Hướng dẫn áp dụng các tình tiết tăng nặng

Những quan điểm khác nhau về áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội có tính chất côn đồ, côn đồ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 BLHS và điểm c khoản 1 Điều 3 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017

Thứ sáu - 30/07/2021 08:23
Từ khi Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực pháp luật đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ hơn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng dễ dàng hiểu và áp dụng pháp luật hơn. Đã giảm hình phạt tử hình đối với một số đối tượng, thay đổi chính sách xử lý đối với người chưa thành niên, cụ thể hóa các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự,
Đối với tình tiết tăng nặngphạm tội có tính chất côn đồ vẫn được kế thừa qua các lần thay thế, sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, tuy nhiên tình tiết này vẫn chưa được định nghĩa một cách cụ thể nhất để cùng thống nhất trong liên ngành tố tụng các cấp để thống nhất áp dụng triệt để.
Cụm từ phạm tội có tính chất côn đồ được quy định là tình tiết tăng nặng tại điểm d khoản 1 Điều 52 và là tình tiết định khung tăng nặng của một số tội, điển hình như: Tội giết người quy định tại Điều 123; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Quá trình công tác, bản thân đã tìm hiểu công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và ý kiến tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995 giải thích có tính chất côn đồ là hành động của những tên: Coi thường pháp luật; Luôn phá rối trật tự trị an; Sẵn sàng và thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác; Vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự người khác. Ngoài ra, bản thân chưa tìm thấy được văn bản nào khác để có hướng dẫn và áp dụng thống nhất về tình tiết tăng nặng trên dẫn đến nhận định, đánh giá thế nào là phạm tội có tính chất côn đồ quy định tại điểm d khoản 1 điều Điều 52 và khái niệm côn đồ là như thế nào của điểm c khoản 1 Điều 3 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội cũng như tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì những trường hợp không được hưởng án treo có đối tượng Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hiện nay vẫn còn các quan điểm trái chiều, cụ thể như:
Quan điểm thứ nhất: Tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ chỉ áp dụng đối với các tội xâm phạm về tính mạng, sức khỏe mà không áp dụng đối với các loại tội khác và tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ và côn đồ là như nhau.
Quan điểm thứ hai thì cho rằng: Tùy vào tình tiết nội dung vụ án mà tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ có được áp dụng hay không, chẳng hạn như đối với Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, quy định tại Điều 178 BLHS, quá trình điều tra xác định bị can không có mâu thuẫn với bị hại, đang bực tức chuyện cá nhân, thấy tài sản của bị hại thì đập phá, hủy hoại chỉ vì thỏa mãn sự tức giận của bản thân thì hành vi của bị can phải được đánh giá là phạm tội có tính chất côn đồ;phạm tội có tính chất côn đồvà côn đồ là khác nhau, bởi lẽ phạm tội có tính chất côn đồ là những hành vi cụ thể của bị can thực hiện trong một vụ án cụ thể, bộc lộ sự côn đồ, hung hăng của thái độ, hành vi. Riêng côn đồ là đánh giá về bản chất con người, về nhân thân lai lịch của bị can. Chẳng hạn như bị can là người có nhân thân thân xấu, lưu manh, đâm thuê chém mướn tuy nhiên khi thực hiện một hành vi phạm tội lại không mang tính chất côn đồ của hành vi thì không thể áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội có tính chất côn đồ.
Như vậy, hiểu như thế nào, áp dụng như thế nào tình tiết tăng nặng phạm tội có tính chất côn đồ, nghiêm trị người côn đồ có ý nghĩa rất lớn đối với việc quyết định mức hình phạt của bị cáo. Bản thân rất mong cấp trên có văn bản cụ thể hơn, thống nhất về cách hiểu, cách áp dụng, tránh việc áp dụng tùy nghi, thiếu thống nhất ở các địa phương hoặc trái quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương, góp phần đưa pháp luật được thực thi nghiêm minh và công bằng trong xã hội./.

Tác giả bài viết: Kim Chúc - Kiểm sát viên, VKSND thị xã Long Mỹ