Hiệu lực bảo vệ của vaccine là gì


Câu hỏi này của các bậc phụ huynh xuất hiện trước khi Việt Nam tiến hành tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ.

Từ cuối tháng 10, TP.HCM đã bắt đầu tiêm vaccine cho nhóm tuổi từ 12-17. Và từ tháng 11, các tỉnh thành trên toàn quốc cũng lên danh sách các em học sinh trong độ tuổi để chuẩn bị tiêm. Hiện nay, hai vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép để tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna. “Liệu tiêm cho trẻ có an toàn không?”, “trẻ nào được tiêm, trẻ nào không được tiêm?”, “liệu vaccine có tác hại lâu dài nào đến sức khỏe của trẻ?”, “có nhất thiết phải tiêm cho trẻ không?” là những câu hỏi phổ biến nhất đối với các bậc phụ huynh không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy câu trả lời cho các câu hỏi này là gì?

Hiệu quả, độ an toàn và tác dụng phụ của vaccine

Có lẽ đến hiện tại, hiệu quả của vaccine Pfizer và Moderna đối với người lớn trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID-19 hay chuyển nặng và tử vong không còn khiến nhiều người băn khoăn nữa. Nhưng hiệu lực của nó đối với trẻ em ra sao?

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Vaccine COVID-19 cho trẻ em: Những điều cần biết” do Hiệp hội Học sinh Hà Nội – Amsterdam tổ chức, TS. BS Trần Nam Trung (chuyên gia về y tế công cộng, hiện đang nghiên cứu về vaccine tại một công ty dược phẩm tại Mỹ) cho biết, cả hai loại vaccine này đều có hiệu lực bảo vệ rất cao đối với trẻ em trong các thử nghiệm lâm sàng. “Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba củaPfizercho thấy sau khi tiêm hai mũi, vaccine có hiệu lực 100% với trẻ từ 12-15 tuổi (vaccine này đã gộp nhóm từ 16 tuổi trở lên với người lớn và đã cấp phép trước đó). Thử nghiệm củaModernacũng cho thấy vaccine có hiệu lực 100% với nhóm 12-17 tuổi”, ông nói.

Gần đây, một nghiên cứu củaCDC Mỹcũng cho thấy, vaccine Pfizer có hiệu lực khoảng 93% trong việc bảo vệ trẻ khỏi các ca bệnh nặng và nhập viện. Trước đó, một nghiên cứu khác của Israel cũng chỉ ra, hiệu lực bảo vệ khỏi nhập viện của vaccine này là khoảng 92%. “Như vậy, kết quả thực tế và kết quả thử nghiệm lâm sàng rất tương đồng, và chúng ta có thể tương đối tin tưởng hai vaccine được cấp phép về mặt hiệu lực”, ông nói.

Hiệu lực bảo vệ của vaccine là gì

Các tỉnh, thành phố đang lên kế hoạch tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Ảnh minh họa: hanoicdc.gov.vn

Nhưng có lẽ, điều mà phụ huynh quan tâm nhất chính là việc tiêm vaccine cho trẻ có dẫn đến những tác dụng phụ gì nguy hiểm không? Theo TS. BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Pfizer là vaccine đã có nhiều dữ liệu nhất trong việc tiêm cho trẻ em và kết quả cho thấy vaccine này khá an toàn. “Giống như người lớn, tác dụng phụ hay gặp nhất là sốt, đau người, mệt mỏi sau khi tiêm. Những tác dụng phụ này rất nhẹ, chỉ 1-2 ngày là tự hết và chỉ cần uống paracetamol để hạ sốt, giảm đau là khỏi. Ngoài ra, sưng hạch cũng là một phản ứng phụ hay gặp - tuy nhiên đây cũng chỉ là phản ứng miễn dịch hoàn toàn bình thường”, bà nói.

Một số người lo lắng về nguy cơ trẻ bị phản vệ khi tiêm vaccine song “không chỉ với vaccine mà hiện tượng phản vệ có thể xảy ra với bất cứ ai và bất cứ cái gì. Có rất nhiều lý do có thể khiến chúng ta bị phản vệ như ăn hoa quả, hải sản, tiếp xúc với hóa chất trong dầu gội,... Sẽ không thể biết ai sẽ bị phản vệ hoặc không vì đấy là phản ứng của cơ thể và không có gì có thể đo lường được”, TS. BS Thu Anh giải thích, “điều quan trọng nhất là phải dự phòng, và khi phản vệ xảy ra thì xử lý ngay lập tức. Nếu như vậy thì hoàn toàn rất an toàn”.

