Giải pháp vấn đề thất nghiệp của sinh viên

TÓM TẮT:

Những năm trước đây, tỷ lệ lao động qua học nghề, nhất là đào tạo nghề chính quy còn thấp, dẫn đến chất lượng lao động không đảm bảo, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Hiện nay, mặc dù tình trạng học vấn của lao động không ngừng được cải thiện, hệ thống văn bằng được nâng cao và mở rộng nhưng tình trạng thất nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng. Lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng chính quy trong cả nước không có việc làm ngày càng nhiều, một bộ phận sau khi tốt nghiệp đại học đảm nhận các công việc không cần bằng cấp; hiện tượng sinh viên sau khi tốt nghiệp làm công nhân, hoặc làm các công việc không cần đến trình độ đại học đang dần không còn xa lạ. Tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm hay làm không đúng ngành nghề đang ở mức đáng báo động. Vì vậy, giải quyết tình trạng thất nghiệp cho người lao động nói chung và sinh viên nói riêng là mối quan tâm hàng đầu hiện nay.

Từ khóa: Thất nghiệp, sinh viên, chất lượng lao động, tình trạng học vấn.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, sinh viên ra trường thất nghiệp đang là vấn đề đáng báo động trong xã hội. Câu hỏi đặt ra ở đây là nguyên nhân của tình hình thất nghiệp sinh viên hiện nay là do đâu? Hậu quả để lại là gì? Vấn đề đó đã gây thiệt hại gì cho nền kinh tế nước nhà? Và chúng ta phải làm gì để khắc phục tình trạng trên? Có rất nhiều câu hỏi và giải pháp được đặt ra, song vẫn chưa khắc phục triệt để được tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường.

Có rất nhiều ý kiến khác nhau về thất nghiệp. Theo Luật Bảo hiểm thất nghiệp (viết tắt BHTN) Cộng hòa Liên bang Đức định nghĩa: Thất nghiệp là người lao động tạm thời không có quan hệ lao động hoặc chỉ thực hiện công việc ngắn hạn.

Tại Trung Quốc định nghĩa về thất nghiệp như sau: Thất nghiệp là người trong tuổi lao động (dân thành thị) có khả năng lao động, chưa có việc làm, đang đi tìm việc làm, đăng ký tại cơ quan giải quyết việc làm.

Theo tổ chức Lao động quốc tế (ILO): Thất nghiệp là tình trạng tồn tại một số người trong lực lượng lao động muốn làm việc nhưng không thể tìm được việc làm ở mức tiền lương thịnh hành.

Ở Việt Nam, thất nghiệp là vấn đề mới nảy sinh trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường. Vì vậy, tuy chưa có văn bản pháp qui về thất nghiệp cũng như các vấn đề có liên quan đến thất nghiệp, nhưng có nhiều công trình nghiên cứu nhất định. Những nghiên cứu bước đầu khẳng định thất nghiệp là những người không có việc làm, đang đi tìm việc và sẵn sàng làm việc.

Vậy, nguyên nhân từ đâu dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp và chúng ta cần phải làm gì để khắc phục tình trạng đó?

2. Thực trạng

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, đến quý 1 năm 2017, trong tổng lực lượng lao động cả nước có gần 918 nghìn lao động thiếu việc làm và lao động thất nghiệp là 1,14 triệu người. Thông thường, tình trạng thiếu việc luôn là vấn đề phổ biến ở khu vực nông thôn. Trong quý 1 năm 2017, hiện có gần 85,0% lao động thiếu việc làm sinh sống ở khu vực này. Xét về khác biệt giới, thị phần lao động nam thiếu việc là cao hơn so với lao động nữ (52,2% và 47,8 % tổng số lao động thiếu việc cả nước). Đồng thời, tình trạng thất nghiệp lại được quan tâm hơn ở khu vực thành thị. Mặc dù, tỷ trọng lao động thất nghiệp thành thị hiện thấp hơn, chỉ chiếm khoảng 47,6% tổng số lao động thất nghiệp cả nước. Hơn nữa, dựa trên kết quả điều tra lao động việc làm quý 1 năm 2017 cũng cho thấy lao động thất nghiệp nam là đông hơn so với lao động nữ (chiếm 58,9% và 41,1% trong tổng số lao động thất nghiệp cả nước). Nếu xem xét tình trạng thất nghiệp theo trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) tức là sinh viên ra trường có trình độ chuyên môn nhất định, trong quý 1 năm 2016, có tới hơn 32,3% số lao động thất nghiệp cả nước là lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc nghề từ 3 tháng trở lên. Trong đó, nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 38,6% tổng số lao động thất nghiệp nhóm này. 6 nhóm ngành/nghề đào tạo hiện có tỷ trọng lao động thất nghiệp có trình độ CMKT từ 3 tháng trở lên theo thứ tự là Kinh doanh và quản lý - 30,3%, Công nghệ kỹ thuật - 13,4%, Sức khỏe - 10,7%, Dịch vụ vận tải - 9,5% và Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên - 9,0%. Chỉ khoảng 3,6% nhóm lao động thất nghiệp có trình độ CMKT là có 2 bằng/chứng chỉ đào tạo trở lên.

Giải pháp vấn đề thất nghiệp của sinh viên

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động được tính cho nữ từ 15-54 tuổi và nam từ 15-59 tuổi. Quý 1 năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước đạt 2,30%. Trong đó, khu vực thành thị (3,24%) cao hơn nông thôn (1,83%). Chênh lệch giới về tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 0,5 điểm phần trăm. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở nam hiện là 2,52% và ở nữ là 2,04%.

Giải pháp vấn đề thất nghiệp của sinh viên

Tình trạng thất nghiệp của sinh viên mới ra trường gia tăng đáng kể. Thậm chí, có một số trường hợp sinh viên ra trường cả hai, ba năm vẫn không tìm được việc làm, chứ đừng nói đến chuyện tìm được công việc đúng ngành nghề. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của sinh viên hiện nay là do đâu?

2.1. Không có định hướng nghề nghiệp trước khi học

Ở Việt Nam, việc chọn nghề phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của các bậc phụ huynh. Với tâm lý luôn muốn che chở, bao bọc con, các bậc cha mẹthường thiên về những ngành an toàn, mang lại danh tiếng, như kỹ sư, bác sĩ, và con cái thì cũng thụ động, cha mẹ chọn ngành gì con học ngành đó. Mặt khác, xu hướng thị trường cũng là một điều đáng nói. Một số bạn trẻ còn có xu hướng chạy theo các nghề hot để theo kịp bạn bè, chứ không thực sự vì đam mê và đúng sở trường.

Những thông tin trên như là một hồi chuông cảnh báo cho thực trạng định hướng nghề hiện nay khi mà các học sinh hầu như không có một định hướng nghề cho bản thân, không biết mình thích gì và có thể làm gì sau này, đâu là điểm mạnh và điểm yếu của bản thân? Không biết định hướng và lựa chọn cho mình ngành học phù hợp, sinh viên sẽ dẫn đến tình trạng chán nản, kết quả học tập sút kèm, không có sự yêu thích và tâm huyết, Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp cho tương lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo dựng một sự nghiệp thành công.

2.2. Sinh viên ra trường thiếu kỹ năng làm việc

Nhiều doanh nghiệp lớn cho biết:Kỹ năng của sinh viên mới ra trường là chưa hình thành nếu không muốn nói là không có. Sinh viên ra trường hiện nay có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng cần thiết để làm việc. Một số bạn trẻ còn cho rằng, các nhà tuyển dụng chỉ cần tuyển người có năng lực chuyên môn, vi tính thành thạo, ngoại ngữ bằng A, B, C Chính vì thế, các bạn đổ xô rủ nhau đi học bằng này bằng kia, khóa học này khóa học kia, nhưng các bạn không hề biết rằng, các chủ doanh nghiệp và công ty, nhất là các công ty nước ngoài luôn chú trọng đến các kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng lập kế hoạch mục tiêu, xử lý nhanh những khó khăn trong tình huống bất ngờ

Mặc dù, quá trình tìm việc cũng không phải dễ dàng gì. Trừ một số bạn có mối quan hệ rộng rãi hay được cha mẹ gửi gắm, số còn lại, đa phần các bạn còn quá thụ động trong quá trình tìm việc. Các bạn chưa tự tin vào bản thân, thiếu nghị lực và dũng cảm để đương đầu với những khó khăn, thậm chí có bạn còn chưa rõ mình thích làm gì, thích làm công việc như thế nào. Các bạn không biết rằng, trong môi trường công việc đầy cạnh tranh và năng động, trang bị tốt cho mình các kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thuyết trình, quản lý thời gian, mới thực sự là yếu tố quyết định giúp bạn khác biệt và làm việc hiệu quả.

2.3. Chất lượng đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội

Trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã đầu tư rất nhiều vào các trường đại học quốc gia nhưng kết quả không có gì khả quan khi số lượng sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp. Bên cạnh đó, với tiếp cận xã hội hóa giáo dục cho phép nhiều trường đại học tư được mở ra rộng kích thích cạnh tranh giữa các trường nhà nước và trường tư.

Tuy nhiên, chúng ta cũng chẳng mong đợi gì nhiều ở kết quả này, bởi các đại học tư vì lợi nhuận chỉ cấp bằng, họ không đào tạo đúng và trúng. Cả hai cách cải tiến trên đều làm nảy sinh số người tốt nghiệp cao nhưng không có kỹ năng để làm việc trong công nghiệp. Bên cạnh đó, thành tích của các cấp học dưới đẩy lên các cấp học trên đã khiến những người làm giáo dục bất chấp hậu quả mà chính người học và xã hội phải gánh là tạo ra những sản phẩm không đủ chất lượng, dẫn đến hậu quả đầu ra của đội ngũ nhân lực nước ta yếu và nền giáo dục Việt Nam ngày càng tụt hậu.

Một nguyên nhân khác là do các trường đại học, cao đẳng còn xem nhẹ phần thực hành mà quá đặt nặng lý thuyết. Ngoài ra, còn do chương trình đào tạo ở các trường vẫn theo lối tư duy cũ, thiếu thực tế, cơ sở vật chất nghèo nàn

Chúng ta chuyển dần từ giáo dục truyền thống, giáo dục thời đại công nghiệp sang giáo dục thời đại thông tin. Đây là hệ thống giáo dục mới tập trung phần lớn vào kiến thức kỹ thuật và ứng dụng của công nghệ để giải quyết các vấn đề kinh doanh, sinh viên học chính thức nền tảng không chỉ trong nhà trường, mà còn tiếp tục trong cả đời họ vì không ngại lúc nào cũng thay đổi.

Ngoài ra, chúng ta cải tiến kỹ năng công nghiệp cho mọi người dân, tạo cho người dân có trí thức sẵn có để làm việc, đây là nhân tố chính cho tăng trưởng kinh tế của địa phương. Đặc biệt, chúng ta thay đổi tư duy nên nhìn nhận các trường đại học như là một doanh nghiệp, họ có thể đào tạo sinh viên đúng thực chất bằng việc cộng tác với công nghiệp gắn với nhu cầu thị trường và cập nhật chương trình đào tạo tương ứng.

2.4. Trình độ ngoại ngữ vẫn còn nhiều hạn chế

Một trong các lý do tạo nên làn sóng cử nhân thất nghiệp chính là vấn đề tiếng Anh. Chúng ta đều biết tiếng Anh được xem như là tấm vé thông hành trong tất cả mọi ngành nghề trong thời kỳ hiện đại. Thực ra, hầu hết sinh viên ở các trường đại học đều được học tiếng Anh, nhưng chính thái độ học thụ động, không áp dụng thực tế thì khi ra trường, kỹ năng ngoại ngữ chỉ là con số 0. Chỉ có được động lực học, cách học phù hợp, khoa học, áp dụng vào môi trường thực tế mới có thể nâng cao trình độ tiếng Anh, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

2.5. Luôn than trách và đổ lỗi cho số phận

Đó là điều mà sinh viên vẫn thường làm để che đậy sự lười nhác của bản thân. Luôn đổ lỗi cho không có chỉ tiêu rồi đào tạo nhưng không đảm bảo đầu ra. Tốt nghiệp và ngồi chờ nhà tuyển dụng. Luôn than trách không có việc làm, đó là điều càng khiến sinh viên vùi mình sâu hơn vào nguy cơ thất nghiệp. Đỗ lỗi cho không có cơ hội việc làm, đỗ lỗi cho chất lượng đào tạo của giáo dục

Phải thừa nhận rằng, có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ngày càng lớn như hiện nay. Nhưng trước khi mổ xẻ những nguyên nhân sâu xa, chúng ta cần làm rõ nguyên nhân ngay trước mắt. Đó là sự kém cỏi của sinh viên ngay trên giảng đường. Đừng chỉ tốt nghiệp với tấm bằng trên giấy mà hãy bước ra khỏi giảng đường với những kiến thức cần thiết cho tương lai.

3. Giải pháp

Hiện nay, Việt Nam đã và đang tiếp cận và áp dụng các khuyến nghị mới của Tổ chức Lao động Quốc tế về lao động và việc làm. Tuy nhiên, với những nước đang phát triển - nền kinh tế vẫn mang đậm dấu ấn nông nghiệp hoặc việc làm phi chính thức chiếm thị phần đáng kể trong nền kinh tế hay mức sống của người dân chưa cao và an sinh xã hội chưa đầy đủ, vì vậy người lao động thường chấp nhận làm bất cứ loại công việc gì, kể cả những công việc có mức thu nhập thấp, bấp bênh, điều kiện làm việc không đảm bảo nhằm nuôi sống bản thân và gia đình hơn là thất nghiệp dài để chờ đợi công việc tốt hơn. Vì vậy, để giải quyết rõ rệt tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường hiện nay, cần:

- Về phía sinh viên:

Thứ nhất, học sinh; sinh viên cần định hướng sơ bộ về nghề nghiệp của mình trong tương lai. Học sinh, sinh viên cần thay đổi nhận thức, hiểu được đầu ra của ngành học. Học sinh, sinh viên cần học những ngành nghề mà trong đó có sự đam mê, yêu thích của bản thân và phù hợp với khả năng của mình. Đồng thời, các giảng viên của nhà trường nên kết hợp cùng với lãnh đạo của các doanh nghiệp trao đổi và định hướng nghề nghiệp phù hợp với từng tân sinh viên, dựa trên việc phân tích tính cách, đặc điểm gia đình, sở thích...của từng cá nhân để đưa ra lời khuyên cho các em nên chọn ngành nào phù hợp với mình, có cơ hội việc là tốt nhất và phát huy được năng lực cao nhất.

Thứ hai, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng. Nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng làm việc cho sinh viên cần có sự kết hợp giữa sinh viên và nhà trường. Việc học đi đôi với thực hành, học đến đâu có thể thực hành đến đó để việc giảng dạy không còn mang ý nghĩa trừu tượng mà còn mang tính ứng dụng thiết thực. Sinh viên cần thực hiện nghiêm túc trong quá trình đi kiến tập, thực tập. Nếu sinh viên coi hoạt động kiến tập, thực tập cho hết môn thì sẽ không khác gì vẫn chạy theo lý thuyết mà không có thực tế.

