Dòng văn học cách mạng

Nội dung

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Thấy được một số nét nổi bật về tình hình xã hội và văn hoá Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
Nắm vững những đặc điểm cơ bản và thành tựu chủ yếu của văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Có kĩ năng vận dụng những kiến thức đó vào việc học những tác giả và tác phẩm cụ thể.

Từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một thời kì rất quan trọng trong lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử văn học nói riêng. Với không đầy nửa thế kỉ, xã hội Việt Nam đã có những biến đổi sâu sắc chưa từng thấy. Vượt lên sự kìm hãm của các thế lực thực dân phong kiến, hoà nhịp với sự lớn mạnh của dân tộc, nền văn học nước nhà đã phát triển theo hướng hiện đại hoá với tốc độ rất nhanh và đạt được những thành tựu to lớn.

I. ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỈ XX ĐẾN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

1. Văn học đổi mới theo hướng hiện đại hoá

Năm 1858, thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Sau gần nửa thế kỉ bình định về quân sự, đến khoảng đầu thế kỉ XX, chúng mới thực sự khai thác thuộc địa về kinh tế. Sau hai cuộc khai thác thuộc địa (lần thứ nhất từ năm 1897 đến năm 1914, lần thứ hai từ năm 1919 đến năm 1929), cơ cấu xã hội Việt Nam có những biến đổi sâu sắc. Một số thành phố công nghiệp ra đời, đô thị, thị trấn mọc lên ở nhiều nơi. Những giai cấp, tầng lớp xã hội mới: tư sản, tiểu tư sản (viên chức, học sinh, những người buôn bán hay sản xuất nhỏ,...), công nhân, dân nghèo thành thị,... xuất hiện ngày càng đông đảo. Một lớp công chúng có đời sống tinh thần và thị hiếu mới đã hình thành đòi hỏi một thứ văn chương mới.

Từ đầu thế kỉ XX, văn hoá Việt Nam dần dần thoát khỏi ảnh hưởng của văn hoá phong kiến Trung Hoa, bắt đầu mở rộng tiếp xúc với văn hoá phương Tây mà chủ yếu là văn hoá Pháp. Luồng văn hoá mới thông qua tầng lớp trí thức Tây học (phần lớn là tiểu tư sản) ngày càng thấm sâu vào ý thức và tâm hồn người cầm bút cũng như người đọc sách.

Đến đầu thế kỉ XX, chữ quốc ngữ đã thay thế chữ Hán, chữ Nôm trong nhiều lĩnh vực từ hành chính công vụ tới văn chương nghệ thuật. Chữ quốc ngữ được phổ biến rộng rãi đã tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng tiếp xúc với sách báo. Nhu cầu văn hoá cửa lớp công chúng mới đã làm nảy sinh những hoạt động kinh doanh văn hoá, làm cho nghề in, nghề xuất bản, nghề làm báo theo kĩ thuật hiện đại phát triển khá mạnh: Viết văn cũng trở thành một nghề kiếm sống tuy rất khó khăn, chật vật.

Những nhân tố trên đã tạo điều kiện cho văn học Việt Nam đổi mới theo hướng hiện đại hoá. Hiện đại hoá ở đây được hiểu là quá trình làm cho văn học thoát ra khỏi hệ thống thi pháp văn học trung đại và đổi mới theo hình thức văn học phương Tây, có thể hội nhập với nền văn học hiện đại thế giới.

Quá trình hiện đại hoá của văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã diễn ra qua ba giai đoạn:
a) Giai đoạn thứ nhất (từ đầu thế kì XX đến khoảng năm 1920)

Đây là giai đoạn chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công cuộc hiện đại hoá văn học. Chữ quốc ngữ được phổ biến ngày càng rộng rãi. Cùng với báo chí, phong trào dịch thuật mà chủ yếu là dịch tiểu thuyết cổ điển, Tân thư Trung Quốc, tiểu thuyết và kịch Pháp, cũng có tác động khá quan trọng tới việc hình thành và phát triển nền văn xuôi quốc ngữ.

