Kinh nghiệm xử lý đối tượng manh động

Những năm qua, trên địa bàn toàn quốc, hoạt động của các loại tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, nổi lên là: Hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, lưu manh, côn đồ, sử dụng vũ khí, hung khí, manh động, liều lĩnh, có sự gắn kết, đan xen giữa tội phạm hình sự với kinh tế, ma túy và núp bóng doanh nghiệp; đe dọa lực lượng thực thi pháp luật, thi hành công vụ. Thời gian gần đây xảy ra một số vụ chống người thi hành công vụ mang tính chất tập thể, lôi kéo, tụ tập đông người tham gia, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở, liên quan đến tôn giáo, đền bù đất đai có sự tham gia tích cực của một số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, phản động, đáng chú ý là hoạt động của các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, thanh toán lẫn nhau, gây rối trật tự công cộng thậm chí vào bệnh viện để truy sát nạn nhân. Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện tâm thần, giết người vô cớ, giết người do nguyên nhân xã hội tăng, xảy ra nhiều vụ giết người, thủ đoạn man rợ, vô nhân tính. Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương gây bức xúc dư luận, có vụ xảy ra thời gian dài mới phát hiện, điều tra, xử lý. Tiếp tục xảy ra các vụ cướp tài sản tại tiệm vàng, ngân hàng, quỹ tín dụng, trong đó có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng; tình trạng trộm cắp, cố ý gây thương tích chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ phạm pháp hình sự.

Kinh nghiệm xử lý đối tượng manh động
Công an thị xã Ba Đồn ra quân tấn công, trấn áp tội phạm

Ở Quảng Bình, tình hình an ninh, trật tự tiếp tục giữ vững sự ổn định, không xảy ra đột xuất, bất ngờ. Tuy nhiên, trên một số địa bàn, lĩnh vực cụ thể vẫn xảy ra một số vụ việc phức tạp. Đáng chú ý là các đối tượng chống đối chính trị, chức sắc cực đoan trong Công giáo tiếp tục lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển và một số khó khăn, vướng mắc, sơ hở, thiếu sót trong quá trình chi trả tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và công tác quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở, kích động tụ tập đông người tuần hành, biểu tình, khiếu kiện. Hoạt động của một số loại tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là gần đây tội phạm hoạt động theo ổ, nhóm, có dấu hiệu “xã hội đen” ngày càng manh động, gây án công khai, táo tợn, liều lĩnh hơn; tội phạm xâm hại người thân trong gia đình gia tăng gây bức xúc trong quần chúng nhân dân (9 tháng đầu năm 2017, xảy ra  05 vụ xâm hại người thân, cụ thể: Vụ con ruột giết cha ở huyện Bố Trạch; vụ bố hiếp dâm con gái, vụ con rể xô ngã bố vợ dẫn đến chết người ở huyện Minh Hóa; vụ chồng làm đổ nước sôi gây thương tích cho vợ, vụ con rể dùng mã tấu chém bố vợ ở huyện Quảng Trạch). Trộm cắp tài sản còn xảy ra nhiều, thời gian gần đây nổi lên tình trạng trộm két bạc, trộm ở cơ quan, trường học ngày càng phức tạp hơn. Tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép ma túy tổng hợp, nhất là ma túy dạng đá gia tăng, nhiều đối tượng liên quan ma túy tham gia vào các ổ, nhóm cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt, trộm cắp tài sản. Vi phạm pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường, gian lận thương mại ngày càng nghiêm trọng, nhất là vi phạm quy định quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông diễn ra phức tạp trên nhiều tuyến sông.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình, để kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm, bảo đảm tốt an ninh, trật tự, góp phần giữ vững môi trường ổn định, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ các sự kiện trọng đại của đất nước như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, bảo vệ tết Nguyên đán và các ngày truyền thống trong lực lượng Công an nhân dân.

Thực hiện các đợt cao điểm tấn công tội phạm, Công an tỉnh Quảng Bình đã kịp thời ban hành điện phát lệnh, kế hoạch chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, phương án để tấn công tội phạm đạt hiệu quả. Đã kịp thời chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tích cực phối hợp với lực lượng Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; làm tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung đấu tranh triệt phá các ổ, nhóm tội phạm. Qua thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, lực lượng Công an đã làm tốt chức năng nòng cốt trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, thể hiện trên các mặt công tác trọng tâm:

1. Các lực lượng nghiệp vụ tập trung triển khai quyết liệt nhiều biện pháp công tác, chủ động nắm tình hình các địa bàn, tuyến, lĩnh vực trọng điểm, tham mưu giải quyết vấn đề nổi lên, nhất là liên quan nội bộ một số cơ quan, đơn vị có dấu hiệu phức tạp; hoạt động của số đối tượng phản động, chống đối chính trị, cực đoan trong tôn giáo, người Quảng Bình có quan điểm sai trái trên không gian mạng; tình hình nổi lên trong tôn giáo; tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân.

2. Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa xã hội kết hợp phòng ngừa nghiệp vụ. Công an cấp huyện và một số đơn vị nghiệp vụ đã tăng cường lực lượng về cơ sở, bám địa bàn, nắm tình hình, phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tổ chức cho nhân dân, học sinh, sinh viên, các cơ sở kinh doanh ký cam kết bảo đảm an ninh, trật tự, không vi phạm pháp luật, tham gia phát hiện, tố giác tội phạm ((Đợt tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tổ chức 200 cuộc tuyên truyền, 70.486 lượt người tham gia; đợt tấn công tội phạm bảo vệ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tháng 5/2017 tổ chức 76 cuộc tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, phổ biến giáo dục pháp luật có 6.219 lượt người tham gia; đợt tấn công tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tổ chức 259 cuộc tuyên truyền, 37.537 lượt người tham gia), qua đó đã góp phần đề cao cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm, nâng cao ý thức tham gia phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

3. Công tác điều tra, khám phá các loại tội phạm được các lực lượng tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, đạt hiệu quả cao (Đợt tấn công tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Bính Thân 2016 điều tra, làm rõ 84 vụ/92 vụ xâm phạm trật tự xã hội xảy ra (đạt tỷ lệ 91,3%); đợt tấn công tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 điều tra, làm rõ 65/72 vụ xâm phạm trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 90,28%). Tổ chức đấu tranh, triệt xóa nhiều đường dây, điểm phức tạp, ổ nhóm phạm tội về ma túy, bắt giữ nhiều vụ phạm tội về ma túy với số lượng lớn. Điển hình: Đợt tấn công tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Bính Thân 2016, phòng PC47, Công an Quảng Trạch phối hợp với Cảnh sát biển bắt 01 đối tượng vận chuyển 1.969 viên ma túy tổng hợp (hồng phiến); đợt tấn công tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, phòng PC47 phối hợp Công an huyện Bố Trạch, Bộ đội Biên phòng bắt quả tang Nguyễn Thị Bích Hồng (1964) ở phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vận chuyển trái phép 999 viên ma túy tổng hợp…

4. Công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, quản lý cư trú và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ đã được các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc, phục vụ thiết thực, hiệu quả công tác tấn công tội phạm của Công an các đơn vị, địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, quá trình tổ chức thực hiện của Công an một số đơn vị, địa phương vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, đó là: Công tác chỉ đạo, triển khai các đợt tấn công tội phạm về đội ngũ cốt cán ở cơ sở chậm, thiếu quyết liệt; nội dung, hình thức công tác tuyên truyền pháp luật chưa thiết thực nên ý thức cảnh giác của một bộ phận người dân chưa cao (Một số loại tội phạm xảy ra chủ yếu từ nguyên nhân chủ quan, mất cảnh giác của người dân như trộm, cướp, cướp giật tài sản). Công tác phát hiện, đấu tranh tội phạm xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế và tham nhũng, tội phạm xâm phạm tài nguyên, môi trường chưa rõ nét. Một số mặt công tác nghiệp vụ chưa được Công an một số đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện nên kết quả còn hạn chế.

Qua công tác tham mưu chỉ đạo thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, có thể rút ra một số kinh nghiệm, như sau:

Một là, cần chú trọng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào các đợt cao điểm tấn công tội phạm; phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để nhân dân tham gia tích cực vào công tác bảo vệ an ninh, trật tự ngay từ cơ sở. Luôn quán triệt tư tưởng “Lấy dân làm gốc” gần dân, sát dân, đồng thời quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Hai là, Công an các đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác chuẩn bị về lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch, phương án thật cụ thể để tổ chức triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm có hiệu quả. Trong xây dựng kế hoạch, cần rà soát chi tiết, cụ thể tình hình nổi lên trên từng địa bàn, lĩnh vực; lên danh sách các đối tượng cần tập trung quản lý, các đối tượng “cộm cán” hoạt động theo ổ, nhóm, lưu manh, côn đồ cần tập trung đấu tranh. Trong tổ chức các biện pháp công tác cần triển khai đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả, tránh tình trạng “Trống đánh ngược, kèn thổi xuôi”. Chú trọng phối hợp nhịp nhàng giữa các biện pháp nghiệp vụ trinh sát với điều tra công khai theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; gắn kết liên hoàn chuỗi biện pháp nghiệp vụ theo nguyên lý phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý.

Ba là, đẩy mạnh công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức và chính quyền địa phương trong phong trào toàn dân tham gia phối hợp, tố giác tội phạm. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm; tuyên truyền phương thức, thủ đoạn các loại tội phạm; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, những kết quả chiến công của các đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tội phạm. Điều hết sức quan trọng là cần tổ chức khen thưởng, biểu dương kịp thời chiến công xuất sắc của các cá nhân, tập thể ,“thưởng nóng” nhằm động viên, khích lệ phong trào chung.

Bốn là, bên cạnh tổ chức chặt chẽ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, cần tăng cường các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; quản lý, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra chấn chỉnh và xử lý vi phạm về an toàn phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm công tác quản lý nhà nước vận hành theo phương châm “Vì nhân dân phục vụ”, góp phần phòng ngừa tội phạm.

Năm là, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương cần quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, tăng cường quản lý chặt cán bộ, chiến sỹ, nhất là số cán bộ trẻ; chọn lựa cử cán bộ về địa bàn cơ sở là những người có kinh nghiệm trong xử lý các vụ việc và có năng khiếu tiếp xúc với dân, phát động phong trào sao cho hiệu quả. Công tác hậu cần, vật tư, phương tiện và điều kiện đảm bảo cần được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ cũng là nhân tố quan trọng góp phần phục vụ các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm thành công.

Trung tá, Ths Nguyễn Xuân Tư

Phó Trưởng phòng Tham mưu