Thứ ba, sinh viên cần nghiêm túc học hành ngay khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Sự nghiêm khắc trong quá trình học tập của bản thân sẽ giúp sinh viên tự rèn luyện tính cách, kỹ năng đồng thời đạt kết quả tốt trong quá trình học tập, sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc chuyên môn ngay sau khi ra trường.

- Về phía Nhà nước:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế thị trường lao động, tạo khung pháp lý phù hợp, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Thực hiện đúng các luật về lao động, tiền lương tối thiểu, bảo hiểm lao động, xuất khẩu lao động, pháp lệnh đình công... Người lao động được quyền hưởng lương đúng với số lượng và chất lượng lao động họ đã bỏ ra, phải được bảo đảm về chỗ ở và những điều kiện môi trường lao động, an sinh khác theo đúng luật pháp.

Thứ hai, Nhà nước cùng các doanh nghiệp cần phải quan tâm đào tạo công nhân trình độ cao, trình độ lành nghề, trình độ văn hóa đối với lao động trẻ, khỏe, nhất là khu vực nông thôn để cung ứng cho các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ và xuất khẩu lao động.

Thứ ba, đa dạng hóa các loại hình thị trường, các lớp dạy nghề của Nhà nước, của tư nhân và quốc tế; áp dụng cơ chế thị trường trong dạy nghề, dần dần hình thành thị trường dạy nghề phù hợp với pháp luật. Thực hiện quy hoạch đầu tư tập trung hệ thống dạy nghề, kỹ thuật thực hành qua lao động trực tiếp; đặc biệt là xây dựng các trường dạy nghề trọng điểm quốc gia.

Thứ tư, thực hiện hiệu quả dự án hỗ trợ đào tạo giảng viên; xây dựng cơ chế xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trung cấp, đào tạo cao đẳng, đại học hàng năm trên cơ sở nhu cầu của thị trường lao động, năng lực đào tạo và tỷ lệ người học tốt nghiệp có việc làm của cơ sở đào tạo; chỉ đạo các cơ sở đào tạo đầu tư nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, hợp tác với đơn vị sử dụng lao động để xây dựng chương trình đào tạo cân đối giữa lý thuyết và thực hành, xây dựng chuẩn đầu ra, hỗ trợ sinh viên thực tập và đánh giá sinh viên tốt nghiệp theo yêu cầu của thị trường lao động.

4. Kết luận

Việt Nam là nước có cơ cấu dân số tương đối trẻ, đây là một thế mạnh rất lớn để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên lợi thế và tiềm năng của nguồn nhân lực. Có thể thấy việc tạo công ăn việc làm cho người lao động nói chung và sinh viên sau tốt nghiệp nói riêng không phải là vấn đề của riêng ai. Tuy nhiên, điều đó không thể giải quyết được trong một sớm một chiều, mà đây là vấn đề xuyên suốt của xã hội từ thời kì này qua thời kì khác cần được Nhà nước quan tâm và giải quyết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tổng cục Thống kê năm 2016 - 2017

2. ThS. Nguyễn Thúy Hà, Chính sách việc làm: Thực trạng và giải pháp, Trung tâm Nghiên cứu khoa học - Viện Nghiên cứu Lập pháp

UNEMPLOYED STUDENTS AFTER GRADUATION CAUSES AND SOLUTIONS

MA. NGUYEN THI THU TRANG

Faculty of Environmental and Natural Resources Economics

Hanoi University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

In previous years, the rate of trained workers, especially formal vocational training, was still low, leading to unsafe work quality and unsatisfactory job requirements. Currently, although the educational status of labor is constantly improving, the degree system is enhanced and expanded but unemployment rate continues to increase. The number of unemployed graduate students from regular universities and colleges in the country is increasing, and some graduates work in sectors that dont require degrees. The phenomenon of students after graduation becoming workers, or doing jobs that do not need to college degrees are no strange things. The status is alarmingly dangerous. Therefore, addressing unemployment for workers in general and students in particular is a top concern today.

Keywords: Unemployment, students, labor quality, education status.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây