Chuyên De xây dựng môi trường giáo dục xanh - an toàn thân thiện cho trẻ giáo dục mầm non

PHÒNG GD&ĐT TPVL                CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TRƯỜNG MẦM NON 3                              Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     Số:        /KH-MN3                         Phường 3, ngày        tháng   01 năm 2021

KẾ HOẠCH

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ trong đơn vị từ năm học 2020-2021

Căn cứ Kế hoạch số 175/KH- MN3, ngày 05/10/2020 của Trường Mầm non 3 kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 - 2021;

Căn cứ công văn số 109/PGDĐT ngày 27 tháng 01 năm 2021 V/v hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ trong các cơ sở GDMN từ năm học 2020-2021

Trường Mầm non 3 xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ trong đơn vị với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH

- Đảm bảo thực hiện quyền trẻ em: trẻ được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần, được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng, nhân ái và tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực.

- Nhà trường không có bạo lực và thực hiện tốt ứng xử văn hóa. Hỗ trợ và tác động tích cực tới lối sống, nhận thức, hành vi, thái độ của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong đơn vị.

- Tác động tích cực đến nhận thức, hành vi, thái độ của cha mẹ trẻ và cộng đồng xã hội đối với công tác GDMN nói chung và việc xây dựng môi trường giáo dục trong đơn vị nói riêng.

II. MÔI TRƯỜNG VẬT CHẤT VÀ MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI

1. Môi trường vật chất

1.1. Đối với các nhóm, lớp học (trong lớp)

- Đảm bảo diện tích theo quy định.

- Đảm bảo ánh sáng; độ thoáng khí, ấm về mùa đông, mát về mùa hè.

- Tất cả các cửa sổ ở khu vực có trẻ sử dụng phải đảm bảo để hạn chế việc trẻ mở lối ra bên ngoài hoặc được bảo vệ bằng cách khác nhưng không chặn ánh sáng ngoài trời.

- Có hình thức bảo vệ trẻ rơi, ngã từ cao xuống.

- Tất cả cầu thang trẻ em sử dụng hàng ngày phải được trang bị thanh bám với chiều cao thích hợp và vật liệu không trượt.

- Nhiệt độ của tất cả vòi nước ấm mà trẻ có thể tiếp cận được không được cao hơn 40 độ C.

- Khu vực trong lớp và bên ngoài phải được giữ tránh xa khỏi động vật, côn trùng, động vật gặm nhấm hoặc các loại sâu bệnh khác.

- Trong lớp học cần phải được bố trí sao cho không có những điểm gây cản trở cho giáo viên trong quá trình giám sát, di chuyển.

- Tủ, kệ, giá … cần phải được bố trí ổn định chắc chắn để tránh nguy cơ bị lật, đổ.

- Thiết bị được treo, móc cần đảm bảo không làm làm va đập vào người, được cố định chắc chắn tránh rơi xuống phía dưới.

- Các vật sắc, nhọn, phích nước nóng, ổ cắm điện để xa tầm với trẻ em hoặc để vào khu vực có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm mà trẻ nhận diện được.

- Tất cả các đồ dùng, thiết bị, đồ chơi trong khu vực cho phép trẻ sử dụng thì phải nằm trong tầm với của trẻ.

- Bề mặt sàn phải có độ chống trượt tốt trong mọi điều kiện sử dụng thông thường và dễ vệ sinh.

- Bàn ghế, nệm/chiếu, chăn, gối đủ số lượng cho trẻ trong lớp, kích thước phù hợp với trẻ, sạch sẽ, đảm bảo an toàn.

- Thiết bị, đồ dùng đồ chơi phục vụ hoạt động chăm sóc, giáo dục đủ về số lượng và chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng (đảm bảo theo Danh mục đồ dùng-đồ chơi-thiết bị tối thiểu và Chương trình GDMN).

