Chương trình giáo dục phổ thông 2022 môn Lịch sử và Địa lí Tiểu học

Môn Lịch sử và Địa lý tiểu học trong Chương trình GDPT mới

          Nhóm biên soạn chương trình Lịch sử và Địa lý tiểu học - chia sẻ những thông tin cơ bản về quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu, cũng như những năng lực và phẩm chất của HS mà môn Lịch sử và Địa lý hướng đến ở tiểu học.

          Những quan điểm cơ bản

          Chương trình môn Lịch sử và Địa lí tiểu học tuân thủ các quy định nêu trong chương trình tổng thể, đồng thời xuất phát từ đặc điểm môn học, nhấn mạnh một số quan điểm sau:

          Thứ nhất: Chương trình môn Lịch sử và Địa lí tích hợp nội dung GD lịch sử, địa lí và một số nội dung văn hoá, xã hội trong các kết nối về không gian, thời gian; tích hợp nội dung bảo vệ môi trường, GD giá trị nhân văn; gắn lí thuyết với thực hành, gắn nội dung GD với thực tiễn nhằm hình thành, phát triển ở HS năng lực đặc thù của môn học và các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung được quy định trong chương trình tổng thể. Chương trình kết nối với các môn học, hoạt động GD khác như: Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm... giúp HS vận dụng tích hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học, hoạt động GD để giải quyết các vấn đề trong học tập, đời sống, phù hợp với lứa tuổi.

          Thứ 2: Trên cơ sở kế thừa, phát huy ưu điểm của môn Lịch sử và Địa lí trong chương trình GDPT hiện hành và tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, chương trình môn Lịch sử và Địa lí chọn lọc những kiến thức cơ bản và sơ giản về tự nhiên, dân cư, một số hoạt động kinh tế, lịch sử, văn hoá của các vùng miền, đất nước Việt Nam và thế giới; các sự kiện, nhân vật lịch sử phản ánh những dấu mốc lớn của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nội dung môn học vừa bảo đảm tính khoa học, vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và trình độ nhận thức của HS.

          Thứ 3: Chương trình được thiết kế theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lí và không gian xã hội, từ địa lí, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam đến địa lí, lịch sử của các nước láng giềng, khu vực và thế giới.

          Thứ 4: Chương trình lựa chọn những nội dung thiết thực đối với việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực HS thông qua phương pháp tổ chức các hoạt động học tập tích cực như: Tìm hiểu các vấn đề lịch sử và địa lí, luyện tập và thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện, giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống)...

          Thứ 5: Chương trình được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt để có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương; phù hợp với khả năng của giáo viên, với các nhóm đối tượng HS khác nhau và thực tiễn dạy học ở nhà trường, song vẫn bảo đảm trình độ chung của GDPT trên cả nước, tiếp cận dần với trình độ khu vực và thế giới.

Vai trò trong phát triển phẩm chất, năng lực HS

          Môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu học giúp HS khám phá thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh để bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước; ý thức bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam; tôn trọng sự khác biệt về văn hoá giữa các quốc gia và dân tộc, từ đó góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

          Môn Lịch sử và Địa lí theo hướng phát triển năng lực, góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung đã được nêu trong chương trình GDPT tổng thể, cụ thể là năng lực tự chủ, tự học thể hiện ở khuyến khích, tạo điều kiện cho HS tự thực hiện nhiệm vụ được phân công khi học tập, tham quan. Đồng thời, biết đặt ra các câu hỏi đơn giản, tự tìm kiếm và phân tích nguồn thông tin, trả lời câu hỏi về lịch sử và địa lí.

          Năng lực giao tiếp, hợp tác thể hiện ở việc khuyến khích, hướng dẫn HS diễn đạt rõ ràng ý kiến của mình, tự tin khi đưa ra ý kiến, trao đổi, thảo luận khi có các quan điểm khác nhau; làm việc theo nhóm, chia sẻ suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của người khác, cùng nhau xây dựng ý tưởng trong quá trình học tập các vấn đề về lịch sử và địa lí.

          Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo thể hiện ở việc khuyến khích, hướng dẫn học sinh phát hiện một số vấn đề trong cuộc sống xung quanh, đặt câu hỏi, tìm thông tin, thực hiện các thao tác phân tích, tổng hợp, giải thích, so sánh... trong giải quyết vấn đề; đưa ra ý kiến, nhận xét, bình luận theo các cách khác nhau về các vấn đề địa lí và lịch sử trong cuộc sống xung quanh.

          Chương trình môn Lịch sử và Địa lí góp phần hình thành, phát triển cho HS năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, bao gồm các năng lực thành phần: Nhận thức khoa học lịch sử và địa lí; tìm hiểu lịch sử và địa lí; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn.

          Năng lực nhận thức khoa học lịch sử và địa lí thể hiện ở khả năng kể, nêu, nhận biết được các hiện tượng địa lí, sự kiện lịch sử diễn ra trong cuộc sống theo mối quan hệ không gian - thời gian; một số giá trị, truyền thống kết nối con người Việt Nam; một số nền văn minh; một số vấn đề khó khăn mà nhân loại đang phải đối mặt; trình bày, mô tả được một số nét chính về lịch sử và địa lí của địa phương, vùng miền, đất nước, thế giới; nêu được cách thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ tự nhiên.

          Năng lực tìm hiểu lịch sử và địa lí thể hiện ở khả năng quan sát, tra cứu tài liệu để tìm thông tin hoặc thực hiện điều tra ở mức độ đơn giản để tìm hiểu về các sự kiện lịch sử, hiện tượng địa lí. Biết đọc lược đồ, biểu đồ, bản đồ tự nhiên, dân cư... ở mức đơn giản. Nêu được nhận xét về đặc điểm, mối quan hệ giữa các sự kiện lịch sử, đối tượng, hiện tượng địa lí từ những nguồn tư liệu, số liệu, biểu đồ, lược đồ, bản đồ... Trình bày được ý kiến của mình về một số sự kiện, nhân vật lịch sử, hiện tượng địa lí... So sánh, nhận xét, phân biệt được sự đa dạng về tự nhiên, dân cư, lịch sử, văn hoá ở một số vùng miền; nhận xét được tác động của thiên nhiên đến hoạt động sản xuất của con người và tác động của con người đến tự nhiên.

          Năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn thể hiện ở khả năng xác định được vị trí của một địa điểm, một phạm vi không gian trên bản đồ; sử dụng được đường thời gian để biểu diễn tiến trình phát triển của sự kiện, quá trình lịch sử; sử dụng được biểu đồ, số liệu... để nhận xét về một số sự kiện lịch sử, hiện tượng địa lí; biết sưu tầm và sử dụng các nguồn tư liệu lịch sử và địa lí để thảo luận và trình bày quan điểm về một số vấn đề lịch sử, địa lí, xã hội đơn giản; vận dụng được kiến thức lịch sử và địa lí đã học để phân tích và nhận xét ở mức độ đơn giản tác động của một sự kiện, nhân vật lịch sử và hiện tượng địa lí... đối với cuộc sống hiện tại; đề xuất được ý tưởng và thực hiện được một số hành động như: Sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá...

          Trong chương trình GDPT tổng thể, Lịch sử và Địa lí ở tiểu học là môn học bắt buộc, được tổ chức dạy học ở lớp 4, lớp 5. Môn học được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển từ môn Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2, 3 và là cơ sở để học môn Lịch sử và Địa lí ở THCS; đồng thời góp phần đặt nền móng ban đầu cho giáo dục về khoa học xã hội ở các cấp học trên. Môn học góp phần hình thành, phát triển ở HS những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung đã được xác định trong chương trình tổng thể.

          Chương trình môn Lịch sử và Địa lí tiểu học gồm các mạch kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết yếu về địa lí, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam, các nước láng giềng và một số nét cơ bản về địa lí, lịch sử thế giới. Nội dung chương trình môn học này còn liên quan trực tiếp với nhiều môn học và các hoạt động giáo dục khác như: Đạo đức, Tiếng Việt, Hoạt động trải nghiệm..../.

Theo báo GD&TĐ