Dàn ý khổ 2 bài Tràng giang

Dàn ý phân tích hai khổ thơ đầu bài Tràng giang lớp 11 chi tiết đầy đủ

Chia sẻ

"Tràng giang" là tác phẩm thơ tiêu biểu cho bút pháp thơ Huy Cận. Là một nhà thơ lớn của thời kì Thơ mới nên bút pháp thơ Huy Cận rất riêng, rất độc đáo, để lại những ám ảnh cho người đọc bởi nỗi buồn mênh mang trong lòng không gian rộng lớn. Sau đây, wikihoc xin giới thiệu với các bạn dàn ý chi tiết đầy đủ nhất cho đề bài phân tích hai khổ thơ đầu bài Tràng giang .

Các bài viết về chủ đề Tràng giang được quan tâm trên Wikihoc:

  • Dàn ý phân tích khổ cuối bài thơ "Tràng giang"
  • Dàn ý phân tích "Tràng giang" lớp 11
  • Soạn bài Tràng giang lớp 11

Thơ mới là thời kì thơ đỉnh cao, là thời gian nở rộ của bao cây viết tài năng. Đó là một Xuân Diệu khát khao mãnh liệt, một Nguyễn Bính trầm mình vào dân gian, một Hàn Mặc Tử của hồn điên và máu cuồng, và đó là một Huy Cận đầy tâm tưởng suy tư. Là một trong số những nhà thơ nổi bật của phong trào Thơ mới, Huy Cận đã đem đến cho ta những ấn tượng riêng như những dấu triện riêng của nhà thơ vậy. Giữa dòng văn học đổi mới, những cách tân hiện đại, ta vẫn thấy một Huy Cận đầy hoài cổ với chất Đường thi, tuy cổ nhưng không cũ, cổ nhưng không bị lãng quên. Tràng Giang là tác phẩm thơ xuất sắc mà chúng ta sẽ học trong chương trình ngữ văn 11 là bài thơ thể hiện rất rõ chất thơ của Huy Cận. Trong quá trình học, chúng ta có thể bắt gặp đề bài yêu cầu phân tích hai khổ thơ đầu của tác phẩm Tràng giang. Để làm được đề bài này, các bạn cần nắm rõ nội dung của từng khổ, sau đó đi vào phân tích ngôn từ, hình ảnh để đọc ra dụ ý của nhà thơ. Dưới đây là dàn ý chi tiết nhất cho đề bài này. Chúc các bạn thành công !

DÀN Ý PHÂN TÍCH HAI KHỔ THƠ ĐẦU BÀI TRÀNG GIANG LỚP 11

I.Mở bài

  • Giới thiệu tác giả tác phẩm.
  • Giới thiệu hai khổ thơ đầu.

Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận (1919-2005), là một trong những nhà thơ lớn tiêu biểu của Văn học Việt Nam hiện đại. Thơ Huy Cận hàm xúc, giàu chất suy tưởng và triết lí thâm sâu. Nỗi buồn vạn cổ của thơ Huy Cận được cảm nhận rất rõ thông qua tác phẩm Tràng giang. Chưa cần đi hết tác phẩm mà chính hai khổ thơ đầu thôi cũng cho ta đủ cảm giác của hồn thơ Huy Cận rồi.

II.Thân bài

1.Khổ 1

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy giòng.

a.Thiên nhiên

  • Mở ra hình ảnh dòng sông mênh mang sóng nước. Một con thuyền nhỏ bé trôi xuôi trên dòng nước và một cành củi khô bồng bềnh giữa sóng nước bao la.
  • Bức tranh thiên nhiên quen thuộc mang đậm màu sắc cổ điển đường thi với hình ảnh dòng sông, sóng nước, con thuyền.

b.Tâm trạng con người

  • Từ láy sóng đôi điệp điệp và song song được đặt trong thế đăng đối trên dưới đã hòa nhập sóng nước vào sóng lòng. Lời thơ mở ra một không gian mênh mang và nỗi buồn trong câu một đến câu ba chuyển thành nỗi sầu theo những con sóng gối lên nhau vừa kết tụ vừa lan tỏa
  • Nhịp 2--23 trầm buồn tượng như nhịp trôi của dòng sông cũng là nhịp trôi của dòng thời gian. Cảm giác như dòng tràng giang đang trôi chảy giữa đôi bờ một bên vô cùng thời gian, một bên vô tận không gian.
  • Hình ảnh con thuyền xuôi mái gợi cảm giác trôi nổi.
  • Cặp tiểu đối thuyền về - nước lại gợi cảm nhận về sự chia lìa. Con thuyền trôi trên mặt nước mà như đang chia bóng với dòng nước, khơi gợi nỗi buồn về thân phận nổi lênh vô định.
  • Phép đảo ngữ củi một cành khô gợi nỗi buồn khô héo. Chi tiết thơ đầy ám ảnh bởi nó là kết quả của quá trình lao động và lựa chọn kỹ lưỡng công phu của nhà thơ.

c.Tiểu kết

  • Sự đối lập giữa hình ảnh dòng sông bao la rộng lớn với những tạo vật nhỏ bé hữu hạn gợi ra nỗi buồn về sự chìm nổi lưu lạc.
  • Hình ảnh Tràng Giang không chỉ là dòng sông mà còn là dòng đời và con thuyền của cuộc đời trôi dạt trên mặt nước không chỉ là những hình ảnh thực mà còn là biểu tượng cho kiếp sống lênh đênh lạc loài trên dòng đời trôi chảy.

2.Khổ 2

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

a.Thiên nhiên

  • Không gian ba chiều mở ra vô tận và giãn nở cùng từng vạt nắng chiếu xuống lòng sông đẩy bầu trời lên cao thêm, vũ trụ trở nên cao chót vót. Sông dài, trời rộng dường như không còn đường biên.
  • Giữa không gian bao la ý những cồn cát nhỏ bé đìu hưu và tiếng chợ chiều vọng lại xơ xác mơ hồ như có như không.
  • Thiên nhiên hiện ra như một bức tranh vừa hoang sơ vừa cổ kính, và khi đối diện thiên nhiên ấy con người dường như đang đi trên ranh giới của cõi trần thế với cõi hư vô.

b.Tâm trạng con người

  • Lơ thơ đầu câu, đìu hiu cuối câu tô đập cảm giác bơ vơ của cái tôi trữ tình. Nhà thơ thấy mình giống như những cồn nhỏ bị vây bọc bởi sự trống vắng quạnh hiu.
  • Sâu chót vót là kết hợp từ độc đáo thể hiện cảm nhận mới mẻ. Chót vót là từ láy chỉ chiều cao, ở đây tác giả dùng để chỉ chiều sâu hun hút của cái ngước nhìn lên như muốn xuyên vào lòng vũ trụ để cảm nhận cái thăm thẳm hoang lạnh trong đáy hồn mình cũng như trong lòng nhân thế
  • Dài rộng, cô liêu ở câu dưới diễn tả tâm trạng cô quạnh
  • Âm thanh tiếng chợ chiều gợi sự sống tan tác tàn lụi, hiển hiện giữa không gian 3 chiều mơ hồ hư thực.

c.Tiểu kết

  • Sự đối lập giữa hữu hạn và vô hạn gợi nỗi buồn hoang vắng, cô liêu của một cái tôi mất mối liên hệ với vũ trụ, không tìm thấy điểm tựa ở cuộc đời.

III.Kết bài

  • Nêu cảm nhận của bản thân về hai khổ thơ.

Hai khổ đầu của bài thơ Tràng giang đã đưa người đọc vào nỗi buồn mênh mang của những phận, những kiếp nhỏ bé giữa bao la thời gian và vô tận của không gian. Với ngôn ngữ thơ đặc sắc, hình ảnh thơ cổ điển mang đậm chất thơ của Huy Cận, hai khổ thơ đã cho ta hiểu hơn về bút pháp của nhà thơ, bút pháp của một nỗi buồn vạn cổ.

QP-wikihoc.com