Có nên học chuyên toán không

Những Lầm Tưởng Về Cái Mác Trường Chuyên Và Sự Thật Ẩn Sau Cái Mác Ấy

Có nên học chuyên toán không

Trong cuốn sách Trường học hay trường đời, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh đã chia sẻ với chúng ta công thức 10 20 70: Những gì học tập ở trường lớp chính quy chỉ chiếm 10% kiến thức của mỗi người. 20% kiến thức còn lại đến từ các tương tác với xã hội. 70% kiến thức đến từ trải nghiệm. [] 10% kiến thức từ đào tạo trường lớp chính quy tuy nhỏ nhưng là cơ sở để mình có 20% và 70% sau đó, nên trước tiên, phải học tập ở trường cho thật tốt. Nói như vậy để thấy rằng, giáo dục trong nhà trường rất quan trọng. Là những người làm cha, làm mẹ, ai cũng mong cho con mình được học tập trong một môi trường tốt nhất. Điều đó không chỉ thể hiện bởi mối quan tâm của cha mẹ lúc con chuẩn bị vào đại học mà những ngôi trường cấp ba cũng được các bậc phụ huynh định hướng từ rất sớm. Mỗi năm, khi đến kì tuyển sinh vào 10 trên cả nước, vấn đề trường chuyên, lớp chọn lại được đem ra bàn cãi rất gay gắt. Có người bắt con em mình phải đỗ chuyên bằng được, có người lại chẳng thích trường chuyên bởi họ lo sợ áp lực học tập, lo bị học lệch,

Là một học sinh trường Chuyên, mình nghĩ rằng nhiều phụ huynh và các bạn học sinh chưa hiểu rõ mục đích, vai trò cũng như tầm quan trọng của những ngôi trường Chuyên trên cả nước. Vì vậy, bài viết này mình muốn chia sẻ quan điểm cá nhân về Những lầm tưởng về cái mác Trường Chuyên và sự thật ẩn sau cái mác đó.

1. Trước hết, chúng ta cần làm rõ khái niệm về Trường Chuyên. Vậy Trường Chuyên là gì?

Theo định nghĩa của Wikipedia:

Trường chuyên là trường trung học, trong đó đào tạo toàn diện và nâng cao một số môn học gọi là môn chuyên [] là nơi phát triển các tài năng đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học cơ bản.

Hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên tại Việt Nam được thành lập từ năm 1966. Bắt đầu với những lớp chuyên Toán tại các trường đại học lớn về khoa học cơ bản, sau đó các trường chuyên được thiết lập rộng rãi tại tất cả các tỉnh thành.

Hệ thống trường THPT chuyên ở Việt Nam bao gồm 2 hệ: các trường chuyên trực thuộc đại học (trước đây là các trường chuyên cấp quốc gia) và các trường chuyên của tỉnh. Hiện nay, cả nước ta có 9 trường chuyên trực thuộc đại học và 75 trường chuyên trực thuộc tỉnh/thành phố. Có thể kể đến một số cái tên tiêu biểu như: Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội; trường THPT Chuyên KHTN, ĐHQG Hà Nội; trường THPT Năng khiếu, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh; Chuyên Phan Bội Châu; Chuyên Lê Hồng Phong;

Để được vào học tại các trường chuyên, học sinh tốt nghiệp cấp II phải thoả mãn các điều kiện về học lực, hạnh kiểm ở cấp II và đặc biệt là phải vượt qua các kỳ thi tuyển chọn đầu vào tương đối khốc liệt của các trường này.

2. Những lầm tưởng về cái mác Trường Chuyên và sự thật phía sau cái mác ấy.

Trên thực tế, trong quan điểm về trường chuyên, có thể chia phụ huynh học sinh thành ba nhóm:

Nhóm thứ nhất: Những người quá đề cao trường chuyên muốn con em mình phải đỗ chuyên bằng được.

Nhóm thứ hai: Những người không ưa trường chuyên, nghĩ học chuyên sẽ học lệch, thiếu kĩ năng sống, áp lực cao, chi phí đắt đỏ,

Nhóm thứ ba: Những người có cái nhìn đúng đắn về trường chuyên trong việc chọn trường, chọn lớp cho con.

Bài viết này mình sẽ đề cập đến những phụ huynh học sinh ở hai nhóm đầu.

Có nên học chuyên toán không

- Nhóm thứ nhất: Những người quá đề cao trường chuyên bắt con em mình phải đỗ chuyên bằng được.

Nhiều người đã nói rằng: Cuộc cạnh tranh của các sĩ tử vào trường chuyên còn gay go, căng thẳng hơn cả kì thi trung học phổ thông quốc gia. Trên thực tế, phụ huynh muốn con mình vào chuyên bởi một trong những (hoặc một số, hoặc tất cả) những lí do sau:

Chỉ có học trường chuyên, con mình mới được đào tạo tốt nhất.

Học trường thường thì chất lượng giáo dục sẽ kém, khó có thể phát huy tốt mọi tài năng của con em mình được. Bên cạnh đó, học trường thường sẽ khiến học sinh không chú tâm vào chuyện học hành, kết quả học tập kém, Chính bởi vậy mà ngay từ lớp 9, thậm chí từ khi mới bước chân vào cấp hai, nhiều phụ huynh đã gửi các bạn học sinh vào các lớp luyện thi, lò luyện thi học sinh giỏi. Ngoài những buổi học ấy, họ còn mời thêm giáo viên giỏi dạy kèm thêm với chi phí cao ngất ngưởng. Thế nhưng, phụ huynh cần nhận thấy rằng, cơ sở giáo dục, vật chất và chất lượng giáo dục của trường chuyên về cơ bản cũng giống với trường thường. Tìm hiểu các trang web về những ngôi trường không chuyên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, chất lượng ngôi trường đó cũng có thể sánh ngang, thậm chí hơn hẳn trường chuyên[1].

Vào được chuyên là lúc nào cũng được học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt, học chuyên là auto đỗ đại học,

Đó chính là một suy nghĩ hết sức sai lầm. Học sinh chuyên không phải học kì nào cũng được học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt. Để có được điều đó, các bạn ấy cũng không khác với học sinh trường thường, cũng phải trải qua các bài kiểm tra miệng, kiểm tra một tiết, kiểm tra lấy điểm học kì theo đề chung của sở (đề chung cho cả trường chuyên và các trường trong địa bàn tỉnh),... Trường chuyên cũng như trường thường, không chỉ quan tâm đến giáo dục mà vấn đề ý thức học sinh được đặt lên hàng đầu. Nếu học lực giỏi, ý thức kém, bạn chỉ là học sinh khá mà thôi. Quả là không sai khi Bác Hồ nói rằng: Có tài mà không có đức thì cũng là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Bạn nghĩ rằng ở chuyên, học sinh lúc nào cũng đạt điểm 9, 10 hoàn toàn không phải như vậy! Ở chuyên, nếu bạn học hành không tử tế, không nghiêm túc, không khó để bạn xơi trứng ngỗng, không chỉ các môn thường mà ngay cả môn chuyên! Tỉ lệ đỗ đại học ở chuyên rất cao, thường là 90 100%. Nhưng không phải cứ vào chuyên là bạn có thể đỗ đại học. Sẽ chẳng có phép màu xảy ra nếu chúng ta lười biếng, dựa dẫm, không chịu cố gắng. Nếu bạn có sẵn tố chất, hơn thế lại cần cù, chịu khó, thì đâu cần phải học chuyên này chuyên nọ khi mà bạn chẳng thích. Cho dù là những ngôi trường bình thường trong huyện (những ngôi trường nằm trong top 10 của tỉnh), bạn hoàn toàn có thể tự tin rằng, mình có thể tỏa sáng, thậm chí xuất sắc hơn nhiều so với các bạn trường chuyên.

Phụ huynh muốn con mình vào chuyên để thỏa mãn niềm vui và phục vụ sĩ diện của chính họ:

Mình từng biết đến rất nhiều trường hợp và cũng đọc được rất nhiều bài báo về những vấn đề xoay quanh trường chuyên. Khi được hỏi: Tại sao anh/chị lại cho cháu thi chuyên?, ngoài những câu trả lời: Vì cháu yêu thích môn học ấy, vì cháu muốn phát huy tài năng của mình, thì những cuộc phỏng vấn như vậy cũng nhận được rất nhiều những lời đáp rằng: Tôi chẳng biết tại sao nữa, Cháu phải vào trường chuyên vì anh/chị của cháu cũng thế, Cháu không vào chuyên thì gia đình tôi chẳng thể nhìn mặt hàng xóm được đâu[2], Mình nghĩ rằng, hóa ra, có những phụ huynh ép con thi chuyên, học chuyên chỉ để phục vụ sĩ diện nhất thời của mình. Khi được hỏi: Con anh/chị học trường nào? Con tôi học chuyên toán, chuyên anh của trường chuyên XYZ ạ!. Cũng chẳng cần biết người hỏi sẽ nghĩ gì, chỉ một chữ chuyên thôi cũng đủ khiến họ phổng mũi, nở mày nở mặt với bạn bè rồi. Nhưng điều đó có đáng để phụ huynh phải bắt ép con mình vào chuyên bằng được hay không? Có những bạn không thích học chuyên, không thích thi chuyên, chỉ muốn học trường thường nhưng lại bị bố mẹ bắt thi chuyên. Những học sinh ấy bỗng dưng trở thành một con robot học hành cật lực theo sự chỉ đạo của bố mẹ để đỗ chuyên, để bố mẹ vui lòng.

Phải chăng, chính những người cha, người mẹ ấy đang cướp đi ước mơ, đam mê của con em mình, bắt chúng thực hiện bằng được mong muốn của chính họ? Những đứa trẻ phải chịu áp lực nặng nề từ gia đình từ sớm như vậy rất dễ rơi vào tình trạng stress, luôn cảm thấy khó chịu về chính bản thân, lâu dần dẫn đến trầm cảm. Thử hỏi, như vậy liệu có đáng không? Là một học sinh, mình thấy rằng, mỗi bậc phụ huynh hãy quan tâm hơn tới con em mình, tìm hiểu để thấy được sở thích cũng như đam mê thật sự của con. Đừng để sự sĩ diện cá nhân mà quên đi ước mơ của con trẻ.


Không phải con học trường chuyên thì mới có cái cớ để tự hào, thì mới có chất lượng giáo dục tốt nhất, thì mới đỗ đại học, Một học sinh chăm chỉ, siêng năng, luôn đạt thành tích tốt trong học tập ở trường thường cũng đáng để tự hào lắm chứ. Ngoài việc tập trung giảng dạy môn chuyên thì trường chuyên về cơ bản cũng giống trường thường, chẳng có sự phân biệt nào cả. Mình nghĩ rằng, môi trường học tập thực sự là một vấn đề quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn hết chính là ở bản thân mỗi người học sinh. Khi học sinh đó có cố gắng, có phấn đấu thì dù là ở trường chuyên hay học trường thường, bạn học sinh đó hoàn toàn có thể tỏa sáng và cha mẹ chẳng có lý do gì để không tự hào về con của mình cả.

Nhóm thứ hai: Những người không ưa trường chuyên, nghĩ học chuyên sẽ học lệch, thiếu kĩ năng sống, áp lực cao, chi phí đắt đỏ,


Có nên học chuyên toán không

Bên cạnh những phụ huynh cực kì thích trường chuyên thì cũng có rất nhiều phụ huynh và ngay cả học sinh không muốn học chuyên, thi chuyên bởi những lí do sau:

Học sinh chuyên là những chú gà công nghiệp, những con mọt sách, chỉ được đào tạo để đi thi, thiếu đi những kĩ năng sống,

Trên thực tế thì không phải như vậy. Nếu theo dõi các trang web trường chuyên của tỉnh, các bậc phụ huynh và cả các bạn học sinh sẽ nhận thấy rằng: học sinh chuyên không chỉ có học mà còn rất năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa nữa. Các trường chuyên cũng tổ chức rất nhiều hoạt động cho học sinh để các bạn ấy có thể giao lưu, học hỏi và phát triển những kỹ năng mềm cần thiết[3]. Có thể kể đến những sự kiện tiêu biểu của trường chuyên như: Prom, các cuộc thi, các hoạt động chào mừng những ngày hội lớn[4], cùng với đó các câu lạc bộ cũng thu hút đông đảo học sinh tham gia[5].

Học chuyên sẽ bị học lệch, chỉ chú trọng vào môn chuyên mà không quan tâm đến các môn khác.

Tại sao lại được gọi là trường chuyên? Theo như định nghĩa mình đã đề cập phía trên thì trường chuyên được tạo ra để đào tạo toàn diện và nâng cao một số môn học gọi là môn chuyên. Đúng như tên gọi của nó, học chuyên đồng nghĩa với việc bạn phải tập trung vào môn chuyên, dành nhiều thời gian hơn cho môn học đó. Nói thế không có nghĩa là chương trình của những môn học khác bị giảm tải hay không học. Bạn vẫn được học tất cả các môn học còn lại, số lượng tiết học cũng giống như ở trường thường. Chỉ khác là lịch học sẽ nhiều hơn bởi vì bạn còn có môn chuyên. Nếu như ở các trường thường số lượng của các ca chuyên đề sẽ tùy thuộc vào các khối thi đại học thì ở chuyên, bên cạnh các ca chuyên đề như vậy thì học sinh còn phải học môn chuyên, số lượng tiết học sẽ nhiều hơn. Học chuyên sẽ bị học lệch? Mình nghĩ rằng, học lệch hay không là ở suy nghĩ và thái độ học tập của mỗi người với môn học đó. Không có một ngôi trường nào lại không muốn học sinh mình học giỏi toàn diện cả. Nếu như bạn có ý thức học tập tốt, có sự cố gắng và tinh thần cầu tiến, bạn chắc chắn sẽ có khả năng hiểu hết các môn học và không có chuyện học lệch.


Có nên học chuyên toán không

Trường chuyên nặng về thành tích, áp lực rất lớn về điểm số => học sinh học rất vất, chịu áp lực một cách kinh khủng.

Vào chuyên đã rất khó, học chuyên lại càng khó hơn. Là một học sinh chuyên, mình cũng phần nào hiểu được áp lực của những bạn học sinh trường chuyên: sự cạnh tranh sống còn để giữ vị trí top đầu, để được chọn vào đội tuyển HSG quốc gia, để đạt được thành tích cao trong học tập, Trong một môi trường mà mọi người đều cố gắng phấn đấu để đạt được kết quả tốt nhất, bản thân người học sinh đó cũng sẽ tự cảm thấy mình phải cố gắng hơn để không bị bỏ lại phía sau. Điểm cao, thành tích tốt, - học sinh, cha mẹ, thầy cô, nhà trường, ai chẳng muốn. Nhưng điều đó không có nghĩa là trường chuyên lúc nào cũng chỉ coi trọng điểm số, không đánh giá đúng thực lực của học sinh. Như mình đã đề cập phía trên, học sinh chuyên cũng phải thi tất cả các môn thi, cùng đề thi với học sinh khác và trượt môn, nợ điểm, học lại thể dục, hoàn toàn có thể xảy ra ở chuyên.

Trường Chuyên chỉ dành cho những con nhà giàu?[6].

