Kiếm tiền bằng cách xem video có thật không

Chỉ cần nộp 250.000 đồng đăng ký tài khoản rồi cứ thế ngồi xem video, là tiền về đầy túi. Bị dụ vào trò mới trong lúc nhàn rỗi vì giãn cách xã hội, song người chơi không rút được tiền, còn website, và admin mất hút.

Dấu hiệu lừa đảo

Thông qua mạng Internet, anh Phùng Văn T (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) biết website tienvetienve.com tuyển cộng tác viên, với công việc xem video kiếm tiền qua mạng. Cùng với nội dung này, anh T thấy họ đăng cam kết xem 10 giây, được 50 đồng; mỗi ngày được cung cấp 10 video để xem.

Trong lúc nhàn rỗi vì giãn cách xã hội, anh T đã tìm hiểu và đăng ký lấy tài khoản. Để sở hữu một tài khoản trên trang web này, anh phải chuyển 250.000 đồng để kích hoạt.

Anh T làm theo các hướng dẫn, chuyển tiền vào tài khoản mang tên Nguyễn Thị Thanh Hoa và đăng nhập thành công. Theo anh T, làm việc được vài ngày thì website bị khóa, hoặc mở lại nhưng không thể rút được tiền. Anh đã liên lạc với số điện thoại của admin, song thuê bao trong tình trạng không liên lạc được.

Cùng với anh T, anh Lê Anh T ở huyện Mê Linh (Hà Nội) cũng nộp 250.000 đồng vào tài khoản Ngân hàng mang tên Nguyễn Thị Thanh Hoa để xem video kiếm tiền qua mạng, tại website videokiemtien.com. Anh T cũng làm việc được một số ngày thì website bị khóa, hoặc mở lại nhưng không rút được khoản tiền làm việc trong thời gian đó.

Ngoài hai thanh niên trên, nhiều bạn đọc đã gửi đơn đến tòa soạn Báo Lao Động, cho hay cũng nộp số tiền 250.000 đồng. Sau khi đăng ký và cày video nhiều ngày, tiền cũng được đổ về tài khoản trên trang web. Họ cũng gặp phải trường hợp website bị khóa, nhiều số điện thoại admin không liên lạc được. Họ cho rằng đã bị những người đứng sau hai trang web trên lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Riêng trang videokiemtien.com có khoảng 10.000 tài khoản đăng ký, còn trang tienvetienve.com là 20.000 tài khoản, hai anh T và nhiều người khác khẳng định khi gửi đơn đến tòa soạn.

Cơ quan chức năng nói gì về vụ việc?

Theo tìm hiểu, khi đăng nhập website trên thì hiện lên dòng thông báo: Bảo trì nâng cấp và chuyển dữ liệu web. Tình trạng của các trang web này đã xảy ra nhiều ngày nay.

Trao đổi với PV Lao Động, một đại diện Cục An ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cho hay, theo diễn biến của sự việc thì đã có dấu hiệu lừa đảo. Theo đại diện A05, hiện tại thủ đoạn lừa đảo trên mạng đa dạng, rất nhiều. Ngoài ra, hoạt động trên không gian mạng đặc tính là ảo, nên tiếp cận nhanh với người dùng, một cách sâu rộng.

Chúng đánh vào tâm lý kiếm tiền của những người nhàn rỗi. Đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 này, người dân đang phải thực hiện giãn cách xã hội, đại diện A05 nói và cho hay, vừa qua, A05 điều tra một số vụ lừa đảo trong thời gian người dân thực hiện cách ly, cũng liên quan đến việc kiếm tiền.

Để thức tỉnh, cảnh báo, tuyên truyền cho người dân một cách sâu rộng thì cần phải có thời gian; việc tuyên truyền còn cần phải một chiến dịch. Tuy nhiên, theo đại diện này, khi cơ quan điều tra vào cuộc thì tiền đã không còn, đi đâu mất rồi.

Thời gian tới, A05 sẽ rà soát, triển khai, điều tra vụ việc trên. Bản thân người dân cũng phải dính vào việc này mới có được bài học - đại diện A05 cho biết.

Trong khi đó, một cán bộ điều tra của Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho hay, dấu hiệu của sự việc có liên quan đến hình thức lừa đảo đa cấp.

Ông Nguyễn Minh Long (Thạc sĩ, luật sư, Giám đốc Công ty Luật Dragon) cho biết, hành vi trên rất mới ở thời đại công nghệ số. Nhóm đối tượng đã sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản, lách luật.

Qua diễn biến sự việc xảy ra ở nhiều tỉnh thành, với nhiều người tố cáo, luật sư cho hay đủ dấu hiệu của tội phạm chiếm đoạt tài sản. Cơ quan chức năng cần thiết phải vào cuộc, khởi tố để điều tra.

Nếu 1 người tố giác khó khởi tố. Song với nhiều người, thì cơ quan điều tra cần vào cuộc, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản - luật sư Long nói.