Từ cuối thế kỉ XIX, ở Bắc Kì và Trung Kì, cùng với sự lớn mạnh của dòng văn học trào phúng, trong sáng tác của Nguyễn Khuyến, Tú Xương,... đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của quá trình hiện đại hoá như một nhu cầu nội sinh của nền văn học dân tộc. Ở Nam Kì đã xuất hiện một số sáng tác văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ. Có giá trị hơn cả là truyện ngắn Thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản một trong những áng văn xuôi quốc ngữ đầu tiên được coi là tác phẩm mở đầu cho truyện ngắn hiện đại Việt Nam. Nhưng phải đến những năm đầu thế kỉ XX mới ra đời nhiều tác phẩm văn xuôi bằng chữ quốc ngữ, trong đó, đáng chú ý là tiểu thuyết Hoàng Tố Anh hàm oan (1910) của Thiên Trung (tức Trần Chánh Chiếu). Tuy nhiên, phần lớn truyện ngắn, tiểu thuyết viết theo lối mới ở giai đoạn này còn vụng về, non nớt.

Thành tựu chủ yếu của văn học giai đoạn này là thơ văn của các chí sĩ cách mạng: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng,... Sáng tác của những cây bút Hán học này, mặc dù đã có những đổi mới rõ nét về nội dưng tư tưởng, nhưng thể loại, ngôn ngữ, văn tự và thi pháp, nói chung vẫn thuộc phạm trù văn học trung đại.

b) Giai đoạn thứ hai (khoảng từ năm 1920 đến năm 1930)

Quá trình hiện đại hoá của văn học đến giai đoạn này đã đạt được những thành tựu đáng kể. Một số tác giả giàu sức sáng tạo đã khẳng định được tài năng của mình. Nhiều tác phẩm có giá trị xuất hiện. Đó là tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh; truyện ngắn của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học; thơ của Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải; kịch của Vũ Đình Long, Vi Huyền Đắc, Nam Xương,...

Song song với quá trình hiện đại hoá của văn học trong nước, truyện kí của Nguyễn Ái Quốc (đang hoạt động cách mạng ở Pháp) viết bằng tiếng Pháp có tính chiến đấu cao và bút pháp hiện đại, điêu luyện.

Như vậy, nhìn tổng quát, nền văn học nước ta đến giai đoạn này đã đạt được một số thành tựu rất đáng ghi nhận trong quá trình hiện đại hoá, làm cho văn học có tính hiện đại. Tuy nhiên, nhiều yếu tố của văn học trung đại vẫn còn tồn tại phổ biến ở mọi thể loại từ nội dung đến hình thức.

c) Giai đoạn thứ ba (khoảng từ năm 1930 đến năm 1945)

Đến giai đoạn này, nền văn học nước nhà đã hoàn tất quá trình hiện đại hoá với nhiều cuộc cách tân sâu sắc trên mọi thể loại, đặc biệt là tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ.
Nhờ tiếp thu kinh nghiệm của văn học phương Tây mà chủ yếu là của văn học Pháp, truyện ngắn và tiểu thuyết ở giai đoạn này được viết theo lối mới, khác xa với cách viết trong văn học cổ, từ cách xây dựng nhân vật đến nghệ thuật kể chuyện và ngôn ngữ nghệ thuật. Thơ ca cũng đổi mới sâu sắc với phong trào Thơ mới một cuộc cách mạng trong thi ca (Hoài Thanh). Cuộc cách mạng này không chỉ diễn ra ở phương diện nghệ thuật (phá bỏ những lối diễn đạt ước lệ, những quy tắc cứng nhắc, công thức gò bó,...) mà còn diễn ra ở cả phương diện nội dung (cách nhìn, cách cảm xúc mới mẻ đối với con người và thế giới). Những thể loại mới như kịch nói, phóng sự và phê bình văn học xuất hiện cũng khẳng định sự đổi mới của văn học. Tóm lại, hiện đại hoá đã diễn ra trên mọi mặt của hoạt động văn học, làm biến đổi toàn diện và sâu sắc diện mạo nền văn học Việt Nam.

Hiện đại hoá văn học là một quá trình. Ở hai giai đoạn đầu, đặc biệt là ở giai đoạn thứ nhất, sự đổi mới còn có những trở ngại nhất định, bởi sự níu kẻo của cái cũ Vì thế, văn học từ năm 1900 đến năm 1930 được gọi là văn học giao thời. Đến giai đoạn thứ ba, công cuộc hiện đại hoá mới được hoàn tất, làm cho nền văn học nước nhà thực sự hiện đại, có thể hội nhập vào nền văn học thế giới.

