Công văn số 802/ngcbqlgd-csngcb của bộ giáo dục và đào tạo

Giải đáp về chuyển hạng, xếp lương giáo viên theo 4 Thông tư mới

Ngày 26/10/2021, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã có Công văn 1077/NGCBQLGD-CSNGCB về triển khai thực hiện Thông tư số 01, 02, 03, 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó quy định về bổ nhiệm và xếp lương giáo viên mầm non (GVMN) như sau:

  • GVMN hạng II (mã số V.07.02.04) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 4 Thông tư thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp GVMN hạng III (mã số V.07.02.26).
  • Sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.02.25) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp GVMN hạng II (mã số V.07.02.25) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
  • Bên cạnh đó, việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV và đảm bảo nguyên tắc: Được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp đó.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
CỤC NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ
QUẢN LÝ GIÁO DỤC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1077/NGCBQLGD-CSNGCB
V/v triển khai thực hiện Thông tư số 01, 02, 03, 04 của Bộ GDĐT

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2021

Kính gửi: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc

Phúc đáp Công văn số 1668/SGDĐT-TCCB ngày 08/10/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc về việc xin ý kiến một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Thông tư số 01, 02, 03, 04 của Bộ GDĐT, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục có ý kiến như sau:

1. Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trong các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường được giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ). Do đó, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sở giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình.

2. Việc bổ nhiệm và xếp lương giáo viên mầm non (GVMN) thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT. Theo đó, GVMN hạng II (mã số V.07.02.04) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 4 Thông tư thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp GVMN hạng III (mã số V.07.02.26); sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.02.25) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp GVMN hạng II (mã số V.07.02.25) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng (Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 01/2021 ngày 02/02/2021 của Bộ GDĐT). Bên cạnh đó, việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật; Đồng thời, việc xếp lương phải bảo đảm nguyên tắc: được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp đó (điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang).

3. Quy định về tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập (Điểm a khoản 3 Điều 3 và Điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT) như sau: “Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.

Do đó, giáo viên chưa có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học thì chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo.

4. Việc bổ nhiệm giáo viên trung học cơ sở (THCS) thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT. Theo đó, giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.12) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.32) nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.32), trong đó có tiêu chuẩn về trình độ đào tạo.

Điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.32) là: "Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên THCS. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THCS theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành". Như vậy, trường hợp giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.12), có bằng tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm và bằng Đại học các chuyên ngành Toán, Lý, Hóa, GDCD, QLGD (ngoài sư phạm) phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THCS theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì mới đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên THCS hạng III. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT ngày 05/4/2021 ban hành Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT. Đề nghị địa phương cử giáo viên tham gia bồi dưỡng bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định. Khi tham gia bồi dưỡng, cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng sẽ thành lập hội đồng công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập các học phần đã học trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được cấp bằng hoặc chứng chỉ, kinh nghiệm giảng dạy thực tiễn của học viên để xem xét miễn các học phần tương ứng trong Chương trình bồi dưỡng.

Trân trọng./.

Nơi nhận:

- Như trên;- Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng (để b/c);- PCT Đặng Văn Bình (để biết);

- Lưu: VT, CSNGCB.

CỤC TRƯỞNG




Vũ Minh Đức

Cập nhật: 27/10/2021

Trong bài viết “Chúc mừng các thầy cô hạng II Vĩnh Phúc, bao giờ mới đến lượt giáo viên tỉnh khác đây?”, tác giả Phan Tuyết có chia sẻ công văn số 1099/NGCBQLGD-CSNGCB về triển khai thực hiện Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo viên hạng II cũ cả nước nhiều người mừng thầm vì nghĩ rằng công văn triển khai thực hiện việc chuyển xếp lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT cả nước nhưng thực tế chưa chắc hiệu trưởng cũng có cùng cách hiểu với giáo viên.

Bởi vì đây chỉ là công văn phúc đáp, trả lời cho tỉnh Vĩnh Phúc vì trong phần nơi gửi, nơi nhận chỉ là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc nên không lạ khi có người lập luận, công văn này chỉ áp dụng riêng cho tỉnh Vĩnh Phúc. Muốn được như đồng nghiệp Vĩnh Phúc, thầy cô lên Cục Nhà giáo mà hỏi.

Đây là việc mà giáo viên cả nước đang mong chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn nhưng Cục Nhà giáo thay vì tham mưu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn chung lại trả lời riêng cho tỉnh Vĩnh Phúc. Vậy các địa phương khác không thể áp dụng hướng dẫn này của Cục Nhà giáo hay không khi công văn chỉ gởi duy nhất Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc?

Trong công văn có nêu Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành công văn số 1077/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 18/10/2021 về việc triển khai thực hiện Thông tư số 01, 02, 03, 04 của BGDĐT.

Người viết tra trên trang website của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ https://moet.gov.vn và cả trên Google 2 công văn 1077, 1099 trên nhưng không thể tìm thấy.

Người viết không thể hiểu vì sao, bởi việc ban hành công văn hướng dẫn, trả lời các địa phương lẽ ra cũng phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định công khai, để mọi thầy cô giáo đều tiếp cận được một cách chính thống. Đằng này thì không.

Công văn số 802/ngcbqlgd-csngcb của bộ giáo dục và đào tạo

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Bổ nhiệm hạng mới không căn cứ vào nhiệm vụ là chưa hợp lý

Tại công văn 1099 này tại mục 1 nêu rõ:

“Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trong các Thông tư 01; 02; 03; 04/TT-BGDĐT là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).

Do đó, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sơ giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình.”

Công văn 1099 này gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc mâu thuẫn với chính hướng dẫn số Số: 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ngày 12/3/2021.

Ở mục 2. Một số lưu ý cụ thể

“a) Việc bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người đúng việc, bảo đảm đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở từng hạng…”

Công văn 971 thì yêu cầu phải đúng người đúng việc tức là phải là đảm bảo giáo viên đang thực hiện nhiệm vụ ở hạng tương ứng. Còn công văn 1099 gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc lại hướng dẫn “khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm” như vậy 2 công văn đều do Cục Nhà Giáo tham mưu, ban hành nhưng lại mâu thuẫn với nhau.

Bên cạnh đó công văn 1099 lại tiếp tục có nội dung “sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sở giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình”.

Như vậy là những giáo viên sẽ được bổ nhiệm sang hạng I, II, sau khi bổ nhiệm sẽ được phân công nhiệm vụ theo hạng trên (thường là ban giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó), tuy nhiên nhiều giáo viên do trước đây được chuyển sang hạng I, II cũ mà không có năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn không thể phân công nhiệm vụ của Ban giám hiệu, tổ trưởng,…thì sẽ như thế nào? Việc này là không phù hợp.

Hướng dẫn chuyển xuống lương giáo viên mầm non không có trong quy định?

Tiếp tục ở mục 2 của công văn 1099 thì lại nêu giáo viên mầm non hạng II cũ có hệ số lương 2,34 – 4,98 nếu không đạt các tiêu chuẩn của giáo viên mầm non hạng II mới (hệ số lương 2, 34 - 4,98) thì được bổ nhiệm giáo viên mầm non hạng III mới có hệ số lương 2,1- 4,89 như vậy giáo viên này vừa xuống hạng vừa chuyển xếp xuống hệ số lương, hiện nay các quy định hiện hành không có bất kỳ quy định nào về việc chuyển xếp lương mà giảm hệ số lương.

Ví dụ giáo viên mầm non hạng II cũ có hệ số lương 4,98 nếu không đạt tiêu chuẩn giáo viên mầm non hạng II mới thì được bổ nhiệm hạng III mới (có hệ số lương 2,1-4,89) thì giáo viên trên sẽ được chuyển xếp lương có hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới sẽ là bao nhiêu? (theo Thông tư 02/2007/TT-BNV)

Công văn số 802/ngcbqlgd-csngcb của bộ giáo dục và đào tạo

Công văn phúc đáp của Cục Nhà giáo về việc thực hiện chùm Thông tư 01;02;03;04 cho tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh chụp màn hình)

Trong công văn hướng dẫn 1099 này ở mục 4 có đoạn “Theo đó, giáo viên trung học cơ sở hạng III mã số V.07.04.12 được bổ nhiệm vào giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.32) nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp….”

Trong công văn này đã ghi chưa đúng và khiến giáo viên hiểu lầm là giáo viên trung học cơ sở hạng III cũ được phép chuyển sang hạng II mới.

Thực chất là công văn hướng dẫn ghi sai vì mã số V.07.04.32 là của giáo viên trung học cơ sở hạng III mới.

Giáo viên là thạc sĩ, cử nhân hưởng lương trung cấp tiếp tục thất vọng với hướng dẫn 1099 của Cục Nhà giáo

Việc hàng ngàn giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đang hưởng lương hạng IV, III cũ (hưởng lương trung cấp, cao đẳng) đã có trình độ thạc sĩ, đại học đạt các tiêu chuẩn, nhiệm vụ của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hạng II mới đã có quãng thời gian dài để chờ đợi được thăng hạng cũ và được hưởng lương hạng mới.

Tuy nhiên, trong hướng dẫn ở công văn 1099 gửi tỉnh Vĩnh Phúc, Cục Nhà giáo tiếp tục có những ưu tiên cho giáo viên đang ở hạng I, II cũ có thể chuyển sang hạng I, II mới có thể không cần căn cứ nhiệm vụ đang đảm nhận, mà quên đi lực lượng giáo viên là thạc sĩ, cử nhân đang hưởng lương cao đẳng, trung cấp đã chịu thiệt thòi, bức xúc thời gian dài lại chỉ được chuyển sang hạng III mới.

Những giáo viên trên đang từng ngày mong được hướng dẫn được chuyển từ hạng III, IV cũ sang hạng II mới nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện của hạng mới mà không phải chuyển qua hạng III mới và phải đợi 9 năm sau mới được chuyển qua hạng II mới.

Để địa phương “tự bơi” chuyển xếp lương dễ sai quy định

Việc Cục Nhà giáo ban hành một công văn trả lời cho tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy việc làm không đồng bộ, thống nhất, giống như giao cho địa phương tự thực hiện.

Khi có Sở Giáo dục và Đào tạo nào hỏi thì Cục Nhà giáo trả lời, và địa phương tự thực hiện.

Tuy nhiên việc các địa phương tự thực hiện thì sau này khi thanh tra, kiểm tra các địa phương bổ nhiệm, xếp lương không đúng thì bị xử lý kỷ luật, nếu số tiền chi sai quá lớn thì có thể phải thu hồi, khởi tố,… rất nguy hiểm.

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo không ban hành hướng dẫn mà để các địa phương “tự bơi” thì rất nguy hiểm, rồi có thể phải hủy bỏ, làm lại.

Việc chuyển xếp lương là việc làm hệ trọng ảnh hưởng đến hàng triệu giáo viên cả nước. Do đó, người viết rất mong Cục Nhà giáo tham mưu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn chuyển xếp lương chung, chi tiết cho cả nước thực hiện và quy định rõ thời điểm chuyển xếp lương, thời điểm hưởng lương mới và sửa đổi những hạn chế bất cập về việc chuyển xếp lương không phù hợp như việc chuyển hệ số lương, xuống hạng,… được phản ánh trong thời gian qua cũng như tránh sai sót, bất cập và thống nhất cả nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuc-mung-cac-thay-co-hang-ii-vinh-phuc-bao-gio-moi-den-luot-gv-tinh-khac-day-post221947.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM