Kể 5 hành vi vi phạm quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm

Đừng lấy cái sai để “trị” cái sai

(ĐCSVN) – Hiến pháp 2013 của ta quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm”. Do đó, những hành động dùng cái sai để “trị” cái sai, sử dụng hành vi vi phạm pháp luật này để giải quyết một hành vi vi phạm pháp luật khác là vi phạm nghiêm trọng quy định này.

Ngày 4-12, Công an Thành phố Thanh Hóa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội làm nhục người khác, cưỡng đoạt tài sản 2 vợ chồng chủ một cửa hàng quần áo. Nguyên nhân là do một nữ sinh 16 tuổi trộm đồ vật trị giá 160.000 đồng bị chủ cửa hàng bắt. Tuy nhiên, thay vì giáo dục, cảnh tỉnh, thông báo với cơ quan chức năng hoặc gọi người nhà đến bảo lãnh, thì chủ cửa hàng lại đánh đập nữ sinh, cắt tóc, cắt áo và bắt nữ sinh bồi thường 15 triệu đồng. Vụ việc nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận và nhận định, hành động của nữ sinh là sai, nhưng chủ cửa hàng thì lại ngang nhiên vi phạm pháp luật khi công khai xâm hại thân thể, xúc phạm, chà đạp lên nhân phẩm, cùng với cưỡng đoạt tài sản gấp cả trăm lần giá trị hàng hóa mà nữ sinh đánh cắp.

Trong cuộc sống thường ngày cũng xảy ra rất nhiều tình huống vi vi phạm pháp luật mà người ta vô tình hoặc cố ý mắc phải. Có thể kể ra những sự việc không hiếm gặp, đặc biệt là ở vùng nông thôn như những vụ việc đánh “hội đồng” những kẻ trộm chó, trộm đồ đạc bị bắt được; học sinh tụ tập gây gổ, đánh nhau, xúc phạm nhau; những vụ gây sát thương, thậm chí đoạt tính mạng của nhau vì bị lấn chiếm đất đai…

Nữ sinh ở Thanh Hóa bị chủ cửa hàng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) hành hạ, xúc phạm. Ảnh cắt từ clip

Những hành vi xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm của người khác đó được biện minh bằng lý do bị xâm phạm đến quyền và lợi ích; những kẻ xâm phạm quyền và lợi ích của người khác phải trả giá. Và hầu như, những người vi phạm pháp luật không nghĩ mình vi phạm pháp luật, mà đơn giản họ cho rằng mình có quyền “hành pháp”, quyền được trừng trị những kẻ gây ra thiệt hại cho bản thân, cho hả hê cái tôi mà không nghĩ đến hậu quả gây ra (như trường hợp chủ cửa hàng thời trang nọ). Bản thân người bị hại vi phạm pháp luật, nhưng những người đứng xem, cổ vũ, thậm chí “đánh hôi” đối tượng vi phạm cũng đang vô tư vi phạm luật pháp. Những hành xử vô cảm này cũng là tội ác và tiếp tay cho cái ác.

Có thể thấy những trường hợp trên là người ta đang dùng cái sai để “trị” cái sai, làm cho hành vi vi phạm pháp luật này chồng lên hành vi vi phạm khác. Và kết quả là, dù vô tình hay cố ý, thì cũng đã có những cái chết xảy ra, những vết thương cơ thể và tinh thần của những người bị xâm hại, và người gây ra hậu quả phải trả giá bằng nhiều năm tù. Chỉ lúc ấy, người vi phạm pháp luật trước, người vi phạm pháp luật sau cùng ân hận về những gì đã gây ra.

Điều 20 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Việt Nam quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Còn tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 33 nêu rõ “Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Điều 34 nhấn mạnh “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Như vậy, bất cứ một công dân Việt Nam nào cũng đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự và nhân phẩm. Khi bắt được kẻ trộm cắp, vi phạm pháp luật, người dân có nghĩa vụ trình báo và giao người bị bắt cùng tang vật, phương tiện cho cơ quan công an để xử lý đúng quy định pháp luật. Nếu tự ý thực hiện các hành vi trừng trị người vi phạm là đang vi phạm nghiêm trọng vào Hiến pháp, pháp luật.

Nguyên nhân của sự bất tuân pháp luật có rất nhiều, nhưng có thể kể ra một vài nguyên nhân như: do thói quen giải quyết công việc theo cảm tính, “trăm cái lý không bằng một tí cái tình”; do không hiểu biết dẫn đến tâm lý coi thường pháp luật; việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở nước ta chưa sâu rộng, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa nghiêm; hệ thống luật pháp của chúng ta còn nhiều “lỗ hổng” dẫn đến xử lý chưa nghiêm những đối tượng vi phạm pháp luật...

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân là giải pháp tiên quyết để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật. Do đó, trước tiên, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần phong phú với các nội dung phù hợp với tình hình kinh tế - chính trị - xã hội ở từng địa phương. Đẩy mạnh các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các nhà trường. Động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm đảm bảo xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác các trường hợp vi phạm pháp luật theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, từ đó tạo được sự tin tưởng vào pháp luật của mỗi người dân.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang thực hiện là nhà nước thực hành pháp luật, quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bản thân mỗi công dân cần có ý thức xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, mọi hoạt động đều phải bảo đảm tính hợp hiến và thượng tôn pháp luật. Hiểu biết và thượng tôn pháp luật, chúng ra mới có thể xử sự hợp lý khi tham gia các quan hệ xã hội, từ đó xây dựng một xã hội sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bởi suy cho cùng, pháp luật sinh ra là để phục vụ người dân, tạo ra môi trường xã hội an toàn, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thương Huyền

Câu hỏi: Pháp luật hiện hành quy định về quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe như thế nào? 

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Đại Tâm. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Mọi công dân đều được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Theo đó, Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nguyên tắc bảo vệ nhóm quyền này của công dân như sau:

+ Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

+ Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Đồng thời, mọi công dân đều có quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể. Vấn đề này được pháp luật ghi nhận tại Điều 33 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó:

+ Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

+ Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có điều kiện cần thiết đưa ngay đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gần nhất; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

+ Việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người; thực hiện kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới trên cơ thể người; thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện.

Trường hợp người được thử nghiệm là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý; trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người nêu trên thì phải có quyết định của người có thẩm quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, cá nhân được quyền bảo vệ danh dự nhân phẩm, đây là quyền quan trọng được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận tại Điều 20: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm...”. Không những thế, Ðiều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.”

Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là những quyền cơ bản và vô cùng quan trọng của công dân. Để bảo vệ tốt hơn các quyền này, Bộ luật dân sự cũng đưa ra những chế tài cụ thể để xử lý hành vi xâm phạm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Theo đó, các chế tài được quy định cụ thể như sau:

+ Tại Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.” Theo Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015: Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

+ Điều 591 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy khi nhận thấy danh dự nhân phẩm của mình bị xâm phạm cá nhân có quyền khởi kiện dân sự có kèm nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình đồng thời yêu cầu người gây ra thiệt hại phải bồi thường.

Tùy theo mức độ, hành vi của người có hành vi xâm phạm quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điều sau:

+ Xử phạt hành chính: Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

+ Trách nhiệm hình sự:

Người xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 về Tội làm nhục người khác hoặc Điều 156 Tội vu khống người khác tại Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngoài các tội phạm nêu trên, người xâm phạm quyền nhân thân có thể phạm các tội: Giết người, Cố ý gây thương tích, Vô ý làm chết người, Hiếp dâm...

Để tìm hiểu rõ hơn, vui lòng tham khảo những bài viết liên quan:

- Tội làm nhục người khác

- Tội vu khống

- Tội cố ý gây thương tích

- Tội giết người

Công ty Luật TNHH Đại Tâm chịu trách nhiệm về nội dung trả lời với câu hỏi trên và giữ bản quyền. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua Tổng đài 24/7 gọi số: 1900.9244 để nhận được sự tư vấn hoặc gửi thắc mắc đến Email: để được hỗ trợ cụ thể hơn.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Video liên quan

Chủ đề