2. Văn học hình thành hai bộ phận và phân hoá thành nhiều xu hướng, vừa đấu tranh với nhau, vừa bổ sung cho nhau để cùng phát triển

Phát triển trong hoàn cảnh của một nước thuộc địa, chịu sự chi phối mạnh mẽ và sâu sắc của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, văn học Việt Nam thời kì này đã hình thành hai bộ phận: công khai và không công khai. Văn học công khai là văn học hợp pháp, tồn tại trong vòng pháp luật của chính quyền thực dân phong kiến. Văn học không công khai bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, phải lưu hành bí mật.

a) Bộ phận văn học công khai

Do khác nhau về quan điểm nghệ thuật và khuynh hướng thẩm mĩ nên bộ phận văn học công khai lại phân hoá thành nhiều xu hướng, trong đó nổi lên hai xu hướng chính là văn học lãng mạn và văn học hiện thực.

Văn học lãng mạn là tiếng nói của cá nhân tràn đầy cảm xúc, đồng thời phát huy cao độ trí tưởng tượng để diễn tả những khát vọng, ước mơ. Nó coi con người là trung tâm của vũ trụ, khẳng định cái tôi cá nhân, đề cao con người thế tục, quan tâm đến những số phận cá nhân và những quan hệ riêng tư. Bất hoà nhưng bất lực trước thực tại, văn học lãng mạn tìm cách thoát khỏi thực tại đó bằng cách đi sâu vào thế giới nội tâm, thế giới của mộng ước. Xu hướng văn học này thường tìm đến các đề tài về tình yêu, về thiên nhiên và quá khứ, thể hiện khát vọng vượt lên trên cuộc sống hiện tại chật chội tù túng, dung tục, tầm thường. Văn học lãng mạn thường chú trọng diễn tả những cảm xúc mạnh mẽ, những tương phản gay gắt, những biến thái tinh vi trong tâm hồn con người.

Trước năm 1930, thơ của Tản Đà, tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Phách thuộc xu hướng văn học lãng mạn. Từ khoảng năm 1930, đã thực sự xuất hiện trào lưu lãng mạn chủ nghĩa với những thành tựu nổi bật được kết tinh ở Thơ mới, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, tuỳ bút và truyện ngắn của Nguyễn Tuân. Tuy nhiên, nhìn vào từng hiện tượng của trào lưu này, người ta thấy khuynh hướng tư tưởng cũng không thật thuần nhất.
Văn học lãng mạn góp phần quan trọng vào việc thức tỉnh ý thức cá nhân, đấu tranh chống luân lí, lễ giáo phong kiến cổ hủ để giải phóng cá nhân, giành quyền hưởng hạnh phúc cá nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực tình yêu, hôn nhân và gia đình. Nó góp phần làm cho tâm hồn người đọc thêm tinh tế và phong phú, giúp cho họ thêm yêu thương mảnh đất quê hương, quý trọng tiếng mẹ đẻ, tự hào về nền văn hoá lâu đời của dân tộc và biết buồn đau, tủi nhục trước cảnh mất nước... Tuy nhiên, văn học lãng mạn ít gắn trực tiếp với đời sống xã hội chính trị của đất nước, đôi khi sa vào khuynh hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân cực đoan.

Văn học hiện thực tập trung vào việc phơi bày thực trạng bất công, thối nát của xã hội đương thời, đồng thời đi sâu phản ánh tình cảnh khốn khổ của các tầng lớp nhân dân bị áp bức bóc lột với một thái độ cảm thông sâu sắc. Nó lên tiếng đấu tranh chống áp bức giai cấp, phản ánh mâu thuẫn, xung đột giữa kẻ giàu với người nghèo, giữa nhân dân lao động với tầng lớp thống trị, các nhà văn hiện thực thường đề cập tới chủ đề thế sự với thái độ phê phán xã hội trên tinh thần dân chủ và nhân đạo, chú trọng miêu tả, phân tích và lí giải một cách chân thực, chính xác quá trình khách quan của hiện thực xã hội thông qua những hình tượng điển hình. Nhìn chung, văn học hiện thực có tính chân thật cao và thấm đượm tinh thần nhân đạo. Tuy nhiên, các nhà văn hiện thực phê phán chỉ thấy tác động một chiều của hoàn cảnh đối với con người, coi con người là nạn nhân bất lực của hoàn cảnh.

