Công nghệ nào sau đây xuất hiện trước thuật cưỡi ngựa

Tản mạn về loài ngựa dưới góc nhìn khoa học và văn hóa

(ĐCSVN) - Từ xa xưa, ngựa đã trở thành người bạn, người giúp việctrung thành của con người, được con người yêu quý. Ở nhiều nơi, ngựa là hiện thân của năng lực, may mắn, hạnh phúc, quyền thế. Ngựa còn là biểu tượng cho sự mau lẹ, sức mạnh, nghị lực, sáng tạo, giàu sang...

Tổ tiên của ngựa


Ngựa có cách đây khoảng 50 - 60 triệu năm. Tổ tiên xa của ngựa là giống Eohippus ở thời Eoxen, kỷ Đệ Tam, cỡ lớn bằng con cáo, cao 35,5cm, nặng 5,4kg; chân trước 4 ngón, chân sau 3 ngón, có móng nhỏ. Chúng sống ở rừng Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Á; ăn lá cây. Cùng với thời gian, ngựa đã tiến hóa qua nhiều dạng trung gian theo hướng chạy nhanh trên nền đất cứng để dễ lẩn tránh thú ăn thịt; số ngón chân giảm dần, đầu ngón phủ guốc (bao sừng rắn chắc), chân cao hơn, cơ thể lớn dần và chuyển sang ăn cỏ. Cách đây 2 triệu năm, ngựa cao khoảng 40cm; ở thời Oligoxen, giống Mesohippus cao khoảng 60cm, mỗi chân còn 3 ngón; đến thời Plioxen, giống Pliohypus chỉ còn một ngón, đó là tổ tiên trực tiếp của loài ngựa. Ngựa hiện nay nặng 200-250kg. Ngựa hoang còn sống ở Trung Á từng là tổ tiên của nhiều nòi ngựa nuôi. Ngựa được nuôi cách đây khoảng 4.000 - 5.000 năm, con người với nhiều mục đích đã tạo ra nhiều nòi giá trị khác nhau. Ví dụ nòi ngựa Vlađimia ở Liên Xô cũ kéo được 14 tấn hàng, gấp 20 lần trọng lượng cơ thể. Nhiều hình vẽ trên vách đá của người tiền sử, nhiều tượng ngựa được đẽo gọt công phu trong các kho tàng văn hóa, chứng tỏ con người đã biết sử dụng và yêu quý ngựa từ lâu. Ngựa đã trở thành người bạn, ngườigiúp việc trung thành của con người.

Ngựa ở nước ta được nhập từ nước ngoài, nên không có tên loài Ngựa (Equus caballus) trong các sách về Danh lục Thú Việt Nam.

Đặc điểm sinh học và đời sống của ngựa

Ngựa có răng to, mắt tinh, nhìn xa nhưng chỉ phân biệt được bốn màu đỏ, vàng, xanh lá cây và xanh da trời. Tai ngựa linh động, rất thính. Mũi ngựa nhận biết mùi ở xa hàng trăm mét.

Ngựa ăn cỏ, nhưng cơ quan tiêu hóa của ngựa lại khác với thú nhai lại. Dạ dày ngựa chỉ có một túi (đơn), không chia 4 túi như trâu bò. Ruột ngựa rất dài, đương nhiên là không thẳng, mà gấp khúc; nhưng đoạn nối ruột non với ruột già có một nhánh gọi là manh tràng lại to, thẳng, dài tới 1m; quá trình tiêu hóa chất xơ chủ yếu diễn ra ở đây. Do đó mới có câu thẳng như ruột ngựa, ý muốn chỉ sự mộc mạc, ngay thẳng, thật thà, hiền lành, chân phương; không có ác tâm, lắt léo, tính toán, so đo hơn thiệt của con người.

Ngựa giao phối vào mùa xuân, mang thai 335 - 340 ngày, thường đẻ một con. Sau khi đẻ một giờ, ngựa con có thể đi lại, ngựa mẹ cho con bú một năm. Ngựa trưởng thành ở tuổi 2,5 - 4,5; thọ 18 - 40 năm, lâu nhất là 60 năm.

Ngựa thường ngủ đứng nhờ kết cấu đặc biệt của các khớp. Ngựa chỉ cần ngủ khoảng 4 giờ mỗi ngày.

Giá trị của ngựa đối với con người

Ở nhiều nơi, ngựa là hiện thân của năng lực, may mắn, hạnh phúc, quyền thế. Tại Tây Âu, Nam Á, mơ thấy ngựa hoặc ra đường gặp ngựa là điềm may. Bộ tộc Bouriate có tập tục buộc ngựa của người mắc bệnh vào gần chỗ bệnh nhân nằm để chóng khỏi. Người La Mã thường cúng thần Mars một con ngựa trước cuộc xuất binh hoặc mùa thu hoạch để hy vọng thắng lợi. Người theo đạo Hindu cho rằngngựa gần với các vị thần. Ở Aiien, trong ngày lễ thánh Jean, người nông dân hân hoan rước và chào đón một chú ngựa to làm bằng gỗ, mà theo họ là biểu tượng cho tất cả gia súc. Ngựa là linh vật liên quan mật thiết với nước. Người Nam Âu quan niệm con ngựa nào đi qua vùng hạn hán mà đột nhiên dừng lại, đập mạnh ngón chân xuống đất thì trời sắp mưa hoặc có mạch nước ngầm gần đó. Bộ tộc Bambara ở Mali trong các lễ cầu mưa thường cưỡi những con ngựa gỗ có cánh tượng trưng cho các thần linh mà họ cầu khẩn đem mưa tới. Ngư dân ở Ấn Độ, Hy Lạp, Nga... muốn đánh bắt được nhiều cá thường cúng dâng ngựa cho thần biển, thần sông. Theo nguời Mông (Việt Nam), ngựa là vật duy nhất hóa thành chiếc cáng đưa người chết về cõi vĩnh hằng.

Giải đua ngựa truyền thống ở huyện Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Ngựa còn là biểu tượng cho sự mau lẹ, sức mạnh, nghị lực, sáng tạo, giàu sang…. Đạo Veda của Ấn Độ khẳng định điều này, vị thần Ashvin hiện thân cho tri thức mang dáng đầu người mình ngựa (nhân mã). Dân Mông Cổ coi ngựa là điển hình của sự thông tuệ và hùng hậu. Các bộ tộc Ural - Altai (Bắc Á) coi ngựà là biểu tượng tươi trẻ, là chủ thể sung mãn trong sinh sản.

Ngựa được dùng cho việc kéo, chở, thồ hàng, cày ruộng. Ở Scotland, Hà Lan, Mỹ, Canađa, ngựa lùn được dùng dưới hầm mỏ đế kéo than từ vỉa quặng, kéo thuyền dọc kênh đào. Ngựa cũng được sử dụng trong họạt động thể thao, nghệ thuật. Từ 1500 năm trước Công nguyên, cuộc đua xe ngựa đã diễn ra tại Hy Lạp. Đua xe bốn ngựa trở thành một môn trong Đại hội thể thao Olympic lần đầu năm 776 trước Công nguyên. Cuối thế kỷ 11, những cuộc đua ngựa trên đất bằng được tổ chức tại Anh. Ngày nay, ngoài đua ngựa, còn nhiều môn thể thao khác như: ngựa việt dã vượt rào, ngựa nhảy qua chướng ngại vật, lội nước...; đặc biệt là môn polo (cưỡi ngựa đánh bóng).

Từ thế kỷ 18, xiếc ngựa đã có ở nhiều nơi như: ngựa tìm đồ vật, ngựa làm toán, nhảy múa theo nhạc, đi và nhảy bằng hai chân sau, nhảy dây, di chuyển đội hình, lao qua vòng lửa, đi trên bán cầu trơn không ngã; tung hứng trên lưng ngựa. Ngựa tuy hoang dã, tự do nhưng con ngườicó thể sử dụng, điều khiển ngựa để đạt được mục đích cần thiết.

Tại những nơi địa hình hiểm trở, ngựa là phương tiện đi lại, tuần tra hữu hiệu của lính biên phòng, người ta còn dùng ngựa trong ngành cảnh sát, trong thí nghiệm khoa học, dịch vụ du lịch hoặc trong các lễ nghi trọng đại. Ngựa cho con người thịt để ăn, xương để nấu cao, làm thuốc; chế các loại huyết thanh chống nọc rắn, trị bệnh cứu người, kích thích sinh sản cho gia súc. Một số nước (Hà Lan, Hunggari) còn dành riêng cho ngựa một ngày Tết đặc biệt hàng năm.

Những thói quen tốt của ngựa

Thói quen còn gọi là hành vi hay tập tính.

- Hiền lành: Trong đàn ngựa, gần như không thấy chúng giành thức ăn của nhau, không đánh nhau, cũng ít có trường hợp ngựa chủ động đe dọa hay gây nguy hiểm cho người như nhiều loài thú khác.

- Chịu khó: Từ câu thân trâu ngựa, có thể hiểu là chấp nhận làm việc nặng nhọc, lam lũ, vất vả vì ngựa thường được dùng để kéo cày, kéo xe, chở hàng. Ngựa có thể nhịn khát, nhịn đói trong vài ba ngày mà vẫn hoạt động được.

- Đồng cảm: Từ câu một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Ý muốn nói là trong đàn ngựa nuôi, nếu có một ngựa bị đau yếu, bỏ ăn thì cả đàn cùng nhau nhịn đói.

- Có trí nhớ tốt: Từ câu ngựa quen đường cũ. Hiểu theo nghĩa đen là ngựa có trí nhớ tốt. Dù đi thật xa, thời gian qua đi đã lâu, nhưng ngựa vẫn nhớ chủ cũ, nhớ đường về. Trong nhiều sách, nhiều câu chuyện đã nói như vậy. Trong thực tế, đồng bào miền núi sau khi sắp xếp hàng, ràng buộc lên lưng ngựa, chỉ cần ra hiệu là ngựa tự đi về nhà, không cần người đi theo.

- Trung thành, gần gũi với người. Những danh tướng lẫy lừng trên lưng ngựa, từng chinh phục một vùng đất rộng lớn thuộc nhiều quốc gia trong một thời gian dài như: Alexander Đại đế (356-323 trước Công nguyên), Thành Cát Tư Hãn (1162- 1227), Napoleon Bonaparte (1769-1821).

Ngựa rất quyến luyến với người, thích được vỗ về, vuốt ve nhẹ nhàng, nghe lời nói ngọt ngào. Thời Tam quốc, ngựa Xích Thố to khỏe, màu đỏ như lửa, từng đồng hành với các nhân vật nổi tiếng như Đổng Trác, Lã Bố, Tào Tháo, rồi cùng với Quan Vũ (tự Vân Trường, 160-201) ghi nhiều chiến công hiển hách. Sau khi Quan Vân Trường bị giết, ngựa Xích Thố được trao cho Mã Trung - một tướng nhà Thục Hán, nhưng nó không mẫn cán như trước, mà tuyệt thực đến chết. Ngựa cũng từng cứu Tào Tháo, Lưu Bị, Triệu Vân thoát chết trong lúc hiểm nghèo nhất. Thời chúa Trịnh, Quận Hẻo (Nguyễn Hữu Cầu) có con ngựa đen khỏe, khi ông chết, ngựa thương nhớ ông, bỏ ăn chết theo. Ngày xưa trên bãi chiến trường, người ta thường gặp những con ngựa ủ rũ, quyến luyến ngửi xác chủ rồi phủ phục bên cạnh xác chủ cho đến chết.

- Khỏe, nhanh. Ngựa chạy nhanh, nên có câu: ngựa truy phong, phi như ngựa, bóng câu qua cửa sổ, thiên lý mã (chạy nhanh nghìn dặm). Trên đường dài, ngựa chạy với tốc độ 25 - 40 km/giờ, ở cự ly ngắn tới 65 - 70km/ giờ. Ngựa không chỉ chạy nhanh mà còn dai sức, có thể chạy xa, nhiều giờ mà những loài thú khác như báo, sư tử, lạc đà không có được. Vì vậy từ lâu con người đã dùng ngựa để chuyển thư nhanh, tin khẩn đến các binh trạm, tổ chức các cuộc đua ngựa, dùng ngựa tấn công chớp nhoáng tạo bất ngờ cho đối phương. Ngựa còn được sử dụng trong các đội kỵ binh, khinh binh, thám mã, truyền tin, tải lương, tải đạn, tải thương, kéo pháo. Ngựa có dáng đẹp, thanh thoát, di chuyển bằng nhiều cách: đi, chạy, nhảy, lồng, lao, phốc; phi (bay) nước đại, nước kiệu. Do đó trong nghệ thuật có nhiều tác phẩm điêu khắc đã tạc tượng (nhiều tượng danh nhân ngồi trang trọng trên lưng ngựa: Peter Đại đế ở St Petersburg, Quang Trung ở Quy Nhơn; ngựa có cánh trên đồ gốm cổ Việt nam); họa sĩ John Collier vẽ tranh (Nàng Godiva trên lưng ngựa), Từ Bi Hồng (Trung Quốc), Nguyễn Tư Nghiêm, Đỗ Đức (Việt Nam). Ngựa cũng được đưa vào thi ca (Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã -Trần Nhân Tông; Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in -Nguyễn Du. Ngựa cũng có mặt trong ca dao, tục ngữ, chuyện kể dân gian (An Dương Vương đèo Mỵ Châu trên lưng ngựa; Thánh Gióngcưỡi ngựa sắt tiêu diệt giặc Ân).

- Phản ứng rõ ràng: Người nuôi ngựa qua nhiều năm quan sát thấy: Lúc khoan khoái, cuống tai ngựa cứng, tai dựng đứng và đôi lúc rung nhẹ; gặp điều gì thích thú, tai thường cụp về phía sau. Thấy khó ở, tai đụng đậy liên hồi, lúc ngả về trước, lúc quặp về sau. Khi sửng sốt, đầu ngựa ngửng cao, tai vểnh sang hai bên. Nếu quá mệt nhọc, muốn được nghỉ,cuống tai mềm mại, vành tai nghiêng ngả hoặc chúc sang hai bên. Khi đói, ngón chân trước của ngựa bới đất lia lịa; khi sợ hãi, ngựa co cẳng đá hậu loạn xạ; lúc hốt hoảng, vành tai rung động không ngừng và từ mũi phát ra tiếng kêu, người nuôi quen gọi là ngựa “hắt hơi”. Như vậy, tai ngựa còn biểu lộ sự vui buồn, giận dữ. Dựa vào tai ngựa, chúng ta có thể phán đoán trạng thái, tâm tư, đòi hỏi của ngựa để đáp ứng khi cần.
-----------------------------

Tổng hợp từ các nguồn:
- Danh lục các loài thú hoang dã Việt Nam - Nhiều tác giả (Checklist of wild Mammal species of Vietnam. Published by: Primate Research Institute Kyoto University, Inuyama, Japan; Department of Vertebrate Zoology, Institute of Ecology and Biologycal Resources, Hanoi, Vietnam, 2008).
- Mười vạn câu hỏi (Phần Động vật), tập I - Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, NXB Khoa học, Hà Nội, 1964.
- Phân loại học lớp Thú (Mammalia) và đặc điểm khu hệ Thú hoang dã Việt Nam. Nguyễn Xuân Đặng và Lê Xuân Cảnh. NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội, 2009.
- Báo Nhân Dân,Báo Thể thao & Văn hóa, Báo Đời sống và Pháp luật, Báo VnExpress...

Video liên quan

Chủ đề