Cơ hội của ngành du lịch Việt Nam hậu đại dịch COVID

Công tác chuẩn bị chào đón khách du lịch bên lề SEA Games 31 tại Hà Nội. (Ảnh: Hồng Phúc)

Kể từ ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức mở cửa du lịch ở cả đường bộ, đường biển, đường sắt, đường không, tại tất cả các cửa khẩu. Cùng với đó, các bộ, ban ngành, từ Trung ương đến địa phương, đã tổng lực triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tạo điều kiện thuận lợi tối đa

Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, mô hình mở cửa phục hồi của nhiều quốc gia, Việt Nam đã từng bước đón “sóng” phục hồi kinh tế, trong đó lấy việc mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả là một bước then chốt.

Cơ sở thuận lợi trước hết để mở cửa du lịch chính là chiến dịch tiêm chủng toàn quốc được triển khai mạnh mẽ, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 ở mức cao. Trước nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới, vấn đề chênh lệch về độ bao phủ vaccine giữa một số địa phương, các độ tuổi khác nhau…, các bộ, ngành liên quan đã có phương án, kế hoạch áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Kể từ khi mở cửa trở lại, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch luôn được các địa phương, doanh nghiệp du lịch coi là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4/2022 là gần 70.000 lượt, tăng 466,7% so với tháng 3. Bốn tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 92.000 lượt khách, tăng gần 90% so với cùng kỳ, trong đó tính từ thời điểm mở cửa 15/3 đến nay là hơn 80.000 lượt.

Về kết nối giữa hàng không và du lịch, Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/2. Đây được coi là tiền đề quan trọng để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hoá hoàn toàn các hoạt động, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới có đường bay đi/đến Việt Nam.

Đặc biệt, từ ngày 15/4, việc cấp hộ chiếu vaccine ở Việt Nam được triển khai trên toàn quốc. Các cá nhân có đủ thông tin tiêm chủng, đủ mũi tiêm, sẽ được cấp hộ chiếu vaccine.

Cùng với đó, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã nỗ lực, khẩn trương tiến hành đàm phán, công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine.

Việc triển khai hộ chiếu vaccine và thúc đẩy phía nước ngoài công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam là điều kiện thuận lợi, “mở toang” cánh cửa đi lại kết nối giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, góp phần quan trọng trong việc triển khai chính sách phục hồi kinh tế - xã hội, mở cửa du lịch của đất nước sau đại dịch.

Nỗ lực “chuyển mình”

Hiện nay ngành du lịch đang tập trung triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Cụ thể, Việt Nam phấn đấu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022.

Để thực hiện mục tiêu này, toàn ngành du lịch quyết tâm tập trung đầu tư “làm mới” trên các yếu tố về sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất, nhân lực, quảng bá xúc tiến, chuyển đổi số…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Đó là, phục hồi và phát triển du lịch phải bảo đảm môi trường an toàn, xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững; phải đổi mới so với thời kỳ trước đại dịch, khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực, sáng tạo sản phẩm mới thích ứng với xu thế mới, năng động trong tổ chức, quản lý và vận hành để làm chủ tình hình.

Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố then chốt để tạo ra sự đổi mới và đột phá cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới. Năng lực, chất lượng của hệ thống doanh nghiệp du lịch là trụ cột quan trọng để phục hồi, tiến tới phát triển. Và công nghệ là xu thế tất yếu trong bối cảnh mới.

Hậu Covid-19, du lịch Việt Nam được định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; bổ sung các sản phẩm mới phù hợp với tình hình mới, trong đó chú ý tới các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, sinh thái, chăm sóc sức khỏe…

Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang triển khai mạnh mẽ chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam), đặc biệt là trên các nền tảng số; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn ở các thị trường trọng điểm; làm việc với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp quảng bá thông tin du lịch Việt Nam…

Về dài hạn, ngành du lịch sẽ tiếp tục đề xuất ban hành các chính sách thiết thực nhất, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý, nguồn lực đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số để du lịch có thể phục hồi và phát triển bền vững, chuyên nghiệp hơn, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Việt Nam phấn đấu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022.

“Cháy” cùng SEA Games 31

Tháng 5 này hứa hẹn chứng kiến sự bùng nổ của du lịch Việt Nam khi sự kiện Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) được tổ chức.

