Chụp cắt lớp ổ bụng

Chụp CT bụng là kỹ thuật khảo sát ổ bụng thường được các bác sĩ chỉ định để chẩn đoán, theo dõi các bệnh lý vùng bụng khi bệnh nhân có biểu hiệu đau bụng không rõ nguyên nhân, chấn thương vùng bụng, sờ thấy khối bất thường vùng bụng, nôn ói, bí trung đại tiện, bí tiểu, tiểu máu, vàng da, Thời gian thực hiện nhanh chóng, không đau, không xâm lấn và cho kết quả chính xác cao.

Tư vấn chuyên môn bài viết ThS.BS HỒ HOÀNG PHƯƠNG Giám đốc Trung tâm Chẩn Đoán Hình Ảnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chụp CT bụng là gì?

Kỹ thuật chụp CT bụng sử dụng tia X quét qua bụng của người bệnh. Quy trình này diễn ra trong khoảng thời gian vài phút. Kết quả chụp qua xử lý kỹ thuật cho ra những hình ảnh mặt cắt ngang ổ bụng dưới dạng 2D hoặc 3D. Thông qua những hình ảnh này, bác sĩ nhận diện được tình trạng bất thường của các cơ quan, mạch máu, cơ xương khớp vùng bụng, từ đó sẽ chẩn đoán bệnh lý, nguyên nhân gây bệnh hay theo dõi bệnh trong quá trình điều trị. (1)

Chụp CT bụng giúp tìm ra những bất thường ở vùng bụng thông qua hình ảnh

Tại sao phải chụp CT bụng?

Chụp CT bụng được thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ bệnh lý vùng bụng nhưng chưa có đủ thông tin khi khám bệnh hoặc sau khi thực hiện các xét nghiệm. Chỉ định của CT bụng để chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý ở các tạng ổ bụng, bao gồm:

  • Đau bụng không rõ nguyên nhân
  • Bệnh lý bụng cấp do chấn thương và không do chấn thương
  • Sờ thấy khối bất thường ở bụng
  • Gan: u gan, viêm nhiễm, chấn thương
  • Đường mật: sỏi đường mật, viêm nhiễm, u đường mật, nguyên nhân tắc mật
  • Tụy: u, viêm tụy cấp và mạn, chấn thương
  • Hệ niệu: u, viêm, sỏi hệ niệu, chấn thương
  • Tuyến thượng thận: u,
  • Tử cung buồng trứng: u, viêm, xoắn,
  • Cơ xương khớp: chấn thương, viêm, u,..
  • Mạch máu: phình, bóc tách, dị dạng,

Chụp CT ổ bụng phát hiện được bệnh gì?

Hình ảnh từ chụp CT bụng cung cấp cho bác sĩ thông tin về các tạng trong bụng như:

  • Tình trạng hiện tại của các cơ quan trong ổ bụng (bao gồm túi mật, tuyến tụy, gan)
  • Nguyên nhân gây đau bụng
  • Chẩn đoán các bệnh lý ung thư các tạng trong ổ bụng (như ung thư đại tràng, ung thư biểu mô tế bào gan, ung thư buồng trứng)
  • Tình trạng và mức độ nhiễm trùng hay chấn thương ổ bụng
  • Một vài vấn đề liên quan đến thận như sỏi thận, thận ứ nước, viêm bể thận(2)

Quy trình chụp CT scan ổ bụng

Một quy trình chụp CT ổ bụng có thể được chia thành 4 giai đoạn sau:

1. Trước khi chụp

Trước khi chụp CT, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn rơi vào những trường hợp sau:

  • Đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai. Các bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về phương pháp thích hợp với tình trạng hiện tại của bạn.
  • Đã từng dị ứng với bari, iốt hoặc bất kỳ loại thuốc tương phản nào trước đây (khi thực hiện các kỹ thuật chụp chiếu có sử dụng thuốc tương phản).

Ngoài ra, người bệnh cần nhịn ăn khoảng 4 giờ trước khi chụp CT bụng có thuốc tương phản.

Những yêu cầu khác bao gồm:

  • Mặc đồ thoải mái
  • Không đeo các đồ phụ kiện như kính mắt, đồ trang sức (bao gồm cả khuyên đeo trên các bộ phận của cơ thể), kẹp tóc, răng giả, trợ thính, áo lót có gọng kim loại

Bạn có thể cần uống thuốc tương phản (loại chất lỏng có chứa bari, Gastrografin (chất lỏng diatrizoat meglumine và natri diatrizoat)) giúp bác sĩ có được hình ảnh tốt hơn về dạ dày và ruột của bạn. Bạn có thể sẽ đợi khoảng 60 90 phút sau khi uống để thuốc phát huy tác dụng.

2. Trong khi chụp

Kỹ thuật viên sẽ thực hiện chụp CT thông qua hệ thống điều khiển kết nối với máy tính

  • Sau khi bạn mặc áo choàng bệnh viện, kỹ thuật viên sẽ yêu cầu bạn nằm trên bàn chụp.
  • Tùy vào chỉ định của bác sĩ, bạn có thể được tiêm thuốc tương phản vào tĩnh mạch. Bạn sẽ cảm thấy một cảm giác hơi nóng khi tiêm tiêm thuốc vào cơ thể.
  • Kỹ thuật viên yêu cầu bạn nằm yên trong quá trình kiểm tra. Gối hoặc dây đai sẽ giúp đảm bảo bạn ở đúng tư thế đủ lâu để có được hình ảnh chất lượng.
  • Bạn cũng có thể phải nín thở trong một thời gian ngắn trong quá trình quét.
  • Kỹ thuật viên ở trong một phòng riêng biệt, sẽ điều khiển để bàn di chuyển vào trong máy CT. Bước này có thể được thực hiện nhiều lần.
  • Chụp CT bụng điển hình mất từ ​​10 đến 30 phút.

3. Sau khi chụp

Bạn có thể phải đợi một khoảng thời gian để kỹ thuật viên xem xét các hình ảnh nhằm đảm bảo rằng chúng đủ rõ ràng để bác sĩ khám bệnh và điều trị có thể đọc được.

Đối với chụp CT bụng không tiêm tương phản, người bệnh có thể hoạt động lại ngay sau đó.

Đối với chụp CT bụng có tiêm thuốc tương phản đường tĩnh mạch, người bệnh được theo dõi khoảng 20-30 phút sau chụp và cần uống nhiều nước. Sau đó nếu không có phản ứng bất thường, người bệnh có thể hoạt động lại.

4. Đọc kết quả

Kết quả chụp CT bụng thường được trả sau 60-90 phút, trường hợp cần các bác sĩ hội chẩn thì sẽ hẹn trả kết quả lâu hơn. Kết quả cho ra bất thường nếu xuất hiện hình ảnh gợi ý tình trạng viêm nhiễm, khối u trong các tạng ổ bụng, bệnh lý mạch máu vùng bụng

Nếu có một trong những bất thường trên, bác sĩ có thể sẽ hẹn bạn đi kiểm tra thêm nhằm tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề bạn đang mắc phải. Khi họ có tất cả thông tin cần thiết, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về các phương pháp điều trị phù hợp. (3)

Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi chụp CT bụng

Các tác dụng phụ của chụp CT ổ bụng thường do cơ thể phản ứng với chất tương phản được sử dụng. Trong hầu hết các trường hợp, phản ứng này thường ở mức độ nhẹ.

Tác dụng phụ của thuốc tương phản bari có thể bao gồm:

  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Táo bón

Tác dụng phụ của thuốc tương phản i-ốt có thể bao gồm:

  • Phát ban da hoặc nổi mề đay
  • Mẩn ngứa
  • Đau đầu

Nếu bạn được chỉ định sử dụng một trong hai loại thuốc tương phản và xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng dưới đây, hãy gọi cho bác sĩ hoặc phòng cấp cứu ngay lập tức:

  • Khó thở
  • Nhịp tim nhanh
  • Sưng cổ họng hoặc các bộ phận cơ thể khác

Chụp CT scan ổ bụng có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

CT bụng là một kỹ thuật tương đối an toàn, nhưng có những rủi ro nhất định. Điều này đặc biệt đúng đối với trẻ em, thường nhạy cảm khi tiếp xúc với bức xạ hơn người lớn. Bác sĩ chỉ yêu cầu chụp CT cho trẻ khi các xét nghiệm hoặc tất cả các biện pháp khác chưa đủ để đưa chẩn đoán.

