Làm thế nào để phát triển tư duy sáng tạo

Làm thế nào để phát triển tư duy sáng tạo

I. Tư duy sáng tạo là gì?

Làm thế nào để phát triển tư duy sáng tạo


Tư duy sáng tạo là khả năng xem xét điều gì đó theo một cách mới. Đó có thể là một cách tiếp cận mới cho một vấn đề, một giải pháp cho xung đột hoặc tìm ra kết quả mới từ những dữ liệu có sẵn.

Tư duy sáng tạo mang đến một góc nhìn mới mẻ, đôi khi táo bạo, giúp chúng ta phát triển nhanh chóng và trở nên nổi bật. Các nhà tuyển dụng ngày nay đều muốn tìm kiếm những nhân viên có khả năng tư duy sáng tạo tốt để mang lại những quan điểm mới, góc nhìn mới khi làm việc.

II. Cấp độ của sáng tạo

Làm thế nào để phát triển tư duy sáng tạo

- Xuất hiện nhu cầu: Cấp độ đầu tiên của sáng tạo là phải nhận biết được nhu cầu hay vấn đề cần giải quyết, cải tiến. Ở cấp độ này, bạn phải chấp nhận những ý kiến, quan điểm, sự thật để xác định đúng vấn đề, tránh việc nhìn nhận vấn đề theo ý kiến chủ quan.

- Thay đổi cách tiếp cận: Sau khi đã nhận diện đúng nhu cầu, vấn đề cần giải pháp sáng tạo thì tiếp theo bạn xem xét lại các cách tiếp cận vấn đề cũ. Tiến hành phân tích, chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu của cách tiếp cận đó. Cuối cùng, tổng hợp những khía cạnh quan trọng trong việc tìm ra cách tiếp cận mới.

- Tìm ra cách tiếp cận mới: Ở cấp độ này, bạn cần vận dụng óc sáng tạo nhất để tìm ra được cách tiếp cận vấn đề thật ấn tượng, mới mẻ. Để sự sáng tạo của bạn không bị giới hạn thì cố gắng không suy nghĩ theo hướng tiếp cận cũ, mà thay vào đó đưa suy nghĩ đi theo những hướng đi mới, cũng như chưa từng có ai nghĩ đến trước đây. 

- Tạo ra các khái niệm mới: Sau khi đã nghĩ ra các hướng tiếp cận mới, bạn chọn lọc ra ý tưởng khả thi và tốt nhất. Từ những kiến thức nền tảng, thông tin thu thập và khả năng sáng tạo của bản thân, bạn sẽ tạo ra một cách thức mới, khái niệm mới để tạo nên một giải pháp sáng tạo hoàn chỉnh.

- Nuôi dưỡng sự sáng tạo: Chúng ta biết rằng một ý tưởng nếu không thực hiện thì nó sẽ mãi chỉ là ý tưởng. Do đó, bạn cần phải nuôi dưỡng ý tưởng của mình bằng cách bắt tay hành động. Có nghĩa là bạn sẽ lên kế hoạch triển khai, động viên bản thân, tìm sự hỗ trợ từ người khác, tìm ý kiến đóng góp từ các chuyên gia. Nếu không kiên trì đến cùng thì ý tưởng sáng tạo của bạn khó mà thành công.

III. Đặc điểm của sáng tạo

Làm thế nào để phát triển tư duy sáng tạo

- Giàu trí tưởng tượng (Imaginative): Tư duy sáng tạo là tư duy tưởng tượng, vì nó khai phóng một điều không tồn tại, chưa tồn tại hoặc không được biết trước đó. Thế nên, điều đầu tiên mà chúng ta cần phải có chính là trí tưởng tượng nhằm để hình dung được một điều còn xa lạ với nhiều người. Trong nghệ thuật, trí tưởng tượng phong phú đã đem đến nhiều tác phẩm độc đáo, vượt khỏi sự hiểu biết và thẩm mỹ bình thường của con người. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác cũng cần có trí tưởng tượng dẫn đến ý tưởng sáng tạo tuyệt vời như ngành khoa học kỹ thuật.

- Có mục đích (Purposeful): Tư duy sáng tạo không phải là mơ mộng, suy nghĩ những điều bay bổng, hão huyền vô ích mà là một “hành động” có mục đích, mục tiêu rõ ràng. Mục đích đó có thể là mở một chai rượu mà không cần vặn nút chai, cứu sống những bệnh nhân ung thư bằng cách tìm ra một phương pháp điều trị mới hay khiến mọi người phải bất ngờ khi xem đoạn quảng cáo.

- Tính độc đáo (Original): Bác sĩ đoạt giải Nobel, Albert Szent-Györgyi - người đã khám phá ra vitamin C, nhấn mạnh đặc điểm sáng tạo này trong định nghĩa của ông: “Khám phá hay sáng tạo bao gồm việc nhìn một thứ giống như mọi người và suy nghĩ theo một cách khác biệt.” Có nghĩa là sáng tạo có tính độc đáo, khác biệt với những suy nghĩ thông thường. Và chính vì thế mà các sản phẩm, ý tưởng của sự sáng tạo có thể đem đến cho người khác bất ngờ khi nghĩ đến.

- Có giá trị (Of value): Sự sáng tạo phải đem đến một kết quả có giá trị, phục vụ đúng mục đích hay giải quyết được một vấn đề cụ thể nào đó. Tuy nhiên, cũng có những ý tưởng phục vụ hoàn toàn đúng mục đích ban đầu nhưng mục đích đó lại không đem lại giá trị thật sự cho con người. Mà đôi khi đó còn là một mục đích có hại, không tốt. Mặc dù giá trị là một đặc điểm rất quan trọng của sự sáng tạo nhưng nó không phải là một phạm trù rõ ràng. Có thể điều đó có giá trị đối với tôi nhưng lại không có giá trị đối với người khác. Vì vậy, cần phải xác định đúng giá trị của ai và tiêu chí nào để chúng ta đánh giá đúng giá trị của sự sáng tạo.

IV. Vai trò của tư duy sáng tạo

Làm thế nào để phát triển tư duy sáng tạo

Tư duy sáng tạo có vai trò rất quan trọng với tất cả mọi người trong mọi lĩnh vực. Đối với học sinh - sinh viên, kỹ năng này giúp các bạn tìm tòi và áp dụng được những phương pháp học tập mới, thú vị hơn, dễ tiếp thu hơn. Nhờ đó mà các bạn làm chủ được vốn kiến thức, việc học tập không còn nhàm chán nữa.

Đối với môi trường công việc, thì sự sáng tạo càng được đề cao hơn nữa. Những ý tưởng mới trong công việc sẽ đem lại hiệu quả cao vì nó thường là sự cải tiến từ các phương pháp cũ. Đặc biệt là trong ngành truyền thông, Marketing, ý tưởng độc đáo sẽ khiến các chiến dịch truyền thông đạt hiệu quả cao, thu hút được sự quan tâm, chú ý từ đối tượng mục tiêu. Ngoài ra, trong xã hội hiện nay, tư duy sáng tạo còn giúp cho con người phát minh ra những sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới để cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại hơn.

Tuyển dụng có thể bạn quan tâm, việc làm Marketing:

- Nhân viên Content sản phẩm TGDĐ/ĐMX

- Nhân viên Biên Tập Hình Ảnh Media

V. Các phương pháp tư duy sáng tạo

Làm thế nào để phát triển tư duy sáng tạo

1. Hành động ngay

Theo một nghiên cứu, tất cả chúng ta đều có khả năng sáng tạo nhưng ở mức độ khác nhau. Để khả năng sáng tạo được nâng cao và phát triển thì chúng ta cần rèn luyện mỗi ngày bằng cách động não, suy nghĩ ý tưởng cho những vấn đề dù nhỏ nhất trong cuộc sống. Theo thời gian, bộ não chúng ta sẽ được cải thiện tư duy sáng tạo, giúp hiệu quả công việc và cuộc sống cải thiện hơn.

2. Cân bằng giữa thực tế và ý tưởng

Một ý tưởng thành công thì bắt buộc phải ứng dụng được trong thực tế. Do đó, khi sáng tạo chúng ta cần phải chú ý đến tính thực tế của ý tưởng, xem xét thử ý tưởng đó có thể triển khai được và đem lại hiệu quả hay không. Nếu một ý tưởng hay, độc đáo, sáng tạo mà quá phi thực tế thì cũng không thể sử dụng được.

3. Mở rộng suy nghĩ, thư giãn, thoải mái khi sáng tạo

Một lưu ý khi suy nghĩ sáng tạo đó là nên giữ một tâm trạng thoải mái, đầu óc thư giãn, dọn sạch tâm trí và tập trung vào vấn đề. Bạn không nên quá căng thẳng cho dù deadline kề cận hoặc dự án này rất quan trọng. Bởi vì nếu tâm trạng không ổn định, căng thẳng, bối rối thì sẽ hạn chế bạn mở rộng suy nghĩ để nhìn ra những điều mới lạ. 

4. Phá vỡ chuẩn mực về tư duy

Nếu bạn muốn nghĩ ra được những ý tưởng độc đáo chưa từng có trước đây thì cũng phải dám phá bỏ những chuẩn mực tư duy cũ. Có nghĩa là bạn bỏ lại những lối suy nghĩ cũ và suy nghĩ theo một hướng mới hoàn toàn mặc dù nó có thể trái ngược với lý tưởng thông thường. Khi đã dám thử thì cơ hội thành công của bạn sẽ được nâng lên dù nó có rủi ro.

5. Dám dấn thân, không sợ rủi ro

Rủi ro trong sáng tạo là điều không thể tránh khỏi vì những ý tưởng mới thì chưa từng có ai thực hiện và cũng chưa ai biết trước kết quả của nó. Tuy nhiên, chỉ có những người mạnh dạn dám bắt đầu thì những thành tựu sáng tạo độc đáo mới được xuất hiện. Vì vậy, hãy mạnh mẽ dám nghĩ, dám làm và hướng đến kết quả tốt đẹp để có dũng khí hơn.

6. Không lo lắng về khó khăn vấp phải 

Nếu bạn quá lo lắng về những khó khăn trước mắt thì những suy nghĩ đó sẽ xâm chiếm tâm trí bạn, khiến bạn không còn tập trung vào việc sáng tạo ý tưởng mới. Hãy mạnh mẽ bỏ qua nỗi lo và tin rằng luôn có cách để khắc phục mọi vấn đề thì bạn sẽ thoải mái hơn khi sáng tạo.

7. Bỏ qua tư tưởng ỷ lại

Chỉ có cách tự tìm tòi thông tin, học hỏi không ngừng từ người khác cộng với khả năng sáng tạo của bản thân thì bạn mới có thể sáng tạo tốt. Hãy rèn luyện sự sáng tạo bằng cách tự bản thân động não suy nghĩ mà không dựa vào người khác, không ỷ lại đội/nhóm của mình. Vì việc ỷ lại có thể dẫn đến sự thụ động, không tự lực phát triển tư duy sáng tạo của bản thân.

VI. Phương pháp "6 chiếc mũ tư duy"

Làm thế nào để phát triển tư duy sáng tạo

1. Đặc điểm phương pháp

Phương pháp “6 chiếc mũ tư duy” được tạo ra bởi Edward de Bono - một bác sĩ, nhà tâm lý học và triết học người Malta. Ông đã sử dụng nó trong công việc tư vấn cho các cơ quan chính phủ cũng như giải quyết vấn đề hàng ngày.

Phương pháp “6 chiếc mũ tư duy” nói về cách khám phá và hiểu một vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau nhưng theo một cách rõ ràng, không có xung đột. Phương pháp này có thể được sử dụng bởi các cá nhân hoặc nhóm để thay đổi cách suy nghĩ thông thường, theo thói quen.

Trong phương pháp này, có 6 chiếc mũ, tượng trưng cho 6 khía cạnh tiếp cận vấn đề mà qua đó chúng ta có thể suy nghĩ ra cách giải quyết vấn đề một cách tối ưu nhất.

- Mũ trắng (Objective - Khách quan): Mũ trắng tượng trưng cho lối suy nghĩ khách quan. Khi nghĩ theo khía cạnh này, bạn sẽ tập trung vào các sự kiện, số liệu, nhu cầu, lỗ hổng thông tin và các yếu tố khách quan khác của vấn đề. 

- Mũ đỏ (Intuitive - Trực giác): Mũ đỏ tượng trưng cho trực giác, cảm giác và cảm xúc. Khi nghĩ theo khía cạnh này, bạn sẽ đưa ra ý kiến về vấn đề theo cảm giác, trực giác mà không cần phải dựa trên logic.

- Mũ đen (Negative - Tiêu cực, điểm tối): Mũ đen tượng trưng cho lối suy nghĩ tiêu cực, nhưng thực chất là thể hiện sự phán đoán, phân tích một cách cẩn trọng. Khía cạnh suy nghĩ này sẽ giúp bạn chỉ ra những điểm không phù hợp với thực tế, những thiếu sót hoặc các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

- Mũ vàng (Positive - Tích cực): Mũ vàng thì đối lập với mũ đen, thể hiện các khía cạnh tích cực và lợi thế trong cách giải quyết vấn đề. Khía cạnh suy nghĩ này giúp bạn tìm ra các khía cạnh tích cực, nhìn thấy kết quả tốt đẹp để thúc đẩy động lực làm việc của bản thân hoặc đồng đội. 

- Mũ xanh lá cây (Creative - Sáng tạo): Mũ xanh lá cây tượng trưng cho sự sáng tạo. Khi suy nghĩ theo khía cạnh này, bạn sẽ tìm ra những lựa chọn thay thế, những đề xuất thú vị, những ý tưởng kích thích, có thể mang đến những thay đổi lớn. Mục đích của quan điểm mũ xanh là nhìn vấn đề theo những cách mới. 

- Mũ xanh dương (Process - Tiến trình): Mũ xanh dương tượng trưng cho cái nhìn tổng quan hoặc kiểm soát quá trình. Mục đích của nó là tổng hợp tất cả mọi thông tin, ý kiến đã được thu thập và trình bày trong cuộc thảo luận. Nhờ có khía cạnh suy nghĩ này mà bạn sẽ hệ thống được các luận điểm, ý tưởng và đưa ra quyết định đúng đắn.

2. Ưu - nhược điểm

- Ưu điểm: Phương pháp “6 chiếc mũ tư duy” cho phép chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, theo nhiều khía cạnh khác nhau, giúp đơn giản hóa lối tư duy. Đây là một phương pháp đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao. Không những giúp bạn tìm được cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất trong một thời gian ngắn, mà còn không ảnh hưởng đến cái tôi của mỗi người, tránh sự tranh cãi và hao phí sức lực của nhau khi bàn bạc ý tưởng.

- Nhược điểm: Trong một số trường hợp, việc sử dụng phương pháp này có thể gây mất thời gian. Khi mà chúng ta càng cố gắng suy nghĩ ra đầy đủ yếu tố để phương pháp được trọn vẹn nhưng thật sự các ý tưởng đó không quan trọng, gây nên sự gượng gạo. Vì vậy, phương pháp này thường phù hợp với các vấn đề hệ trọng, cần tham khảo ý kiến của nhiều người. Còn những cuộc họp gấp về vấn đề bình thường, không quá quan trọng thì nên xem xét sử dụng phương pháp này hay không.

Xem thêm:

- Kỹ năng mềm là gì? Cách rèn luyện và phát triển kỹ năng mềm

- Kỹ năng giải quyết vấn đề - Vai trò và phương pháp rèn luyện hiệu quả

- Rèn luyện kỹ năng đàm phán - Quy trình và phương pháp hiệu quả

Hy vọng thông qua bài viết, bạn sẽ hiểu được tầm quan trọng của tư duy sáng tạo và biết cách rèn luyện nó mỗi ngày để mang đến hiệu quả trong công việc hoặc học tập. Nếu thấy bài viết này bổ ích thì đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người nhé!