- Trẻ dưới 04 tuổi không chơi/sử dụng các đồ chơi hoặc đồ vật có đường kính nhỏ hơn 3cm, đồ vật có bộ phận có thể tháo rời và đường kính nhỏ hơn 3cm, đồ chơi có điểm sắc và cạnh, túi nhựa và vật liệu Styrofoam.

- Có lịch vệ sinh phòng, lớp học hàng ngày. Có lịch vệ sinh, kiểm tra và kịp thời sửa chữa, thay mới các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị.

- Sắp xếp thiết bị, đồ chơi phải đảm bảo an toàn, đáp ứng mục đích giáo dục, tận dụng mọi điều kiện phù hợp, tạo cơ hội cho trẻ được vận động ở mọi lúc, mọi nơi, tăng cường vận động trong thời gian trẻ ở trường.

- Các góc/khu vực hoạt động bố trí phù hợp, linh hoạt (có thể bố trí cố định hoặc có thể di chuyển), mang tính mở, tạo điều kiện dễ dàng cho trẻ tự lựa chọn và sử dụng đồ vật, đồ chơi, tham gia hoạt động và thuận lợi cho sự quan sát của giáo viên.

- Các góc/khu vực hoạt động của trẻ gồm có: Khu vực chơi đóng vai; tạo hình; thư viện (sách, tranh truyện); khu vực ghép hình, lắp ráp/xây dựng; khu vực dành cho hoạt động khám phá thiên nhiên và khoa học; hoạt động âm nhạc và có khu vực yên tĩnh cho trẻ nghỉ ngơi. Khu vực cần yên tĩnh bố trí xa các khu vực ồn ào. Tên các khu vực hoạt động đơn giản, phù hợp với chủ đề và tạo môi trường làm quen với chữ viết.

- Ở những lớp học nhỏ, hẹp, sân hẹp hoặc không có sân, giáo viên có thể linh hoạt chia đôi số trẻ ra để tập, sắp xếp các góc chơi hợp lý, dễ di chuyển, dành khoảng trống trong lớp để tổ chức cho trẻ chơi nhiều hơn với các trò chơi vận động như: Mèo đuổi chuột, Cáo và thỏ, Cướp cờ...để góp phần luyện cơ bắp rắn chắc cho chân và giúp trẻ phát triển kĩ năng vận động chạy.

- Căn cứ vào đặc điểm của lứa tuổi, chương trình tập luyện mà trang bị cho nhóm, lớp mình những dụng cụ, thiết bị phù hợp cho việc thực hiện chương trình và việc tập luyện cho trẻ.

1.2. Khu vực sân chơi/bãi tập (ngoài trời)

- Diện tích sân chơi/ bãi tập đáp ứng theo quy định.

- Thiết kế sân chơi thích hợp cho lứa tuổi thể hiện ở thể loại, quy mô và cách bố trí của thiết bị. Có quy định/nguyên tắc an toàn khi chơi tập ở sân bãi. Đảm bảo mọi thành viên đều nắm được và thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

- Đồ dùng, thiết bị ngoài trời đảm bảo đủ về số lượng, đẹp mắt, chắc chắn, an toàn, hữu dụng, được trang bị phù hợp với độ tuổi (đối với trẻ nhà trẻ sắp xếp ở khu vực gần phòng nhóm).

- Sân chơi/bãi tập, đồ dùng đồ chơi thường xuyên được kiểm tra độ an toàn và vấn đề vệ sinh.

- Có khu vực di chuyển/hoạt động thích hợp cho trẻ khuyết tật.

- Các bề mặt có độ đàn hồi nên mở rộng khu vực an toàn ít nhất 3,5m so với vùng rơi để tránh thương tích cho trẻ.

- Các khu vực chơi không bị đọng nước. Tất cả các thiết bị sân chơi phải được bao quanh bởi một bề mặt có độ đàn hồi với chất liệu hấp thụ tác động để giảm nguy cơ thương tích.