Các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra khi chụp CT bụng bao gồm:

  • Tác dụng không mong muốn của thuốc tương phản: Bạn có thể gặp tình trạng phát ban hoặc ngứa da. Phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng cũng có thể xảy ra, nhưng trường hợp này rất hiếm.
  • Dị tật bẩm sinh: Tiếp xúc với bức xạ trong khi mang thai làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Để phòng ngừa, bác sĩ có thể đề nghị một xét nghiệm hình ảnh khác thay thế, chẳng hạn MRI hoặc siêu âm.
  • Khả năng bị nhiễm phóng xạ có thể xảy ra trong quá trình khảo sát. Lượng bức xạ có thể gây nguy hiểm khi tích tụ trong cơ thể, thậm chí có thể gây ung thư, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ước tính, nguy cơ ung thư do chụp CT thấp hơn nhiều so với nguy cơ mắc ung thư tự nhiên ở bất kỳ ai.

Chụp CT ổ bụng có nguy hiểm không?

Là kỹ thuật sử dụng tia X để chẩn đoán bệnh, do đó sẽ có một lượng nhỏ tia X nhiễm vào cơ thể. Đây cũng là lý do khiến nhiều người còn ngần ngại, lo lắng khi được chỉ định thực hiện kỹ thuật này.

Tuy nhiên, với hệ thống máy cắt lớp vi tính đa dãy như hiện nay, lên đến 128 dãy cho ra 768 lát cắt lại sở hữu những ưu điểm nổi trội: hình ảnh rõ nét, phân giải được cả mô mềm, thời gian chụp rút ngắn; đặc biệt liều tia X đã được giảm xuống đáng kể và rất an toàn.

Đây là hệ thống chụp CT hai đầu bóng cao cấp nhất hiện nay, giúp đánh giá những tổn thương nhỏ nhất mà chụp CT thông thường không thể phát hiện.

Hệ thống chụp CT tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM được trang bị thêm bộ lọc tia Tin filter giúp giảm thiểu liều tia X tác động đến cơ thể

Hơn tất cả, những lợi ích từ kỹ thuật này mang lại lớn lao hơn rất nhiều so với những mặt hạn chế của nó.

Các thắc mắc về chụp CT bụng

1. Chụp CT bụng bao lâu có kết quả?

Thông thường thời gian trả kết quả sẽ nằm trong khoảng 60-90 phút sau khi người bệnh thực hiện xong quá trình chụp. Tuy nhiên, với những trường hợp phát sinh dấu hiệu bệnh lý, thời gian có thể kéo dài hơn vì bác sĩ sẽ phải hội chẩn để đưa ra kết luận và hướng điều trị phù hợp trước buổi hẹn với bệnh nhân.

2. Chụp CT ổ bụng có cần nhịn ăn không?

Như trên đã nói, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn không ăn bất thứ món gì trong khoảng 2-4 giờ và ngừng dùng một số loại thuốc trước khi chụp. Đối với người mắc bệnh tiểu đường nên ăn bữa sáng nhẹ hoặc bữa trưa 3 giờ trước khi chụp.

3. Hiểu thế nào là CT bụng có thuốc tương phản?

Để làm nổi bật các mạch máu, cơ quan và các cấu trúc khác trong ổ bụng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tiêm thuốc tương phản tĩnh mạch. Đây là một loại thuốc tương phản có thành phần i-ốt giúp các bác sĩ nhận diện rõ hơn các cấu trúc bất thường trong vùng khảo sát. Trường hợp bị dị ứng i-ốt hoặc đã có phản ứng với thuốc tương phản trước đây, cần báo với bác sĩ để có phương pháp thay thế phù hợp.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho bạn dùng steroid trước để giảm nguy cơ phản ứng. Những loại thuốc này phải được uống trước ngày khám 12 giờ.

4. Chụp CT ổ bụng giá bao nhiêu?

Mức giá chụp CT ổ bụng dao động từ 900.000 5.000.000 triệu đồng. Điều này tùy thuộc vào các yếu tố như thế hệ máy; quy định của các bệnh viện, cơ sở y tế Do đó, cách tốt nhất là bạn nên hỏi về mức giá trước khi thực hiện phương pháp này để có thể dự trù được ngân sách của bạn.