Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng ở đâu

Khám phá thế giới 09/04/2011

Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết: “Kinh Dương Vương sinh con là Sùng Lãm, gọi là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh trăm con trai. Ấy là tổ tiên của Bách Việt, suy tôn người trưởng lên làm Hùng Vương, nối ngôi vua, dựng nước gọi là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu; truyền nối mười tám đời đều gọi là Hùng Vương…”. Truyền thuyết “Bọc trăm trứng” từ thiên diễm tình giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ như đã ghi trên có lẽ không người Việt Nam nào lại không biết. Nhưng những sử liệu, thần tích nêu rõ nơi cha Rồng Lạc Long Quân và mẹ Tiên Âu Cơ đã gặp gỡ và chia tay thì không có nhiều người biết đến.

Nơi gặp gỡ của mối tình Rồng Tiên

Về nơi gặp gỡ, một số sách chép Lạc Long Quân gặp Âu Cơ ở hồ Động Đình (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) sau đó đưa nhau về sống ở núi Nghĩa Lĩnh (nay thuộc huyện Phong Châu, Phú Thọ). “Ngọc phả xã An Đồng” (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) viết: “Lạc Long Quân kết duyên với tiên nữ ở hồ Động Đình. Định cư ở Nghĩa Lĩnh, trên đỉnh núi có mây lành năm sắc rực rỡ. Âu Cơ mang thai sinh ra cái bọc trăm trứng, sau nở ra một trăm người con trai đều là anh hùng cái thế, đức độ hơn người”.

“Thần tích xã Vi Cương” (Phú Thọ) thì cho biết: “Hiền Vương (tức Lạc Long Quân) lấy con gái thứ của Âu Lạc vương Đế Lai tên là Âu Cơ, trở về ở núi Nghĩa Lĩnh, sinh một bọc trăm trứng, nở ra điềm tốt trăm người con trai, lập nước Văn Lang, làm thủy tổ của Bách Việt, tạo dựng cơ đồ sơ khai cho nhà Hùng”.

Theo chú giải trong sách “Tân đính Lĩnh Nam chích quái” thì Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp gỡ kết duyên ở vùng đất sau này đặt tên là Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay) rồi đưa nhau về sống ở Long Đại Nham (tức núi Hàm Rồng), khi Lạc Long Quân lên ngôi mới đưa vợ về ở tại núi Nghĩa Lĩnh. Sách “Lĩnh Nam chích quái liệt truyện” thì viết là Long Quân rước Âu Cơ về ở núi Long Trang, có lẽ đây là tên gọi khác của núi Hàm Rồng.

Theo một truyền thuyết khác lưu truyền trong dân gian từ lâu ở Phú Thọ thì Lạc Long Quân một lần đi thuyền dọc theo sông Đà. Khi vua đi đến vùng động Lăng Xương (nay là xã Trung Nghĩa, huyện Tam Thanh, Phú Thọ) thì gặp một cô gái xinh đẹp tên là Âu Cơ đang hái dâu ven sông. Vua thấy nàng vô cùng diễm lệ, thông minh khác người thì rất yêu mến và liền lấy làm vợ rồi đưa về núi Nghĩa (tức núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là núi Hùng, núi Nghĩa Cương, thuộc xã Hy Cương, huyện Phong Châu).

Bản “Ngọc phả đền Hùng” (tức “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh vương triều Hùng”) cũng có chép về địa điểm cuộc gặp gỡ giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ như sau: “Bấy giờ con gái của Đế Lai tên là Âu Cơ về sống ở quê mẹ tại động Lăng Xương, huyện Thanh Nguyên, châu Đà Bắc; nay đổi là sách Lăng Xương, huyện Bất Bạt. Một hôm Âu Cơ ra chơi ở bãi cát Trường Sa xem vua tuần thú sông Đà. Vua thấy Âu Cơ phong tư đẹp đẽ, yêu thích lấy làm vợ, lập làm Hoàng phi”.

Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng các con chia tay để lên miền rừng, xuống miền biển

Chia ly xuống biển lên rừng

Sách “Lĩnh Nam chích quái” viết về cuộc chia ly như sau: “Long Quân ở lâu dưới Thủy Quốc vợ con thường muốn về đất Bắc. Về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về được bèn quay về nước Nam mà gọi Long Quân rằng: "Bố ở nơi nào mà để mẹ con thiếp cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này!"

Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương. Âu Cơ nói: "Thiếp vốn là người nước Bắc, ở với vua, sinh hạ được trăm con trai, vua bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi con, làm người vô phu vô phụ, chỉ biết thương mình".

Long Quân nói: "Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia lá. Ta đem năm mươi con về Thủy phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên. Trăm con vâng theo, sau đó từ biệt mà đi. Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang…”.

Như vậy, Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay nhau ở đất Tương. Một số sử liệu, thần tích dân gian cũng cho biết như vậy nhưng chép là Đồng Tương hoặc Tương Dã. Vậy địa danh này ở đâu? Có sách chú thích rằng, Đồng Tương hay Tương Dã chính là huyện Tương nằm ở bờ bắc hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) nơi sông Tương có nhánh chảy vào sông Trường Giang. Tuy nhiên, điều này không đúng vì mẹ con Âu Cơ chưa về phương Bắc, như trong đoạn chép trên của sách “Lĩnh Nam chích quái”: “…Về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về được bèn quay về nước Nam…”.

Có ý kiến thì cho rằng, Lạc Long Quân và Âu Cơ đôi bên gặp nhau ở Tương Dã thực ra là đọc chệch của từ Tương Dạ, nghĩa là tận đáy lòng mình, một nơi một thời điểm không thuộc về thời gian không gian của khả năng con người. Tức là không xác định được chính xác nơi hai người chia tay.

Bên cạnh đó có cách giải thích hợp lý hơn khi cho rằng ở đất Tương không phải nằm ở phía bắc hồ Động Đình mà có thể là cánh đồng Tiêu Tương, gần khu vực sông Tiêu Tương (nay sông này không còn) chảy vào sông Đuống, thuộc địa phận xứ Kinh Bắc xưa (Bắc Ninh ngày nay, nơi còn huyền tích về thời Hùng Vương như lăng mộ Kinh Dương Vương, đền thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ…). Do vậy mà có thi nhân đã viết rằng:

Bố về gặp Mẹ bến sông Tương Giọt lệ sầu đong nghĩa vợ chồng Ngàn năm tự thuở chia ly ấy

Huyền sử Rồng Tiên giống Lạc Hồng.

Bộ sử đồ sộ, nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất là “Đại Việt sử ký toàn thư”, khi viết về thời Hồng Bàng trong mục Lạc Long Quân có chép như sau: “… Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai là tổ của Bách Việt…” (“Ngoại kỷ, quyển I, kỷ Hồng Bàng thị”). Sử thần nhà Trần là Lê Văn Hưu cũng có lời bàn rằng: “Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà sinh trăm con trai. Chẳng phải cơ đồ nước Việt ta là gây nên như thế”.

Trong “Việt giám thông khảo tổng luận” (năm 1514) của Lễ bộ thượng thư triều Hậu Lê là Lê Tung viết: “Lạc Long Quân nối đời Hồng Bàng, lấy con gái họ Âu Lạc mà có điềm lành sinh trăm con trai, tổ người Bách Việt thực bắt đầu từ đấy, hưởng nước trải nhiều năm rất là lâu dài, đã phú thọ lại nhiều con trai, từ xưa đến nay chưa từng có vậy”.

Có thể thấy, huyền thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ lung linh màu sắc mà thấm đượm ý nghĩa từ bao đời nay đã in đậm trong tâm thức dân tộc Việt. Đó là một trong những phản ánh về thời đại Hùng Vương, thời đại mở đầu lịch sử dân tộc, thời kỳ đỉnh cao của một nền văn minh cổ xưa của cha ông mà các thế hệ con cháu chúng ta phải đời đời biết ơn, ghi khắc.