Từ đầu thế kỉ XX đến khoảng năm 1930, sáng tác của Nam Xương, Nguyễn Bá Học, Hồ Biểu Chánh,... thuộc xu hướng văn học hiện thực. Từ khoảng năm 1930 đến năm 1945, có thể nói đã thực sự hình thành trào lưu hiện thực chủ nghĩa trong văn học Việt Nam. Thành tựu của trào lưu văn học hiện thực được kết tinh ở các thể loại văn xuôi: truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển; tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Mạnh Phú Tư, Nam Cao; phóng sự của Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố. Trào lưu văn học này cũng có những sáng tác giá trị ở thể thơ trào phúng như Dòng nước ngược của Tú Mỡ, Thơ ngang của Đồ Phồn.

Văn học lãng mạn và văn học hiện thực cùng tồn tại song song, vừa đấu tranh với nhau, vừa ảnh hưởng, tác động qua lại, có khả chuyển hoá lẫn nhau. Nhìn chung, hai xu hướng văn học này luôn ở trong quá trình diễn biến, đổi thay, giữa chúng không có ranh giới thật rạch ròi, không đối lập nhau về giá trị. Xu hướng văn học nào cũng có những cây bút tài năng và những tác phẩm xuất sắc.

b) Bộ phận văn học không công khai

Trong bộ phận văn học không công khai có thơ văn cách mạng, tiêu biểu nhất là thơ văn sáng tác trong tù. Văn học cách mạng cũng có lúc được lưu hành công khai (văn thơ Đông Kinh nghĩa thục, văn thơ cách mạng thời kì Mặt trận Dân chủ), nhưng chủ yếu vẫn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật của chế độ thực dân phong kiến và đời sống văn học bình thường. Đây là tiếng nói của các chiến sĩ và quần chúng nhân dân tham gia phong trào cách mạng. Họ coi thơ văn trước hết là một thứ vũ khí sắc bén chiến đấu chống kẻ thù dân tộc, là phương tiện để truyền bá tư tưởng yêu nước và cách mạng. Quan niệm này được thể hiện sâu sắc và nhất quán từ Phan Bội Châu: Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cầm quyền trông gió cũng gai ghê Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm sáng chói (Văn tế Phan Châu Trinh đến Hồ Chí Minh: Nay ở trong thơ nên có thép Nhà thơ cũng phải biết xung phong (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi).

Mặc dù ra đời trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, luôn bị kẻ địch khủng bố ráo riết, thiếu thốn những điều kiện vật chất tối thiểu để sáng tác và phổ biến, nhưng cùng với sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, xu hướng văn học này ngày càng phát triển. Văn học cách mạng đã đánh thẳng vào bọn thống trị thực dân cùng bè lũ tay sai, nói lên khát vọng độc lập, đấu tranh để giải phóng dân tộc, thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn và niềm tin không gì lay chuyển nổi vào tương lai tất thắng của cách mạng. Trong văn thơ yêu nước đầu thế kỉ XX, đặc biệt là những bài thơ của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, sáng ngời hình ảnh người chí sĩ cách mạng nhiệt huyết sôi trào, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, tỏ rõ khí phách hiên ngang, bất khuất khi bị sa vào tay giặc. Những tác phẩm tiêu biểu như Nhật kí trong tù (Hồ Chí Minh), Từ ấy (Tố Hữu), Ngục Kon Tum (Lê Văn Hiến) đã khắc hoạ khá thành công hình ảnh con người mới của thời đại những chiến sĩ kiên cường bất khuất, sẵn sàng hi sinh vì lí tưởng cách mạng và sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ở bộ phận văn học không công khai này, quá trình hiện đại hoá gắn liền với quá trình cách mạng hoá văn học.

Nhìn bao quát, giữa các bộ phận văn học (công khai và không công khai), giữa các xu hướng văn học có sự khác biệt và đấu tranh với nhau về mặt khuynh hướng tư tưởng và quan điểm nghệ thuật. Nhưng trong thực tế, chúng ít nhiều vẫn tác động, thậm chí có khi chuyển hoá lẫn nhau để cùng phát triển. Điều đó đã tạo nên tính chất đa dạng, phong phú, phức tạp của văn học thời kì này, đặc biệt là giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1945.

3. Văn học phát triển với một tốc độ hết sức nhanh chóng
Cùng với sự chuyển biến của tình hình xã hội, văn học thời kì từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945, đặc biệt là từ đầu những năm 30 trở đi, đã phát triển hết sức nhanh chóng. Chỉ trong vòng hơn một thập niên, các bộ phận, các xu hướng văn học đều vận động, phát triển với một tốc độ đặc biệt khẩn trương, mau lẹ. Điều đó được thể hiện qua sự phát triển về số lượng tác giả và tác phẩm, sự hình thành và đổi mới các thể loại văn học và độ kết tinh ở những tác giả và tác phẩm tiêu biểu.

Dường như bất kì thể loại nào cũng phát triển ngày càng mạnh mẽ. Chính vì phát triển với một tốc độ vũ bão như vậy nên không có cây bút nào giữ được vai trò tiên phong trong suốt chặng đường dài. Đó là cuộc chạy tiếp sức đầy căng thẳng, quyết liệt và cũng thật ngoạn mục để tạo nên một tốc độ phát triển nhanh chóng chưa từng thấy trong lịch sử văn học dân tộc. Vì vậy, Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại cho rằng: Ở nước ta, một năm có thể kể như ba mươi năm của người.

Tốc độ phát triển hết sức nhanh chóng như vậy là do sự thúc bách của thời đại. Xã hội Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 đã đặt ra biết bao vấn đề về đất nước, về cuộc sống, con người và nghệ thuật đòi hỏi văn học thời kì mới phải giải quyết mà ở những thời kì trước đó chưa từng có. Tuy nhiên, nhân tố quyết định chính là sự vận động tự thân của nền văn học dân tộc. Từ xa xưa, dân tộc ta đã có một sức sống mãnh liệt mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc. Giờ đây, sức sống đó được tiếp sức bởi các phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng suốt gần nửa thế kỉ, nhất là từ sau năm 1930 với sự ra đời của Đảng Cộng sản. Tiếng Việt và văn chương Việt là một phương diện biểu hiện của sức sống tiềm tàng, mãnh liệt đó. Sự phát triển của văn học thời kì này còn do sự thức tỉnh, trỗi dậy mạnh mẽ của cái tôi cá nhân ở bộ phận thanh niên trí thức sau hàng trăm năm bị kìm hãm. Chính cái tôi cá nhân này là một trong những động lực tạo nên sự phát triển với một tốc độ hết sức nhanh chóng và những thành tựu rực rỡ của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX theo hướng hiện đại hoá.

II. THÀNH TỰU CHỦ YẾU CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỈ XX ĐẾN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của văn học dân tộc là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo, đồng thời đem đến cho văn học thời kì này một đóng góp mới của thời đại: tinh thần dân chủ.

Tư tưởng yêu nước trong văn học trung đại thường gắn liền nước với vua vì chủ nghĩa tôn quân là tư tưởng chung của thời đại. Đến thơ văn của Phan Bội Châu, nước không còn gắn với vua nữa mà được gắn liễn với dân: Dân là dân nước, nước là nước dân. Còn trong sáng tác của Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh, Tố Hữu và những nhà thơ cách mạng vô sản khác thì chủ nghĩa yêu nước gắn với lí tưởng xã hội chủ nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản.

Tinh thần dân chủ cũng đem đến cho truyền thống nhân đạo những nét mới: quan tâm tới những con người bình thường trong xã hội, nhất là tầng lớp nhân dân cực khổ, lầm than. Các nhà văn thuộc thế hệ từ 1930 đến 1945 không chỉ tố cáo áp bức bóc lột mà còn thể hiện sâu sắc khát vọng mãnh liệt của mỗi cá nhân, đề cao vẻ đẹp hình thức, phẩm giá và phát huy cao độ tài năng của mỗi con người.

Cùng với thành tựu về nội dung tư tưởng, văn học thời kì này cũng đạt được những thành tựu to lớn về thể loại và ngôn ngữ văn học.

Thành tựu của các thể loại văn xuôi được kết tinh ở tiểu thuyết và truyện ngắn.
Trước năm 1930, tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ xuất hiện chưa nhiều. Hồ Biểu Chánh là nhà tiểu thuyết đầu tiên khẳng định được chỗ đứng của mình với hàng chục tác phẩm dày dặn, dựng lên được bức tranh hiện thực xã hội Nam Bộ đầu thế kỉ XX với các nhân vật dường như thuộc đủ các tầng lớp xã hội. Nhưng nhiều tác phẩm của ông còn mô phỏng cốt truyện của tiểu thuyết phương Tây, chưa thoát khỏi kiểu kết cấu chương hồi và cách kết thúc có hậu, một số nhân vật chủ yếu là minh hoạ cho quan điểm đạo đức. Ngôn ngữ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh có tính bình dân, đậm chất Nam Bộ nhưng chưa đạt từ chuẩn mực của ngôn ngữ văn chương.

Đến đầu những năm 30, nhóm Tự lực văn đoàn với những tác phẩm xuất sắc của Nhất Linh, Khái Hưng đã đẩy cuộc cách tân tiểu thuyết lên một bước mới: cách dựng truyện tự nhiên, tổ chức kết cấu linh hoạt, tính cách nhân vật được xem là trung tâm của tác phẩm, đời sống nội tâm của nhân vật được chú trọng và được phân tích, diễn tả tinh vi. Ngôn ngữ tiểu thuyết Tự lực văn đoàn giản dị, trong sáng, có khả năng diễn tả chính xác, tinh tế từ ý nghĩ tình cảm, cảm xúc đến cảm giác mong manh, mơ hồ nhất, tuy về sau lại trở thành kiểu cách, sáo mòn.

Từ năm 1936, các nhà tiểu thuyết hiện thực tiếp tục đưa công cuộc cách tân tiểu thuyết lên một tầm cao mới. Với quan niệm tiểu thuyết là sự thực ở đời, các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao,... đã khai thác đề tài từ cuộc sống nhân dân, dựng nên những bức tranh hiện thực có tầm khái quát rộng lớn, phản ánh được phần nào những mâu thuẫn, xung đột chủ yếu của xã hội, khắc hoạ khá thành công những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Các nhà tiểu thuyết hiện thực đã khai thác tiếng nói giàu có và đầy sức sống của nhân dân lao động. Đó là một thứ ngôn ngữ phong phú, vừa giản dị, trong sáng, vừa khoẻ khoắn, linh hoạt, mang hơi thở của đời sống.

Truyện ngắn thời kì này cũng phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, nhất là giai đoạn 1930. l945. Chưa bao giờ truyện ngắn Việt Nam lại phong phú và đặc sắc như thế: truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan; truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh; truyện ngắn phong tục của Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân; truyện ngắn viết về người nông dân và người trí thức nghèo mang tư tưởng sâu sắc, ý nghĩa khái quát rộng lớn với những trang miêu tả, phân tích tâm lí đạt tới trình độ bậc thầy của Nam Cao,... Chỉ sau hơn một thập niên, chúng ta đã thấy xuất hiện nhiều truyện ngắn đặc sắc, trong đó một số truyện có thể coi là kiệt tác.

Phóng sự là một thể loại văn học mới ra đời từ đầu những năm 30. Thành tựu của phóng sự được ghi nhận trong những sáng tác của Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Lê Văn Hiến. Cùng với phóng sự, kịch nói cũng là một thể loại văn học mới. Gây được tiếng vang là những vở kịch ông Tây An Nam của Nam Xương, Kim tiền của Vi Huyền Đắc, Ngã ba của Đoàn Phú Tứ, đặc biệt là Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tương. Bút kí, tuỳ bút cũng phát triển gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Tuân một cây bút tài hoa, độc đáo với những tác phẩm như Chiếc lư đồng mắt cua, Một chuyến đi,...

