Có nên cấm cha mẹ hút thuốc trước mặt con cái

Có nên cấm cha mẹ hút thuốc trước mặt con cái

Các bạn trẻ được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng nói không với thuốc lá thông qua các Hội thi tìm hiểu về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

PV: BS có thể chia sẻ về những tác hại của việc hút thuốc lá thụ động?

- BS Huỳnh Hữu Dũng: Hút thuốc thụ động hay còn gọi là hít khói thuốc lá thụ động là hình thức hít khói thuốc từ không khí. Khói thuốc này do người khác nhả ra chứ không phải do người hít phải trực tiếp sử dụng thuốc lá mà có. Tác hại của việc hút thuốc lá thụ động gây ra còn trầm trọng hơn rất nhiều lần so với việc hút thuốc lá trực tiếp.

Trên toàn cầu, khói thuốc lá thụ động giết chết 1,2 triệu người mỗi năm. Có 64% nạn nhân là phụ nữ và 15% là trẻ em. Tức là gần 760.000 phụ nữ vô tội và 180.000 trẻ em vô tội chết vì hít phải khói thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có gần 40.000 người tử vong do sử dụng thuốc lá mỗi năm, có gần 6.000 người chết vì hít phải khói thuốc thụ động.

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá trong nhà lên tới 67% và tại gia đình là 49%. Phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động chiếm tới 80%, còn trẻ em là 50%.

PV: Thưa BS, gia đình là nơi có nhiều thế hệ sinh sống, trong đó có người già và trẻ nhỏ. Vậy làm thế nào để giữ cho nhà không khói thuốc lá?

- BS Huỳnh Hữu Dũng: Có hai lý do chính không nên hút thuốc lá trong nhà.

Một là gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh vì bị hút thuốc thụ động, nhất là trẻ em và người già sống chung nhà. Theo nghiên cứu thì những người hút thuốc lá chỉ hít vào khoảng 15% khói thuốc, 85% còn lại sẽ đưa vào môi trường. Khói thuốc có chứa tới 4.000 hóa chất độc hại, 69 chất trong số này là hóa chất gây bệnh ung thư, như ung thư phổi, vòm họng, miệng và bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh.

Hai là khói thuốc lá ngoài gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí tuệ ở trẻ, thì hành vi hút thuốc của người thân trong gia đình sẽ tạo ra những thói quen bất lợi, làm trẻ em lớn lên dễ tập tành theo, dễ bị nghiện hoặc hút các loại thuốc kích thích khác.

PV: Trong gia đình nếu hút thuốc ở một phòng riêng thì có được không thưa BS?

- BS Huỳnh Hữu Dũng: Nhiều nghiên cứu chỉ rõ rằng, trong nhà, mặc dù hút thuốc ở phòng khác, vẫn không an toàn cho những phòng còn lại. Để có môi trường sống an toàn, những người hút thuốc nếu không thể tự giác bỏ thuốc thì cũng không được hút trong nhà.

Nhiều người tin rằng hệ thống máy điều hoà có thể lọc bỏ khói thuốc. Trong thực tế, luồng không khí của điều hoà có cảm giác thư thái, thoải mái và có vẻ sạch, nhưng nó không loại bỏ được hết các chất độc không nhìn thấy, các chất độc đang bám vào các vật dụng trong phòng cũng như không có khả năng loại bỏ độc tố trong khói thuốc.

PV: Vậy làm thế nào để trong nhà không có khói thuốc lá?

- BS Huỳnh Hữu Dũng: Bạn nên dán lên tường hoặc trước cửa ra, vào biểu tượng không hút thuốc như một cách lịch sự để báo cho khách tới nhà biết, nhà bạn không hút thuốc. Tốt nhất là yêu cầu người hút không hút thuốc trong nhà, mà ra hẳn những khu vực bên ngoài, để không ảnh hưởng tới sức khoẻ người xung quanh, đặc biệt là trẻ em, người già, người đang có bệnh về hệ hô hấp.

Nếu khách yêu cầu được hút trong nhà, bạn hãy từ chối. Việc này có thể khiến khách thấy bạn không lịch sự nhưng bạn có quyền bảo vệ sức khoẻ cho gia đình và con cái. Bạn cũng nên dạy con trẻ cách lên tiếng khi có người hút thuốc trong nhà và yêu cầu họ ra ngoài hút thuốc.

Bạn cũng nên vứt bỏ gạt tàn thuốc lá. Nếu trong gia đình bạn có người hút thuốc, bạn nên khuyên bỏ thuốc vì điều này trực tiếp ảnh hưởng tới sức khoẻ của họ và các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, khi người hút thuốc chưa thể cai được hoàn toàn, bạn cần nghiêm khắc yêu cầu ra ngoài hút; đồng thời, giúp đỡ người trong gia đình muốn bỏ thuốc.

Bên cạnh đó, Điều 13 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng quy định nghĩa vụ của người hút thuốc lá là không hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc; không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi; giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.

PV: Nơi làm việc cũng có nhiều người hút thuốc. Làm sao để không hít phải khói thuốc tại nơi làm việc thưa BS?

- BS Huỳnh Hữu Dũng: Bạn nên biết bạn có quyền có một môi trường không khói thuốc. Hút thuốc hay không có thể lựa chọn được, nhưng nhu cầu hít thở thì không. Có rất nhiều cách để bạn bảo vệ mình và những người khác khỏi hít phải khói thuốc thụ động.

Bạn cần nhấn mạnh về quyền được làm việc trong môi trường không khói thuốc của mình. Tỏ thái độ khuyến khích, khen ngợi những cơ sở, khu vực làm việc không khói thuốc và cho mọi người biết lý do vì sao bạn chọn làm việc ở những nơi như vậy.

Đừng im lặng và chịu đựng khói thuốc. Nếu khói thuốc thụ động khiến bạn thấy không thoải mái, thậm chí bạn phải ra khỏi phòng làm việc, bạn hãy cho người quản lý biết điều này và lý do vì sao bạn khó chịu.

Theo các nghiên cứu cho thấy, không có một mức độ an toàn nào đối với việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi tác hại của khói thuốc thụ động, bầu không khí trong nhà và nơi làm việc phải hoàn toàn không có khói thuốc.

PV: Ngoài gia đình và nơi làm việc, tại các địa điểm công cộng vẫn còn rất nhiều người bị hút thuốc thụ động. Có cách nào để bảo vệ quyền lợi của người không hút thuốc lá tại nơi công cộng thưa BS?

- BS Huỳnh Hữu Dũng: Ở Việt Nam, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã quy định cụ thể các chế tài, nhưng đến nay, tình trạng vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến, trong đó phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Tại Điều 7 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã quy định quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Theo đó, người dân được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá; được yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; được vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá; được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; được phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020 cũng nêu rõ: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.

Mỗi người dân hãy sử dụng quyền của mình khi thấy có người hút thuốc tại nơi bị cấm. Bên cạnh đó, những cơ quan, người có trách nhiệm tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường sống của chúng ta.

PV: BS có lời khuyên gì cho những người đang hút thuốc lá?

- BS Huỳnh Hữu Dũng: Thuốc lá không tốt không chỉ cho bản thân người sử dụng mà cả với những người xung quanh. Chính vì vậy, cai thuốc lá càng sớm càng tốt để có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nếu không thể cai nghiện được thuốc lá một cách nhanh chóng thì hãy hạn chế hút thuốc lá ở nơi công cộng, nơi làm việc hay ở nhà. Đặc biệt là không hút thuốc lá trước mặt phụ nữ mang thai và trẻ em.

Tuy nhiên, việc cai thuốc lá vẫn là điều cần thiết, hiện nay có rất nhiều cách cai nghiện thuốc lá khác nhau và đem đến hiệu quả cao. Người muốn bỏ thuốc lá hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn cách cai nghiện thuốc lá.

PV: Xin cảm ơn BS!

Thanh Bình(thực hiện)

Thuốc lá rất có hại đối với sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Giáo dục con em về tác hại của thuốc lá, ngăn chặn không cho trẻ phải tiếp xúc với khói thuốc, giúp con tránh xa thuốc lá - trách nhiệm của gia đình rất lớn. 

Có nên cấm cha mẹ hút thuốc trước mặt con cái
Thuốc lá gây ra hàng trăm bệnh lý nguy hiểm với sức khỏe con người. Ảnh minh họa

Trong nhiều gia đình có người lớn hút thuốc lá, thuốc lào, trẻ phải thường xuyên hút thuốc thụ động và do đó hầu hết trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề; thậm chí có những cháu còn bị nhiều loại bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, sức khỏe. Ngoài ra việc nhìn thấy ông, bố,... hút thuốc hằng ngày hoàn toàn là những hình ảnh không tốt cho trẻ. Đã có không ít cháu "theo chân" ông, bố,... hút thuốc từ sớm. Tuy nhiên cũng có những gia đình đã tìm được biện pháp để hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến con trẻ khi trong nhà có người hút thuốc.

