Lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc

.

Cập nhật lúc: 08:34, 03/06/2021 (GMT+7)

(Báo Quảng Ngãi)- Với tinh thần ham hiểu biết và học hỏi, với tư duy độc lập sáng tạo, ngay từ nhỏ Nguyễn Tất Thành đã sớm hình thành chí hướng lớn lao và quyết tâm tìm con đường đi cho riêng mình. Ngày 5.6.1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt, phi thường ấy.

Con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành khác với các nhà yêu nước đương thời, con đường cứu nước đó không phải theo chủ nghĩa trung quân ái quốc của hệ tư tưởng phong kiến, cũng không phải con đường cứu nước theo khuynh hướng tư sản, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây - nước Pháp, quê hương của tư tưởng “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” và cũng là nước đang thực hiện chế độ thực dân đối với dân tộc Việt Nam để tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi. Quyết định sang nước Pháp của Nguyễn Tất Thành là sự lựa chọn đúng đắn đầu tiên, thể hiện một tư duy độc lập và tầm nhìn mới mẻ về hướng đi và con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam đang trong vòng nô lệ, lầm than.  

Lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua (tháng 12.1920). Ảnh T.L
Khát vọng và hoài bão lớn nhất là tìm ra một con đường cứu nước đúng đắn để giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào, hạnh phúc cho nhân dân. Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin; từ khát vọng độc lập, giải phóng đất nước, Người đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Người đã sớm nhận thức được “cái mà dân tộc cần trước tiên chưa phải là súng đạn, của cải, mà là cách đuổi giặc cứu nước, là làm cách mạng, hay nói cách khác là lý luận cách mạng và phương pháp cách mạng”.

Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ (1917) là sự “Mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đời mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”. Đó là cuộc cách mạng “chưa từng có” trong thế kỷ XX, là cuộc cách mạng mang ý nghĩa lịch sử toàn cầu, là cột mốc đánh dấu thời kỳ cách mạng mới vì những mục tiêu thời đại trên phạm vi toàn thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Giữa lúc đang trăn trở tìm một con đường cứu nước phù hợp thì Người tiếp nhận những thông tin đầu tiên về Cách mạng Tháng Mười. Người nói: “Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó, tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết”.

Với sự nhạy bén và khát vọng cháy bỏng của một người đang tìm đường cứu nước, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nắm bắt được giá trị đầu tiên và căn bản của Cách mạng Tháng Mười Nga, đó là sự giải phóng. Từ đây, Nguyễn Tất Thành bắt đầu nghiên cứu về Cách mạng Tháng Mười và tìm đọc các quyển sách của V.I.Lênin, ấp ủ giấc mơ được gặp V.I.Lênin - người lãnh tụ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Tiếp xúc với bản Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin, bằng sự mẫn cảm về chính trị, tư duy nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn phong phú của những năm bôn ba trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động các nước thuộc địa và tư bản phát triển, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.

 Mười hai luận điểm quan trọng trong bản Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin đã tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Ái Quốc và chính Người đã tiếp thu, bổ sung và phát triển sáng tạo các luận điểm này trong việc lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn cũng như bước đầu triển khai lý luận về con đường giải phóng dân tộc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sau này, Người nhớ lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Tiếp đến, Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (tháng 12.1920). Điều này có ý nghĩa rất quan trọng: Đó là trở thành người cộng sản đầu tiên của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, chính thức đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở nước ta vào quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đây là “sự khẳng định một hướng đi mới, nguyên tắc chiến lược mới, mục tiêu và giải pháp hoàn toàn mới, khác về căn bản so với các lãnh tụ của các phong trào yêu nước trước đó ở Việt Nam; đưa cách mạng giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, tức là sự nghiệp cách mạng ấy phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng”.

Sự lựa chọn con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Nguyễn Ái Quốc dựa trên cơ sở lý luận và khoa học, dựa trên thực tiễn vận động và đòi hỏi của phong trào cách mạng Việt Nam. Từ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, Người đi đến kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được nêu lên trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, phản ánh sự lựa chọn khách quan của chính thực tiễn - lịch sử, phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu bức thiết của đại đa số các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Đường lối đó tiếp tục được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Đường lối đó đã đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thoát khỏi nước kém phát triển, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2021), chúng ta có dịp nhìn lại cuộc hành trình tìm đường cứu nước đặc biệt của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, cuộc hành trình đã tạo nên những bước ngoặt lớn trong cách mạng Việt Nam, đã làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

 Th.S ĐÀO VĂN QUANG

Lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc

Theo Hồ Chí Minh, làm cách mạng thực chất là để giải quyết mâu thuẫn cơ bản trong xã hội. Nguồn: internet

Chào mừng kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890–19/5/2018)

Hồ Chí Minh và sự lựa chọn con đường phát triển của dân tộc Việt Nam

PGS., TS. DOÃN THỊ CHÍN, TS. NGUYỄN TÙNG LÂM Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng

06:00 19/05/2018

Bài viết khẳng định một trong những cống hiến vĩ đại của Hồ Chí Minh đối với dân tộc là việc xác định con đường cách mạng Việt Nam, đó là giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Con đường đó phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử. Thực tiễn cách mạng Việt Nam gần 90 năm qua đã khẳng định con đường của Hồ Chí Minh là đúng đắn và sáng tạo. Chỉ có kiên định con đường đã lựa chọn mới có thể đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vang mãi hào khí Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân“

Thấm sâu lời dạy của Bác

Hồ Chí Minh và việc xác định con đường giải phóng dân tộc Việt Nam

Hồ Chí Minh sinh ra trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, giai cấp phong kiến từng bước nhượng bộ, đầu hàng, làm tay sai cho thực dân Pháp, các cuộc đấu tranh chống Pháp lần lượt thất bại, cách mạng Việt Nam rơi vào tình thế “dường như trong đêm tối không có đường ra”. Năm 1911, Người rời Tổ quốc sang phương Tây tìm đường cứu nước. Khác với các nhà yêu nước trước đó ra nước ngoài tìm kiếm sự giúp đỡ, học tập, “cầu viện”, hoặc đào tạo cán bộ để chỉ đạo, chuẩn bị lực lượng, phát động phong trào đấu tranh trong nước, Hồ Chí Minh quyết định sang Pháp.

Những nhận định ban đầu của Người về nước Pháp đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn. Đặc biệt, với bước ngoặt tư tưởng khi tiếp xúc với “Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, có thể nói, Hồ Chí Minh đã tìm ra được chìa khóa cho con đường cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới; giải quyết vấn đề dân tộc và thuộc địa là một bộ phận của cách mạng thế giới: “Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa”(1).

Hồ Chí Minh ví chủ nghĩa đế quốc là một một con đỉa hai vòi, vòi này nó hút máu nhân dân thuộc địa, vòi kia hút máu giai cấp vô sản và nhân dân lao động chính quốc. Vì vậy, cần phối hợp chặt chẽ cách mạng ở chính quốc và thuộc địa để cắt cả hai vòi của con đỉa ấy. Hồ Chí Minh ví chủ nghĩa tư bản như một con rắn độc, trong đó nọc độc và sức sống của nó tập trung ở các thuộc địa nhiều hơn là ở chính quốc. Hồ Chí Minh cho rằng, những người khinh thường cách mạng thuộc địa, đề cao cách mạng chính quốc là những người “muốn đánh chết rắn đằng đuôi”.

Một bước tiến mới, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa đã được thể hiện trong tác phẩm Đường Cách mệnh. Trong tác phẩm này, bên cạnh luận điểm “Nếu công nông Pháp cách mệnh thành công thì dân tộc An Nam sẽ được tự do”, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư sản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ”(2). Như vậy, từ những nghiên cứu về chủ nghĩa thực dân và phong trào đấu tranh ở thuộc địa, Hồ Chí Minh đã đưa ra dự đoán mang tính then chốt: cách mạng thuộc địa có thể thành công trước cách mạng chính quốc, cách mạng Việt Nam có thể thành công trước cách mạng Pháp. Đồng chí Phạm Văn Đồng nhận định: “Luận điểm của Hồ Chí Minh mới mẻ đến kỳ lạ,...nó nằm trong dòng sáng tạo cách mạng của những con người mà cống hiến lý luận và sự nghiệp đấu tranh vạch đường cho thời đại”(3).

Theo Hồ Chí Minh, làm cách mạng thực chất là để giải quyết mâu thuẫn cơ bản trong xã hội. Do đó, để làm cách mạng thành công, trước hết phải xác định đúng đắn mâu thuẫn xã hội và mâu thuẫn thời đại. Người nhận thấy ở Việt Nam có hai mâu thuẫn cơ bản cần phải giải quyết: Một là, mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc cướp nước; Hai là, mâu thuẫn giữa đông đảo quần chúng nhân dân, chủ yếu là nông dân, với giai cấp địa chủ phong kiến. Từ đó, Hồ Chí Minh khẳng định: Mâu thuẫn cơ bản trên thế giới lúc bấy giờ là mâu thuẫn giữa các giai cấp đi áp bức bóc lột và các giai cấp bị áp bức bóc lột; mâu thuẫn cơ bản ở Việt Nam cần tập trung giải quyết là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc cướp nước và tay sai của chúng.

