Kỹ thuật đánh giá thường xuyên môn tiếng việt năm 2024

Để ĐGTX môn Tiếng Việt, GV cần nắm được các chỉ báo, tiêu chí và các mức độ thực hiện từng chỉ báo, tiêu chí ở mỗi kiến thức, kỹ năng cốt lõi thuộc môn học. Trên cơ sở đó dù là sử dụng kĩ thuật quan sát, phân tích và phản hồi, định hướng học tập, trò chơi, hồ sơ học tập, HS ĐG lẫn nhau, tự ĐG của HS … GV cũng cần căn cứ vào các chỉ báo, tiêu chí và mức độ thực hiện các chỉ báo, tiêu chí để đặt kết quả của HS trên đó mà nhận xét, đưa ra khuyến nghị với HS.

Ví dụ : để đánh giá kĩ năng viết đoạn văn kể hoặc tả ở lớp 2, GV cần biết căn cứ vào những chỉ báo sau :

– Cách viết chữ và trình bày với mức đạt yêu cầu là : có không quá 5 lỗi về chính tả, chữ viết; trình bày đúng mẫu

– Quy trình viết và sản phẩm viết với mức đạt yêu cầu là : biết chọn thông tin cho đoạn viết; biết viết nháp trước khi viết chính thức, biết sửa lỗi theo hướng dẫn; đoạn văn thể hiện ý chính hoặc thông tin cơ bản phù hợp với đầu bài.

– Đoạn văn đúng kiểu loại văn bản (tả, kể, thuyết minh) với mức đạt yêu cầu chẳng hạn với đoạn văn kể lại sự việc là : kể lại một sự việc bản thân đã chứng kiến (nhìn thấy, xem) hoặc tham gia với các chi tiết theo trình tự thời gian; (mức cao hơn là : các câu trong đoạn có nối kết với nhau; biết thể hiện cảm nhận của cá nhân về sự việc đã kể.)

GV cần đối chiếu đoạn văn của HS với từng chỉ báo để xác nhận kết quả của mỗi HS ở từng chỉ báo. Với những chỉ báo HS chưa hoàn thành, GV có thể động viên HS cố gắng thêm, chỉ cho HS thấy chỉ báo nào em chưa hoàn thành, cần làm thế nào để hoàn thành ở chỉ báo đó; hoặc ở một chỉ báo khác HS đã đạt mức hoàn thành rồi thì HS cần làm gì để tăng kết quả lên mức hoàn thành tốt. Dưới đây là một tình huống đánh giá đoạn văn của HS lớp 2 :

1/ Đề bài : Viết đoạn văn khoảng 4 đến 5 câu nói về một cuốn truyện em

thích.

2/ Đoạn văn của HS : Em có cuốn truyện tranh Thánh Gióng. Hình ảnh Thánh Gióng trong truyện rât đẹp. Thánh Gióng cưỡi một con ngựa sắt thét ra lửa. Ngựa phi đến đâu quân giặc chết như ngả rạ. Đánh giặc xong, Thánh Gióng bay về trời.

3/ Đánh giá của GV: Chữ viết rõ ràng, ít lỗi chính tả, trình bày bài đúng quy định. Các câu nêu đúng các ý theo yêu cầu, có kết nối câu. Nên nêu thêm cảm nhận của em về cuốn sách.

Dưới đây là một số ví dụ về kĩ thuật ĐGTX trong môn Tiếng Việt. Mỗi kỹ thuật có điểm mạnh và điểm hạn chế, do đó nó phù hợp và phát huy hiệu quả ở từng hoạt động dạy học, ở từng nội dung dạy học. Việc chọn kỹ thuật nào để ĐGTX tùy thuộc vào GV.

1. Kỹ thuật quan sát, phân tích và phản hồi

– Ví dụ 1: ở nội dung học tập “Nói lời khen ngợi” (Tiếng Việt 2, tuần 16), sau bài học, HS phải biết nói lời khen ngợi phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp. GV có thể cho HS gắp thăm và thực hiện yêu cầu trong phiếu như sau:

Kỹ thuật đánh giá thường xuyên môn tiếng việt năm 2024

Em thấy một em nhỏ khoảng 4 – 5 gặp em trên đường đã chào em, em sẽ nói với em bé thế nào ?

Cách thực hiện : GV cho từng HS bốc thăm và được suy nghĩ trong 30 giây hoặc 1 phút rồi trình bày miệng. Dựa vào nội dung câu trả lời và lời lẽ diễn đạt

cùng mức độ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, GV đánh giá kĩ năng thể hiện sự cảm thông của từng HS theo các mức :

– Khá – tốt : Nói được lời khen đúng tình huống, đúng vai, làm người khen cảm thấy vui ; biết kết hợp thể hiện thái độ khen ngợi qua cử chỉ, vẻ mặt, giọng nói khi nói.

– Đạt yêu cầu : Nói được lời khen ; chưa biết kết hợp biểu lộ thái độ khen ngợi qua cử chỉ, vẻ mặt, giọng nói khi nói.