Có rất nhiều bạn học sinh học khá giỏi ở quê. Các bạn ấy rất muốn thi vào chuyên. Nhưng khi đề cập nguyện vọng tới bố mẹ thì cha mẹ lại nói: Học chuyên tốn kém lắm! Chuyên chỉ dành cho những đứa nhà giàu thôi!. Phải công nhận rằng, học phí trường chuyên có cao hơn trường thường một chút bởi học phí trường chuyên được quy định riêng và lịch học của học sinh cũng nhiều hơn. Nhưng hoàn toàn không có sự phân biệt đẳng cấp nào ở trường chuyên cả. Trường chuyên không phải chỉ để dành cho con nhà giàu mà trường chuyên chính là nơi học sinh có thể phát triển tài năng đặc biệt về môn học năng khiếu của chính mình. Trường chuyên cũng có những gói hỗ trợ và học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên và đạt thành tích cao trong học tập. Đồng thời, chúng ta cũng được biết đến rất nhiều tấm gương trường chuyên biết vượt khó giành nhiều giải thưởng ở chuyên[7] [8]. Nói như vậy để thấy rằng, trường chuyên hoàn toàn không có chuyện phân biệt giàu nghèo, mọi học sinh đều bình đẳng như nhau. Nếu bạn thật sự muốn thi chuyên, học chuyên nhưng lại lo vấn đề kinh phí học tập thì hãy cứ tự tin điền nguyện vọng vào chuyên đi. Mình chắc chắn rằng mọi trường chuyên đều rộng mở chào đón những học sinh tài năng như bạn.

Có nên học chuyên toán không


Vậy có nên học trường chuyên hay không?

Có nên học chuyên hay không? Câu trả lời nằm ở mỗi người. Việc có nên học chuyên hay không phụ thuộc vào hai yếu tố: Kỳ vọng của phụ huynh và quan trọng hơn là năng lực và đam mê thật sự của học sinh. Nhưng chuyên đâu phải chỉ cần thích là học được. Không chỉ có đủ điều kiện về học lực, hạnh kiểm, bạn cũng cần phải thi đỗ thì mới vào được. Trên thực tế, ai cũng biết rằng tỉ lệ chọi khi thi vào các trường chuyên rất cao[9] [10]. Vì vậy, trước khi có thể học chuyên, bạn phải đỗ chuyên cái đã. Mình cũng biết rằng, có nhiều bạn học sinh không chỉ thi một trường chuyên mà còn thi rất nhiều trường chuyên khác nữa. Vậy nên câu hỏi cần đặt ra trước mắt là: Có nên thi chuyên hay không? Suy nghĩ mỗi người mỗi khác nhưng theo quan điểm cá nhân, mình xin trả lời là: Có!. Bản thân mình cũng đã đỗ trường chuyên và đang theo học chuyên. Năm mình thi, môn chuyên của mình có tỉ lệ chọi là 5/1. Bố mẹ chưa bao giờ đặt áp lực cho mình trong vấn đề học hành thi cử cả, họ nói với mình rằng: Kinh phí tham gia một cuộc thi vào chuyên chẳng đáng là bao. Đỗ cũng được, không đỗ cũng được. Con hãy coi đây như một cuộc thi để con biết được tầm của mình đến đâu. Mình đi thi với một tâm thế rất thoải mái (có lẽ vì thoải mái quá nên mình đến nhầm cả địa điểm thi, đến nơi thấy trường vắng tanh, kiểm tra lại mới biết nhầm trường?!). Cũng bởi chẳng có chút áp lực nào cả nên hai ngày thi với mình diễn ra nhanh chóng. Khi có tên trong danh sách trúng tuyển, mình cũng chẳng thể ngờ tới nữa. Mình không đứng đầu nhưng may mắn được nằm trong top đầu môn chuyên mình chọn thi. Lúc đầu, mình không định học chuyên vì xa nhà, bố mẹ cũng lo lắng vì sức khỏe của mình vốn không được tốt. Nhưng cuối cùng thì mình vẫn chọn học chuyên. Tính đến thời điểm hiện tại thì mình hoàn toàn hài lòng với quyết định của bản thân.

Lời kết:

Một mùa tuyển sinh nữa lại đến gần, vấn đề chọn trường cấp ba luôn là điều đáng quan tâm của mọi phụ huynh cũng như các bạn học sinh. Trên tất cả, hãy thực sự tỉnh táo khi chọn trường chọn lớp. Mong rằng, với bài viết của mình, mọi người sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về trường chuyên, học sinh chuyên. Cuối cùng, chúc các sĩ tử sắp thi vào cấp ba thật nhiều sức khỏe, ôn tập thật tốt, bình tĩnh, tự tin, làm bài thi đạt kết quả cao nhất!


Kim Chi Bookademy

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ Tên tác giả - Bookademy. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership