Danh sách các nhà ngoại cảm được công nhận

Tranh luận về các nhà ngoại cảm

Danh sách các nhà ngoại cảm được công nhận
Chụp lại hình ảnh,

Cảnh trong phim tài liệu về ngoại cảm ở Việt Nam của BBC

Kênh truyền hình nhà nước VTV1 vừa phát phóng sự tố cáo các nhà ngoại cảm "gian lận" trong tìm mộ liệt sỹ.

Phóng sự trong chương trình "Trở về từ ký ức" phát hôm 23/10, mà nhiều người nói là đã 'vạch mặt' các nhà ngoại cảm, đang gây tranh cãi lớn trong dư luận và đặt câu hỏi về việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ bằng ngoại cảm trong nhiều năm nay.

Tuy nhiên cũng có tiếng nói cho rằng phóng sự trên chưa cung cấp được chứng cứ đáng tin cậy cho các cáo buộc 'động trời' mà những người làm chương trình đưa ra.

Độ chính xác gần bằng 0?

Phóng sự trên chương trình "Trở về từ ký ức" dẫn nguồn quan chức Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội) và Viện Pháp y Quân đội cho hay rằng "trong một vụ giả mạo xương các liệt sỹ thì gần như 100% các mẫu xương tìm theo lời của nhà ngoại cảm mang đến giám định đều cho kết quả sai".

"2%-5% số xương mang đến không phải xương người."

Thậm chí, tỷ lệ chính xác được kết luận bằng 0 trong nhiều cuộc tìm hài cốt liệt sỹ.

Chương trình trên VTV1 nhắc tới trường hợp tìm hài cốt liệt sỹ Phùng Chí Kiên, một tiền bối của Đảng CSVN, bị Pháp chặt đầu năm 1941.

Năm 1990, phần thân thể của ông Phùng Chí Kiên đã được đưa về nghĩa trang, còn phần đầu của ông Bộ Quốc phòng và gia đình đã nhờ đến nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng vì không tìm thấy.

Người làm chương trình nói sau giám định, thứ mà bà Hằng nói là hài cốt của liệt sỹ Phùng Chí Kiên "là mảnh sành vụn và một chiếc răng động vật".

Thượng tá Nguyễn Lê Cát từ Viện Pháp y Quân đội được dẫn lời nói rằng đây là "răng lợn".

Chương trình "Trở về ký ức" còn đề cập tới một nhà ngoại cảm khác là Vũ Thị Hòa, mà chương trình này cáo buộc đã "kiếm lời trên hài cốt của các chiến sỹ".

Hành động của các nhà ngoại cảm bị cho là "lừa dối, xúc phạm nghiêm trọng tới thân nhân, gia đình của các liệt sỹ".

'Không có căn cứ'

Cáo buộc của "Trở về từ ký ức" đã bị một số người phản bác.

Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Minh Hạc, cựu Bộ trưởng Bộ giáo dục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người, nói với BBC rằng cần có thêm các chứng cứ rõ ràng, khách quan thì mới có thể khẳng định các cáo buộc là sai hay đúng.

"Việc gì cũng vậy, có cái chính xác, có cái không chính xác, có cái đạt kết quả tốt, có cái không, là điều bình thường."

Theo ông Hạc, không thể phủ nhận toàn bộ công việc của các nhà ngoại cảm, nhất là những người đã hoạt động lâu năm, thu nhiều kết quả đã được chứng thực như bà Phan Thị Bích Hằng.

"Cần thu thập lại tất cả các trường hợp [bà Hằng đã làm], những gì chưa được, những gì được, nhất là các trường hợp đã thử ADN thành công, mới có thể kết luận."

"Chứ còn thông tin trên truyền thông đại chúng, ngay cả những kênh chính thống tạm được cho là 'uy tín', cũng không phải lúc nào cũng đáng tin cậy."

Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người có bảy bộ môn, trong đó có bộ môn liên quan ngoại cảm và tìm mộ.

Ông Phạm Minh Hạc cũng khuyến cáo cần xét nghiệm ADN cho các mẫu vật xương cốt tìm được.

Tại Việt Nam, cho đến hôm nay, việc tìm hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính liệt sỹ vô danh vẫn là công việc vô cùng khó khăn.

Riêng trong cuộc chiến Việt Nam, khoảng một triệu binh lính miền Bắc đã thiệt mạng, 400.000 trong số đó bị coi là mất tích.

Nhiều gia đình đã tìm đến các chuyên gia ngoại cảm để giúp tìm mộ người thân.

Năm 2006, BBC đã làm một phim tài liệu nhiều phút nói về công việc tìm mộ liệt sỹ của các nhà ngoại cảm ở Việt Nam.