Làm thế nào khi học sinh lười học

Cách giảng dạy cho học sinh lười học

(Cập nhật ngày 08-03-2021)
Làm thế nào khi học sinh lười học

Biểu hiện của học sinh lười học:

Đối tượng học sinh này không khó để nhận biết bởi các em đều có đặc điểm chung:

  • Không thích học, không tập trung trong giờ học.
  • Thường tìm cách thoái thác việc học để xin nghỉ học: bị ốm, đau bụng, mệt,...
  • Trong giờ học, hay lấy lý do để câu giờ: xin đi ra ngoài, xin đi uống nước, đi vệ sinh, buồn ngủ,...
  • Không bao giờ làm bài tập về nhà hoặc làm một cách đối phó.

Làm thế nào để học sinh bớt lười?

Nếu kiên trì thực hiện những điều sau đây, bạn có thể giúp học sinh bớt lười và thêm yêu thích việc học hành.

1. Bạn phải kiên nhẫn

Việc khiến học sinh thay đổi từ một học sinh lười sang một học sinh chăm chỉ không thể thực hiện ngày một ngày hai. Do đó, bạn cần kiên nhẫn từng ngày, không nên nóng vội từ bỏ lớp hoặc có thái độ nóng giận tột độ với học sinh.

Việc bạn nóng giận, cáu gắt sẽ chỉ khiến học sinh sợ hãi, mệt mỏi và chán học thêm mà thôi.

2. Tạo bầu không khí học thoải mái

Muốn học sinh hứng thú học, bạn cần khiến các em cảm thấy thoải mái, không bị áp lực. Ban đầu, đừng nên yêu cầu khắt khe về thành tích của các em. Hãy tập trung chủ yếu vào việc cung cấp kiến thức cơ bản để các em không bị mất gốc.

Giữa giờ học sẽ có thời gian giải lao. Trong thời gian đó hãy trò chuyện với các em một cách thoải mái về cuộc sống. Không nên tiếp tục nhắc đến bài vở.

3. Tìm đúng phương pháp dạy

Học sinh lười chưa chắc đã phải là học sinh kém thông minh. Thực ra, nhiều học sinh tiếp thu bài rất nhanh, chỉ là chúng lười viết, lười suy nghĩ. Bạn hãy đánh giá xem học sinh lười làm gì, thích thú với điều gì để điều chỉnh cho phù hợp.

  • Nếu học sinh thích nghe, lười viết: hãy giảng thật hay và dễ hiểu để học sinh có thể hiểu bài và nhớ lâu.
  • Nếu học sinh lười đọc: hãy cho học sinh rèn luyện tư duy nhiều hơn.

4. Dạy kiến thức vừa tầm

Bạn chớ dạy lượng kiến thức lớn và khó ngay lập tức. Cần đánh giá trình độ của các em để giao bài tập vừa tầm và nâng cao dần.

Học sinh lười gặp bài khó sẽ càng lười suy nghĩ và càng chán học bởi cảm thấy bản thân không hiểu gì.

5. Động viên và khen ngợi kịp thời

Học sinh lười, học kém thường đi liền với tự ti. Các em có thành tích kém nên gần như không bao giờ được sự khen ngợi về môn đó. Chính vì vậy, ngay khi các em có những tiến bộ dù nhỏ, hãy dành lời khen ngợi để cổ vũ tinh thần.

Nếu các em đã cố gắng nhưng điểm chưa thực sự tốt, thì không nên chê trách bởi các em ấy đã có sự cố gắng, chỉ là kiến thức chưa thật vững.

6. Gần gũi và tâm sự với học sinh

Khi bạn gần gũi và được học sinh tin tưởng, bạn sẽ dễ dàng tìm hiểu được lý do vì sao em không thích học, làm thế nào để em thích học hơn. Gia sư hãy tranh thủ tình cảm này mà khai thác thêm những thông tin. Nhờ đó có thể thay đổi phương pháp phù hợp nhất.

7. Hạn chế giao nhiều bài tập về nhà

Các em học sinh lười thường ít khi làm bài tập mà gia sư giao, bởi:

  • Bài tập các cô giáo ở lớp giao cũng khá nhiều, các em không thể hoàn thành kịp.
  • Các em học trên lớp, học gia sư rồi lại phải làm bài tập cho hôm sau nên không kịp thời gian, luôn cảm thấy mệt mỏi.
  • Các em sẽ dành nhiều thời gian để học các môn mà các em yêu thích.
  • Bài tập trên lớp là bắt buộc còn bài gia sư giao có thể không hoàn thành cũng không sao.

Vậy nên bạn đừng giao cho học sinh nhiều bài tập. Bạn chỉ cần tìm cách để học sinh hiểu được bài ngay trong giờ dạy. Nếu có giao, hãy giao bài thật ngắn và vừa sức.

8. Hãy cho học sinh biết, môn học đó có tác dụng gì?

Nhiều khi học sinh hỏi với trạng thái chán chường: Tại sao em phải học môn này? Nhiệm vụ của bạn chính là giải thích cho các em mục đích của môn học đó là gì. Một số mục đích của môn học:

  • Liên quan đến điểm tổng kết, khả năng lên lớp, chọn trường của các em.
  • Lợi ích của môn học đối với thi đại học, sự nghiệp, trong xã hội.
  • Nêu ra những dẫn chứng về nhân vật nổi tiếng đã thành công nhờ môn học đó.

Hãy tìm ra những lợi ích chính đáng mà các em không thể chối cãi. Như vậy, các em sẽ không còn ca thán về môn học vô vị này nữa.

Lời kết

Bản thân gia sư cũng từng là học sinh, bạn chắc chắn cũng đã từng không thích một môn học nào đó. Hãy đặt mình vào vị trí của học sinh để hiểu các em nghĩ gì và muốn gì. Từ đó có những cách thức phù hợp để giúp các em học sinh bớt lười hơn.