Chị Nguyễn Thị Dung ở thành phố Phủ Lý tâm sự: Chồng chị nghiện thuốc lá từ thủa thanh niên. Mỗi ngày anh hút đến cả bao thuốc lá. Khi lấy nhau, chị nhiều lần khuyên ảnh bỏ thuốc lá, nhưng anh nói là rất khó vì anh đã nghiện lâu năm. Khi chị có bầu con đầu lòng, do chị cằn nhằn nhiều, những khi hút thuốc anh thường ra ngoài nhà. Tuy nhiên nhiều khi do thói quen, do ngại, anh vẫn hút thuốc trong nhà. Vợ chồng nhiều lần cãi nhau chỉ vì chuyện thuốc lá làm con hay bị viêm đường hô hấp, anh vẫn không bỏ được thuốc lá. Một lần cháu phải đi cấp cứu vì bị viêm đường hô hấp. Khi con xuất viện, chị cho thẳng con về bên ngoại và nói nếu anh không bỏ thuốc, vẫn còn hút thuốc trong nhà thì ly dị. Anh sang năn nỉ đón hai mẹ con về, hứa sẽ cai thuốc lá. Khi về nhà rồi chị cũng tích cực hỗ trợ tìm thuốc cai thuốc lá cho anh. Và anh đã cai được thuốc lá, tăng cân, sức khỏe tốt lên rất nhiều. Nhiều người cứ cho rằng chị lấy chuyện ly dị ra chỉ để dọa anh. Chị cho biết không "dọa" một tý nào, bởi chị suy nghĩ sinh con ra, nếu do những yếu tố chủ quan từ người trong gia đình ảnh hưởng đến sức khỏe của con mà không ngăn chặn là có tội với con.

Loại bỏ khói thuốc khỏi môi trường gia đình là quan trọng, nhưng việc giúp trẻ tránh xa thuốc lá ở ngoài xã hội cũng quan trọng không kém. Ở môi trường ngoài xã hội, để giúp con tránh xa thuốc lá điều quan trọng trước hết phải giáo dục để trẻ hiểu tác hại của thuốc lá, có kỹ năng tránh xa thuốc lá, và đặc biệt không hút thuốc.

Chia sẻ về những kỹ năng này, chị Phạm Thanh Hà, một giáo viên ở thành phố Phủ Lý, bà mẹ của 2 cậu con trai cho biết, ngay từ nhỏ cho các con đi đâu, nếu thấy ai hút thuốc chị đều tránh xa và nói với con: Khói thuốc có hại cho sức khỏe. Đi đến nơi nào đó cùng con mà nhìn thấy bao thuốc lá chị chỉ cho con xem những hình ảnh cảnh báo in trên vỏ bao về những bệnh có thể mắc phải khi hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc. Nhưng theo chị khó khăn nhất là việc làm thế nào để con không hút thuốc, nhất là khi con bước vào tuổi "nổi loạn" dễ học đòi theo bạn bè. Chị kể, khi cậu con trai lớn bắt đầu lên trung học cơ sở, đặc biệt là từ lớp 8, lớp 9 khi cháu tự đi xe đạp đi học, dù có vẻ "nới" để con tự lập nhưng chị vẫn rất sát sao con. Ví dụ như ngầm xem đi đến trường con có rẽ ngang rẽ dọc vào quán sá gì không, bạn bè chơi, đi học cùng con có cháu nào hút thuốc không. Ngoài ra giữ mối liên hệ thường xuyên với các thầy, cô dạy con ở trường, với các phụ huynh trong nhóm bạn của con, có vài số điện thoại của những người bạn con chơi cùng để nắm thông tin về con...

Tuy nhiên có một điều thấy rõ là chưa nhiều gia đình có những biện pháp hiệu quả để giúp con tránh xa thuốc lá. Vẫn còn nhiều gia đình do bận mải mưu sinh, do nhận thức hạn chế chưa quan tâm lắm đến việc giúp con em mình tránh những ảnh hưởng từ thuốc lá. Ở không ít gia đình những đứa trẻ vẫn tiếp xúc thường xuyên với thuốc lá, thuốc lào từ nhỏ, sống chung với khói thuốc lá, thuốc lào do người lớn hút trong nhà... Không chỉ là những tác hại đến sức khỏe do hút thuốc thụ động, nhiều đứa trẻ lớn lên nghiện thuốc lá và tiếp tục gây ảnh hưởng đến mình, đến nhiều người khác trong gia đình và xã hội.

Hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng ở con người. Khói thuốc lá là "sát thủ" vô hình. Những người hút thuốc không chỉ gây hại cho sức khỏe của chính mình mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh qua khói thuốc mà họ hít phải, đặc biệt là trẻ nhỏ. Để bảo đảm sức khỏe của chính mình, những người đã hút thuốc hãy cố gắng bỏ thuốc lá. Còn nếu chưa bỏ được hãy có các biện pháp để hạn chế tác hại của thuốc lá đến những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ trong gia đình thông qua việc không để trẻ nhìn thấy mình hút thuốc, không để trẻ tiếp xúc với thuốc lá (như không nhờ trẻ đi mua thuốc lá hộ, hoặc nhờ cầm, lấy hộ bao thuốc). Và đặc biệt không để trẻ hít phải khói thuốc; quản lý con em để các cháu không bị lôi kéo dụ dỗ hút thuốc lá.