Làm thế nào để thoát khỏi đói nghèo

Người tiên phong thoát khỏi đói nghèo

Thứ sáu, 08/11/2019 - 09:30

Ở tuổi 74 nhưng ông Hồ Văn Dăm (tên thường gọi là Pả Lăng), người đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Pa Roi, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát và đầy nhiệt huyết. Từng đảm nhiệm vai trò là Xã đội trưởng xã A Dơi, đại biểu HĐND xã A Dơi và là người có uy tín trong cộng đồng, ông Hồ Văn Dăm không chỉ được mọi người biết đến là một người gương mẫu, tích cực trong công tác vận động quần chúng mà còn là một điển hình làm kinh tế giỏi ở bản làng.

Làm thế nào để thoát khỏi đói nghèo

Ông Hồ Văn Dăm thường xuyên đi đến tận từng hộ gia đình trong bản để hướng dẫn cách trồng cây bời lời đỏ giúp bà con thoát nghèo.Ảnh:H.T

Bàn tay ta làm nên tất cả

Bên bếp lửa ấm cúng, ông Hồ Văn Dăm kể cho chúng tôi nghe về những kỉ niệm và các dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời của mình. Tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi, chàng thanh niên Hồ Văn Dăm ngày ấy đã hăng hái tình nguyện cùng lực lượng dân quân du kích địa phương gùi hàng hóa, lương thực băng qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù để tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Hòa bình lập lại, trở về với quê hương sau hoang tàn, đổ nát của chiến tranh, với suy nghĩ bàn tay ta làm nên tất cả, ông Dăm lại tiếp tục hành trình cùng bà con dân bản khai hoang, phục hóa, tái thiết quê hương.

Thôn Pa Roi có 54 hộ dân với 237 nhân khẩu, thuộc xã đặc biệt khó khăn. Nhiều năm về trước, đời sống của người dân thôn Pa Roi thiếu thốn trăm bề, tỉ lệ hộ đói, nghèo chiếm hơn 90%. Quanh năm lên nương rẫy chặt, đốt, chọc, tỉa, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng chỉ đủ lương thực từ sáu đến bảy tháng/năm, còn lại sống nhờ vào củ mài và rau rừng. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn và học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình tôi đã tiên phong trong phong trào trồng lúa nước với diện tích 1 ha. Từ chỗ sản xuất 1 vụ bấp bênh đến nay đã sản xuất 2 vụ/năm, năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/ha. Với mong muốn người dân trong bản từng bước thoát khỏi đói nghèo, tôi đã đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con đầu tư sản xuất lúa nước, áp dụng khoa học kĩ thuật từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân, tưới tiêu đến thu hoạch và bảo quản sản phẩm, do đó hiệu quả kinh tế mang lại khá tốt. Thông qua mô hình này, người dân nhận thấy được lợi ích từ việc thâm canh lúa nước và sau đó làm theo, nhân rộng ra các gia đình khác. Từ sản xuất bằng sức người là chính, đến nay người dân trong thôn đã đưa máy vào làm đất, đầu tư hệ thống thủy lợi đảm bảo việc tưới tiêu cho cây trồng. Hiện trong thôn đã có máy xay xát, xe công nông, máy cày, máy tuốt lúa Người dân đã tự túc được lương thực, có dư lúa để bán, đời sống ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc, ông Dăm phấn khởi cho biết.

Làm thế nào để thoát khỏi đói nghèo

Ông Hồ Văn Dăm hướng dẫn bà con dân bản Pa Roi cách bảo quản giống lúa cho mùa vụ gieo trồng năm sau.Ảnh:H.T

Không chỉ dừng lại ở mô hình trồng lúa nước, năm 2001, ông Hồ Văn Dăm còn là người tiên phong đưa giống cây bời lời đỏ về trồng trên diện tích 4 ha đất canh tác của gia đình. Sau 5 năm dày công vun trồng, chăm sóc, vườn bời lời đỏ của gia đình ông Dăm đã cho vụ thu hoạch đầu tiên với 7 tấn vỏ bời lời. Lúc ấy, giá vỏ bời lời mà thương lái vào tận bản để mua là 8.000 đồng/kg. Vậy là gia đình ông Dăm có trong tay gần 60 triệu đồng/vụ. Qua mấy vụ thu hoạch vỏ bời lời, ông Hồ Văn Dăm đã tích cóp đủ tiền để xây dựng căn nhà sàn khang trang, to đẹp nhất bản Pa Roi. Ông Dăm hiểu rằng khái niệm trồng rừng chưa bao giờ có trong suy nghĩ của người dân tộc thiểu số nói gì đến chuyện trồng rừng để làm giàu. Vậy nên, bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, ông Dăm còn chia sẻ, giải thích về công dụng cũng như giá trị kinh tế mà cây bời lời đỏ mang lại một cách cặn kẽ cho dân bản hiểu như đây là một loại cây dễ trồng, chỉ mất thời gian chăm sóc khoảng 1 năm đầu, sau đó cây bời lời tự lớn đến khoảng năm thứ 5- 7 có thể cho thu hoạch được, sau thu hoạch có thể thu tiếp những cây tái sinh. Đặc biệt, trong thời gian cây chưa phủ bóng, đang tái sinh có thể trồng xen thêm nhiều loại ngắn ngày như sắn, khoai, gieo lúa rẫy để tăng thêm thu nhập, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.

Mình phải cùng lên rẫy, cùng ăn, cùng ở với bà con, kiên trì vận động thì bà con mới trồng rừng theo mình. Bởi mình không những muốn giúp bà con thoát khỏi cái đói dai dẳng bằng cách thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kĩ thuật để trồng các giống lúa mới mang lại năng suất cao mà còn muốn bà con sớm thoát được đói nghèo nhờ vào trồng rừng để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Dăm chia sẻ.

Đảng tin, dân tín, việc khó cũng thành

Từ hiệu quả trong việc phát triển kinh tế gia đình cũng như vận động bà con tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tận dụng tiềm năng thế mạnh về lao động, đất đai, khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất, chăn nuôi theo mô hình bền vững, ông Dăm còn phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm thôn bản thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, vận động dân bản thực hiện gieo trồng đúng thời vụ, đảm bảo cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch của địa phương; vận động, hướng dẫn các hộ nghèo vay vốn và sử dụng vốn vay để phát triển sản xuất có hiệu quả, đúng mục đích. Ngoài ra, ông còn cùng với các đoàn thể, chính quyền địa phương vận động nhân dân chấp hành giải tỏa mặt bằng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.

Trên lĩnh vực an ninh trật tự, ông Hồ Văn Dăm luôn giữ gìn khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư; thường xuyên phối hợp cùng lực lượng công an giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Bằng kinh nghiệm của bản thân, ông đã chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng. Tích cực tuyên truyền, vận động bà con không nghe, không tin và không làm theo kẻ xấu; nâng cao ý thức cảnh giác trước những âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộcTham gia các phong trào, cuộc vận động, xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước thôn, bản, bài trừ hủ tục; phát huy, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt, ông đã cùng với cấp uỷ, chính quyền giải quyết ổn thỏa nhiều vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai, không để các phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây mất trật tự an ninh tại cơ sở, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Làm thế nào để thoát khỏi đói nghèo

Lễ hội Văn hóa -Thể thao -Du lịch các dân tộc huyện Đakrông​.Ảnh:Trịnh Hoàng Tân

Bên cạnh đó, ông Hồ Văn Dăm còn trực tiếp vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; loại bỏ những hủ tục lạc hậu; bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của từng dân tộc trên địa bàn nên việc cưới xin, ma chay không còn tổ chức dài ngày; người dân đã ăn, ở hợp vệ sinh; thực hiện di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở; gìn giữ các phong tục tập quán, văn hóa cổ truyền tốt đẹp của các dân tộc. Cũng chính nhờ tiên phong làm kinh tế giỏi, gương mẫu trong lối sống, hành động, ông Dăm đã được bà con trong thôn tin tưởng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.

Với những đóng góp không ngừng nghỉ của mình, ông Hồ Văn Dăm được tặng nhiều Giấy khen của UBND xã, huyện, các cấp hội về phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt, ông Hồ Văn Dăm còn là một trong những cá nhân tiêu biểu, đại diện cho tỉnh Quảng Trị nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017.



Hà Trang/ QT