Mua sách lớp 10 chương trình mới

Chị M. cho biết chị mất nguyên buổi sáng ngày 28-7 chỉ để đi mua sách giáo khoa, vì mỗi môn học thuộc một bộ sách giáo khoa khác nhau nên phải chọn mua cho đúng. 

"Theo yêu cầu của nhà trường, tôi và con trai phải chọn đúng sách giáo khoa môn toán và ngữ văn thuộc bộ Chân trời sáng tạo; sách tin học và sinh học thuộc bộ Cánh diều, sách công nghệ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống... May mà tôi chở con trai đi cùng chứ nếu tôi đi một mình chắc sẽ mua nhầm bộ sách khác. 

Hai mẹ con tôi đi 4 nhà sách ở quận Tân Phú và Tân Bình mà cuối cùng vẫn thiếu 2 cuốn giáo dục thể chất. Hỏi thăm thì được hướng dẫn ra nhà sách ở tận quận 5 mới có thể mua đầy đủ. Tôi không ngờ mua sách giáo khoa mà vất vả đến vậy. Ngày xưa, học sinh chỉ dùng một bộ sách duy nhất, đâu có phức tạp như bây giờ". 

Tương tự, chị Th. - phụ huynh lớp 10 Trường THPT Lê Trọng Tấn - kể do tính chất công việc nên chưa có thời gian đi mua sách giáo khoa trực tiếp. Sáng 27-7, chị mất hơn 3 tiếng đồng hồ để tìm và mua sách trên các nền tảng bán hàng trên mạng. Chỉ ngồi tìm trên máy mà cũng toát mồ hôi vì mỗi môn học thuộc một bộ sách giáo khoa khác nhau. Một số đơn vị bán hàng còn cho biết là yêu cầu phức tạp quá, họ phải lấy sách ở nhiều kho khác nhau nên không thể giao ngay được. 

"Cuối cùng, tôi phải đặt 4 đơn hàng khác nhau. Trong đó, có một đơn hàng mua được 2 cuốn sách hóa học và giáo dục thể chất ở tận Cần Thơ, phí vận chuyển là 60.000 đồng. Chỉ tính phí vận chuyển của 4 đơn hàng mà đã hết hơn 100.000 đồng, chưa kể tiền mua sách giáo khoa. Điều đáng nói là con tôi vẫn bị thiếu cuốn sách tin học vì không thấy đơn vị nào bán trên mạng, chắc tôi phải đưa con ra nhà sách tìm mua", chị Th. kể.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Cường - hiệu trưởng Trường THPT Lê Trọng Tấn - cho hay trường đã làm đúng quy trình hướng dẫn của Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM. Đó là đưa về các tổ chuyên môn để thầy cô giáo đọc và chọn lựa sách giáo khoa. 

"Sau khi bỏ phiếu bình chọn, các tổ chuyên môn chọn sách thuộc bộ sách nào thì ban giám hiệu nhà trường duyệt theo bộ sách đó. Đây là lý do dẫn đến kết quả mỗi môn học thuộc một bộ sách khác nhau". 

Theo chị Th., nhà trường nên hỗ trợ phụ huynh bằng cách cho phụ huynh đăng ký mua sách giáo khoa. "Trên cơ sở số lượng đăng ký, trường sẽ đặt mua trực tiếp tại nhà xuất bản - vừa giảm được giá thành, vừa bảo đảm được việc mua đúng, mua đủ sách giáo khoa theo yêu cầu. Việc để phụ huynh tự "bơi" như hiện nay là đẩy cái khó cho phụ huynh", chị Th. đề xuất.

Về đề xuất này, ông Cường trả lời: "Nhà trường sẽ xem xét lại rồi quyết định". 

Được biết, năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên học sinh lớp 10 trên cả nước học chương trình mới. Thay vì chỉ có một bộ sách giáo khoa như trước đây, Bộ Giáo dục và đào tạo đã phê duyệt 3 bộ sách giáo khoa cho chương trường mới gồm Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống. 

Mua sách lớp 10 chương trình mới
TP.HCM phê duyệt bộ sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 sử dụng từ năm học tới

TTO - UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 sử dụng từ năm học 2022 - 2023. Trong đó, đáng chú ý là TP.HCM đã chọn nhiều sách của nhiều nhà xuất bản khác nhau/môn học.

Năm học 2022 - 2023 cả 3 cấp học đều áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó THPT lần đầu áp dụng ở lớp 10 với 3 bộ sách giáo khoa (SGK) đã được phê duyệt gồm Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống.