Từ những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam, Hồ Chí Minh đi đến xác định lực lượng nòng cốt của cách mạng. Người cho rằng, chính các giai tầng bị áp bức bóc lột sẽ là người thực hiện cuộc cách mạng lật đổ các giai cấp thống trị mình, giành lấy quyền sống và quyền độc lập, tự do cho chính họ. Với Việt Nam, lực lượng cách mạng chính là giai cấp công nhân, nông dân, tư sản dân tộc, tiểu tư sản... Trong đó, “...ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết...công nông bị áp bức nặng hơn... công nông là đông nhất nên sức mạnh hơn hết,... nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc... nên công nông là gốc cách mệnh”(4).

Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, lực lượng lãnh đạo cuộc cách mạng đó phải là, và chỉ có thể là giai cấp vô sản, trên cơ sở đoàn kết rộng rãi với tất cả các giai tầng yêu nước. Điều này được biểu hiện rõ nét trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Khi thời cơ cách mạng đến, Hội nghị Đảng toàn quốc tháng 8-1945 nhận định: “Chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi của ta và Đồng minh”(5). Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Bằng sức lực, trí tuệ của dân ta, chưa đầy một tháng, cách mạng đã thắng lợi trên phạm vi cả nước, đưa Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và tiến lên xây dựng CNXH.

Tiếp tục kế thừa và phát triển đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, Việt Nam đã giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong những năm xây dựng CNXH ở miền Bắc, một quan điểm luôn được Hồ Chí Minh quán triệt là nếu trước đây nhân dân ta đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, trường kỳ kháng chiến thì ngày nay chúng ta càng phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà. Tư tưởng đó đã khơi dậy sự sáng tạo và trở thành động lực to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước.

Chủ nghĩa xã hội - con đường phát triển tất yếu của dân tộc Việt Nam

Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh nhận thấy rằng, xã hội loài người là một trình độ phát triển cao của giới tự nhiên, vận động và phát triển theo quy luật khách quan. Người viết: “Từ đời xưa đến nay, chế độ công cộng nguyên thuỷ sụp đổ do chế độ nô lệ thay thế. Chế độ nô lệ sụp đổ, do chế độ phong kiến thay thế. Chế độ phong kiến sụp đổ, do chế độ tư bản thay thế. Đó là quy luật nhất định trong sự phát triển của xã hội”(6). Nói tới quy luật phát triển của xã hội, Hồ Chí Minh cho rằng: “Chế độ nào hợp với sức sản xuất thì đứng vững. Nếu không hợp thì giai cấp đại biểu của sức sản xuất mới sẽ nổi lên cách mạng lật đổ chế độ cũ”(7).

Từ quy luật vận động của xã hội và nguyên lý phát triển mácxít, Hồ Chí Minh khẳng định, CNXH là con đường tất yếu của lịch sử nhân loại. Bởi theo Người: “...chế độ tư bản có những mâu thuẫn to, nó không giải quyết được... Chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa (cộng sản chủ nghĩa) mới giải quyết được mâu thuẫn ấy”(8). Như vậy, đối với Hồ Chí Minh, CNXH - chủ nghĩa cộng sản chắc chắn sẽ là hình thái kinh tế - xã hội thay thế cho hình thái kinh tế - xã hội tư bản; đó là một xã hội cao hơn xã hội tư bản.

Con đường giải phóng dân tộc Việt Nam được Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(9). Giải phóng dân tộc theo con đường Cách mạng Tháng Mười, theo con đường cách mạng vô sản, đó là tư tưởng chỉ đạo mang tính nguyên tắc, được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện Đảng cũng như chỉ đạo thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong quá trình hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Hồ Chí Minh nhiều lần trình bày, làm sáng tỏ tư tưởng về con đường cách mạng Việt Nam. Về con đường giải phóng, trong tác phẩm Thường thức chính trị (1953), Hồ Chí Minh nêu: “Tính chấtthuộc địa và phong kiến của xã hội cũ Việt Nam khiến cách mạng Việt Nam phải chia làm hai bước. Bước thứ nhất là đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến thực hiện “người cày có ruộng”, xây dựng chính trị và kinh tế dân chủ mới... Bước thứ hai là tiến lên chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản”(10).

Cũng năm 1959, trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Hồ Chí Minh đã nhắc lại nhận định sáng suốt của Đảng ngay từ năm 1930: Cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa(11). Những năm 1960, con đường cứu nước và giải phóng dân tộc Việt Nam được Hồ Chí Minh luận giải khái quát, sâu sắc hơn: “Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”.

Có thể thấy, tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt của Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, như đồng chí Phạm Văn Đồng đã khẳng định: Trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quan điểm cơ bản nhất, là cốt lõi, là nguồn gốc, là hạt nhân chi phối hệ tư tưởng cũng như hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là trục bất di, bất dịch của cách mạng Việt Nam, vững chắc như non sông đất nước Việt Nam(12).

Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH không chỉ thể hiện sự khác nhau về chất giữa con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh với con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng phong kiến hay hệ tư tưởng tư sản, mà còn thể hiện rõ nét sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện Việt Nam. Đảng ta khẳng định: “Trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc”(13). Sự lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự tổng kết kinh nghiệm cách mạng thế giới, quá trình đấu tranh của nhân dân Việt Nam, sự vận dụng và phát triển sáng tạo tinh hoa nhân loại, đặc biệt là chủ nghĩa Mác - Lênin. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH còn trở thành tư tưởng cốt lõi xuyên suốt trong triết lý phát triển xã hội của Hồ Chí Minh.

CNXH, theo Hồ Chí Minh, là xã hội mà tự nó có khả năng tạo ra sự phát triển. Quan niệm của Hồ Chí Minh về CNXH là hết sức bình dị, gần gũi với những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hằng ngày, đó là một xã hội đáp ứng ngày càng cao và toàn diện mọi nhu cầu chính đáng của con người, đó là độc lập, tự do, hạnh phúc. Đối với Hồ Chí Minh, một xã hội phát triển được đo bằng các tiêu chí toàn diện, trong đó tự do, hạnh phúc của con người là tiêu chí quan trọng nhất, nó như cái lõi xuyên suốt chế độ xã hội. Người viết: “Mục đích của cách mạng là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, giàu mạnh. Làm cho nhân dân được hưởng hạnh phúc và xây dựng một xã hội sung sướng, vẻ vang”(14).

Đối với sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đưa ra một hệ thống quan điểm toàn diện. Từ góc độ động lực của sự phát triển, Hồ Chí Minh cho rằng, CNXH là do quần chúng nhân dân tự xây dựng nên. Đó là lực lượng có ý thức lao động tập thể, tinh thần thi đua yêu nước, dám nghĩ, dám làm. Trong cải tạo và xây dựng xã hội phải giải quyết hàng loạt mâu thuẫn khác nhau, do đó, Người lưu ý cán bộ, đảng viên không được chủ quan, nóng vội, phải xác định đúng bước đi và các hình thức, biện pháp xây dựng CNXH... Làm được như vậy, CNXH không chỉ là ước mơ mà bản thân nó chứa đựng khả năng tối ưu (so với tất cả các xã hội đã từng tồn tại trong lịch sử) trong việc tạo ra sức sống nội sinh và động lực mạnh mẽ thúc đẩy xã hội tiến lên.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2017

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.273.

(2), (4) Sđd, t.2, tr.266, 266.

(3) Xem: Tạp chí Công tác tư tưởng và văn hóa, tháng 9-1994, tr.26.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 427.

(6), (7) (8), (10), (14) Hồ Chí Minh: sđd, t.7, tr.246, 246, 246-247, 209-210, 220.

(9), (11) Sđd, t.9, tr.314, 581.

(12) Phạm Văn Đồng: “Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh”, báo Nhân dân, ngày 7-1-1998.

(13) ĐCSVN: Nghị quyết Bộ Chính trị về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay, Lưu hành nội bộ, Hà Nội, 1995, tr.7.

In bài viết

Hồ Chí Minh giải phóng dân tộc con đường cách mạng Chủ nghĩa xã hội dân chủ

THÔNG TIN CẦN QUAN TÂM

  • Lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc

    Chuyên gia: Chính sách tiền tệ đã góp phần kiểm soát lạm phát

  • Lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc

    Bảo đảm bố trí ngân sách đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi

  • Lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc

    Giỗ Tổ Hùng Vương 2022: "Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương"

Tin nổi bật

Lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc

Nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội

Lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc

Phát triển lành mạnh dịch vụ thuế ở Việt Nam

Lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc

Công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba

Lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc

Chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam

Lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc

Bộ Tài chính đề xuất nhiều quy định mới tăng tính công khai, minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp