Lý trưởng là ai

Trong cuộc tiếp xúc cử tri Hải Phòng hôm 16 - 6 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có một phát biểu rất đáng để suy ngẫm. 

Nhiều năm nay, chúng tôi không nhớ được mình đã viết bao nhiêu bài báo với mong muốn lãnh đạo Trung ương quan tâm hơn đến những thành trì đang có nguy cơ khiến niềm tin bị hao mòn, đó chính là chính quyền cơ sở.

Niềm tin của đại bộ phận nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước, vào Chính phủ có khởi nguồn cơ bản từ việc tiếp xúc với chính quyền cơ sở.

Thật may mắn khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tiếp xúc cử tri Hải Phòng để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 vừa qua đã nhấn mạnh, “Tôi đã từng nói: không được xuất hiện lớp lý trưởng mới trong nông thôn. Cán bộ phải sát dân hơn, hiểu dân hơn, lắng nghe nhân dân hơn. Đừng để cái sảy nảy cái ung!".

Lời ông “Tôi đã từng nói: không được xuất hiện lớp lý trưởng mới trong nông thôn. Cán bộ phải sát dân hơn, hiểu dân hơn, lắng nghe nhân dân hơn. Đừng để cái sảy nảy cái ung!” và đây không phải là lần đầu ông nhắc đến cái gọi là lớp lý trưởng mới trong nông thôn. 

Việc Thủ tướng nhấn mạnh vào đó thể hiện rất rõ một hiện tượng phổ biến của nông thôn Việt Nam hôm nay. Đó là thói chuyên quyền của những lãnh đạo địa phương cấp hành chính thấp, thói chuyên quyền cho thấy họ có khi còn ghê gớm hơn những lý trưởng hủ hoá của thời phong kiến.

Thực tế, không phải cứ lý trưởng là mặc nhiên xấu xa, gian ác, lộng hành, đè nén và áp bức người dân. Song, trong dòng chảy lịch sử nông thôn Việt, hình ảnh lý trưởng xuất hiện trong các tác phẩm, sản phẩm văn học, sân khấu… đều không mấy thiện cảm. Họ được coi là đại diện cho cái xấu, thói nhũng nhiễu.

Kể ra, như thế thì cũng oan cho những lý trưởng chân chính, vì việc làng, vì việc dân bất vị tư lợi. Nhưng hãy dẹp phân tích dông dài ấy sang một bên để nói về lớp lý trưởng mới ở nông thôn Việt Nam hôm nay với góc nhìn duy nhất: những lý trưởng là đại diện của sự tham ác đúng như hình tượng của văn học và nghệ thuật.

Tôi làm một phép thử nhỏ bằng cách gõ cụm từ “chủ tịch xã” và “bí thư xã” trên thanh công cụ tìm kiếm của google. Và kết quả tôi nhận được không quá ngạc nhiên. Ở chục trang kết quả đầu tiên, không hề có một thông tin nào mang tính tích cực. Đa số áp đảo các kết quả đến từ báo chí chính thống, báo chí có uy tín và cũng đa số áp đảo là thông tin kiểu như “bắt”, “cách chức”, “kỷ luật”… 

Và điều đáng lưu tâm nhất là những vi phạm chủ yếu tập trung vào đất đai, với dạng phổ biến là “bí thư, chủ tịch xã” cho người thân gom đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép… Đất đai đang là thứ mang lại tiền tài nhanh nhất và nhiều nhất hiện nay. 

Bởi vậy, bảo sao nhiều bí thư xã, chủ tịch xã bây giờ sống trong những cơ ngơi, dinh thự mà ngay cả các lý trưởng khét tiếng bóc lột ngày xưa cũng không dám mơ tới.

Bi kịch mỉa mai nhất là đa số những xã xảy ra những sự vụ như thế là những xã nghèo, với nhiều hộ dân còn sống ở mức cực kì khó khăn thiếu thốn. Và phần lớn chúng ta nhìn nhận những vụ việc ở cấp hành chính thấp nhất ấy chỉ là những vụ tham nhũng vặt nhưng con số quy thành tiền, và so sánh trực tiếp với thu nhập bình quân của chính dân ở địa phương đó, lại không hề vặt chút nào. 

Giả sử, nếu bây giờ có một cuộc tổng thanh tra chặt chẽ và toàn bộ, tôi nghĩ rằng không địa phương nào không có tầng lớp lý trưởng mới theo ý Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh. Điều đó cho thấy cơ thể quốc gia thực sự đang không chỉ gánh những cơn bạo bệnh từ vấn nạn tham nhũng cỡ lớn mà còn dính đầy ghẻ chốc từ những tham nhũng, cửa quyền, lộng hành ở cấp hành chính cơ sở.

Điển hình, một vụ việc mới nhất đủ có thể mang ra làm ví dụ cho cái cửa quyền, lộng hành của một lý trưởng mới chính là việc ông Chủ tịch xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế ngang nhiên dùng rựa chặt phá cây tràm của dân giữa thanh thiên bạch nhật. Khi bị người dân bắt quả tang, ông còn cao giọng “sao bán không bán cho hết còn chừa lại mấy cây ni làm chi?”.

Nếu thử đặt ngược lại vai, với người chủ rừng tràm là ông Chủ tịch xã kia, và người phá rừng tràm là người dân trong xã thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn, 100% chúng ta sẽ cùng trả lời, ông chủ tịch ấy sẽ dùng quyền hành của mình để “gô cổ nó lại”.

Hay một ví dụ khác, ở một tỉnh thuộc diện nghèo là Hà Tĩnh, cũng cho thấy không phải ở địa phương nghèo thì chủ tịch không thể giàu. Vụ việc cũng mới được Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy đưa ra kết luận hồi cuối tháng 5 vừa rồi mà thôi. Ông Phó bí thư đảng uỷ kiêm Chủ tịch xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh đã giao tới 67 lô đất trái thẩm quyền, thu sai quy định 5 tỷ đồng. 67 lô đất ấy trị giá bao nhiêu tiền? 

Để ông Chủ tịch ký quyết định giao 67 lô đất ấy, “mực bôi trơn cây bút” là bao nhiêu tiền? Và dân Kỳ Xuân thì đang sống như thế nào? Ai từng ghé Hà Tĩnh đều biết huyện Kỳ Anh là huyện nghèo và Kỳ Xuân là một xã thuộc diện nghèo nhất huyện.

Ngày xưa, ở thời nhà Lê, trong một làng bao giờ cũng có 3 “đầu lĩnh” là hương trưởng (lo việc quyết sách), hương mục (lo về tài sản công của xã) và trùm trưởng (lo trật tự, trị an). 3 “đầu lĩnh” ấy, dù gì cũng cho thấy 3 chân kiềng giám sát nhau mà làm việc bất chấp hương trưởng là người đứng đầu đi nữa. 

Và ở thời hiện đại này, thời chúng ta đang nói về 4.0, có còn cái sự giám sát nhau như thế ở làng hay không? Dường như là hiếm và ở chính những nơi nhũng nhiễu, cửa quyền, lộng hành như thế, tầng lớp lý trưởng mới bây giờ còn kinh khủng, ghê gớm hơn những lý trưởng thời phong kiến ngày xưa?

Hà Quang Minh

Ngôi thứ được làng đem ra mua bán vào những dịp làng cần tiền chi tiêu cho việc công, ví dụ như tu sửa đình chùa, đóng quốc trái…

Trong sách Nhân danh tập chí tài liệu về tổ chức và tục lệ Bắc kỳ, tác giả Phạm Xuân Lộc cho biết xếp hạng ngôi thứ và tục mua ngôi thứ ở làng xã xưa, mà phần lớn được lấy dẫn liệu từ làng quê của tác giả là xã Dịch Vọng Tiền, Hà Đông.

Phạm Xuân Lộc (có chỗ ghi là Phạm Quang Lộc) được biết là một nhà trí thức Nho học có mối quan hệ với Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tại Việt Nam vào hồi đầu thế kỷ trước.

Xếp hạng ngôi thứ

Tác giả cho biết, ngôi thứ trong làng chia ra làm 3 hạng: Thượng hạng, trung hạng và hạ hạng.

Thượng hạng gồm chức sắc (những người làm việc quan được vua ban sắc ban cho hàm phẩm) còn gọi là ông Bá, ông Cửu, ông Bát, hoặc những người đỗ tú tài, cử nhân, phó bảng…

Trung hạng gồm chức dịch (những người làm việc quan nhưng chưa được vua ban phẩm hàm) như chánh tổng, phó tổng, lý trưởng, phó lý, hương trưởng.

Một lý trưởng của làng quê cũ. Ảnh tư liệu.

Kỳ mục bao gồm hai thành phần trong làng, một là những người từng giữ các chức lý trưởng, phó lý, hương trưởng, chánh tổng, phó chánh… làm việc lâu năm, độ tuổi 60 trở lên. Hai là những người có thâm niên, thông thạo những công việc nhà quan. Mỗi làng có một hội kỳ mục tham dự vào mọi công việc.

Thí sinh, học trò đi thi đỗ nhất trường, nhị trường (còn gọi là ông Nhiêu, được miễn trừ đắp đê, phu dịch).

Hạ hạng chỉ những người không làm việc quan, những người 55 tuổi trở lên gọi là lão hạng (có lệ phải khao vọng). 60 tuổi trở lên xếp vào hàng bô lão được miễn trừ sưu dịch. Già hơn nữa mà đứng vào hàng cụ trùm (số cụ trùm tùy nơi là quy định khác nhau, có làng đặt lệ 5 người có làng 8 người có làng 10 người).

Trương tuần, ông Từ (coi đền)… dân đinh cũng xếp vào người hạ hạng.

Tục mua bán ngôi thứ trong làng

Tác giả cho biết, những người làm việc quan, việc làng là những người có chức vị (chức sắc, chức dịch). Còn danh vị chỉ những người do mua bán công hoặc đóng góp vật chất mà có.

Trùm trưởng là người thuộc hàng các cụ. Danh vị này ở làng quê đâu đâu cũng có. Người cao tuổi nhất trong số các trùm trưởng được dân làng tôn kính nhất, thường gọi là cụ nhất, người cao tuổi thứ 2 gọi là cụ nhị.

Khi trong số 10 trùm trưởng có một cụ qua đời (có làng 8) thì làng sẽ chọn người cao tuổi thứ 11 đưa lên để cho đủ số 10 cụ. Khi được lên trùm, người thứ 11 này phải sửa soạn một cái lễ, hoặc là một con lợn với một con gà, hoặc một chiếc thủ lợn cùng một mâm xôi với một hai con gà, kèm theo trầu cau rượu, toàn bộ lễ vật ước khoảng trên 6 đồng bạc. Sai người nhà ra đình dâng lên lễ thần, xong gióng hồi trống thúc mời toàn thể dân làng từ già tới trẻ kéo nhau ra đình tề tựu. Người mới được lên trùm mời dân làng ăn uống. Khi ấy mới chính thức lên trùm.

Sau khi mời dân làng ăn uống, cụ trùm mới lại làm bữa cỗ mời các trùm trưởng và các kỳ mục trong làng. Bữa cỗ này tính ra khoảng 10 đồng.

 Các chức sắc trong làng quê Bắc kỳ đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu.

Kỳ mục là danh vị mà ở bất cứ làng nào cũng có. Những người đã làm quan như hương trưởng, lý trưởng, phó lý, chánh tổng, phó chánh… đã làm được 3 năm chưa từng bị trách phạt mới được dự vào hạng kỳ mục.

Người dân giàu có mua sắc hàm cửu phẩm để trở thành bá hộ quyên hay ông Cửu, ông Bá muốn tham gia kỳ mục phải làm cỗ bàn, trước tiên là đem lễ cúng dâng thành hoàng, sau cúng tổ tiên, rồi mời các kỳ mục, trùm trưởng tới dự. 

Ngôi thứ kỳ mục còn được làng đem ra mua bán vào trong những dịp làng cần tiền chi tiêu cho công, hoặc việc công, ví dụ như tu sửa đình chùa, đóng quốc trái… Vào hôm bán kỳ mục, các vị trùm trưởng cùng kỳ mục khác ra tụ họp tại kiều sở, cùng nhau ra soát xem trong làng có ai đã mua chức "nhiêu nam" (chức làng trả tiền để bán cho, những người bỏ tiền để mua "nhiêu nam" thì được miễn đi phu, đi tuần).

Tìm được người đó thì kỳ mục sai mõ gọi ra kiều sở. Một vị trùm trưởng hoặc kỳ mục sẽ thông báo lý do có việc chi tiêu cần bán kỳ mục, với một khoản tiền nhất định và một bữa khao dân làng. Nếu người "nhiêu nam" bằng lòng mua ngôi thứ kỳ mục thì có lời đồng ý, rồi mời các trùm trưởng và kỳ mục về nhà cùng làm khoán văn và chuẩn bị cỗ ký điểm.

Nội dung khoán văn sẽ nêu nguyên do việc làng cần chi tiêu, số tiền đóng góp của người mua kỳ mục. Chấp thuận để người này đứng dự vào hàng kỳ mục. Những nghĩa vụ thuộc về chức phận thuộc về người mua kỳ mục chịu giống dân làng và các khoản miễn trừ.

Tờ khoán văn trên viết xong. Các trùm trưởng, kỳ mục ký tên, điểm chỉ vào rồi giao tờ khoán cho người mua chức, để người đó giao tiền. Xong xuôi công việc, mọi người ngồi vào mâm ăn cỗ. Cỗ ấy gọi là cỗ ký điểm. Người mua kỳ mục lại thêm một khoản tiền riêng 3 quan, số tiền này chia đều cho các trùm trưởng và kỳ mục có mặt. Tiền ấy gọi là tiền ký điểm.


Video liên quan

Chủ đề