Kiệu của Hoàng hậu gọi là gì

Khi quy hoạch và xây dựng hệ thống kiến trúc cung đình Huế vào đầu thế kỷ XIX, điện Thái Hòa được định vị tại một vị trí một địa điểm trung tâm trang trọng nhất trong Ðại Nội.

Ngay từ khi mới dựng xong, điện Thái Hòa và sân chầu đã được triều đình Gia Long quy định dùng làm nơi thiết đại triều nghi, tức là nơi tổ chức những cuộc họp mặt quan trọng nhất giữa Vua và các văn võ đình thần, mỗi tháng hai lần vào ngày mồng một và ngày rằm. Còn lễ thường triều thì diễn ra ở điện Cần Chánh và trên cái sân trước mặt nó, mỗi tháng bốn lần vào các ngày mồng 5, mồng 10, 20 và 25. Ngòai ra khu vực điện Thái Hòa cũng là nơi cử hành một số cuộc lễ thường kỳ và bất thường kỳ khác, như lễ đăng quang (vua lên ngôi), lễ vạn thọ (mừng sinh nhật Vua), lễ chúa thọ (mừng tuổi Vua nhân ngày Tết Nguyên Ðán), lễ Hưng Quốc Khánh niệm (mồng 2 tháng 5 âm lịch, ngày Gia Long phục quốc), lễ tiếp các sứ thần ngoại giao cao cấp...

Tùy theo ý nghĩa của từng cuộc lễ mà hình thức và nội dung các tiết mục diễn ra có phần khác nhau. Nhưng nếu nhìn một cách khái quát về tổ chức và nghi thức, thì các cuộc lễ đều có nhiều điểm tương tự. Dưới đây xin phác họa đôi nét về buổi lễ vạn thọ, tức là lễ mừng sinh nhật hàng năm của Vua.
Hôm lễ, vào đầu canh năm (khoảng 4 giờ sáng) một hồi trống vang lên ở Lầu Ngũ Phụng. Các viên quản vệ và cai đội dân khoảng 300 quân ngự lâm và lính vệ mang lễ bộ, vũ khí, cờ quạt, tàn lọng và nghi trượng ra đứng dàn bày trực sẵn từ hai bên điện Thái Hòa, dọc theo bờ hồ Thái Dịch cho đến phía ngoài Ngọ Môn. Hai bên hồ Thái Dịch và cầu Kim Thủy còn có 11 con voi đóng bành sơn son, 8 con ngựa đóng yên sơn son. Các con vật này được trang trí từ đầu đến chân bằng gấm thêu nhiều màu.

Vào khoảng 5 giờ sáng, trên lầu Ngũ Phụng vang lên hồi trống thứ hai. Các quan văn võ ăn mặc phẩm phục đại triều đi đứng trong sân chầu theo thứ tự phẩm trật, văn bên trái võ bên phải, để chờ đến giờ vua lâm triều. Trong số họ, chỉ có các hoàng thân, vương công, tôn tước mới mở được Thượng điện tức là chỉ có anh em,chú bác...thuộc nội thân của vua mới được đứng chầu bên trong điện Thái Hòa, còn các quan thuộc bách tính đủ tước vị lớn đến đâu cũng đều phải đứng ngoài sân. Tất nhiên dù ở ngoài sân hay trong điện cũng đều vắng bóng của phái đẹp.

Trong điện, ngoài ngai vàng đặt trên ba tầng bệ sơn son thếp vàng, còn có hai bàn khá cao: một cái đặt ngay trước ngai vàng, trên bàn lúp khăn vàng, gọi là hoàng án, một cái đặt ở gian tả nhị, sau hàng cột thứ hai bàn lúp khăn đỏ, gọi là châu án. Trên hoàng án có một lô trầm và một ống Kim Phụng vẽ rồng vàng, bên trong đựng tờ chiếu của Vua ban cho các quan và thần dân trong dịp lễ mừng. Trên châu án có hai cái tráp bằng gỗ sơn thép: một cái đựng hạ biểu (tờ biểu viết lời chúc mừng) của các quan trong triều; một cái đựng hạ biểu của các quan tình trong cả nước. Ðôi khi còn có hạ biểu của các sứ thần thuộc nước đến kinh đô chúc mừng Vua nữa.

Hai bên mé sân chầu, có hai ban đại nhạc, tiểu nhạc và 16 ca công đứng chờ đến giờ hành lễ để làm nhiệm vụ sau lưng họ là 64 người lính thuộc các đội hộ vệ và Cảnh tất mặc nhung phục đứng mỗi bên 4 hàng, mỗi hàng 8 người.

Lúc trời vừa hửng sáng thì trống trên lầu Ngọ Môn vang lên hồi thứ ba. Một lá cờ đại và các loại cờ khánh kỳ với nhiều màu sắc khác nhau được kéo lên trên Kỳ Ðài. Quan Khâm Thiên Giám báo đã đến giờ làm lễ. Quan thượng thư bộ lễ và quan đô sát ngự sử đi vào điện Cần Chánh tâu cho vua biết. Nhà vua mặc áo hoàng bào, đội mũ cửu long, thắt đai ngọc, cầm hốt trấn khuê, đang chờ sẵn ở đó. Trên kỳ đài bắn 9 phát súng lệnh. Vua lên kiệu để ngự ra điện Thái Hòa. Ngòai Ngọ Môn nổi chiêng trống. Hai bên kiệu Vua có các quan cận thần và một số lính thuộc các đội túc vệ, ngự lâm và cấm binh cầm cờ quạt nghi trượng đi theo hầu. Còn có một ban tiểu nhạc khác tháp tùng và cử nhạc suốt trên lộ trình. Sau khi ra khỏi Ðại Cung Môn và đến thềm phía Bắc của điện Thái Hòa thì vua xuống kiệu. Tiểu nhạc ngừng. Ðại nhạc trước sân chầu cử lên. Vua vào điện bằng cửa sau, rồi thong thả bước lên ba tầng bệ và ngồi xuống trên ngai vàng. Một viên Thái giám từ sau tiến tới đốt lư trầm ở hoàng án. Nhất cử nhất động của vua và của mọi người tham dự lễ đều được giám sát rất kỹ bởi hai quan Khoa Ðạo đứng sau lưng ngự tọa và bốn quan Khoa Ðạo khác đứng ở hai góc trên sân chầu.

Nhạc ngừng,sau lời xướng của một viên quan bộ lễ, tất cả hoàng thân và bá quan văn võ đều nhất tề lạy 5 lạy, rồi đứng lên. Ca công hát một bài nhạc lễ. Sau khi các quan qui xuống, một viên chức tuyên chiếu ra quỳ đọc tờ chiếu Vua ban cho mọi người nghe. Chiếu đọc vừa dứt thì nhạc cử lên. Các quan lạy 5 lạy. Xong, vẳng lên tiếng xướng tiên hạ biểu. Một đội thần trịnh trọng đem các tráp đựng hạ biểu tại châu án đến đặt trên hoàng án. Tất cả các quan đồng loạt lạy Vua thêm 5 lạy nữa. Các ban nhạc và ca công cứ theo từng nghi tiết mà trình tấu. Cuối cùng, một quan tham tri hoặc thị lang bộ lễ ra trước sân qui tâu: Lễ thành, nghĩa là buổi lễ hoàn tất. Ðại nhạc cử lên. Vua rời ngai vàng, rồi lên kiệu trở vào điện Cần Chánh. Sau khi bãi chầu, các quan giải tán ai về nhà nấy, hoặc đi dự yến tiệc Vua ban, hay xem các cuộc vui như hát hội, diễn trò, do triều đình tổ chức.
Một buổi lễ đại triều như vậy chỉ diễn ra trong vòng một giờ đồng hồ.Thường thường nó chỉ mang nặng tính chất nghi lễ bề ngoài mà thôi, chứ ở đây Vua quan không bàn bạc gì về chính sự.

Ngay sau khi bãi chầu, tờ chiếuVua ban được đặt lên hương án trên một cái kiệu, do một đội lính khoảng 120 người với cờ quạt, tàn lọng, nghi trượng và một ban nhạc, đặt dưới sự chỉ đạo của một viên quan bộ lễ, rước ra dán vào bản niêm yết ở khu Văn Lâu trong ba ngày cho thần dân đến đọc.