Theo bee

TNV - Từ ngàn đời nay, câu chuyện cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ với "Bọc trăm trứng" (cùng bọc mẹ - nghĩa đồng bào), một huyền thoại mở đất, mở nước từ thời đại các Vua Hùng, trải qua bao tháng năm và thăng trầm của lịch sử vẫn mãi tồn tại trong tâm thức mỗi con dân đất Việt. Nghĩa “đồng bào” luôn là sức mạnh nội lực có sức lan tỏa mãnh liệt để cố kết mối đại đoàn kết toàn dân tộc chúng ta từ quá khứ tới hiện tại và tương lai.

 Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Câu ca xưa đã đi vào lòng mỗi con dân đất Việt từ thuở ấu thơ qua lời ru của bà, của mẹ như một lời nhắc nhở đạo hiếu, tri ân không bao giờ phai nhạt. Trong sâu thẳm tư duy mỗi người Việt Nam: Cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ là khởi nguồn của cộng đồng dân tộc, gắn với nghĩa Đồng Bào. Các Vua Hùng là những người có công dựng nước, là niềm tự hào thiêng liêng không bao giờ nguôi của mỗi người con mang dòng máu Lạc Hồng.

Để tưởng nhớ công ơn của các bậc thuỷ tổ đã có công khai thiên lập quốc, với mục đích quy tụ các giá trị văn hoá tâm linh thời đại các vua Hùng và đời đời ghi nhớ công ơn Tổ tiên cùng các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, đền thờ quốc Tổ Lạc Long Quân và đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ là những công trình kiến trúc tín ngưỡng đã được xây dựng trong quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng ở thế kỷ XXI.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên viết vào thế kỷ XV: “…Lạc Long Quân tên huý là Sùng Lãm, lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, là tổ tiên của Bách Việt. Một hôm Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng:  Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thuỷ hoả khắc nhau chung hợp thật khó bèn từ biệt nhau chia 50 người con theo cha xuống biển, 49 người theo mẹ lên núi, còn người con cả ở lại được suy tôn làm vua nối nghiệp gọi là Hùng Vương. Hùng Vương lên ngôi đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, chia nước làm 15 bộ,... truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương ”.  (Đại Việt sử ký toàn thư - tập 1, NXBKHXH - HN1993).

 Đền thờ cha Lạc Long Quân được khởi công xây dựng ngày 26 tháng 3 năm 2007 tại đồi Sim, xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Và khánh thành vào ngày 29 tháng 3 năm 2009 đúng vào dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm Kỷ Sửu. Theo truyền thuyết và sử sách ghi lại thì Quốc Tổ Lạc Long Quân vốn là giống rồng, vì vậy khi xây dựng đền thờ các nhà nghiên cứu đã tìm tòi, khảo sát rất kỹ lưỡng để chọn một vị trí đẹp và phải hợp về phong thủy để xây dựng đền. Nhưng sau một thời gian đi khảo sát mà vẫn chưa chọn được vị trí thích hợp để xây dựng thì các nhà nghiên cứu tiếp tục vạch lối, băng rừng lên khu vực núi Sim, nơi có bạt ngàn rừng thông xanh vút. Và thật kỳ diệu trên đỉnh núi cao ấy họ đã phát hiện ra một khối đá có hình dáng giống đầu một con rồng đang vươn lên. Cả đoàn khảo sát vô cùng vui mừng, thật đúng là "Thụy ứng long tường " (dịch nghĩa là: Điềm lành ứng với rồng) như nội dung bức đại tự hiện đang được treo ở chính giữa đền.

Đền thờ quốc Tổ Lạc Long Quân

Đền Lạc Long Quân kiến trúc kiểu chữ Đinh, quay về phía nam, gồm các hạng mục: Đền chính, cổng, trụ biểu, cổng biểu tượng, phương đình, tả vu, hữu vu, lầu hoá vàng, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích đất là 13,79 ha. Các kiến trúc và họa tiết trang trí được mô phỏng theo các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn được cách điệu như: hình ảnh người giã gạo, hình ảnh chim lạc...đều được thể hiện sinh động, độc đáo đã mang lại nét kiến trúc đặc trưng riêng của ngôi đền mà vẫn không mất đi sự cổ kính, linh thiêng.

  Trong hậu cung của đền là nơi đặt pho tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân được đúc bằng chất liệu đồng, nặng 1,5 tấn, cao 1,98m ở tư thế ngồi trên ngai đầy uy linh và dũng mãnh.

                  Tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân

Cách đền Quốc Tổ Lạc Long Quân 1,5 km du khách đi theo con đường uốn lượn quanh quanh dưới chân "Tam sơn cấm địa", hành hương qua 525 bậc thềm đá rêu phong để chiêm bái đền thờ mẫu Âu Cơ. Đền được xây dựng trên đỉnh núi Vặn (tên chữ là Ốc Sơn), có độ cao 171m so với mặt biển. Đền  thờ mẫu được khởi công xây dựng ngày 18/9/2001 và khánh thành ngày 18/01/2005.

Đền thờ mẫu Âu Cơ kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), quay theo hướng Đông - Nam, gồm hai toà: Tiền tế và hậu cung. Kiến trúc đền được xây theo kiểu truyền thống vừa tạo nên sự gần gũi mà cổ kính, uy linh của nơi thờ Tổ mẫu.

 Bước vào không gian thiêng của đền, chúng ta không khỏi bâng khâng khi đọc đôi câu đối được khắc ghi như một lời tâm niệm:

 Tòng lai thiên thượng hữu tiên biệt thành vũ trụ

 Thí vấn nhân gian vô mẫu hà đẳng càn khôn.

 Dịch nghĩa:

  Xưa nay trên trời có tiên tạo thành vũ trụ

  Thử hỏi ở đời không mẹ sao nên đất trời?

 Trong hậu cung của đền là nơi đặt khám thờ, bên trong là tượng mẹ Âu Cơ ở tư thế ngồi được đúc bằng đồng, dát vàng. Bức tượng mẫu thể hiện sự kết tinh, hội tụ những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: thông minh, dịu dàng, phúc hậu, nhân từ. Vào hậu cung thắp một nén nhang dâng Tổ mẫu, lòng ta thấy thấy thật nhẹ nhàng, thanh thản và bình yên như đang được mẹ vỗ về an ủi, chở che…

                            Tượng Tổ mẫu Âu Cơ

  Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam chúng ta không chỉ chống trọi với thiên tai mà phải chống giặc ngoại xâm để bảo vệ cuộc sống và lãnh thổ. Muốn chiến thắng được thiên tai và kẻ thù hung bạo, người Việt Nam luôn biết đoàn kết cộng đồng, luôn có niềm tin vào quá khứ vào Tổ tiên mình, tin vào sức mạnh đoàn kết của dân tộc, để vượt qua mọi thử thách. Từ ngàn đời nay, câu chuyện cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ với "Bọc trăm trứng" (cùng bọc mẹ - nghĩa đồng bào), một huyền thoại mở đất, mở nước từ thời đại các Vua Hùng, trải qua bao tháng năm và thăng trầm của lịch sử vẫn mãi tồn tại trong tâm thức mỗi con dân đất Việt. Nghĩa “đồng bào” luôn là sức mạnh nội lực có sức lan tỏa mãnh liệt để cố kết mối đại đoàn kết toàn dân tộc chúng ta từ quá khứ tới hiện tại và tương lai.

Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ

Hàng năm dòng người hành hương về cội nguồn ngày càng đông, đến Đền Hùng hôm nay, du khách không chỉ thắp hương tri ân công đức các Vua Hùng mà sẽ có thêm những điểm du lịch tâm linh mới, đến thăm viếng đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ - một sự quy tụ các giá trị văn hoá tâm linh đầy ý nghĩa thể hiện tâm thức và đạo hiếu của con dân đất Việt - đưa cha mẹ về phụng thờ nơi đất thiêng, đất phát tích cội nguồn của dân tộc. Để cha Rồng, mẹ Tiên mãi mãi là huyền thoại linh thiêng, bất diệt; để tình mẹ trải dài khắp non sông, nghĩa cha luôn thấm cùng trời đất.

Hoàng Oanh – Phạm Quỳnh

Video liên quan

Chủ đề