Thơ ca thời kì này cũng phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu to lớn. Trong bộ phận văn học công khai, trước năm 1930, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời thi ca là Tản Đà. Ông là nhà thơ lớn, được mệnh danh là người của hai thế kỉ (Hoài Thanh). Cùng với Tản Đà là Á Nam Trần Tuấn Khải nhà thơ tâm huyết với vận mệnh đất nước qua những bài thơ bộc lộ tâm sự thương nước, lo đời kín đáo mà sâu lắng, thiết tha. Từ đầu những năm 30, phong trào Thơ mới ra đời đã đem lại sự đổi thay sâu sắc cho nền thơ dân tộc với đội ngũ thi sĩ đông đảo, đa dạng về phong cách nghệ thuật. Do phát triển trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ở bộ phận văn học không công khai, thơ ca là thể loại phát triển mạnh nhất. Khi bị địch bắt giam, các nhà yêu nước có thời gian dành cho nghệ thuật nhiều hơn. Chính vì thế, những tác phẩm hay nhất, đặc sắc nhất của họ lại thường là những bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh bị tù đày: Đó là thơ của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Lương Văn Can, Lê Đại, Sóng Hồng, Trần Huy Liệu, Đặng Xuân Thiều, Xuân Thuỷ,... và đặc biệt là của hai nhà thơ lớn Hồ Chí Minh và Tố Hữu.

Lí luận, phê bình văn học thời kì này cũng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Từ đầu những năm 30 đến năm 1945, một số nhà lí luận, phê bình chuyên nghiệp thật sự có tài năng như Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Hải Triều, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan,... đã góp phần thúc đẩy nền văn học phát triển.

Phát triển trong hoàn cảnh một nước thuộc địa, văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 không tránh khỏi những hạn chế về nhiều mặt. Nhưng những thành tựu của văn học thời kì này là hết sức to lớn, gắn liền với kết quả của cuộc cách tân về thể loại và ngôn ngữ. Đây là thời kì văn học để lại nhiều tên tuổi lớn, nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó có những tác phẩm xứng đáng là kiệt tác.
Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 có vị trí hết sức quan trọng trong toàn bộ tiến trình văn học dân tộc: kế thừa tinh hoa truyền thống văn học dân tộc trong suốt mười thế kỉ, đồng thời mở ra một thời kì văn học mới thời kì văn học hiện đại, có khả năng hội nhập với nền văn học của thế giới.
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

Đọc kĩ bài học để nắm vững:

1. Về đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945:

a) Anh (chị) hiểu thế nào về khái niệm hiện đại hoá được dùng trong bài học? Những nhân tố nào đã tạo điều kiện cho văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 đổi mới theo hướng hiện đại hoá? Quá trình hiện đại hoá đó diễn ra như thế nào?

b) Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 có sự phân hoá phức tạp như thế nào? Những điểm khác nhau giữa hai bộ phận văn học công khai và không công khai (về đội ngũ nhà văn, hoàn cảnh sáng tác và tính chất)?

c) Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 phát triển với một tốc độ hết sức nhanh chóng. Hãy lí giải nguyên nhân của sự phát triển ấy.

2. Về thành tựu chủ yếu của văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945:

a) Những truyền thống tư tưởng lớn nhất, sâu sắc nhất của lịch sử văn học Việt Nam là gì? Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 có đóng góp gì mới cho những truyền thống ấy?

b) Những thể loại văn học nào mới xuất hiện trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945? Sự cách tân, hiện đại hoá các thể loại tiểu thuyết và thơ diễn ra như thế nào?

GHI NHỚ
Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 có ba đặc điểm cơ bản: đổi mới theo hướng hiện đại hoá; hình thành hai bộ phận với nhiều xu hướng văn học; phát triển hết sức nhanh chóng. Thành tựu chủ yếu của văn học thời kì này là đã kế thừa và phát huy những truyền thống lớn nhất, sâu sắc nhất của văn học Việt Nam: chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo, đồng thời đem đến cho văn học một đóng góp mới của thời đại: tinh thần dân chủ.
Về nghệ thuật, văn học thời kì này đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, gắn liền với kết quả cách tân về thể loại và ngôn ngữ. Có được những thành tựu nói trên chủ yếu là do sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của dân tộc được nuôi dưỡng và phát triển trong các phong trào yêu nước cách mạng và do sự thức tỉnh, trỗi dậy mạnh mẽ của cái tôi cá nhân.

LUYỆN TẬP
Vì sao có thể gọi văn học Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỉ XX (từ 1900 đến 1930) là văn học giai đoạn giao thơi?