Có một số người băn khoăn rằng vaccine COVID-19 chỉ thử nghiệm trên khoảng 3.000 trẻ trong quá trình nghiên cứu, liệu có tác dụng phụ hiếm gặp nào khác chưa được phát hiện hay không? TS.BS Nam Trung giải thích, thử nghiệm giai đoạn ba trên người lớn có cỡ mẫu lớn với khoảng 30.000 - 40.000 người. “Vì vaccine COVID-19 lấy người trưởng thành là nhóm chính, do đó khi mở rộng ra nhóm tuổi khác như trẻ em, thường chỉ cần lấy cỡ mẫu nhỏ hơn. Đây là một nguyên tắc chung rất đặc trưng trong phát triển và thử nghiệm lâm sàng với vaccine. Do đó chúng ta không cần quá lo lắng về cỡ mẫu thử nghiệm nhỏ ở trẻ em vì nó không nói lên rằng có ít thông tin hơn về phản ứng vaccine hay nguy hiểm hơn khi tiêm cho trẻ”. Quan trọng hơn, “vaccine này đã được sử dụng ở rất nhiều nước. Đặc biệt chỉ riêng ở Mỹ đã có 50% trẻ em từ 12-17 đã tiêm đủ hai mũi vaccine, và 60% tiêm ít nhất một mũi, tương đương ít nhất khoảng 11 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm vaccine này và được theo dõi kỹ lưỡng. Với cỡ mẫu rất lớn như vậy thì gần như đảm bảo có thể phát hiện ra tất cả các phản ứng phụ hiếm gặp”, TS. BS Nam Trung nhận định.

Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim là tác dụng phụ hiếm gặp đáng quan tâm nhất khi tiêm vaccine mRNA, đặc biệt là ở trẻ em trai và từ 16 tuổi trở lên. Đây là một hiện tượng chủ yếu xảy ra sau khi tiêm mũi hai từ 3-7 ngày, với biểu hiện trống ngực đập nhanh hay cảm thấy khó thở. Tuy nhiên, “đã có rất rất nhiều nước dùng cho trẻ em và thấy tỷ lệ viêm cơ tim thấp, đồng thời nếu có bị thì cũng hầu như rất nhẹ”, TS. BS Thu Anh nói. Bà cũng nêu dẫn chứng về một tổng kết của Mỹ cho thấy trong một triệu trẻ từ 12-15 tuổi được tiêm vaccine Pfizer, chỉ có khoảng 160 trẻ bị viêm cơ tim, tương đương trong khoảng 10,000 trẻ mới có 1-2 trẻ gặp phản ứng phụ này. “Đây là xác suất thấp”, bà cho biết.

Nhưng liệu trẻ đã có tiền sử bệnh đặc biệt thì có nguy cơ gặp phản ứng phụ này cao hơn không? Hiện nay chúng ta không biết phản ứng phụ có thể xảy ra trên bé nào, “cũng giống như phản ứng phản vệ, chúng ta chưa biết nguyên nhân tại sao và việc có tiền sử bệnh tim hay không thì không phải chỉ dấu cho thấy trẻ đó có nguy cơ cao hơn”, TS.BS Nam Trung nói. Bởi vậy, hiện nay, vaccine COVID-19 chỉ chống chỉ định tiêm với trẻ có tiền sử dị ứng với một trong những thành phần tạo thành vaccine, hoặc trì hoãn tiêm với những trẻ đang mắc bệnh cấp tính, còn lại tất cả những trẻ khác đều có thể tiêm được với mức độ an toàn cao.

Và liệu vaccine có thể gây ra hậu quả gì về lâu dài cho trẻ em không? Với một vaccine mới như vaccine COVID-19, hiện chưa thể có nghiên cứu nào theo dõi cả một quãng thời gian dài 5-10 năm, do đó các nhà nghiên cứu chưa thể có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, “các vấn đề cần lo lắng thường xảy ra ngay sau tiêm và các tác dụng phụ hiếm gặp hơn như viêm cơ tim cũng thường chỉ xuất hiện trong vòng vài tuần đổ lại”, TS.BS Nam Trung nói và nhấn mạnh, “dựa trên rất nhiều cơ chế về miễn dịch, bệnh học, ta sẽ thấy không có nhiều lý do về mặt lý thuyết để lo lắng về tác dụng phụ kéo dài của vaccine, nếu đã có phản ứng phụ thì thường sẽ biết ngay”.

Có cần phải tiêm cho trẻ?

Có thể thấy, việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em có hiệu quả cao và tương đối an toàn. Tuy nhiên, do trẻ em mắc COVID thường có biểu hiện rất nhẹ và ít có nguy cơ chuyển nặng hay tử vong hơn các nhóm lớn tuổi, câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: có cần thiết phải tiêm vaccine cho trẻ không, khi mà nguy cơ gặp tác dụng phụ từ vaccine dù thấp nhưng vẫn hiện hữu?

Đây là một bài toán phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Đối với TS.BS Thu Anh, dù băn khoăn này là chính đáng bởi “chắc chắn là lợi ích tiêm vaccine cho trẻ em không ‘sáng lóa’ như lợi ích tiêm vaccine cho người cao tuổi” nhưng “theo một số tính toán trên thế giới, số trẻ bị bệnh nặng và tử vong cao gấp khoảng 2-3 lần so với số trẻ có thể bị viêm cơ tim do vaccine. Và hầu hết các trường hợp bị viêm cơ tim thì đều khá nhẹ. Do đó, nếu đặt lên trên bàn cân, tôi vẫn cho rằng lợi ích lớn hơn nguy cơ”. Cũng đồng tình với nhận định này, TS.BS Nam Trung cho hay, một số nghiên cứu cũng chỉ ra, người không tiêm vaccine khi nhiễm COVID có nguy cơ bị viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim còn cao gấp sáu lần so với người tiêm vaccine.

