cảnh đều thống nhất sự ô nhiễm từ kênh, rạch của TP đang khiến trùn chỉ mang nhiều mầm bệnh gây hại cho cá cảnh. Ông Nguyễn Văn Lãng, nguyên chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM, khẳng định: Tôi đã đi nhiều nước và nhận thấy dù ở Mỹ, Thái Lan hay Singapore, người ta đều thừa nhận trùn chỉ là loại thức ăn dễ lây bệnh cho cá. Theo ông Lãng, trùn chỉ sinh trưởng mạnh dưới đáy sông, rạch. Hiện nay, kênh, rạch ở TP đang ngày càng ô nhiễm khiến trùn chỉ càng dễ bị nhiễm độc. Tuy nhiên, ông Lãng cho rằng đa phần trùn chỉ vớt lên từ đáy sông nếu được làm sạch trước khi cho cá ăn thì cá không chết tức thời được. Dẫu biết có thể lây bệnh cho cá nhưng trùn chỉ vừa rẻ vừa giúp cá lớn nhanh nên đây vẫn là loại thức ăn được nhiều người lựa chọn.
Anh Nguyễn Văn Tính, một người chuyên săn trùn ngụ quận Bình Thạnh, cho biết mỗi ngày, khi con nước rút là anh giong xuồng dọc sông, rạch TP để đào, đãi trùn. Anh nhận định: Nước càng đen, càng dơ, càng hôi thì trùn càng nhiều. Đoạn nước ở cầu Băng Ky, cầu Thủ Thiêm, cầu Thị Nghè rất nhiều trùn chỉ. Sông, rạch TP ngày càng đen ngòm. Tôi đi bắt trùn chỉ mà tay phồng rộp, nổi u nổi cục. Bùn bám trên trùn chỉ mà không tẩy thật sạch thì cá cảnh ăn vào toi mạng là cái chắc.
Hiện nay, nhiều người nuôi cá cảnh ở Quảng Ngãi cũng lao đao vì trùn chỉ. Anh Nguyễn Khánh Vương, ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, cho biết số cá cảnh trong 20 hồ nuôi của anh đã chết tức tưởi sau khi ăn trùn chỉ. Theo anh Vương, loại trùn chỉ này được những người săn trùn lấy từ khu vực sông nước nơi có nhà máy của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi trú đóng. Vừa qua, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đã xác định chính nhà máy của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đã xả thải khiến cá chết vì sông nước ô nhiễm.
Bài và ảnh: NHƯ PHÚ