– Chưa đạt yêu cầu : Nội dung câu trả lời chưa thể hiện được lời khen ; nói năng rụt rè, ấp úng, thiếu tự tin.

– Ví dụ 2: Phân môn Tập đọc (Bài : “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, lớp 2)

– Có thể nhận xét HS đạt yêu cầu (đối với kĩ năng đọc thành tiếng) như sau: Em đọc đúng, rõ ràng toàn bài, ngắt nghỉ hợp lý.

– Có thể nhận xét HS cần cố gắng hơn như sau: Em đã đọc to hơn. Nhưng các từ “quyển, nguệch ngoạc” em còn phát âm chưa đúng, em nghe thầy/cô (hoặc bạn) đọc những từ ngữ này rồi em đọc lại cho đúng.

– Ví dụ 3: Phân môn Tập viết (Bài “Chữ hoa A” , lớp 2)

– Có thể nhận xét HS đạt yêu cầu như sau : Cô khen em đã viết đúng và đẹp chữ A hoa.

– Có thể nhận xét HS cần cố gắng hơn như sau: Em chú ý lượn nét đầu tiên của chữ A hoa tròn hơn, gần giống với nét móc ngược trái thì chữ sẽ đẹp hơn.

– Ví dụ 4: Phân môn Kể chuyện (Bài “Ai có lỗi” , lớp 3)

– Có thể nhận xét HS viết đạt yêu cầu (kể được từng đoạn của câu chuyện)như sau: Em đã biết dựa vào tranh và lời gợi ý, tập trung theo dõi bạn kể để kể được đúng, rõ ràng đoạn 1 của câu chuyện.

– Có thể nhận xét HS cần cố gắng hơn (chưa kể được từng đoạn của câu chuyện) như sau: Em đã cố gắng kể chuyện nhưng em có thể kể tốt hơn nếu em đọc lại câu chuyện, sau đó quan sát tranh vẽ và đọc lời gợi ý dưới tranh để kể lại.

Bên cạnh đó, kết quả / sản phẩm học tập dưới dạng viết là sản phẩm phổ biến của HS ở môn Tiếng Việt. Sản phẩm viết có thể là viết chữ (Tập viết, Chính tả) ; trả lời câu hỏi, viết bài thu hoạch sau mỗi bài học; ghi chép kết quả làm bài tập về từ vựng, ngữ pháp ; viết câu văn, đoạn văn, bài văn kể chuyện, miêu tả ; viết một số văn bản thông thường (tin nhắn, báo cáo, đơn, thư,..)…

Ví dụ 6 : sau khi đọc bài Tập đọc “Văn hay chữ tốt” (Tiếng Việt 4, tuần 13), GV có thể yêu cầu HS viết câu trả lời cho các câu hỏi dưới đây:

LIÊN HỆ BẢN THÂN

1. Em tự đánh giá ưu điểm, nhược điểm của bản thân mình.

2. Hãy đặt mục tiêu phấn đấu khắc phục nhược điểm của mình và lập kế hoạch thực hiện.

Cách thực hiện :GV có thể yêu cầu HS viết câu trả lời vào cuối giờ học hoặc cho HS làm ở nhà rồi nộp lại cho GV. Dựa vào câu trả lời của từng HS, GV đánh giá bằng nhận xét theo tiêu chí xếp loại như sau :

– Nhận xét HS là người tỏ nghiêm túc, chân thực và có ý thức phấn đấu khi:

+ Câu 1 : Tự nhận thức đúng bản thân (nêu khá đầy đủ các ưu, nhược điểm của bản thân).

+ Câu 2 : Nêu rõ được mục tiêu phấn đấu của bản thân và được lập kế hoạch khắc phục nhược điểm của mình với các biện pháp cụ thể, khả thi.

– Nhận xét HS bước đầu tỏ ra nghiêm túc và có ý thức phấn đấu khi:

+ Câu 1 : Tự nhận thức tương đối đúng về bản thân (nêu chưa hết ưu, nhược điểm của bản thân).

+ Câu 2 : Nêu được mục tiêu phấn đấu của bản thân nhưng chưa lập được kế hoạch khắc phục nhược điểm của mình một cách cụ thể, khả thi.

– Nhận xét HS ý thức phấn chưa thật cao khi :

+ Câu 1 : Chưa nêu rõ ưu, nhược điểm của bản thân.

+ Câu 2 : Nêu chưa rõ mục tiêu phấn đấu của bản thân và chưa lập được kế hoạch khắc phục nhược điểm của mình.

2. Kĩ thuật vấn đáp

Ví dụ, ở bài Luyện tập giới thiệu địa phương (Tiếng Việt lớp 4, tuần 19), HS phải đạt được 3 yêu cầu sau :

– Hiểu được cách thức chuẩn bị và trình bày bài giới thiệu địa phương;

– Trình bày được bài giới thiệu địa phương trước tập thể lớp;

– Có thái độ trân trọng, yêu quý quê hương.