Quan trọng hơn, khi cân nhắc hai yếu tố lợi ích và rủi ro, “có một vấn đề mà chúng ta chưa nói đến nhiều, đó là bệnh ‘long COVID’ (COVID kéo dài)”, TS. BS Nam Trung nói. Dù phổ biến ở người lớn hơn trẻ em, tuy nhiên nghiên cứu ở Anh đã cho thấy có 7-8% trẻ có các triệu chứng kéo dài của COVID sau ba tháng như mất ngủ, mệt mỏi, trầm cảm, mất tập trung trong học tập. “Đáng chú ý hơn, trong nhóm này có một số em mắc một bệnh nữa là multisystem inflammatory syndrome (hội chứng viêm đa tạng), xảy ra từ 2-6 tuần sau khi mắc COVID. Đây là một bệnh rất nặng ở trẻ em khiến cho 2/3 số trẻ mắc phải nó phải nhập viện và 1% tử vong”, ông nói.

Ngoài vấn đề sức khỏe thể chất, TS.BS Nam Trung cũng chỉ ra một vấn đề khác liên quan là sức khỏe tâm thần của trẻ em. Việc bị bệnh nặng, nhập viện hay chứng kiến các trường hợp tử vong sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ em. "Một số nghiên cứu nhận thấy việc trẻ em phải ở nhà quá lâu, không được đi học trong khi đáng nhẽ lứa tuổi này phải hoạt động rất nhiều đã khiến cho trẻ bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng, trầm cảm, lo âu tăng lên rõ rệt so với trước dịch. Đó cũng là lý do nhiều nước lúc đầu không định tiêm cho trẻ em nhưng sau đó lại thực hiện”, ông giải thích, “việc tiêm hay không tiêm còn là yếu tố xã hội nữa, ngoài việc bảo vệ những người xung quanh thì tiêm vaccine còn là bảo vệ sức khỏe tâm thần cho chính trẻ”.

Vậy với những trẻ đã từng bị nhiễm COVID-19 rồi thì có cần tiêm nữa hay không? Theo TS.BS Nam Trung, một số nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, những người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ khi mắc COVID đều tạo ra lượng kháng thể ít hơn so với người bị bệnh nặng. “Do trẻ em khi nhiễm COVID đa số khỏi nhanh và ít triệu chứng so với người lớn, khả năng tạo ra kháng thể, miễn dịch bảo vệ tự nhiên của trẻ cũng kém hơn người lớn. Trong khi đó, nghiên cứu cũng chỉ ra vaccine tạo ra lượng kháng thể cao hơn và tồn tại lâu hơn so với miễn dịch tự nhiên. Bởi vậy, trẻ đã bị nhiễm rồi thì chỉ cần hết triệu chứng là vẫn có thể tiêm được, không cần thiết phải đợi quá lâu”, TS.BS Nam Trung nói.

Vậy vấn đề cần bàn đến ở đây sẽ là tiêm vaccine cho trẻ em như thế nào? Chẳng hạn, đối với liều tiêm, “hiện tại, một số nước như Anh, Na Uy mới chỉ khuyến cáo tiêm một mũi cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi. Lý do của họ là khi cân bằng giữa lợi ích và rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh đang còn ít hoặc độ bao phủ vaccine trong cộng đồng cao, họ thấy một mũi vaccine đã bảo vệ trẻ em được tương đối, trong khi nếu tiêm thêm mũi hai thì nguy cơ trẻ gặp tác dụng phụ có thể cao hơn số trẻ em được bảo vệ khỏi ca bệnh nặng”, TS.BS Nam Trung giải thích. Trong khi đó ở Mỹ - nơi có tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn và mức độ mở cửa đất nước cao hơn ở Anh, quốc gia này vẫn chọn tiêm đầy đủ hai mũi vaccine cho trẻ, đặc biệt trong bối cảnh biến chủng Delta khiến cho hiệu lực bảo vệ của một mũi vaccine giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, dù cần tiêm vaccine để bảo vệ trẻ em, một yếu tố rất cần cân nhắc đó là tiêm cho trẻ vào lúc nào? Đó là câu hỏi dành cho các nhà hoạch định chính sách. Ở Việt Nam, đây sẽ là những câu hỏi quan trọng để Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cân nhắc xem trẻ em nên được tiêm chủng như thế nào.

Với cơ chế bệnh học của COVID-19, rõ ràng người càng cao tuổi, càng suy giảm miễn dịch thì nguy cơ chuyển nặng và tử vong khi mắc COVID-19 càng cao. Do đó, cần phải ưu tiên tiêm cho người cao tuổi và trẻ em (ngoại trừ các em bị bệnh nền) vẫn nên là nhóm tiêm sau cùng.

TS.BS Trần Nam Trung

Theo khoahocphattrien.vn


Tìm theo ngày: