Có bao nhiêu hành vi bị cấm trong đấu thầu

Kiến nghị của Công ty Điều hành đường ống Tây Nam (SWPOC) (theo Công văn số 8643/VPCP-ĐMDN ngày 25/9/2019 của Văn phòng Chính phủ).

Công ty tôi có thành lập Phòng Thương mại là Phòng chức năng có nhiệm vụ tổ chức mua sắm hàng hóa dịch vụ.

Trong quá trình triển khai một gói thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Công ty có thành lập riêng rẽ Tổ chuyên gia và Tổ thẩm định (thẩm định dự toán, hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu), trong đó 1 thành viên Tổ thẩm định là Phó Phòng thương mại. Vậy Phó phòng Thương mại có được quyền thay mặt Phòng chức năng ký các Tờ trình sau:

- Tờ trình phê duyệt Hồ sơ mời thầu?

- Tờ trình phê duyệt kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật?

Chúng tôi có tham khảo Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2014 thì thấy chúng tôi không vi phạm các hành vi bị cấm. Vì vậy, mong quý Cơ quan giải đáp các thắc mắc trên.

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Luật đấu thầu (Điều 89 khoản 6) quy định hai trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu là: (i) tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu, dự án; (ii) tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đối với cùng một gói thầu, dự án.

Theo đó, trường hợp cá nhân tham gia thẩm định hồ sơ mời thầu nhưng không tham gia lập hồ sơ mời thầu; tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng không tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu thì không bị coi là thuộc hành vi bị cấm nêu trên.

Ngoài ra, căn cứ báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu trình kết quả lựa chọn nhà thầu; tổ thẩm định có trách nhiệm thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu làm cơ sở để chủ đầu tư phê duyệt. Do đó, Quý Công ty cần lưu ý đơn vị trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là bên mời thầu mà không phải là tổ thẩm định./.

    Tổng số lượt xem: 1627
  • Có bao nhiêu hành vi bị cấm trong đấu thầu
  • Có bao nhiêu hành vi bị cấm trong đấu thầu