Đáng chú ý, nhiều trường yêu cầu trong danh mục SGK lớp 10 cần mua cho năm học mới các quyển từ nhiều bộ khác nhau. Những ngày này, phụ huynh (PH) cùng học sinh (HS) phải “đãi cát” khắp nơi tìm mua cho đủ SGK.

Đi 3, 4 nhà sách vẫn không đủ

Ghi nhận thực tế tại các nhà sách lớn trong khu vực nội thành TP.HCM, PV Thanh Niên nhiều lần được thông báo SGK mới đã hết hàng hoặc thậm chí chưa được nhập về, chủ yếu của lớp 10. Một nhà sách trên đường Hai Bà Trưng (Q.3) chỉ nhập về bộ Chân trời sáng tạo cùng Cánh diều các lớp, riêng SGK lớp 10 chỉ bán xé lẻ bộ Chân trời sáng tạo và đã hết tập 1 môn toán cùng lịch sử.

Trong khi đó, một nhà sách trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) cho biết đã hết hàng SGK lớp 10 từ nhiều ngày trước, chưa rõ khi nào sẽ có thêm. Còn hai nhà sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) và Nguyễn Văn Cừ (Q.5) khi được hỏi đều khẳng định chưa từng nhập về. “Không rõ thông tin” hay “không có thông báo từ kho” là những giải thích của nhân viên nhà sách khiến nhiều PH vừa mới gửi xe đã vội đi tìm nơi khác.

Cùng con học lớp 10 đến nhà sách vào giữa trưa 30.7, chị Phan Hương Giang (ngụ P.14, Q.Bình Thạnh) cho hay đây là nhà sách thứ 4 hai mẹ con đã ghé trên chuyến đi bắt đầu từ 9 giờ sáng. “Cứ tưởng chỉ ra nhà sách gần nhà mua là xong, ai ngờ ở đó không có SGK lớp 10. Vừa hỏi thăm vừa tìm 2 nơi nữa mà chỉ mua được những quyển môn chính nên quyết định lên trung tâm để tìm. May là ở đây bán đủ”, chị Giang nói. “Toán bộ này, ngữ văn bộ kia, tin học và tiếng Anh trong những bộ khác nữa. Chưa kể đến môn như giáo dục kinh tế và pháp luật con tôi cũng chưa biết đó là gì”, PH này kể.

Mua sách lớp 10 chương trình mới

Một nhà sách trên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5) dán thông báo không xé lẻ, trong khi nhiều trường lại yêu cầu mua riêng lẻ SGK từ nhiều bộ

NGỌC LONG

Một PH khác đang chọn mua sách gần đó cũng cho biết đã đi 2 nhà sách khác nhau nhưng đều không có SGK lớp 10. “Hỏi cô giáo thì trường yêu cầu tự đi mua, hỏi nhà sách họ lại bảo không biết chừng nào có hàng. Hai bên không rõ ràng, người chịu thiệt chỉ có mỗi PH. Tốn công đi lại nhưng không được gì”, vị này bức xúc.

Một PH tại Q.Tân Phú cho hay đã phải cùng con đi 4 nhà sách ở khu vực Q.Tân Bình và Q.Tân Phú để tìm mua danh mục SGK mà nhà trường thông báo. “Tuy nhiên sách các môn toán, vật lý, ngữ văn… thì các nhà sách đều có còn lại sách giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng và an ninh thì chưa mua được. Nhân viên nhà sách chỉ đến cửa hàng của công ty phát hành sách của NXB Giáo dục trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.5) thì có đủ”, PH này cho hay.

Đặt mua trên mạng cũng… “nghẽn” !

Chị M.H (PH có con học lớp 10 Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5) sau khi tìm mua SGK “hết 3 tiếng” trên các sàn thương mại điện tử cho hay: “Không nhà bán nào có đủ, nơi có vài quyển, nơi chỉ có một nên cần đặt nhiều đơn. Có khi đặt một quyển 15.000 đồng mà tiền vận chuyển gần 40.000 đồng, tính tổng phí vận chuyển còn cao hơn tiền sách”, chị H. kể.

PH này tiếp tục: “Chưa kể sàn này có, sàn kia không nên cần phải đặt nhiều ứng dụng khác nhau, phiền phức quá nên tôi ra ngoài mua cho nhanh, lại đỡ tốn kém. Nhưng đi hết 2 nhà sách lớn rồi, nơi này là thứ ba nhưng lại không bán sách lớp 10 nên giờ mới đủ hơn một nửa sách yêu cầu, thật sự rất mệt mỏi nên tôi dự định về nhà, chờ gần ngày nhập học thì đi mua trở lại”.