- Khu vui chơi ngoài trời cần phải có độ che bóng mát đầy đủ (cảnh quan thiên nhiên, cây cối và/hoặc tấm che) chiếm ít nhất 50% diện tích sân chơi để trẻ có thể dành thời gian ngoài trời mà không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

- Tất cả các khu vực hoạt động ngoài trời cần được duy trì trong điều kiện sạch sẽ và an toàn: không có các mảnh vụn, vỡ; vật dụng/công trình đổ nát, đồ dùng xây dựng, thủy tinh, đá sắc nhọn, cành cây, cây độc và các vật liệu gây hại khác.

- Không sử dụng thuốc hóa chất trên hoặc gần các bề mặt mà trẻ chơi, khu vực phòng sinh hoạt của trẻ.

* Trang thiết bị, dụng cụ và cách bố trí sân chơi ngoài lớp

- Đảm bảo số lượng và chủng loại thiết bị, đồ chơi đáp ứng yêu cầu cho trẻ vận động ngoài trời theo các độ tuổi. Khai thác sử dụng có hiệu quả.

- Thiết bị, đồ chơi ngoài trời đa dạng, giúp trẻ luyện tập các kỹ năng vận động cơ bản và phát triển tố chất trong vận động: các kiểu đi, đứng, chạy, nhảy; bò, trườn, trèo; tung, ném, lăn, bắt; thổi, vươn...

- Các thiết bị, đồ chơi giáo dục phát triển vận động cần được bố trí sắp xếp hợp lý, có chỉ dẫn. Cần có những thiết bị để vận động với những nguyên liệu thiên nhiên.

- Sân càng rộng càng tốt, không nhỏ quá. Ở khoảng giữa sân dành diện tích rộng để tập thể dục sáng, giờ thể dục hoặc tổ chức các trò chơi tập thể.

- Diện tích sân vườn được quy hoạch, thiết kế phù hợp (có vườn cây, bồn hoa, cây cảnh, khu vực nuôi các con vật...), đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, an toàn, tạo môi trường xanh, thoáng đãng để trẻ chơi, luyện tập. Sắp xếp các góc chơi/khu vực chơi đảm bảo an toàn, dễ quan sát trẻ, tuân theo nguyên tắc đảm bảo nhiều cơ hội cho trẻ vận động, sáng tạo.

- Bố trí khu chơi với cát, nước; khu chơi các trò chơi dân gian; khu vực chơi với các thiết bị đồ chơi ngoài trời; Cho trẻ tự tạo một khu vực trồng cây của lớp và chăm sóc cây, gieo hạt, quan sát sự lớn lên của cây, sự thay đổi của hoa, lá.

- Những dụng cụ để leo trèo, để tập thăng bằng, ném… sắp xếp ở mép sân.

- Trong sân có đường riêng cho trẻ tập chạy (có thể thẳng hoặc khép kín) dài 100- 150m, rộng 1,5-2m. Trên con đường có đánh dấu điểm xuất phát, đích đến và chia khoảng cách.

- Hố cát cho trẻ tập nhảy (3-4m x 1,5-2m) cách hàng rào 3-4m, đường chạy đà đến hố nhảy (8-12m x 0,8-1m), mảnh gỗ để bật nhảy cách mép hố 20-30m. Cát trong hố phải thường xuyên được xới lên.

- Các loại đồ chơi cho trẻ tập chui, tập leo trèo, thăng bằng (dưới các hình thức sinh động).

- Trong sân có thể bố trí một số mô đất, khúc gỗ, viên gạch thấp, rảnh…(mép sân) cho trẻ tập vượt qua chướng ngại vật, đứng và đi trên khúc gỗ, viên gạch thấp, nhảy qua rãnh nước, nhảy lên với tay chạm cành cây, đi chạy cúi người dưới lùm cây, chạy bắt bướm, đuổi bắt, ném, bắt, nhảy dây, đi xe đạp... Trong sân còn dành chỗ để bố trí thiết bị phục vụ cho các hình thức tập luyện vận động khác (bóng rỗ, cầu lông, bóng đá…).

- Đối với vùng nông thôn có thể “tự tạo” ra những đồ chơi cho trẻ như: những bánh xe ô tô đã hỏng cho trẻ leo trèo, chui, luồn; những viên gạch hoặc khúc gỗ xếp thành hàng cho trẻ rèn thăng bằng cơ thể; sử dụng tre, gỗ chắc, bánh xe hư, dây thép, dây thừng chắc để làm các loại xích đu cho trẻ; những khoảng trống, mô đất trồng cỏ hoặc đổ cát, đất mềm cho trẻ chơi để đảm bảo an toàn...

- Nên dành phần đất trống của trường để trồng cỏ, tạo sân cát, đường đi đa dạng, gò đất, núi đồi, vườn cổ tích, nhà, lều với các thiết bị, dụng cụ thể dục chuyên biệt.

* Lưu ý: Tùy điều kiện của mỗi trường để thiết kế sân cho trẻ vận động phục vụ cho việc rèn luyện của trẻ. Thiết kế trang bị sân chơi sao cho hài hòa, tiện lợi cho trẻ tập luyện. Nên có kho đựng các đồ dùng thiết bị ngoài trời.

1.3. Góc vận động cho trẻ

Là một phần quan trọng trong môi trường phát triển của trẻ, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ.

* Những yêu cầu cơ bản trong lựa chọn trang thiết bị cho góc vận động:

- Lựa chọn thiết bị phụ thuộc vào mục đích phát triển thể chất và phát triển toàn diện của trẻ, cần tương ứng với đặc điểm phát triển và chỉ số nhân trắc của trẻ.

- Trang thiết bị phải gắn, bắt vít chặt chẽ.

- Đảm bảo số lượng, đa dạng về chủng loại các dụng cụ luyện tập.

- Cần có đầy đủ các loại dụng cụ cho trẻ tập thể dục sáng, thể dục sau thời gian ngủ trưa, giờ thể dục, trò chơi vận động và các bài tập ngoài trời, trong nhà, vui chơi giải trí và ngày hội, lễ, thể dục thể thao.

- Lựa chọn trang thiết bị thể thao cần chú ý đến đặc điểm phát triển thể chất và các giai đoạn hình thành kĩ năng vận động của trẻ.

- Chú ý đến vị trí đặt thiết bị tại nơi sử dụng.

* Sắp xếp đồ dùng, dụng cụ trong Góc vận động cho trẻ nhà trẻ

- Cần có một góc nhỏ để sắp đặt các trang thiết bị, các đồ chơi, đồ dùng khác nhau, phù hợp khả năng của trẻ, khuyến khích trẻ thực hiện vận động mà trẻ thích và có thể.

- Sắp xếp sao cho chúng kích thích, khêu gợi hứng thú, tích cực vận động của trẻ.

- Cần trang bị thêm những đồ chơi yêu thích cho trẻ như thỏ, gấu, cáo…

- Cần trang bị những dụng cụ luyện tập các cử động của bàn tay, ngón tay, phối hợp tay - mắt (vận động tinh).

- Thiết bị thể dục lớn tốt nhất là đặt dọc theo một bên bức tường trống.

- Nên để trong hộp, trong hộc tủ và đưa ra cho trẻ sử dụng dần dần, xen kẽ.

- Lựa chọn thiết bị phụ thuộc vào mục đích phát triển thể chất và phát triển toàn diện của trẻ, cần tương ứng với đặc điểm phát triển của trẻ.

- Trang thiết bị phải gắn, bắt vít chặt chẽ.

- Đảm bảo số lượng, đa dạng về chủng loại các dụng cụ luyện tập.