Để tạo được hứng thú học tập và để phát huy tính tích cực của HS, GV có thể nêu lần lượt các câu hỏi để HS bộc lộ những trải nghiệm của bản thân về những điều liên quan đến nội dung bài học :

(1) Em đã bao giờ kể với ai về quê hương hoặc nơi mình đang sinh sống chưa ?

(2) Em đã kể những gì về quê hương (hoặc nơi mình đang sinh sống)?

(3) Em đã kể cho 1 người /một vài người hay kể cho nhiều người cùng nghe?

(4) Theo em, khi kể về quê hương hoặc nơi mình sinh sống,, nên kể những điều gì?

(5) Làm thế nào để lời kể của mình thu hút được người nghe ?

Lắng nghe câu trả lời của HS, GV đánh giá kiến thức – kĩ năng HS đã có, từ đó động viên HS phát huy vốn hiểu biết vào việc học bài mới. Các câu hỏi cần được biên soạn nghiêm túc để có thể đánh giá được năng lực HS. Các câu trả lời của HS giúp GV kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy học phù hợp với từng nhóm HS hoặc từng HS.

3. Kỹ thuật định hướng học tâp

Ví dụ 1: Trước khi học về câu ghép, GV cần dùng một bảng kiểm để đánh giá những hiểu biết của HS về câu nói chung, về câu đơn và dự đoán về câu ghép.

Đúng Sai 1. Câu dùng đê nêu một sự việc 2. Câu dùng để nêu nhiêu sự việc 3. Câu cần có chủ ngữ và vị ngữ 4. Câu nêu một sự việc cần có 1 cặp chủ ngữ và vị ngữ 5. Câu nêu nhiều sự việc có liên quan với nhau cần có nhiều cặp chủ ngữ và vị ngữ

Ví dụ 2 : Trước khi học về chỉ báo đọc hiểu văn bản Biết rút ra bài học cho bản thân từ văn bản đọc là văn bản thông tin, GV cần dùng bảng kiểm gồm những câu hỏi thăm dò ý kiến của HS như sau :

Đồng ý Không đồng ý 1. Mỗi bài đọc về khoa học mang lại cho em một hiểu biết mới 2. Khi đọc bài khoa học em có mong muốn thực hiện những điều được nói đến trong bài 3. Khi đọc bài khoa học em có thể chọn những điều học được trong bài để thực hiện trong đời sống

4. Kỹ thuật hồ sơ học tập

Ví dụ : tập hợp 4 bài viết của HS ở nửa học kỳ I cho thấy :

– Độ dài bài viết tăng lên (số đoạn trong phần thân bài nhiều hơn : từ 1 đoạn phát triển thành 3 đoạn)

– Chủ đề của mỗi đoạn trong bài viết từ mức chưa được thể hiện bằng câu chủ đề đến mức đã được thể hiện bằng câu chủ đề

– Lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi kết nối câu đã giảm dần.

Hồ sơ học tập cũng được dùng để đánh giá những dự án nhỏ do nhóm HS thực hiện. Ví dụ một nhóm HS lớp 3 thực hiện một dự án nhỏ Truyền thông về Bảo vệ môi trường thiên nhiên trong môn Tiếng Việt. Trong dự án này HS phân công mỗi em làm một công việc cụ thể :

– Sưu tầm một số bài viết, hình ảnh về vẻ đẹp của thiên nhiên

– Sưu tầm một số bài viết, hình ảnh về những hoạt động bảo vệ cảnh quan thiên nhiên (bảo vệ cây và rừng, làm sách đẹp các thắng cảnh …)

– Thuyết trình về những tư liệu đã sưu tầm

– Viết một số bài về hoạt động bảo vệ môi trường của học sinh ở trường học, địa phương

GV có thể căn cứ trên những nhiệm vụ mỗi cá nhân trong nhóm thực hiện để xác nhận kết quả của dự án ở 2 phương diện : sự tham gia hoạt động và hợp tác của các thành viên trong nhóm, mức độ đạt được ở từng nhiệm vụ. Chẳng hạn GV đánh giá kết quả dự án do nhóm HS nói trên thực hiện như sau :

– Dự án đã có sự tham gia của các thành viên nên đã nêu khá đầy đủ những nội dung về thiên nhiên và ích lợi của thiên nhiên, những hoạt động bảo vệ môi trường thiên nhiên của con người, của học sinh ở trường và ở địa phương chúng ta góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên. Tư liệu sưu tầm phong phú, bài thuyết trình đã rõ từng phần việc. Một số bài viết chân thực.

– Nên sưu tầm thêm để bổ sung một số hình ảnh về hoạt động bảo vệ thiên nhiên của con người. Khi thuyết trình, sau mỗi phần nên dừng lại để người nghe có thể trao đổi lại. có 2 bài viết còn sơ sài do chưa nêu cảm nhận của người viết về hoạt động bảo vệ môi trường của HS.