\n

Được thông báo tự mua SGK theo danh mục yêu cầu, C.V (HS lớp 10, Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5) đã đi mua vào sáng 31.7, kiếm 4 chỗ nhưng không thể tìm được bất kỳ quyển nào.

“Địa điểm đầu tiên em đi là nhà sách và thiết bị trường học trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.5 thì bên đó báo là hết sách, đang nhập về. Sau đó em qua nhà sách Phương Nam, Q.11 thì họ báo chưa nhập hàng. Tình hình cũng tương tự ở nhà sách Nguyễn Văn Cừ, Q.6. Chỉ khi qua nhà sách Fahasa, họ mới có SGK bộ Cánh diều nhưng là các môn văn, toán và tiếng Anh, không phải quyển em cần tìm”, V. tường thuật lại hành trình mua sách như “phượt quanh thành phố”.

Tuy nhiên, không phải HS nào cũng gặp nhiều khó khăn như C.V. Với Trịnh Thị Phương Ánh (HS lớp 10A13, Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12), mọi thứ được “đơn giản hóa” chỉ bằng vài cú nhấp chuột trên link đăng ký mua hộ SGK do nhà trường công bố ngày 30.7.

Nhà trường có nhiều hướng hỗ trợ

Khi được hỏi điều mong mỏi nhất hiện tại, nhiều PH hy vọng nhà trường có thể hỗ trợ việc mua sách bằng nhiều cách khác nhau. “Trường có thể cho PH đăng ký mua sau đó đặt hàng trực tiếp với bên NXB, đợi ngày nhập học thì phát cho các con sử dụng. Hoặc trường cung cấp danh mục các đơn vị có bán sách đã yêu cầu để PH đỡ mất công đi lại”, chị Hương Giang nêu quan điểm. Chị M.H thì kiến nghị trường “chỉ nên sử dụng một bộ SGK” thay vì tách lẻ như hiện nay.

Chỉ còn nửa tháng nữa là đến ngày nhập học, chị Tạ Tố Hiếu (PH có con lên lớp 3 tại một trường Q.1) cho biết vẫn chưa được thông báo phải mua SGK gì từ nhà trường. Đồng tình với chị M.H, chị Hiếu cho rằng nếu các trường đều sử dụng một bộ SGK mới giống nhau như cũ thì việc phân phối sẽ dễ dàng hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức), từ danh mục SGK mà TP phê duyệt, các tổ bộ môn rà soát với danh mục SGK mà các tổ bộ môn và nhà trường đã chọn theo quy trình để công khai thông tin đến PH, HS trúng tuyển vào trường. Do năm nay là năm đầu tiên việc sử dụng SGK theo phương thức mới ở bậc THPT nên nhà trường cũng đã lường trước các tình huống để hỗ trợ HS tối đa. Vị hiệu trưởng này cũng nói thêm quan điểm của nhà trường là không làm khó HS, PH và không bắt buộc phải có SGK thì giáo viên mới dạy được và HS mới học được.

Bà Thanh Trúc cũng nhìn nhận thời gian này các trường mới công bố danh mục sách sử dụng trong nhà trường nên có thể các nhà sách chưa có đầy đủ các đầu sách. Bên cạnh đó, cũng tùy thuộc vào kế hoạch kinh doanh của mỗi nhà sách, có khi có bộ sách khác nhau mà không có đầy đủ các bộ sách đã được phê duyệt… Do vậy có thể dẫn đến việc PH tìm sách khó khăn.

Để tránh trường hợp PH phải tìm sách, bà Thanh Trúc cho hay trên fanpage của trường có thông báo và hỗ trợ PH nếu cần thiết. Nhà trường cung cấp link để PH có nhu cầu thì đăng ký theo thông tin HS đã đăng ký nhập học. Bà Trúc cũng nói: “PH bình tĩnh, trong thời gian này khi chưa có SGK bản giấy có thể tham khảo SGK điện tử. Ngoài ra, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên soạn tài liệu giảng dạy, cung cấp nguồn học liệu để HS tham khảo khi chưa nhận được SGK”.

Tương tự, ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cho hay thư viện nhà trường đã gửi thông báo đến PH, nếu cần hỗ trợ về SGK thì đăng ký với thư viện để thư viện liên hệ với các NXB cung cấp sách đến tay HS.