- Cần có đầy đủ các loại dụng cụ cho trẻ tập thể dục sáng, thể dục sau thời gian ngủ trưa, giờ thể dục, trò chơi vận động và các bài tập ngoài trời, trong nhà, vui chơi giải trí và hội lễ thể dục thể thao.

- Lựa chọn trang thiết bị thể thao cần chú ý đến đặc điểm phát triển thể chất và các giai đoạn hình thành kĩ năng vận động của trẻ.

- Chú ý đến vị trí đặt thiết bị tại nơi sử dụng.

* Sắp xếp đồ dùng, dụng cụ trong Góc vận động cho trẻ mẫu giáo

- Tạo môi trường thuận lợi: không gian lớp học rộng rãi, có nhiều đồ dùng, dụng cụ luyện tập, đồ chơi. Đặc biệt là giáo viên cần tham gia trực tiếp vào trò chơi vận động ngoài trời và các bài tập thể dục cùng với trẻ.

- Sử dụng tủ gỗ nội thất có các ngăn kéo hoặc bánh xe đẩy trong “góc vận động”. Cần thường xuyên thay đổi vị trí (thay đổi vị trí, di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, đưa thêm dụng cụ luyện tập mới,…).

- Thiết bị lớn đặt dọc theo tường. Dụng cụ nhỏ như bóng mát xa, các loại bóng nhựa, bóng cao su, bóng da, vòng cao su, … cần được lưu giữ trong sọt hoặc hộp mở để trẻ có thể tự do sử dụng.

- Những dụng cụ luyện tập như bóng có kích thước khác nhau, bộ bóng ném (bóng, vòng, dây…) nên được lưu giữ trong các hộp lớn, không đậy, đặt dọc theo tường phòng học.

- Những dụng cụ luyện tập các cử động của bàn tay, ngón tay, phối hợp tay – mắt (vận động tinh).

- Một số các dụng cụ, đồ dùng luyện tập khác nhau cần được cất ở trong kho, sau một thời gian ngắn có thể thay thế, bổ sung, cập nhật các dụng cụ luyện tập mới.

- Cần sắp xếp ở trong tủ hoặc ngăn tủ có khóa/đóng; vòng thể dục, dây thừng, dây nên treo, móc trên tường trong lớp. Thiết bị thể dục được đặt trong lớp sao cho trẻ có thể được tự do tiếp cận và sử dụng chúng…

1.4. Trang thiết bị cho phòng giáo dục thể chất ở trường mầm non

- Sự sắp xếp các dụng cụ luyện tập, trang thiết bị thể thao phụ thuộc vào kích thước và mục đích sử dụng của chúng.

- Thang leo, tường thể dục, dây, cột, thang dây được cố định, chắc chắn trên trần nhà hoặc gắn cố định chặt vào tường, kết hợp với các dụng cụ khác như thang, móc, ván, trượt dốc.

- Những dụng cụ lớn cần đặt dọc theo tường. Những tấm ván, thang với móc cần được treo, mọc, đặt ở nơi không ảnh hưởng đến sự tích cực vận động của trẻ.

- Các dụng cụ thể dục nhỏ nên giữ trong kệ tủ, trong ngăn kéo, đặt nằm dọc theo tường của phòng thể dục.

- Vòng thể dục, dây thừng, dây ngắn được treo móc đặc biệt. Lưới chơi bóng rổ, bóng chuyền, dây thừng, dây cao su cần được treo từng cặp trên tường từ thấp đến cao.

- Các thiết bị phải được bố trí sao cho trẻ có thể tự do tiếp cận và tự sử dụng  chúng. Cần có nhà kho nhỏ gần phòng thể dục, giúp giải phóng không gian cho hoạt động phát triển thể chất của trẻ.

- Mỗi trường cần có một khu vực thể dục thể thao với nhiều loại trang thiết bị cho trẻ leo trèo, chui, trườn, luồn lách, chạy, nhảy, chơi các trò chơi vận động, sân vận động mini.

* Một số trang thiết bị ở phòng giáo dục thể chất

- Thang thể dục (thanh thẳng đứng, thang nghiêng, thang kết hợp với cầu trượt, thang dây…);

- Ván thể dục với các bề rộng khác nhau;

- Ghế thể dục với các độ cao và bề rộng chiều dài khác nhau;

- Giá đỡ (dùng để căng dây dùng tập nhảy, bò, chui…);

- Các loại bóng cao su có đường kính khác nhau;

- Các bao cát có trọng lượng khác nhau;

- Các loại vòng có đường kính khác nhau;

- Các khối gỗ có độ cao khác nhau;

- Các cổng chui;

- Các loại gậy, dây, thảm, lưới;

- Các loại dụng cụ thể thao (xe đạp hai, ba bánh, vợt cầu lông…);

- Các dụng cụ nhỏ cho bài tập phát triển chung (cờ, xúc xắc, khăn, dải lụa, hoa, gậy ngắn…);

- Các loại dụng cụ đo lường (đồng hồ, thước dây…).

* Yêu cầu đối với dụng cụ và trang thiết bị giáo dục thể chất

- Yêu cầu về an toàn: Một yêu cầu vô cùng quan trọng đối với dụng cụ trang thiết bị là phải đảm bảo an toàn, có chân đế vững chắc, gỗ phải bào nhẵn, tràn cạnh, dụng cụ bằng sắt thép không được uốn có góc nhọn, phải bền, chắc. Cô giáo phải kiểm tra dụng cụ trước khi cho trẻ luyện tập.

- Yêu cầu về giáo dục: Việc lựa chọn các thiết bị dụng cụ trong giáo dục thể chất phải đáp ứng được mục đích nhất định về phát triển thể lực, phải có ảnh hưởng tốt đối với cơ thể trẻ. Muốn hình thành một kỹ năng hay giáo dục một tố chất thể lực nào đó cho trẻ thì ta phải sử dụng dụng cụ tương ứng với chúng (Ví dụ: hình thành kĩ năng trèo phải có thang leo...). Cấu trúc, kích thước, trọng lượng của dụng cụ phải phù hợp với đặc điểm của lứa tuổi, phải gây cho trẻ cảm xúc dễ chịu khi sử dụng chúng (Ví dụ: bóng phải vừa tay, màu sắc hấp dẫn...)

- Yêu cầu về thẩm mỹ: Lựa chọn dụng cụ, trang thiết bị phải hài hòa, tạo thành một thể thống nhất. Màu sắc phù hợp với từng loại dụng cụ khác nhau (những dụng cụ lớn nên có màu sáng sủa, nhẹ nhàng, đồ gỗ có thể giữ màu tự nhiên, đánh vecni, đồ bằng sắt thép nên sơn màu sáng, những dụng cụ dùng cho bài tập phát triển chung (cờ, xúc sắc, vòng...) nên có nhiều màu sắc sặc sỡ. Màu sắc giúp làm vui mắt trẻ, phát triển khả năng phân biệt màu của trẻ.

- Yêu cầu về vệ sinh: Dụng cụ và nơi tập cho trẻ luôn phải sạch sẽ, phải được thường xuyên lau, rửa. Giữ gìn dụng cụ tránh ảnh hưởng của khí hậu, mưa nắng, ăn mòn. Dụng cụ phải được bảo quản, cất giữ đúng cách.

 Lưu ý: Khi trang bị cho phòng giáo dục thể chất cần phải chú ý đến yêu cầu thẩm mỹ trong trang trí, sắp xếp (màu sắc, phối hợp cách sắp xếp…) có sự thống nhất giữa hình dạng, kích thước, màu sắc.

1.5. Nhà vệ sinh

- Đặt ở vị trí phù hợp: không quá xa lớp học, trong tầm giám sát của giáo viên, xa/tách biệt rõ ràng với khu vực chuẩn bị đồ ăn.

- Có nhà vệ sinh riêng cho trẻ và cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhà vệ sinh phân chia theo giới tính.

- Có đèn chiếu sáng và đủ nước sạch để sử dụng.

- Cửa kín đáo, có chốt bên trong và đóng mở dễ dàng.

- Đủ thiết bị vệ sinh, đồ dùng, an toàn, phù hợp với độ tuổi, kích thước người sử dụng.

- Có thùng đựng rác có nắp đậy, có xà phòng diệt khuẩn, có khăn (giấy) lau.

- Trẻ khuyết tật hoặc người có nhu cầu đặc biệt dễ sử dụng.

- Nếu nhà vệ sinh nằm khép kín trong khuôn viên phòng, nhóm thì cần có dép đi riêng.

- Được khử trùng hàng ngày, sàn nhà đảm bảo khô ráo, sạch sẽ.

- Các loại hóa chất tẩy rửa được dán nhãn và để xa tầm với trẻ em.

2. Môi trường xã hội (tinh thần an toàn)

- Cơ cấu tổ chức, chính sách và các mối quan hệ trong trường: Tính chuyên nghiệp của giáo viên/nhân viên; các quy định về an toàn, vệ sinh phòng bệnh và phòng ngừa thương tật. Kế hoạch dự phòng. Các quy định về ứng xử ở trường, lớp.

- Chương trình giáo dục, tài liệu giảng dạy; phân phối chương trình; các hoạt động giáo dục đảm bảo sự thoải mái về tinh thần và tạo cơ hội cho người học phát triển, giáo dục kĩ năng sống.

- Sự hợp tác với phụ huynh, cộng đồng và các cơ quan liên quan: hồ sơ thông tin liên quan đến trẻ; gặp gỡ trao đổi thông tin với phụ huynh, cộng đồng và các cơ quan ban ngành có liên quan.

- An toàn thực phẩm trong nhà trường: Các quy định về tổ chức bếp ăn tại trường;

- Môi trường tạo cảm giác ấm áp, yên tâm, tin tưởng.

- Phương pháp giáo dục: Trẻ là trung tâm - trẻ cảm thấy được quan tâm, chia sẻ và có thể tin tưởng, được đối xử công bằng, trẻ được tham gia, trẻ được hỗ trợ phát triển các năng lực cá nhân.

- Mối quan hệ giữa các đối tượng trong môi trường giáo dục.

- Các quy tắc ứng xử trong môi trường giáo dục.

- Tổ chức môi trường cho trẻ khuyết tật/trẻ có nhu cầu đặc biệt.

- Môi trường sạch sẽ, vệ sinh, đảm bảo an toàn, không có bạo lực, bạo hành.

- Môi trường đầy đủ các tiện nghi về điện, nước, khu vệ sinh riêng dễ tiếp cận, phân theo giới tính/đối tượng.

- Môi trường văn hóa: tôn trọng sự khác biệt; các quy tắc ứng xử khuyến khích duy trì và phát triển các hành vi đạo đức; hướng dẫn tư vấn sức khỏe và tâm lý.

* Lưu ý: Môi trường chăm sóc giáo dục trong trường mầm non cần phải đảm bảo  an toàn về mặt tâm lí, tạo thuận lợi giáo dục các kĩ năng xã hội cho trẻ. Trẻ thường xuyên được giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và giữa trẻ với những người xung quanh. Hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đối với trẻ và những người khác luôn mẫu mực để trẻ noi theo.

Trên đây là kế hoạch thực hiện Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ trong đơn vị từ năm học 2020-2021. Đề nghị tất cả CB-GV-NV nhà trường nghiêm túc thực hiện tốt kế hoạch. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị báo cáo Hiệu trưởng để được hướng dẫn thêm./.

Nơi nhận:                                                                             HIỆU TRƯỞNG  

- HĐSP (để thực hiện);

- Lưu: VP.

                                                                                               Trịnh Thị Thủy