Sau 19 năm, từ năm 2003 đến nay, Việt Nam mới tiếp tục đăng cai tổ chức SEA Games. Đây là sự kiện thể thao lớn nhất khu vực góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Diễn ra từ ngày 5-23/5 tại thủ đô Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố, SEA Games 31 được xem là cơ hội “vàng” để quảng bá du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế mà các địa phương, doanh nghiệp du lịch đang mong chờ.

Để chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn đầu tiên sau dịch Covid-19 này, ngành du lịch đang đẩy mạnh truyền thông, tận dụng cơ hội sau gần 2 thập niên này để quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

“Chúng tôi tin rằng với các chính sách mở cửa linh hoạt mà Chính phủ và ngành du lịch đang nỗ lực thực hiện cùng sự năng động của các doanh nghiệp, sớm thôi, từ nay đến cuối năm 2022, khi có thêm nhiều đường bay quốc tế được nối lại, lượng khách quốc tế tới Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.” (Ông Phạm Quốc Quân, Chủ tịch Sun Group vùng miền Nam)

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu cho biết ngành du lịch đang dốc sức vì mục tiêu tổ chức thành công SEA Games 31 thông qua việc đón tiếp, phục vụ nhu cầu ăn ở, đi lại của các vận động viên, huấn luyện viên, quan chức thể thao, cổ động viên và khách du lịch.

Đồng thời, toàn ngành đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch bên lề SEA Games 31, tận dụng cơ hội để quảng bá tại chỗ hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Nhân dịp này, các địa phương, doanh nghiệp đã tung ra nhiều tour du lịch đặc biệt cổ vũ SEA Games 31, giúp các “tín đồ” yêu thể thao vừa được tận mắt chứng kiến các trận đấu đầy kịch tính tại SEA Games 31, vừa được khám phá các danh lam thắng cảnh đặc sắc ở khắp các tỉnh thành của Việt Nam.

Trên website của Tổng cục Du lịch cũng đã đăng tải thông tin về các tour du lịch theo từng tỉnh, thành phố tổ chức SEA Games 31 để du khách quốc tế tiện tra cứu.

Có thể thấy rõ, sau gần 2 tháng mở cửa phục hồi, du lịch Việt Nam đang chủ động thích ứng linh hoạt, nắm bắt mọi cơ hội để chuyển mình bứt phá so với các nước trong khu vực.

Với sự chung tay góp sức của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hình ảnh một đất nước an toàn, hấp dẫn, thân thiện trong bình thường mới ngày càng đậm nét hơn, trở thành điểm mạnh thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Cơ hội đặc biệt phục hồi ngành du lịch trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) – Do tác động của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Tuy vậy, trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch.

Với mong muốn sớm đưa du lịch sớm phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới, ngày 11/3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn "Luồng xanh cho du lịch cất cánh" dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Khách sạn; Sở Du lịch Hà Nội, Hải Dương, Kiên Giang, Lào Cai, Đà Nẵng, Khánh Hoà và hàng chục doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nghỉ dưỡng...

Mở cửa an toàn, linh hoạt, hiệu quả

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động VCCI cho biết, trong hơn hai năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng. Tuy vậy, trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch mang tính toàn cầu đó.

Hiện Việt Nam là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới, bà Trần Thị Lan Anh đánh giá đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ và hiện là chuẩn bị đến du lịch. “Hoàn cảnh hiện nay đòi hỏi du lịch không chỉ thân thiện, mà còn phải là an toàn cho du khách và người dân”, Tổng thư ký VCCI khẳng định.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. (Ảnh: HL).

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

“Đối với doanh nghiệp, việc được quan tâm nhất lúc này là mở cửa như thế nào để vừa không làm du khách ngại ngần vì thêm các thủ tục, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, nhất là Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, đại dịch COVID-19 chưa thể kết thúc trong năm nay”, Tổng thư ký VCCI bày tỏ.

Chia sẻ tại diễn đàn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong lịch sử hơn 60 năm đã trải qua các đợt khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế nhưng chưa bao giờ ngành du lịch Việt Nam lại chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này do đại dịch COVID-19 gây ra. Doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép (hiện chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc), trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động do không có khách du lịch.

Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch (chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam) cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly. Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động trong ngành Du lịch với 800.000 lao động trực tiếp trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch khác.

Đến nay, sau hai năm chống chọi với đại dịch, nhiều quốc gia đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch COVID-19, từ “không COVID-19” chuyển sang “thích ứng, chung sống với COVID-19” nhằm tái khởi động, sớm đưa cuộc sống quay trở lại bình thường trong bối cảnh mới. Các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… cho phép đón khách du lịch quốc tế, Liên minh Châu Âu mở cửa cho đi lại nội khối và cho phép công dân các nước thứ ba nhập cảnh có các điều kiện.

“Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách kịp thời hỗ trợ khó khăn đối với doanh nghiệp, người lao động cũng như các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Với chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất đã và đang được triển khai cũng như việc Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/02/2022 khiến cho ngành Du lịch có những điều kiện thuận lợi tái khởi động du lịch. Triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’’, ngành Du lịch đã thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, sớm phục hồi Du lịch bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép’’ vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Tổng cục trưởng bày tỏ.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng cao, khẳng định cho việc triển khai đúng hướng các hoạt động du lịch an toàn thời gian qua và sự sẵn sàng cho việc mở lại hoạt động du lịch giai đoạn hiện nay. Lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Đây là tín hiệu đầy khả quan về chặng đường phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành du lịch Việt trong năm mới, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch và lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 với việc mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đối với yêu cầu đảm bảo an toàn y tế cho khách nhập cảnh vẫn còn có một số ý kiến khác nhau của Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Việc mở lại hoạt động du lịch cần đảm bảo bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 28/01/2022, đó là “Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán’’.

Nới lỏng nhưng không buông lỏng

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành Du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới. Để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch. Bên cạnh đó là tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, trong điều kiện bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến: chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường nguồn tiềm năng của du lịch Việt Nam như thời điểm trước dịch COVID-19.

Về vấn đề công nhận hộ chiếu vaccine, hiện nay, chưa có nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam cho nên hoạt động du lịch đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Ngành Du lịch sẽ tiếp tục đề nghị ngành Ngoại giao phối hợp với ngành Y tế tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận Chứng nhận tiêm chủng COVID-19 của Việt Nam.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, làm sao phải mở cửa thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh đảm bảo được sức khoẻ người dân và cả vấn đề an sinh. Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định: “Nới lỏng nhưng không buông lỏng. Chúng ta mở cửa an toàn, có mở cửa mới có khách du lịch. Nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ”.

PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá, ngành du lịch có đặc điểm phức tạp vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau (ngoài trời, phòng kín…). Đồng thời tiếp xúc nhiều nhóm người lạ khác nhau, liên quan tới nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhiều địa phương. Do đó, chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt cho từng hoạt động. “Cần mở cửa đồng bộ nhưng phòng bệnh cũng phải đồng bộ. Chỉ đạo hướng dẫn đồng bộ nếu mỗi địa phương làm một kiểu du khách không biết thực hiện như thế nào. Bên cạnh đó, khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế khẳng định.

Trên cơ sở đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, không phải áp dụng tất cả các K mọi lúc, mọi nơi, nhưng cần linh hoạt, xác định khi nào, K nào áp dụng được, K nào chủ đạo, K nào hỗ trợ. Khẩu trang cần áp dụng tối đa có thể, khử khuẩn là quan trọng, khoảng cách tùy theo nhóm, theo đoàn, hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn, các nhóm đồng thời khai báo y tế là vô cùng quan trọng để biết nguy cơ lây nhiễm ở đâu, giúp xử lý gọn.

Liên quan đến chủ trương chính sách xây dựng “luồng xanh” cho du lịch, ông Đỗ Trọng Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) bày tỏ mong muốn Bộ Y tế cùng với các bộ ngành liên quan ủng hộ tạo điều kiện một cách tốt nhất cho các doanh nghiệp du lịch triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới, để thực sự tạo cho Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn mới trên thị trường, nhờ những nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp, tạo nên hình ảnh điểm đến mới, sẵn sàng chào đón du khách. Qua đó, chúng ta mới nâng cao được khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

“Theo hướng chỉ đạo của Tổng Công ty Hàng không và Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện chương trình hành lang xanh, bao gồm quy trình xanh, con người xanh và trang thiết bị xanh. Bên cạnh đó, trong thời gian này, nhà ga cũng cải tạo không gian xanh của nhà ga để phục vụ tiện ích cho khách hàng khi quay lại; để khách hàng cảm thấy sự an toàn khi tới Việt Nam; đồng thời đảm bảo an toàn khai thác và an toàn trong phòng chống dịch”, ông Hậu chia sẻ.

H.Lê

Video liên quan

Chủ đề