Khó khăn trong đánh giá thiệt hại thiên tai năm 2024

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Thạch, địa chỉ mail ngoc_thach78****@gmail.com thắc mắc: Phương pháp thực hiện thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra được quy định như thế nào? Tôi hiện đang công tác tại Ủy ban huyện, đơn vị chuyên về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai nên rất quan tâm tới quy định này. Cho tôi hỏi pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp tôi. Xin cảm ơn!

Phương pháp thực hiện thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra được hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư liên tịch 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, theo đó:

1. Thống kê, thu thập thông tin về thiệt hại do thiên tai phục vụ tổng hợp số liệu thống kê, đánh giá thiệt hại được thực hiện như sau:

  1. Quan sát điều tra tại hiện trường nơi xảy ra thiên tai, kiểm đếm và thống kê thiệt hại về các chỉ tiêu đã quy định trong các Biểu mẫu, ghi kết quả vào Biểu mẫu thống kê.
  1. Thu thập số liệu thông qua điều tra trong các khu dân cư, qua báo cáo của chính quyền cấp cơ sở và các đoàn công tác tại hiện trường.

2. Tổng hợp và báo cáo

Số liệu về thiệt hại do thiên tai gây ra phải được thống kê và báo cáo kịp thời trước 24 giờ tính từ khi thiên tai bắt đầu xảy ra và được báo cáo hàng ngày cho đến khi kết thúc đợt thiên tai, cụ thể:

  1. Trong thiên tai: Thống kê, đánh giá thiệt hại được thực hiện theo nguyên tắc cộng dồn, bổ sung hoặc sửa đổi mức độ thiệt hại (nếu có) đến thời điểm báo cáo, ghi chép theo các biểu mẫu thống kê cho từng loại hình thiên tai được quy định tại Điều 6 thông tư này.
  1. Sau thiên tai: Báo cáo đầy đủ kết quả số liệu thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra thông qua các Biểu mẫu thống kê cho từng loại thiên tai được quy định tại Điều 6 thông tư này trên cơ sở tổng hợp, bổ sung, điều chỉnh (nếu có) của báo cáo nhanh hàng ngày.

3. Ước tính giá trị thiệt hại

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành đơn giá phục vụ công tác thống kê, tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để xác định giá trị thiệt hại.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về phương pháp thực hiện thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, được quy định tại Thông tư liên tịch 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.

Công tác trồng rừng ngập mặn ven biển góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai

Nhiều khó khăn, thách thứcViệt Nam là một trong những nước chịu nhiều ảnh hưởng của diễn biến thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và kinh tế cho người dân. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy: Trong 20 năm vừa qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 300 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng lớn đến đời sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và sự phát triển bền vững của đất nước.

Cụ thể trong 4 năm gần đây, thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Trong năm 2016, thiên tai làm 264 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng; Năm 2017, thiên tai đã làm 386 người chết, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng; Năm 2018, thiên tai làm 224 người chết, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 20.000 tỷ đồng.

Riêng 11 tháng năm 2019, Việt Nam đã xảy ra 6 cơn bão; 4 đợt không khí lạnh gây rét hại; 60 trận mưa lớn, lũ, ngập lụt; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 213 trận dông lốc, sét, mưa đá, 125 vụ sạt lở bờ sông; 8 đợt nắng nóng làm 126 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính: 5.000 tỷ đồng.

Nhận định về tình hình thiên tai tại Việt Nam trong những năm vừa qua, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: "Trong những năm qua, thời tiết trên cả nước diễn ra rất bất thường, không theo quy luật tự nhiên nên rất khó cho công tác cảnh báo, dự báo chính xác. Diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, liên tục xuất hiện các cơn bão lớn, siêu bão và cả những cơn mưa kéo dài gây xói mòn và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi".

Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta chưa thực sự bền vững. Trong đó có hiện tượng khai thác cát, khai thác rừng bữa bãi, phát triển hệ thống hồ, đập thủy điện chưa hợp lý cộng với sức ép tăng dân số lớn… kéo theo rất nhiều hệ quả phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình và diễn biến của thiên tai, bão lũ.

Một nguyên nhân nữa cũng khá phổ biến chính là tình trạng một vài địa phương còn chủ quan, chưa đánh giá đầy đủ mức độ nguy hiểm của thiên tai. Thậm chí, công tác điều hành phòng chống thiên tai tại các địa phương vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, chưa kiên quyết đôn đốc, hướng dẫn, cưỡng chế người dân khi xảy ra thiên tai, bão lũ.

Phát huy vai trò của toàn xã hộiCó thể nói, công tác nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy, công tác này cần được thực hiện thường xuyên và xuyên suốt trong quá trình phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Việc nâng cao nhận thức không chỉ với người dân mà cần tăng cường với cả cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai và các nhóm cộng đồng khác trong xã hội; phải chuyển hướng nhận thức và hành động "lấy phòng ngừa là chính”.

Do vậy, để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, các bộ, ngành, địa phương ngay từ lúc này cần tập trung triển khai giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao năng lực của cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng để nhân dân tự ứng phó trong những tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thời gian qua, các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương đã triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng tới vấn đề nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. Cụ thể, Việt Nam đã triển khai mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông nông thôn; mô hình xử lý nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn kết hợp giải pháp sinh kế cho người dân...

Bên cạnh đó, các địa phương đã tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng bằng những hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền kiến thức về biến đổi khí hậu rộng rãi đến nhân dân, giúp họ hiểu đúng bản chất của biến đổi khí hậu để thích nghi, chủ động điều chỉnh hành vi, tiến tới sống chung với thiên tai, bão lũ.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, để hạn chế tối đa những thiệt hại do sự bất thường của thiên tai gây ra, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, nhất là hiện tượng El-Nino để chủ động xây dựng giải pháp ứng phó. Ngoài ra, cần từng bước chuyên nghiệp hóa lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương xuống cơ sở, để chủ động ứng phó hiệu quả.